Mở đầu
Xin chào mọi người,
Cách đây 6 năm, sau một quá trình tự mò mẫm cũng như được vô vàn quý nhân phù trợ, mình đã được học bổng toàn phần đi học DH Tufts ở Mỹ. Cuộc đời mình đã thay đổi rất nhiều từ đó, và mình học được rất nhiều điều. Giờ có rất nhiều người hỏi mình kinh nghiệm, mà mình dù rất muốn giúp nhưng không đủ thời gian nên muốn viết một bài viết để chia sẻ.

Đây là những bài học mình học được từ quá trình đi chuẩn bị nộp đơn vào trường DH của Mỹ. Có những bài học làm người từ lúc đó đến bây giờ nghiệm lại càng thấy đúng hơn.
Bài viết này sẽ nói một chút về bức tranh tổng quát của quá trình nộp hồ sơ DH Mỹ này (các tài liệu khác sẽ để ở cuối bài) và một vài cách tiếp cận nó. Quan trọng nhất là mình muốn chia sẻ một góc nhìn khác. Hi vọng rằng nó có thể mang lại niềm hứng khởi cho những bạn có ý định bắt đầu chặng đường này.
Mình đã gặp rất nhiều bạn có tham vọng, ham muốn và thậm chí là sức ép đi du học Mỹ, nhưng những người mình thấy trưởng thành nhiều nhất (dù kết quả như nào đi nữa) là những người luôn nhớ niềm vui mà họ đang hướng tới trong cả quá trình này, từ những lúc thi cử lo lắng căng thẳng cho đến thất vọng buồn bã về kết quả và (hi vọng) những thành công mặn mà.
Giờ nghĩ lại hồi học cấp 3 thấy bản thân mình cần nhất không phải là một người bày chiến thuật cho mình thắng cuộc (dù cũng cần) mà là một người có khả năng thấu hiểu và khai phóng những khả năng tiềm ẩn mình đã sẵn có (“counselor” hoặc “coach”). Ngay cả từ “giáo dục” trong tiếng Anh là “education”, từ gốc Latin là “educare”, có nghĩa là “bring forth”, khai phóng, mang ra cái tiềm năng đã có sẵn bên trong.
Mình hi vọng bài viết này sẽ đóng vai đó một phần cho bạn.
I. Tổng quan: nghĩ thế nào về chuyện du học DH Mỹ?
Đậu DH khó hơn thi hoa hậu!?
Nói một cách máy móc thì quá trình nộp đơn cần các bước: học trên lớp được điểm tốt, thi bài thi chuẩn hóa TOEFL & SAT, có trải nghiệm hay suy ngẫm hay ho một tí để viết bài luận cá nhân, xin thư giới thiệu của giáo viên rồi nộp trên mạng trước ngày hết hạn.
Trước khi đi vào từng phần, mình xin kể chuyện bản thân cho mọi người hiểu được bối cảnh.
Hồi đấy nhà mình không có điều kiện tài chính (đóng $1000/năm thà không đóng còn hơn so với cái giá ngất ngưởng $65000/năm đấy), nghe thì khó khăn nhưng nó cũng làm mọi chuyện đơn giản hơn vì mình xác định ngay từ đầu là được ăn cả ngã về không. Mơ ước thì có mơ ước nhưng xác định là không được thì thôi, không trách ông zời nhà em nghèo 😅.
Cái văn hóa nước Mỹ, đặc biệt là các trường DH, là siêu thích các bảng xếp hạng (tiếng Việt mình gọi là “đua top”). Tạp chí US News những năm 80 sắp phá sản, cần tìm một cái cớ để độc giả chịu đọc thêm nên sáng chế ra vụ bảng xếp hạng các trường top. Từ đấy đến giờ các trường DH và người muốn cho con đi học DH rồng rắn chạy theo việc đua tóp dẫn tới việc lạm phát danh tiếng. Đâm ra việc vào DH giờ thành kiểu thi hoa hậu (Popularity Contest) xem ai nhiều vote hơn vậy. (Các bạn đã từng đi học cấp 2 cấp 3 có để ý các vụ drama rùm beng trai xinh gái đẹp thiên hạ đồn đại, lên báo lên chí rồi cũng biết nhiều mặt trái của sựnổi tiếng rồi đấy)
Một kĩ năng quan trọng mình học được trong quá trình này là nhìn sâu hơn cái bề nổi hào nhoáng. Cái này tiếng Anh gọi là critical thinking, nôm na là nhìn nhận mọi thứ đa chiều hơn. Nhìn vậy xong sẽ biết đặt câu hỏi, mà không phải để phán xét hay phá giá vì ganh ghét mà để hiểu và cảm thông.
Ví dụ có bao giờ bạn tự hỏi mình rằng thực sự thì những con người theo học ở những trường nổi tiếng đó cảm thấy như thế nào? Rồi xem bạn gặp họ xong bạn có nhìn thấy mình mong ước trở thành như họ không? (chưa chắc nhé)
Hồi đấy, một người thầy của mình có nói với mình rằng cách mọi người nhìn chuyện vào DH này như thi hoa hậu này làm biến tướng quá trình vào đại học rất nhiều. Tuy nhiên, chuyện này không phải chỉ có mặt xấu. Trong một cái nền văn hóa mà ai cũng cố gắng thể hiện ra rằng mình hay ho vượt trội hơn người khác từ trong quá trình đi học, rồi hoạt động ngoại khóa, làm hồ sơ v.v.. thi nhiều khi sự chất phác của mình lại là điểm nhấn (nhìn hoa hậu Việt Nam năm nay xem)
Du học như hẹn hò
Một người thầy bảo với mình rằng hãy thử nhìn quá trình vào DH này không phải là thi hoa hậu mà là một quá trình hẹn hò tán tỉnh (dating & courtship).
Ban đầu là giai đoạn chớm nở, rồi giai đoạn tìm hiểu lẫn nhau, hẹn hò mấy bữa thử nhau, rồi nếu thấy thích và hợp mới hứa hẹn cam kết thêm một chặng nữa. Không thể đùng một cái đi cầu hôn ngay được (chưa kể lại còn xin thêm một đống tiền học bổng như kiểu của hồi môn nữa…)
Nhiều khi tư tưởng của mình hơi bị lép vé (“mình cần họ chứ họ nổi tiếng thế thì cần gì mình?”) Tất nhiên nó cũng có phần đúng, nhưng hình dung bạn đi hẹn hò gặp một người hơi sồn sồn “em xinh ơi yêu anh đi nhà anh có 3 tivi” như thế thì… chậc.
Nói về chuyện “không đủ tự tin vì trường ngoài tầm với” hay “các bạn khác giỏi hơn mình rất nhiều”, hãy nói nôm na một tình huống tương tự: bạn ý là hot girl thành thị, còn mình chỉ là anh lính nhà quê. Giả dụ anh này rất muốn tiếp cận và được thân thiết hơn với cô ấy thì phải làm sao?
Đời người trớ trêu, bản thân có những cái nết mình không thấy có gì nổi bật thì người ta lại thấy khác lạ và yêu mến.
Tận dụng thế mạnh
Đâylà một điều mình thấy các bạn ở Việt Nam có thể hiểu và tận dụng. Nguyên tắc chung là biến điểm yếu thành thế mạnh, biến cái phổ biến thành cái đặc biệt.
Ví dụ đầu tiên khá phố biến là về hệ thống giáo dục ở nhà mình. Trong khi rất nhiều người (bao gồm cả mình) phàn nàn rằng hệ thống giáo dục của Việt Nam dở ẹc, bắt con em nhà người ta học vẹt để lấy điểm cao, học xong không để làm gì, sau này đi du học rồi mới thấy là bên Mỹ họ nhìn sinh viên Việt Nam thấy rất ngưỡng mộ, học chăm và rất cần cù chịu khó, không phàn nàn đòi hỏi nhiều. Cái nào đúng không quan trọng, quan trọng là biết cách nhìn để thấy cái mình hay chê trách lại là điểm hay.
Ví dụ thứ hai là về việc thể hiện bản thân. Nói chung (vì không nói cụ thể được) thì người Việt mình không quen việc thể hiện bản thân trực tiếp như các bạn người Mỹ (kiểu tôi là ai, tôi làm chuyện gì và đạt được những thành tích gì). Đúng là mình đang tham gia một cái hệ thống ở Mỹ nên phải học cách thể hiện bản thân theo kiểu người ta.
Cái đấy là điểm yếu nhưng từ góc nhìn khác lại là một điểm mạnh. Kiểu trong một nơi ai cũng phô phô ra hết lại có mình ý nhị có duyên nhiều khi lại được mọi người chú ý. Một ví dụ bản thân: hồi mới sang Mỹ mình lúc đầu choáng vì trong lớp học các bạn Mỹ phát biểu rất nhiều dù chất lượng mình đánh giá không ra gì lắm. Các bạn châu Á nói chung rụt rè hơn nên hay thấy lép vé. Đến lượt mình được nói mình im lặng một chút rồi rất chầm chậm phát biểu (run mà). Ai dè lại được thầy cô và một vài người bạn để ý. Mình ít nói hơn mọi người nên khi nói mọi người lại tập trung nghe!
Tương tự như thế, mình dù không giỏi khoe nhưng lại khéo, nên nhớ giữ cái sự khéo léo đặc trưng của mình.
Phải hành động…
Quay trở lại với anh lính nhà quê của chúng ta: anh ta có thể hiểu được vẻ đẹp chất phác của mình, nhưng không ngồi nhà mơ tưởng viển vông được. Anh phải tìm được cớ để gặp – không gặp sao người ta biết mình? Trong mắt cô ấy anh ta phải là một người cũng giông giống cái dạng người cô ấy hay gặp mà vẫn có cái chân chất đặc trưng của mình. Khác quá thì cô ấy sợ mất dép, mà giống quá thì lại nhạt.
Mang cái ví von này vào chuyện vào DH Mỹ có nghĩa là bạn vẫn phải học được điểm tốt, thi các bài thi chuẩn hóa tốt, có thư giới thiệu đàng hoàng Việc đầu tiên phải làm là cho mình giống cái hội mà ban tuyển sinh hay nhắm tới) rồi sau đó bạn sẽ bộc lô vẻ đẹp đặc biệt của mình.
Cái hiện tượng này gọi là “conceptual slot”, tức là trong đầu mỗi người, bao gồm cả nhà tuyển sinh, có những cái khuôn có sẵn chỉ đợi thông tin nào giống giống thì sẽ xếp vào. Ví dụ trong đầu ban tuyển sinh đang cần một bạn học sinh từ một quốc gia Đông Nam Á hay châu Phi có xuất thân khác hẳn với các bạn học sinh Mỹ để đảm bảo sự đa dạng trong số học sinh. Từ góc nhìn của thí sinh nộp đơn, để được xếp vào cái ngăn như vậy trong đầu của ban tuyển sinh thì người đọc hồ sơ bạn cần phải trước hết nghĩ là “À, bạn này chăm chỉ và học tốt”, xong rồi người ta mới tìm hiểu kĩ hơn “À, bạn này đến từ Việt Nam, hoàn cảnh đặc biệt mà lại là chuyên gia chơi con lắc Yoyo” (ví dụ của một đứa bạn của mình) mới có điểm độc đáo để người ta để ý.
..nhưng hãy tìm hiểu từ từ
Nói đi rồi cũng nói lại, mình cũng không phải là con người quá cạnh tranh, cũng chẳng thích chinh phục ai cả nên thay vì đặt câu hỏi “làm thế nào để cưa đổ cô ấy” thì hỏi chính mình là “làm thế nào để biết được cô ấy với mình hợp với nhau không?”
Câu trả lời là phải thử từng bước… Bạn nói chuyện với ai ở trong trường chưa? Vì chúng ta thường không đủ điều kiện sang tận đấy thăm trường, có cách nào khác để tìm hiểu không? Bạn biết ai đang hoặc đã từng đi học để hỏi? (xem thêm phần Đào sâu ở dưới)
Định nghĩa lại sự thành công
Nhìn nhận theo cách “du học như hẹn hò” này mình hiểu ra rằng thành công không chỉ là đăng quang lên ngôi vị hoàn vũ. Thành công còn là hiểu nhau và hiểu chính mình hơn. Đôi khi quyết định đưa ra từ cái sự thấu hiểu đó có thể sẽ là “không, chúng ta không hợp nhau đâu”.
Nói bên lề một chút, cái này cũng áp dụng nhiều trong cuộc sống, đặc biệt là khi mình bị từ chối. Bản thân mình bị từ chối khá nhiều rồi, và mỗi lần mình phải tự nhủ không nhìn nhận chuyện đó là mình kém cỏi hay là dè bỉu người ta “chảnh”. Đôi khi chỉ đơn giản là không hợp nhau tại thời điểm này thôi. Buồn thì có buồn (bỏ bao công sức cố gắng mà) nhưng đỡ hơn.
Ví dụ là hồi đấy mình nộp Early Action trường Yale, si mê lắm, ngâm cứu nhiều lắm, càng ngâm cứu càng bồ kết luôn. Đến ngày nhận kết quả trượt và vỡ mộng cũng buồn tan nát mấy hôm, nhưng sau này thấy cái đấy giống một vụ cảm nắng hơn là một tình yêu… Sau này qua bên Yale chơi thăm bạn thấy đúng là cảm nắng thật và về đến trường của mình thấy càng yêu trường mình hơn 😛. Có những người không đỗ được ngôi trường top mình mong muốn mà sau 4 năm vẫn đăm đăm chán chường ngôi trường hiện tại của mình, chỉ mơ mộng đến cái ngôi trường suýt
II. ĐÀO SÂU
Chuẩn bị trước khi cần chuẩn bị: động viên tinh thần
Nhớ lại trải nghiệm bản thân, mình thấy từ ngày mơ ước đi du học cho đến khi nó nảy nở thành sự quyết tâm rõ rệt cũng gần ba năm. Chuẩn bị hồ sơ, bài thi, bài luận mất thời gian, nhưng mình thấy chuẩn bị tinh thần mất thời gian nhất…
Quá trình chuẩn bị vào DH ở Mỹ này có rất nhiều thử thách và yêu cầu một sự trưởng thành nhất định về mặt tâm lý, đặc biệt là nếu bạn không có nhiều sự trợ giúp của gia đình hay những người am hiểu về nó. Từ tự động viên bản thân để nỗ lực qua những chướng ngại đến việc hiểu chính mình hơn để biết cách thể hiện bản thân v.v Điều gì sẽ giúp bạn tiếp tục?
Một yếu tố tinh thần đã giúp mình nhiều nhất là luôn nhớ về nơi bắt nguồn niềm cảm hứng.
Thử tự đặt câu hỏi cho chính mình: lần đầu tiên bạn nghĩ đến chuyện đi du học DH ở Mỹ từ khi nào? Khoảnh khắc đấy đến từ đâu? Có phải là hồi lớp 5 nghe mẹ kể có một người họ hàng có con đi du học? Hay xem phim “Chuyện tình Harvard”? Hay đọc một bài viết của ai đấy 😊? Hay là tham gia một hoạt động gì đấy gặp được một người lớn tuổi, nghe nói họ đi du học rồi về nhà tra Internet mới biết cái trường họ tốt đến mức nào? (chuyện thật của mình)
Mình nhớ hồi đó có những hôm bài vở nặng nhọc, thi cử không ra gì, hoạt động ngoại khóa gặp nhiều chướng ngại, nghĩ nát óc chưa ra ý tưởng cho bài luận, bạn bè xung quanh đầy tính cạnh tranh, rồi chưa kể phải nghiên cứu trường v.v..
Những lúc thê thảm thế mình ngồi một mình, nhớ lại lần đầu tiên cuối lớp 8 trong tiết Tiếng Anh cô giáo nói về học bổng chính phủ Singapore. Rồi lần đầu tiên đầu năm lớp 11 ở Singapore khi nghe tin một anh học khóa trên đỗ vào một trường DH ở Mỹ với học bổng toàn phần.
Trước đây mình đôi khi nghe bâng quơ về chuyên du học thôi, nhưng những giây phút đầu tiên đấy đã giúp mình dám tin vào điều mình chưa từng bao giờ dám mơ. Bạn cũng sẽ có những giay phút như vậy. Những khoảnh khắc đó giống như một hạt giống tinh thần, cần phải được nuôi nấng chăm sóc để sau này nó tỏa bóng mát che cho mình. Dành thời gian suy tưởng, viết ra giấy, kể cho người thân, cách nào cũng được. Nó sẽ giúp bạn rất nhiều cho quá trình này và cả sau đó nữa.
Nuôi dưỡng hứng thú ban đầu là một phần quan trọng trong cả quá trình dài hạn này. Phần còn lại là sự nỗ lực để đào sâu. Đối với phần này, yếu tố kỉ luật rất quan trọng. Hồi học cấp 2 cấp 3 mình rất không thích chuyện phải học hành nghiêm ngặt quy củ, nhưng công nhận là môi trường “đi học như đi lính” cũng rèn cho bản thân nền nếp tốt, có thể theo sát thời gian biểu, tung hứng những việc cần làm khác nhau.
Đào sâu vào quá trình nộp hồ sơ.
Mình là một đứa hay đặt câu hỏi với bất kì điều gì mọi người bảo “phải làm”. Tại sao phải làm thế? Có cách nào tốt hơn không? Có cách nào đi cửa sau thay vì cửa chính không?
Bài học lớn mình học được từ quá trình này là có những chướng ngại vật mà bạn bắt buộc phải đối đầu trực tiếp (thay vì lách qua).
Ví dụ, hầu hết các trường sử dụng hệ thống Common Application và yêu cầu bạn phải có điểm phẩy ở trường, phải có điểm TOEFL, phải có điểm SAT (mặc dù có thể google tìm “schools who don’t require SAT scores”) Có nghĩa là bạn phải ngồi cầy cuốc rất nhiều. Hồi đấy mình chán chường cái chuyện học để thi này lắm, nhưng nghĩ đến cái mục đích cuối cùng mình đành chấp nhận và tìm cách để cho việc cầy cuốc này đỡ chán hơn.
Tuy nhiên, một điều mà các bạn ở nhà mình hay mắc phải, đặc biệt là các trường công, là quá tập trung vào vượt qua chướng ngại vật mà quên mất cái đích đến… Có những bạn giỏi thi và thích thi được điểm cao nên cố gắng thi tiếp hoài để có những điểm số hoàn hảo nhất có thể. Trừ khi chiến thuật của bạn là đoạt giải cao trong các kì thi quốc tế, các cuộc thi chuẩn hóa TOEFL, SAT hay cả bài kiểm tra trên lớp đều không cần đạt đến điểm gần tối đa.
Đủ là được, nhưng thế nào là đủ?
Nhìn chung, mỗi trường trên trang College Board sẽ ghi ra một vài yêu cầu chung. Ví dụ điểm SAT trung bình của các bạn nhận vào trường Tufts 1350-1500. Trừ khi bạn có một thế mạnh cực kì đặc biệt như kiểu giải nhất một kì thi quốc tế (quốc gia đôi khi không xi nhê) hay tự tay xây dựng một dự án nghiên cứu hay xã hội siêu quy mô nào đó, mục tiêu của bạn nên vào khoảng ở nửa trên về mấy bài thi chuẩn hóa này.
Nói nôm na là điểm số là vòng gửi xe, qua được vòng đấy rồi thì bộ hồ sơ của bạn mới được đánh giá tổng thể. Công nhận là đời không công bằng, có những bạn có điều kiện được học lò thi điểm cao, có những bạn không được. Cái này mình chỉ hi vọng bạn tin vào việc ông trời sắp đặt, rồi chấp nhận và cố gắng trong hoàn cảnh của mình thôi.
Đào sâu vào trường
Như câu chuyện hẹn hò ở phía trên, chọn trường là một câu chuyện dài và có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng,
Hồi đấy mình suy nghĩ khá đơn giản, chỉ chọn trường nào có hỗ trợ tài chính nhiều thì đi. Nhiều bạn ban đầu chọn trường về thứ hạng hay có cái ngành mình thích học không. Mình thấy nếu bạn suy nghĩ toàn diện hơn về việc học (“học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”, theo lời Bác Hồ dạy) thì có một vài yếu tố khác sau này đi Mỹ rồi mới thấy quan trọng mà trước không biết để cân nhắc.
Giờ mình có kinh nghiệm hơn nên chia sẻ cho các bạn vài câu hỏi để suy ngẫm. Không có câu trả lời đúng, nhưng hãy thử đoán nhé.
Câu hỏi đầu tiên mang tính thực tế: bạn có là siêu nhân không? Ý là điểm học hành & SAT khủng, giải quốc tế hoặc ít nhất đứng đầu quốc gia, tài năng cầm kì thi họa được trao thưởng thực sự hoành tráng hay xây dựng một tổ chức phi chính phủ có hàng trăm tình nguyện viên? Câu hỏi này sẽ giúp bạn áng chừng được ngưỡng của trường.
Câu thứ hai: Bạn thích làm cá nhỏ trong đại dương lớn hay là cá to trong ao? Chọn trường Liberal Art mỗi khóa 300 bạn học sinh như Swarthmore hay trường công trong thành phố lớn với 5000 bạn như Missouri State hay một trường ở giữa với 1200 bạn như Tufts? Có người thích sự thân mật, học được 3 năm biết hết mặt cả trường, có người thích luôn luôn có điều gì mới mẻ v.v..
Câu hỏi thứ 3: Trường ở thành phố nhộn nhịp hay nơi đồng quê xa xôi hẻo lánh? Thời tiết nắng nóng hay dễ chịu hay tuyết lạnh cong gần nửa năm như ở Boston? (hai yếu tố này sau này cá nhân mình thấy rất quan trọng)
Vì bây giờ hệ thống nộp hồ sơ Common Application online đơn giản chỉ cần bấm nút một cái là nộp được, (cùng lắm là viết thêm một vài bài luận phụ cho các trường khác nhau), nên bây giờ mọi người nộp đơn như trải thảm 8 đến 10 trường, có khi còn hơn. (Mặc dù lệ phí nộp mỗi trường là $75, bạn có thể xin nhà trường viết thư xin miễn)
Chiến thuật chung mà rất nhiều người sử dụng là chia trường theo nhóm, từ Siêu Khó, Tương Đối Khó, tới Trung Bình và Dễ.
Tuy nhiên, kể cả trong mỗi nhóm như vậy có rất nhiều điểm khác biệt, đặc biệt là những trường xếp hạng cao: Brown với Princeton khác, Harvard với Colombia khác, Tufts với Middlebury khác. Vì thế nên chuyện nghiên cứu dò xét xem trường có hợp với mình không rất quan trọng.
Làm thế nào để biết xem có hợp nhau không? Mà như thế nào là hợp? Tư tưởng hồi đó của mình là “ui dời cứ nộp hồ sơ, đã được nhận tính sau”. Giờ nghĩ lại thấy nếu mình có thể tìm hiểu kĩ hơn từ trước thì sẽ đỡ tốn thời gian sau này hơn nhiều. Hai điều cần chú ý:
Đi du học không chỉ có mỗi học: bạn phải hình dung là đi du học DH ở Mỹ không chỉ có nghĩa là đến lớp ngồi nghe giảng mà còn là cả cuộc sống ở đó 4 năm nữa, những điều mà học sinh cấp 3 ở nhà khó tưởng tượng được. Điều này có nghĩa là những yếu tố địa điểm, thời tiết, trường lớn hay nhỏ đều rất rất quan trọng.
Tin thì tin nhưng hãy kiểm chứng: bạn vào trang web của trường rất đẹp, nghe ban tuyển sinh nói thì cực kì hay, tuy nhiên nên nhớ câu “đẹp đẽ thì phô ra, xấu xa thì đậy vào”. Nên tìm hiểu kĩ hơn từ những bạn đang học trong trường.
Một cách khá hữu dụng là cứ email hỏi thẳng một bạn nào đó trong trường. Vào blog hay báo của nhà trường đọc, xem thấy chủ đề gì hay hay thì tìm email của họ ở trên mục School Directory trên trang web trường, gửi một cái email chia sẻ về hứng thú của mình, bảo mình là một bạn học sinh người Việt Nam không có điều kiện sang trường thăm nên muốn gọi điện hỏi.
Nếu bạn lịch sự và thành tâm, khả năng cao sẽ có người trả lời (hình dung bạn là một học sinh Mỹ da trắng tự dưng thấy một cái email của một bạn người Việt Nam từ nửa bên kia trái đất!)
Nhớ hỏi mấy câu hỏi sau
- Điều gì thích nhất ở trường?
- Điều gì thấy không thích nhất, không như kì vọng ban đầu của mình nhất?
- Quá trình của bạn đến với trường là gì? Điểm gì đặc biệt của nhà trường làm bạn chọn nó?
Sau đấy nhớ cám ơn họ hay gửi một cái email, người ta đã mất thời gian chia sẻ cho mình. Biết đâu đấy, bạn lại nghe được tin là trường có một suất học bổng đặc biệt dành cho các bạn học sinh có hoàn cảnh hay có đóng góp cụ thể nào đó.
(ghi chú: đây cũng là kĩ năng tìm việc sau này, nên áp dụng từ bây giờ sẽ không thừa nhé)
Nếu không có thời gian hỏi chuyện người cụ thể thì ít nhất là đọc thêm về trường, đặc biệt là những viện nghiên cứu hay trung tâm nhỏ ở bên trong mà bạn có thể quan tâm tới.
Ví dụ bản thân là hồi đó mặc dù mình cũng nộp đại 8 trường nhưng rất thích trường Tufts. Hồi đó trường Tufts có một cái Insitute of Global Leadership mình rất quan tâm và tìm hiểu. Tới trong bài luận của mình cho trường cũng đề cập đến đó. Sau khi vào trường rồi mình cũng dành khá nhiều thời gian ở đây. Mình muốn tin là trường cũng thích mình vì mình đã chịu đầu tư thời gian để tìm hiểu kĩ lưỡng thay vì nộp đại 😊
Đào sâu chính mình – Bài luận
Bài luận cá nhân là một trong những thứ nhiều người thấy khó nhất, đặc biệt là các bạn Việt Nam nhà mình. Đối với rất nhiều bạn, đây sẽ là lần đầu tiên có người quan tâm tới câu chuyện của chính mình. (“Cái gì? Chuyện đời tui? Tui sáng đi học chính chiều đi học thêm tối làm bài tập, có cái gì hay ho nữa đâu?”) Chưa kể người châu Á nhà mình có cái nét rất duyên là không đi thẳng vào vấn đề mà kể chuyện lòng vòng, rồi hay ngại chuyện khoe chính mình. Càng lớn mình càng yêu việc kể chuyện, nhưng trong khuôn khổ 500-600 chữ của bài luận này thì chỉ kể được một phần thôi.
Có rất nhiều cách tiếp cận và chiến thuật cho mấy bài luận này mà người ta viết vài cuốn sách cũng chưa hết. Nếu mình chỉ được phép đúc kết thành một từ thì nó sẽ là “Chiều sâu”. Bài luận chắc chắn sẽ không diễn tả lại cái Resume (sơ yếu lí lịch và các giải thưởng này nọ) rồi. Thay vào đó nó sẽ là trải nghiệm và suy nghĩ thực sự của bản thân, có độ sâu, thể hiện một mặt khác của chính mình mà điểm số và thành tích không nói tới được.
Về phần kinh nghiệm đào sâu, điều thứ nhất là đào sâu để hiểu động lực của chính mình.
Tại sao bạn muốn đi Mỹ? (xem phần “Động viên tinh thần”) Bạn xem phim hay nghe ai đó kể là hệ thống giáo dục của Mỹ tốt? Bạn quá chán chường những thứ ở nhà và mơ ước được nhìn thấy một chân trời mới? Bạn có nỗ lực học giỏi và phấn đấu vì gia đình nghèo muốn vươn lên?
Khả năng là mỗi chúng ta có rất nhiều động cơ, từ cái cao siêu nhất (“học để thay đổi thế giới”) cho đến tầm thường nhất (“chán việc cày cuốc ở nhà lắm rồi”). Trước đây mình đánh giá các động cơ này có cái đúng hoặc sai, nhưng bây giờ mình thấy quan trọng nhất là bạn hiểu mình rõ hơn.
(bật mí: hồi trước bài luận của mình viết về những mâu thuẫn nội tâm, tại thấy họ hàng hay nói một cách thương hại “thằng Khuyến tội nghiệp nhưng đáng khâm phục, nhà nó có hoàn cảnh mà nó thương mẹ nên nỗ lực phấn đấu” trong khi mình chỉ thấy mình cũng chả thương mẹ đến thế (nghe hơi bất hiếu…), chỉ thấy thương mình khổ, muốn vươn tới một chỗ nào đấy được học và tìm hiểu theo ý muốn của mình thôi. Bài luận không hay lắm, nhưng ít nhất là quá trình viết giúp mình hiểu mình hơn rất nhiều)
Điều thứ hai là đào sâu để hiểu được trải nghiệm của mình có bài học ẩn chứa là gì.
Đây là một bài tập nhỏ, bạn có thể làm với một người bạn thân hay người thân của mình. Liệt kê một vài chủ đề hay câu chuyện bạn muốn viết cho bài luận rồi chọn đại một cái. Xong rồi người kia lắng nghe và chỉ đặt 5 câu hỏi tại sao. “Tại sao cậu muốn người khác biết đến điều này về mình? Tại sao điều này quan trọng với cậu? Tại sao? Tại sao? Tại sao? Tại sao? Tại sao?” (nhớ hỏi nhẹ nhàng, không phải tra khảo điệp viên nhé)
Hỏi đến khi nào không trả lời được mà bạn bắt đầu rưng rưng nước mắt thì xin chúc mừng, bạn đã tìm được đề tài cho bài luận của mình rồi.
Thư giới thiệu: quen biết & cơ hội
Đây là một câu hỏi rất nhiều bạn đã hỏi mình: trong bô hồ sơ đi ĐH Mỹ, thư giới thiệu quan trọng như thế nào?
Câu trả lời là còn tùy. Càng lên cấp càng cao (cao học, tiến sĩ) thư giới thiệu càng quan trọng. Ở bậc đại học, trừ phi thư giới thiệu nói đến một góc nhìn hoàn toàn khác về bạn, còn không thì cũng không tác động gì nhiều lắm.
Tuy nhiên, nếu bạn quen ai đấy ở trong trường hoặc những người từng ở đó và có tầm ảnh hưởng và họ có thể viết thư giới thiệu cho bạn, khả năng được nhận sẽ tăng lên. Lúc đầu mình nghe đến chuyện này thấy cũng hơi bất công. Chiến thắng bằng đúng thực lực của mình mới xứng đáng chứ! Tưởng phương Tây mà cũng có chuyện “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ” à?
Sau này mình nghĩ lại thấy nó cũng có lí. Xã hội vận hành được là dựa trên các mối quan hệ. Công ty có thêm việc thì lúc đầu cũng tìm người trong công ty để gánh bớt, không tìm được thì tìm bạn bè của người trong công ty rồi cuối cùng mới đăng thông tin tuyển việc cho bên ngoài nộp hồ sơ vào.
Tất nhiên lạm dụng cái này quá sẽ thành quan liêu, mua danh bán chức. Sự thật là nếu gia đình bạn có thể đóng góp cho trường một núi tiền để xây dựng cơ sở vật chất thì khả năng được nhận sẽ tốt hơn (tất nhiên vẫn phải nỗ lực) Tuy nhiên, dùng đúng cách thì việc quen biết giới thiệu này có mặt tốt của nó.
Lí do thứ nhất là mối quan hệ giúp bước sàn lọc đầu tiên dễ hơn.
Hình dung ban tuyển sinh hàng năm có hàng chục ngàn hồ sơ thí sinh, mỗi người không chỉ là một con số mà còn bài luận, hồ sơ v.v… sàng lọc là việc mệt nhất. (Hồi còn ở trường mình qua thăm ban tuyển sinh đợt cao điểm thấy có người có đêm thức trắng, ai cũng uống cafe liên tục…) Nôm na như chuyện mai mối, nếu làm tốt sẽ giúp chọn được trường và thí sinh hợp với nhau. Yếu tố phù hợp với môi trường rất quan trọng. Người đã từng hoặc đang ở bên trong một trường DH mà có quen biết một thí sinh sẽ hiểu rõ hơn nếu thí sinh này có hợp với môi trường không vì họ đã từng trải qua rồi. Chuyện này xảy ra rất nhiều, thậm chí mình đã từng nghe (lỏm) một vài người lớn nói về chuyện con cái “bạn này là dạng Harvard” hay “kiểu bạn này sẽ không hợp ở Tufts”.
Lí do thứ hai là một vài mối quan hệ sẽ có giá trị đóng góp tri thức cho nhà trường ngay từ đầu. Ví dụ nếu bạn biết được một giáo sư nào đấy làm công trình nghiên cứu mà bạn thực sự hứng thú, bạn có thể gửi email hỏi thêm rồi xin tình nguyện xem có giúp những việc gì được không.
Tất nhiên mình phải có hứng thú thật, và phải làm được việc thật thay vì làm thêm gánh nặng của người ta. Nếu chiến thuật này làm tốt, có thể sự đóng góp của bạn sẽ được ghi nhận và bác giáo sư này còn có thể viết thư giới thiệu cho bạn. (Chưa kể bạn có thể biết được cái mình hứng thú muốn làm, một thành công lớn ở độ tuổi ẩm ương mười tám đôi mươi này!)
Điều kiện cần là người ta thực sự nhìn thấy những gì bạn có thể hoặc đang đóng góp. Họ cũng có tên tuổi để mất nên không giới thiệu suông được. Nếu họ giới thiệu bạn xong rồi bạn không được tốt như vậy, người ta cũng mang tiếng chứ.
Đây là một chiến thuật tốt được sử dụng nhiều trong quá trình nộp hồ sơ bậc cao học và tiến sĩ khi công việc nghiên cứu quan trọng hơn. Mặc dù vậy, mình cũng biết một vài người bạn đã từng được nhận vào bậc DH với cách này. Thử hình dung một bạn học sinh 18, 19 tuổi có một cái đóng góp được giáo sư trong trường công nhận nó hoành tráng như thế nào!
Không nhất thiết là công trình nghiên cứu khoa học mà các hoạt động khác có khả năng đóng góp thêm cơ hội cho trường đều được. Ví dụ, có một người bạn khác của mình có một tổ chức phi chính phủ ở Afganishtan, trước khi được nhận vào trường bạn ấy đã chủ động liên lạc và đề xuất với trường để thiết kế các hoạt động trao đổi học sinh thực tập với tổ chức của bạn ấy.
(Mình nghe xong hơi choáng, kiểu tại sao mình chả có gì mà được học cùng trường với những người hàng khủng như vậy, nhưng cũng coi như đó là một niềm cảm hứng. Đúng là một trong giá trị lớn nhất khi đi học ở những ngôi trường danh tiếng là chất lượng đầu vào: có những người đã đạt được rất nhiều điều hay ho)
Kết: Phó mặc cho trời
Giờ cũng sắp đến lúc nhiều bạn nhận kết quả Regular Decision của các trường, mình xin phép được chốt lại bằng một câu chuyện nhỏ.
Hồi cấp 3 học ở Singapore, mình định nhờ thầy dạy môn Vật Lý viết thư giới thiệu. Lí do là mình học môn này tốt, mỗi tội mình không hợp với thầy ấy lắm. Thầy ấy rất tốt, mỗi tội là dạy lúc nào cũng chăm chăm hướng vào nội dung cho bài kiểm tra. Có mấy lần mình muốn hỏi để hiểu thêm thầy ấy bảo “Don’t worry, it won’t be in the exam” mình thấy thật là không đúng tinh thần giáo dục.
Mà cứ không hợp là mình sẽ quậy trong lớp, hết nói chuyện riêng thì làm việc riêng… Nhớ đến cái giây phút lần đầu tiên mình nhắc đến việc nhờ thầy viết thư giới thiệu, thầy ấy không mảy may mà nói lạnh tanh “Ok, I’ll do it”. Lúc đấy thấy trong lòng chùng xuống, nhưng mà lỡ hỏi rồi chẳng lẽ xin rút lại..
Xong rồi cũng quên bẵng. Sau này được nhận vào Tufts rồi, có hôm đi ăn kem nói chuyện với anh Daniel ở bên tuyển sinh anh ấy kể “Anh vẫn nhớ bộ hồ sơ của chú, cái thư giới thiệu của thầy dạy Vật Lý là lí do quyết định giúp chú được nhận vào đấy.”
Mình choáng, hỏi sao lại thế, anh ấy mới kể tiếp: “Lần đầu đọc cái thư này anh không biết là thư giới thiệu hay là thư phàn nàn.. thấy thầy ấy có ghi là “Bạn Khuyến lực học tốt, tuy nhiên đôi khi làm phiền thầy không đúng lúc, ví dụ như đang giờ giải lao thầy đang ngồi trong căng tin mà bạn cũng sấn lại hỏi những câu hỏi không quá liên quan đến chương trình học”. Anh đọc đến đoạn này xong thấy chú có vẻ là một đứa suy nghĩ độc lập, chịu đi theo hứng thú của chính mình, đặc biệt đáng ghi nhận trong một môi trường quy củ nhưng Singapore nên thấy chú hợp với trường”.
Nghe mà mát hết cả lòng cả dạ. Sau khi đỗ DH mình có gửi email cảm ơn thầy dạy Lý, nhưng đến bây giờ vẫn chưa dám hỏi thầy là thầy cố tình viết như vậy hay là thật lòng thầy thấy em nghịch như thế…
Bài học rút ra được từ câu chuyện này là đời không biết đâu mà lần, chuyện tưởng xấu thành tốt, chuyện tưởng tốt thành xấu!
Không thành công thì cũng thành nhân
Tất cả chúng ta ai cũng có quyền mơ ước, nhưng thực tại là đất ở các trường đại học ở Mỹ (đặc biệt là mấy nơi cho hỗ trợ tài chính) thì chật mà số người muốn vào thì đông. Cái khó là làm thế nào để vừa mơ ước và cố gắng hết mình mà vừa chấp nhận cái thực tại éo le đấy. Câu hỏi này bạn phải tự hỏi chính mình.
Mình nhớ hồi đấy tự dặn dò bản thân (không hiểu sao hồi đấy mình già dặn thế hí hí), “Không thành công thì cũng thành nhân”. Quyết tâm sống cho trọn vẹn, không chỉ coi chỗ này làm bàn đạp cho nơi khác. Sau cả quá trình tìm hiểu trường và tự hỏi bản thân mình như thế mình trưởng thành hơn nhiều và có khả năng đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn. Ít nhất là như thế đã, hehe.
Chúc các bạn may mắn và có nhiều trải nghiệm đáng giá, cả niềm vui lẫn nỗi buồn, trong cả quá trình này.
Tháng 3/2019, TPHCM,
Thân,
Khuyến.
Một vài nguồn thông tin hữu ích
- Writing college application essay from MIT Admission blog
- Collleges That Change Life: một trang có những trường rất tốt nhưng không xếp cao trên bảng xếp hạng.
- Sách và các bài viết của anh Trương Phạm Hoài Chung – những bài viết rất hay, gần gũi nhưng đầy thông tin bổ ích.
- How to be a high school superstar: một cuốn sách nhiều chiến thuật rất hay của tác giả Cal Newport, đặc biệt là cho những người không thích học cày cố và cắm mặt làm tất cả các thứ để giúp mình vào DH.
Hi Khuyến,
Lâu rồi mới thấy cậu viết bài. Hôm qua đọc xong bài “Du học chọn trường như hẹn hò chọn người yêu” làm mình định ngủ trưa trước thềm đi học, cuối cùng thì bay mất giấc ngủ để mà… cười rồi tươi tỉnh đi học luôn. Mình thì không có dự định đi đâu để học xa đến thế (dù tuổi đời cũng chẳng còn nhiều cơ hội để đi xa đến thế), cơ mà trong bài mình lụm được nhiều điều khá hữu ích, nếu suy ra xa thì có thể ứng dụng được vào nhiều thứ trong cuộc sống, không riêng gì chuyện du học, thú vị cậu nhỉ? 🙂
Mình thích định nghĩa thành công của cậu. Vài tuần trở lại đây mình cũng vừa thấm thía “Thành công còn là hiểu nhau và hiểu chính mình hơn”. Có lẽ trước đây khi nghe câu “Hạnh phúc không phải là đích đến mà là một cuộc hành trình”, mình đã chưa nghiệm nó thật sâu sắc, tất nhiên, mình đang nghiệm câu cậu nói trong… lĩnh vực tình cảm chứ cũng không mấy liên quan đến vụ chọn trường đi du học đâu nha (so sorry :)))
Một ý nữa cũng hay, là “Điều gì sẽ khiến mình tiếp tục làm điều này?”. “Hãy nhớ về nơi bắt đầu niềm cảm hứng”. Thật tuyệt! 🙂 Nó cũng tương tự câu mình hay nói với bản thân khi muốn từ bỏ một điều gì đó, hãy nhớ về lý do mình đã bắt đầu.
Dù vậy, có những thứ, thật khó để có thể tiếp tục dù vẫn nhớ về lý do vì sao mình muốn có nó, có lẽ sự cố chấp của mình cũng là một dạng động lực bám dai để mình không từ bỏ. Nhưng thật sự, để cố gắng làm một việc gì đó đơn giản vì mình yêu cái cảm giác, cảm xúc mình nhen nhóm ý định có nó ở những phút giây đầu tiên, thật là một điều đẹp đẽ dễ thương,… Chỉ tiếc là, trong vài trường hợp, có lẽ mình đã quên mất cảm giác ấy rồi… 😦
Trước đây mình nghĩ mình là một người rất hiểu bản thân, nhưng có một khoảng thời gian chỉ mới cách đây vài ngày, mình bỗng bị tụt động lực và mất đi khả năng nhận thức bản thân ghê gớm. Mình nhận ra những việc mình đang làm, những thứ mình đang cố gắng là vì điều gì vậy? Mình không rõ…
Có phải, mình đang chạy theo ước mơ của ai khác chăng? Mình không biết…
Như việc đi du học là một ví dụ điển hình, khi xung quanh mình người người đi học, nhà nhà đi học. Ai cũng bảo còn trẻ nên mới phải đi, mình đã nghĩ nên chăng mình cũng nên đi? Không đi học thì đi làm ở nước ngoài cũng được? Nhưng đó có thật sự là điều mình mong muốn không? Mình có thể không? Mình thật sự bối rối…
Đến sau này, khi đi làm, mình mới được quyền quyết định và làm nhiều thứ quan trọng theo ý mình, không cần quan tâm đến suy nghĩ của ai khác. Cũng những năm tháng này, mình mới nhận ra bản thân mình thật sự là người như thế nào? Cũng ngang bướng, ngược đời, đặc biệt, chẳng giống ai, cũng không ngừng đặt câu hỏi, tự biện hộ rồi tranh luận với chính mình, ngay cả những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhất mình cũng sẽ suy nghĩ và đào thật sâu… cho ra ngô ra khoai mới thôi. :)) Ah, mà mình chỉ làm vậy trong suy nghĩ của mình để hiểu sâu sắc thêm về thế giới, chứ không phải để xét nét hay phán xét người khác đâu nha.
Đang chênh vênh vài ngày như thế thì bắt gặp email bài viết này của cậu, nghĩ cũng hay, vì ít nhất là cho mình lại mood để mà tiếp tục cày cuốc và sống lạc quan hơn với cuộc đời. Mình nhận ra những gì ở mình xem là tầm thường, là không có gì đặc biệt, biết đâu lại là “khác lạ” và được “yêu mến”, phải không?
Mình học được ở cậu bài học sống là chính mình. Nuôi dưỡng, phát triển suy nghĩ, ý tưởng cá nhân, tư tưởng độc lập không pha lẫn và dám nói lên chính kiến của bản thân mình. Mình thấy như thế mới là cá tính, là bản sắc riêng đáng giá mà không phải ai cũng có được, để sống một cuộc đời nhiều màu sắc, thú vị và ý nghĩa.
Có lẽ con đường mình đi vẫn đang đúng, chỉ là mình nên chậm rãi tận hưởng trong từng bước đi nhiều hơn và bớt lo lắng, gấp gáp tìm kiếm mục tiêu của cuộc đời khi vẫn chưa tìm ra được, cậu nhỉ?
Đã hiểu là thế rồi mà cứ hay bị bệnh hoang mang… :)) lâu lâu lại tự ngơ mà không tin tưởng vào những điều mình đã từng tin tưởng.
Cảm ơn cậu về một bài viết hay và hữu ích. Mình sẽ share nó cho những ai đang cần.
Cũng cảm ơn cậu vì đã cho mình thêm sức mạnh để tiến về phía trước.
Chúc cậu tuần mới phấn khởi với thật nhiều niềm vui!
T.K
Cám ơn K, một comment rất dài và nhiều tâm sự 🙂
“mình đang nghiệm câu cậu nói trong… lĩnh vực tình cảm chứ cũng không mấy liên quan đến vụ chọn trường đi du học đâu nha (so sorry :)))”
=> vụ này mình cũng nghiệm ra từ vụ tình cảm trước xong rồi ngẫm lại mới thấy hồi mình chọn trường cũng sử dụng bài học này (nhưng lúc đấy chưa biết cách gọi tên ^^)
“Nhưng thật sự, để cố gắng làm một việc gì đó đơn giản vì mình yêu cái cảm giác, cảm xúc mình nhen nhóm ý định có nó ở những phút giây đầu tiên, thật là một điều đẹp đẽ dễ thương,… Chỉ tiếc là, trong vài trường hợp, có lẽ mình đã quên mất cảm giác ấy rồi… 😦”
=> những lúc đắn đo dằn vặt này là những lúc thử lửa cho tình yêu của chính mình nhất – không chỉ là cảm giác sung sướng nhất thời mà là một động lực đến từ rất sâu. Ví dụ như việc viết lách & bản thân mình: đã rất nhiều giai đoạn dằn vặt tự đặt câu hỏi “nếu mày thích viết sao mày ko viết nhiều hơn? sao mày ko làm nhà văn” :))
“Mình nhận ra những việc mình đang làm, những thứ mình đang cố gắng là vì điều gì vậy? Mình không rõ…
Có phải, mình đang chạy theo ước mơ của ai khác chăng? Mình không biết…”
=> sự không biết là nơi cái biết thật sự bắt đầu.. lâu lâu phải đảo lộn cái biết về bản thân của mình đi 1 chút để mình không dính vào 1 cái hình ảnh cụ thể. Ví dụ của mình là có 1 thời gian tự đặt câu hỏi “Tại sao mình phải làm ng tốt? Tại sao phải làm con ngoan trò giỏi?” haha
“Mình nhận ra những gì ở mình xem là tầm thường, là không có gì đặc biệt, biết đâu lại là “khác lạ” và được “yêu mến”, phải không?” => chuẩn !
“Có lẽ con đường mình đi vẫn đang đúng, chỉ là mình nên chậm rãi tận hưởng trong từng bước đi nhiều hơn và bớt lo lắng, gấp gáp tìm kiếm mục tiêu của cuộc đời khi vẫn chưa tìm ra được, cậu nhỉ?
Đã hiểu là thế rồi mà cứ hay bị bệnh hoang mang… :)) lâu lâu lại tự ngơ mà không tin tưởng vào những điều mình đã từng tin tưởng.” => again, dằn vặt và nghi ngờ là một phần tất yếu (nếu không sẽ gọi là tin mù quáng). Cảm giác khó chịu đấy dần dần mình sẽ quen 😀