Dạo này có mấy chuyện làm mình ngồi ngẫm về chuyện đôi lứa trai gái.
Lí do đầu tiên là bắt đầu nhận được thiệp cưới của bạn bè nhiều hơn, trong lúc đang cân nhắc có nên đi không thì chạnh lòng nghĩ về chuyện đôi lứa. 😄 Xong rồi hôm qua đọc thấy bài báo “Thời buổi thả thính công khai nhưng yêu đương lại bí mật” vạch đúng tim đen của mình nên thấy trần trụi quá phải ngồi viết bài giãi bày.
Quan trọng nhất là hôm kia đi cái hội thảo về bình đẳng giới Vietnam Gender Equality. (Mình hay đi lạc vào những nơi có vẻ không phải của mình nhưng chính vì vậy lại rất cần mình).
Đi về nghĩ lại thấy rất hay. Có cô Khuất Thu Hồng làm ở viện nghiên cứu phát triển xã hội chia sẻ nhiều con số lạc quan. Những định kiến về làm nam giới phải làm thế này nữ giới phải làm thế kia đang có tín hiệu thay đổi, mặc dù chưa nhiều nhưng ít nhất là đáng để động viên.
Nhiều khi mọi thứ diễn ra chậm chậm rủ rỉ lại có cái hay của nó. Lại nhớ đến cái câu “When progress happens too fast, people call it “change” and will resist.” tạm dịch là “Khi sự tiến bộ xảy ra quá nhanh, mọi người sẽ gọi là nó là “thay đổi” và sẽ phản kháng”.
Mình thấy rất đúng. Giờ mà đùng một cái lên đòi quyền này quyền kia là cách tốt nhất để tạo ra sự đối đầu và khả năng cao là sẽ tạo ra nhiều sự tổn thương không đáng có. Thay đổi quy mô càng lớn thì càng chậm, nhưng không phải là không có tiến triển gì.
Cuối buổi chị Thảo Griffith hỏi một câu rất hay cho cả nhóm tọa đàm: Đi hội thảo thì hay lắm đấy nhưng về nhà thì làm được cái gì cụ thể?
Làm mình ngồi nghĩ: ai có súng dùng súng, ai có cuốc dùng cuốc, ai không có súng không có cuốc thì gõ bàn phím…
Thấy nhiều, ưng ít.
Đây là một cái biểu đồ đã trong đầu mình rất lâu, giờ mới có dịp vẽ ra về chuyện chọn người người yêu hay bạn đồng hành.

Trai beta (góc dưới) thì nhiều nhưng thường không được các chị em gái để ý tới vì họ tập trung ngó vào vài người alpha rồi (góc phải trên)
Difficulty level nôm na là độ “chảnh”, từ việc người ta có chịu để ý đến mình không. Từ chuyên môn chắc là cưa dễ hay khó. 😄
Quality nôm na là “tầm”, từ trí thức, khả năng tài chính, địa vị xã hội cho đến độ thú vị & tài lẻ, v.v
Xu hướng chung là người phụ nữ muốn cặp với người hơi trên tầm của mình. Hiện tượng này có đứa bạn học ngành Nghiên Cứu Phụ Nữ (Women Studies) dạy mình, gọi là “hypergamy” trong tiếng Anh.
Người đàn ông thì theo tư tưởng truyền thống sẽ chọn người tương đương hoặc hơi dưới tầm hơn một tí, chắc tại người phụ nữ mà vượt quá thì cảm thấy cái tôi của mình hơi bị tổn thương. Cũng có lí do thực tiễn nữa là nếu người ta vượt tầm mình quá thì khả năng là họ sẽ cũng sẽ không chịu yên phận với mình lâu dài…
Người phụ nữ càng hoài bão từ công việc cho đến bản thân thì vô hình chung càng tạo ra một sức ép cho người đàn ông cũng phải lên level.
Điều này nhìn chung là rất tốt vì mọi nguồi có động lực phấn đấu hơn theo kiểu cạnh tranh lành mạnh. Tuy nhiên có vẻ như là về mặt bằng chung nhiều phụ nữ lên level nhanh hơn.
Có một điều là luôn sẽ có một vài anh alpha đầu đàn, thông minh thành đạt, tốt bụng, khỏe mạnh, vừa đẹp trai vừa có duyên với phụ nữ lại biết cách để ý chăm lo. (Mình rất mê Keanu Reeve nên để tạm ảnh anh ý hehe) Tất nhiên ở đời không có ai hoàn hảo, nhưng có vẻ là các anh này trội hơn mặt bằng chung khá nhiều…
Họ thường 35 tuổi đổ ra, tại mọi người hay nói phải tầm đấy thì mới trở thành đàn ông thật sự, trước đó thì chỉ là boys. (Mình gần chục năm nữa mới già như thế nên rất muốn phản đối điều này nhưng có vẻ là chống cự vô ích 😅)
Nhóm alpha men này cung ít cầu nhiều nên không phải lo, hoặc nếu có lo thì lo chọn ai cho nó đúng vì có quá nhiều lựa chọn.
Mình quan ngại hơn về nhóm con trai còn lại, tạm gọi là beta. Lí do là vì thấy nhóm này khá nhiều, lại có vẻ đang thua xa so với tầm phát triển của các chị em. Mà khi thua xa lại không được để ý thì cái tôi sẽ bị tổn thương, đâm ra chán nản và khả năng sẽ làm những thứ không hay ho như căm phẫn chỉ trích ném gạch. Có những người trong nhóm này khá công thành danh vọng, tuy nhiên cảm giác về độ chín chắn trong chuyện tình cảm thì chưa xi nhê với giới tính bên kia.
Chắc mình phải tìm hiểu hơn hội này, tại bản thân mình không bia rượu chả bóng bánh, không công ty hoành tráng cũng chẳng khởi nghiệp hừng hực nên khó quen.
Không tìm được thì sao?
Sau khi ngẫm đến tình hình chung của thị trường người tìm người này, mình muốn đi sâu vào câu chuyện của người phụ nữ một chút.
Không hiểu bản chất công việc khó tả hay tính tình nhu mì thế nào mà đưa đẩy đến cũng quen thân kha khá các bạn các chị mình rất ngưỡng mộ.
Họ là những người phụ nữ có học vấn thạo nhiều ngôn ngữ, có ý thức về việc phát triển bản thân, chịu khó đọc và tìm hiểu áp dụng nhiều điều hay ho cho cuộc sống. Nhiều người lương cao hoặc khởi nghiệp bự xù. Họ rất hoài bão và tương đối thành đạt, hoặc ít nhất là đang trên đà.
Tất nhiên họ cũng gặp nhiều trở ngại vì vẫn còn những định kiến trong công việc từ cấp trên cấp dưới cho đến gia đình & xã hội, nhưng nói chung họ ổn và trên cả ổn.
Điểm chung lớn nhất? Một số lớn đã trải qua vài mối tình vắt vai và hiện tại đang độc thân.
Mình thấy có 3 dạng: Chán Chả Thèm (kiếm người yêu nữa), Vớ (người yêu) Tây, và An Thị Phận với một ai đấy.
Sẽ nói về từng dạng một.
Chán Chả Thèm

Chắc gần như ai cũng biết một người như thế này. Các bạn và chị này thường khá thành đạt trong công việc, nhưng chuyện tình duyên lại nhiều trắc trở.
Có chia tay thì vết thương cũ cũng chưa lành, thôi bao nhiêu năng lượng phía sau sự căm phẫn thôi dồn hết cả vào sự nghiệp đi vậy. Đằng nào cũng đổ hết bao nhiêu tâm huyết nỗ lực rồi vào công việc, lại còn có sự thành công nhất định nữa, yêu đương gì, kệ, tính sau, chán lắm rồi.
Mình có quen cũng khá thân một vài người như vậy, giờ hiểu rõ họ hơn nên càng thương và phục họ hơn.
Điển hình là có một người từng than với mình “Nếu duyên phận đưa đẩy mình đến con đường phải tập trung vào làm chuyện lớn lao cho đời để thay đổi thế giới thì ai sẽ yêu mình?”
Mình cứng họng không biết trả lời thế nào, sau rồi mới ấp úng được một câu an ủi: “Có lẽ tình yêu sẽ không chỉ đến từ một người bạn đời mà là từ cộng đồng, bạn bè, người thân, những người cùng chí hướng..”
Mình phục những người như vậy và thường cũng tư vấn vui vẻ vài ca như thế này. Bản thân mình không phải là người siêu chú tâm vào sự nghiệp như tên lửa nhảy vọt (ít nhất là vào thời điểm này) nên luôn tò mò làm sao lại có những người có khả năng tập trung phấn đấu như thế.
Nhưng còn tò mò hơn là câu hỏi này: Tại sao giỏi như vậy mà chuyện tình cảm lại có vẻ điêu đứng thế?
Mình đoán có hai lí do, sai cũng được nhưng thà đoán nhầm còn hơn bỏ sót.
Lí do thứ nhất: giỏi việc với giỏi chuyện tình cảm có thể là hai phạm trù khá khác nhau. Những kĩ năng đem lại sự thăng tiến trong công việc, ví dụ như sự tập trung, quả quyết hay luôn nỗ lực đạt được mục tiêu, lại không áp dụng trực tiếp vào trong mối quan hệ trai gái được. Đời trớ trêu thay, mỗi khi áp mục tiêu rõ ràng vào chuyện tình cảm (“yêu để cưới”) là y như rằng gậy ông đập lưng ông. Tại vì về mặt căn bản mối quan hệ không phải là một mục tiêu, nên không đặt KPI để tối ưu hóa nó được. 😢 Không biết nghĩ thế nào cho chuyện tình cảm nên thôi chán không nghĩ nữa.
Lí do thứ hai hơi liên quan đến lí do đầu: làm việc tốt phê hơn là đi hẹn hò. Đi làm việc mà làm tốt, có kết quả rõ ràng thì được khen nhanh hơn, rồi não ra chất dopamine nhiều hơn nên càng muốn tập trung trí lực và sức sống vào công việc nên lại làm việc tốt hơn nữa. Cái vòng phản hồi này nó càng chặt thì mình càng sướng. So với công việc thì chuyện tình cảm trắc trở quá, chả sướng bằng nên thôi kệ, tập trung vào cái mình biết làm đi.
Chả trách nhiều khi mình nghiện việc, nghiện thành công. Ai được sếp khen, xã hội ghi nhận rồi lại có thêm bổng lộc mà không sướng? Việc gì phải hẹn với chả hò tìm người yêu làm gì cho nó trắc trở?
Hai nỗi sợ chính phía sau sự chán nản trong tình trường này là sợ phí thời gian (đầu tư bao nhiêu công sức mà ROI về mặt sung sướng hơi thấp) và sợ mình không đủ giỏi hay đủ xinh trong khoản này (có thể vì trong công việc đã tỏa hết sáng nên nghĩ rằng khi ra ngoài thì hết thứ để tỏa). Phải đối mặt với nỗi sợ thôi, chả còn cách nào khác.
Vớ Tây:

Dạng này phổ biến hơn mình tưởng, tại bây giờ không gặp từ chỗ làm thì cũng có thể lên mạng swipe trái swipe phải trên các ứng dụng hẹn hò.
Chuyện này báo chí nói nhiều rồi, đặc biệt là những người đã từng sống ở nước ngoài thì quyết định này không tệ chút nào. Lí do thường được đưa ra là các anh Tây ga lăng lịch lãm hơn, táo bạo hơn, suy nghĩ cởi mở hơn, biết cách chiều lòng phụ nữ hơn từ trong ra ngoài v.v
Mình tò mò không biết các anh ở nhà nghĩ sao về xu hướng kiếm người yêu Tây này.
Trường hợp này hay bị thế hệ bố mẹ chỉ trích là sính ngoại, mà mình thấy hơi quá. Quen một vài người trong dạng này mình cũng cảm thông hơn: họ tìm ở nhà mỏi cả mắt không thấy thì mới phải đi tìm ở chỗ khác chứ đâu phải cứ thấy Tây là sáng mắt lên đâu. Rõ ràng khi thấy lượng ứng cử viên trong nước không đủ thì những người phụ nữ cầu tiến với tư tưởng cởi mở sẽ muốn mở rộng nhóm ứng cử viên chứ sao.
Bản thân mình cũng có kha khá bạn nước ngoài và thấy một điều ít ai nói: Những người đã ở đây lâu (3-5 năm trở lên) là những người rất hay ho. Họ bỏ nhiều công sức để có thể thuộc về nơi đây (không chỉ là Tây balo đến đây uống bia ăn phở hoặc làm sếp ra lệnh cho nhân viên). Rồi họ cũng đã trải qua giai đoạn honeymoon phơi phới lúc đầu khi mà thấy cái gì ở Việt Nam cũng hay cũng lạ, nên đã bắt đầu hiểu sâu hơn về sự tương đồng cũng như khác biệt của văn hóa gốc của văn hóa ở đây.
Vì thế nên mình cảm giác họ cũng trân trọng hơn mọi thứ & mọi người hơn. Mà các bạn biết rồi đấy: không có gì trên đời hấp dẫn hơn cảm giác được trân trọng… Là một đứa cũng thuộc dạng công dân toàn cầu và vẫn toàn vẹn với địa phương, mình ủng hộ và rất mong cho nhóm này hạnh phúc. Chắc tại hi vọng họ sẽ đóng góp vào hòa bình thế giới. 😄
An Thị Phận:

Họ thường nghĩ như vậy: “Thôi đến tuổi ổn định rồi, thôi nghe lời gia đình thôi chống đối mãi rồi, thôi đồng hồ sinh học bắt đầu réng réng réng rồi. Thôi kệ. Cứ kiếm tạm một người nào đấy cho đỡ cô đơn.”
Về truyền thống, một trong những nét đẹp nhất của người phụ nữ Viêt Nam là tín nhẫn nhục cam chịu. Mẹ mình và mẹ của rất nhiều người mình quen là một ví dụ. Cái tính nhẫn nhục này thường dẫn đến một sức ép an phận khá lớn từ cả bên ngoài (“mọi người cứ nói mãi”) lẫn bên trong (“thôi chắc mình cũng nên an phận đi vậy”), dẫn đến chuyện như “thà yêu nhầm còn hơn bỏ sót”. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi khá nhanh tại vì giờ bắt đầu có nhiều gương mẫu của những người phụ nữ khác không chấp nhận chuyện an phận.
Những người an phận thực sự thì có một cái cảm giác.
Trường hợp này khó nói nhất. Những người an phận thật sự thì cảm giác họ đã sống như bụt như tiên, lúc nào cũng cởi mở hòa đồng mỉm cười, ở quanh họ như ở quanh mặt trời sưởi ấm lan tỏa tình thương rồi. Nhưng cũng có kha khá người an phận là cam chịu và đè nén nhiều sự day dứt bên trong.
Trước đây mình rất ủng hộ chuyện an phận (chắc tính của mẹ). Nhưng giờ quan niệm đang thay đổi và thấy là nếu đàn ông con trai muốn làm đồng minh và thực sự muốn hỗ trợ người phụ nữ, mình cần gánh hộ một phần sức ép an phận này.
Làm sao? Bằng cách khuyến khích họ tiếp tục suy ngẫm và kiếm tìm. Nếu không tìm được người ưng ý thì ít nhất cũng tìm được chính mình.
Nói dễ nhưng làm rất khó, tại vì khi mình trao quyền cho người khác thì cảm giác đầu tiên là mình mất khả năng kiểm soát và quyền lực của mình. Sẽ rất rất sợ. Sợ hơn nữa là sẽ phải đối mặt cả đời với việc mất kiểm soát để cho người khác có sự tự do như vậy 😢 Hãy cân nhắc cẩn thận trước khi trao quyền cho người khác…
Chuyện này, người thương cũ của mình nói với mình gần đây trong hành trình sau này của bạn ấy “Đừng bao giờ an phận. Khi nào còn phân vân với thấy chưa đúng thì cứ tiếp tục tìm, còn khi nó đúng rồi thì sẽ tự khắc biết, không còn nghi ngại nào nữa”.
Trước đây mình thấy tư tưởng này hơi lãng mạn thái quá. Chắc tại mình kiểu giống sống trên núi không xem phim Hàn nhiều nên hơi mù văn hóa đại chúng.. Mình vẫn không đồng ý vào chuyện Finding The One, đơn giản là vì tìm thấy xong rồi thì làm gì nữa, vẫn phải sống tiếp mấy chục năm nữa cơ mà. 😶 Tìm thấy chỉ là một phần, tạo nên cùng nhau là phần lớn hơn.
Giờ mình đang thay đổi góc nhìn một chút. Nghĩ lại đến lời khuyên của bạn ấy, mình ít nghi ngại và lại thấy ngưỡng mộ cái sự mòn mỏi luôn tìm đến một điều gì đấy tốt đẹp và có thể hơn. Chắc là cùng tư tưởng nên mới đến với nhau, chia tay nhau mà vẫn phục nhau được 😅.
Túm lại
Túm lại không có kết luận gì cụ thể, nhưng nhận ra được những điều này mình cũng thông cảm với hoàn cảnh và những trăn trở của mọi người hơn. Phải hiểu thì mới thương được, thôi mình đóng góp vào sự hiểu trước vậy.
Mỗi người đều có câu chuyện riêng, quyết định của mọi người khó nói được.
Nhưng có cái có thể nói được. Quyết định như thế nào đi chăng nữa thì đều có thể xuất phát từ sự thanh thản ở bên trong, thay vì sợ hãi, bực dọc hay là chán nản buông xuôi. Mà muốn đến được sự thanh thản thì phải dành thời gian nhìn lại bản thân để thanh lọc một xíu.
Và đó là việc mà mình đang tự nhiên hướng tới nhiều hơn. 🧙♂️
Tái bút 1: nhiều người phản hồi nói là có dạng thứ 4: Tui đang sống một mình thanh thản vui khỏe việc quá gì phải tìm người yêu.
Chắc hẳn là có. Nhưng có rất nhiều người tưởng như dạng này nhưng ẩn đằng sau lại là 3 dạng trên. Bản thân mình là một ví dụ 🙈.
Tái bút 2: bạn nào thấy đúng thì share, được 20 shares mình sẽ quyết định bay ra Hà Nội đi ăn cưới…😅
Đúng đó chớ =))). Có cái đoạn Finding the one thì t thấy là tìm mãi cũng khó mà có ai hoàn hảo cho mình, thà là cứ tìm đại một ng đi rồi học cách sống chung với nhau lâu dài. Các cụ bảo lửa gần rơm lâu ngày cũng bén hông có sai đâu
Chị cũng đang suy nghĩ mình thuộc dạng nào :)) Khả năng cao là thuộc dạng “tôi cần xã hội công nhận” và “chán chả thèm”. Nhiều bạn bè của chị cũng vẫn đang tìm kiếm và cũng không có đặt chỉ tiêu alpha nhưng mà mãi chẳng khớp được với anh “beta” nào ấy.