Hội Hè Toàn Thân 2020 – Sử Kí

(một phần của Đại Việt Ngẫu Hứng Toàn Thân, một cái tên hoàn toàn ngẫu hứng chế ra)

Ghi chú: bài viết chia sẻ trải nghiệm và góc nhìn của một người tổ chức Hội Hè Toàn Thân cho môn Chạm Ngẫu Hứng, 100% Made in Vietnam.Đây là trại đầu tiên trên thế giới sau COVID-19! (tung hoa tung hoa 💃💃💃)Mình viết với một vài ý định

  • Đúc kết kinh nghiệm, hi vọng tăng trí khôn bầy đàn lên.
  • Chia sẻ một góc nhìn sâu và về toàn cảnh, hi vọng mọi người trân trọng những điều đã xảy ra hơn.
  • Cho người mới: mình viết để cho người mới cũng có thể mường tượng được về mặt tư tưởng, hi vọng bạn đủ tò mò để đọc & thử 😀

Bài viết dài, mọi người rót ly trà, nhấm nháp từ từ, có chạm đến gì trong lòng thì xin hãy chia sẻ.


Chùm ảnh kí sự.

Ăn mừng

Lần đầu tiên làm một hội hè quy mô lớn như vậy và phản hồi rất tốt của mọi người, mình thấy rất may mắn. 

Những lần khác mình sẽ ngồi phân tích tới bến chuyện tốt xấu, lần sau cần cải thiện gì, xem học được điều gì. So với những lần đấy, lần này mình không nhìn lại quá nhiều. Chắc tại mình bớt nghiêm túc hơn rồi. Với lại, điều quan trọng hơn bây giờ không phải là mình đã làm gì mà là mình như thế nào khi mình làm chuyện đấy.

Cái đáng ăn mừng nhất đợt này là mình làm với rất nhiều tình yêu.
Lúc đầu mình viết “Thấy rất vui vì thấy tình yêu của mình đủ lớn dám làm những thứ hâm hâm như vậy”. Xong rồi mới thấy là ngược lại. Tình yêu nào phải “của mình”?
Có lẽ phải nói là “mình đủ lớn để chứa được nhiều tình yêu hơn và đủ nhẹ để được cuốn đi nhiều hơn.” Đúng là có vài lúc hơi nản hay khó chịu, nhưng đều được cuốn đi rất nhanh. 
Hi vọng là mình tiếp tục lớn hơn và nhẹ hơn nữa. Lúc nào không chứa nổi thì nhờ mọi người chứa hộ. Lúc nào nặng quá thì nhờ mọi người khênh hộ. 😀
Như ngọn sóng, chúng ta sẽ cùng lên và xuống, nhịp nhàng, bất tận.

Sóng lên sóng xuống 🤩

Ăn mừng xong rồi, bắt đầu kể chuyện thôi

Người lái đò và tình yêu

Anh lái đò và các chị thiên nga

Trong cuốn tiểu thuyết nhỏ của Hermann Hesse mình đọc lại hàng năm,nhân vật chính Siddhartha (cũng là tên tiểu thuyết) trên con đường đi tìm sự thật đã qua rất nhiều thăng trầm của cuộc đời. Một ngày nọ, lê bước đến bên bờ sông trong sự tuyệt vọng. Siddhartha gặp một người lái đò tên Vasudeva. Ông từ tốn đưa Siddhartha qua sông để bắt đầu một cuộc đời mới.

Mỗi khi mình dẫn mọi người đến An Lạc Trang, mình lại nhớ lại câu chuyện này. Chiều thứ bảy, mấy chị thiên nga lôi kéo mình bỏ việc chăm lo hậu cần để theo anh Tùng lái đò quanh cù lao ngắm cảnh. 
Giữa tiếng mọi người râm ran cười nói, một câu hỏi chợt đến trong đầu “Mình đang được đưa đi đâu? Mình đang đưa mọi người đi đâu?” 

Chưa cần biết đi đâu, nhưng mình biết là cách mình đang được đưa đi và được nuôi nấng ở đây rất nhiều tình yêu thật. Vừa được ăn ngon, vừa được lắng nghe quan tâm.

Được ăn ngon rồi phục vụ tận tình, sướng mờ mắt.

Lúc đấy mình chỉ nhớ có câu hỏi vọng lên như vậy thôi, nhưng rồi sau khi về nhà ngẫm lại, một câu trả lời đã chợt hiện ra:“Mình đưa nhau về nhà với chính mình rồi tiếp tục đi chơi quanh quanh.”
Ngẫm lại thấy cũng đúng. Đấy vừa là ước mơ vừa là việc của đời mình lúc này. 
Một trong những cách làm việc đó là viết. Để mình sẽ kể cho bạn một vài khoảnh khắc đáng nhớ khi mình được về nhà với chính mình và chơi quanh đây.

Sự Yên Lặng Ngọt Ngào

buổi sáng có nhiều góc rất đẹp

Sáng thứ 7,
Tia nắng mặt trời hé vào mắt đánh thức mình dậy. Phía xa có tiếng mọi người ở sảnh đường. Ngay đây có tiếng lặng yên ở bên trong.
Đột nhiên sự yên lặng ngọt ngào ấy trào lên trong lòng, làm mình không thốt được nên lời, cứ nằm đấy mà lắng nghe.
Nó không phải sự lo lắng vì không lo được những việc muốn lo, không phải sự khó chịu vì mất thời gian để làm việc khác. 
Cũng không phải sự thỏa mãn khi bao nhiêu công sức chuẩn bị đã thành hình thành tướng hay lòng kiểu hãnh vì đã có một chương trình thành công hoành tráng. Cũng không phải niềm vui hân hoan khi được làm điều trong lòng mách bảo, không phải sự ngỡ ngàng khi thấy một ước mơ đã trở thành hiện thực sớm hơn mình tưởng, không phải cảm động khi nhìn thấy vẻ đẹp của tình người (và cơ thể người nữa). 
Tất cả những trải nghiệm đấy đều đẹp, đều làm mình trọn vẹn hơn. 

Nhưng điều nhớ nhất là những giây phút “Đây là Đây” (“This is it”) thế này. Đây là Đây. Giờ là Đủ.
Cảm thấy được một sự hiện diện thật lớn, thật đẹp của một thứ không gọi được tên. Cảm thấy như mình đang nằm trong một cái bồn tắm vô tận, với tình yêu phủ đầy lên thời gian và không gian. Cảm giác được yêu, được có lòng này để mà yêu. Được quan tâm, được có cái tâm để mà quan tâm.

Sự yên lặng có thể chứa được muôn vàn những sắc âm này là điều có lẽ mình luôn hướng về mà lâu lâu mới được chạm vào.
Đôi khi thấy những giây phút này, mình rớt nước mắt vì quá đẹp và quá biết ơn. Cái cảm giác thân thuộc đấy như một nụ cười, một ánh mắt chào đón đứa con lưu lạc xa xứ được trở về nhà.
Mình giật mình hỏi “Đợi từ bao giờ đấy?” Tiếng lặng thinh.Không phải là không có câu trả lời. Sự yên lặng là câu trả lời. Luôn đợi.

Dù bạn có quên điều ấy, điều ấy không bao giờ quên bạn.
Trên đời có một thứ duy nhất yêu thương vô điều kiện, đó là thứ không diễn tả được. Có người gọi là Chúa, Ông Trời, Tình Yêu, Vũ Trụ. Mình tạm gọi là Sự Sống, hay còn gọi là Điều-Mà-Ai-Cũng-Biết-Nhưng-Giả-Vờ-Quên.
Mình không biết bạn như thế nào, chứ mỗi khi mình sực nhớ ra điều đấy mình vui mất mấy ngày. 😅
Lúc đấy, mình không lo chết đói, không sợ người khác đánh giá hay từ chối, không ham muốn chứng tỏ bản thân vì đã làm được một việc lớn, cũng chẳng khao khát khám phá phát triển hay thậm chí là sống cống hiến cho nó có ý nghĩa. Lúc đấy cứ sống là vui lắm rồi.

Được mấy hôm sau mèo loại hoàn mèo, ngựa quen đường cũ, lại lo lắng vớ vẩn rồi thèm thuồng đủ thứ (ví dụ như bỏng ngô). Theo hội tâm linh chẩn đoạn thì sẽ gọi là tỉnh được một tí rồi lại gà gật ngủ tiếp. 
Nhưng mà không sao. Cứ ngủ cho nó sướng, tội gì. Ngủ đẫy giấc tự khắc sẽ tỉnh. Nếu mà mình ngủ gật quá, đời sẽ có có chuông báo thức gọi dậy. Còn ngủ nữa thì sẽ người đến đánh thức mình (đôi khi bằng cách vả vào mặt 😅)
Có quên thì sực nhớ mới sướng, chứ cứ khăng khăng căng mắt ra không cho mình ngủ thì mệt quá. Mình chịu, không chơi trò chạy đua vũ trang tâm linh đấy đâu. Toàn thua. 😥

Bịt mắt bắt  mình 

Nhảy bịt mắt tối thứ 7

Một trải nghiệm đáng nhớ cho nhiều người, đặc biệt là người mới là buổi tối thứ bảy khi mọi người bịt mắt để nhảy chung.

Bạn tưởng tượng mình đang nhắm mắt đi loạng quạng chậm rãi cùng với nhiều người khác như vậy thì mình sẽ cảm thấy thế nào. Người thấy sợ, người thấy hào hứng, người thấy tò mò, người chả mặn mà lắm.

Mình đã tham gia nhiều buổi như vậy ở nước ngoài và thường rất thích. Đợt này mình bò vào giữa, để sóng người đẩy mình đi, lúc đầu cũng rối rắm nhưng rồi một lúc hơi mệt rồi mình ngồi yên lại, không bò đi nữa. Lúc đấy thích lắm. Sau rồi mới nhận ra “Ồ. Đây là cảm giác của sự lặng yên giữa muôn hình vạn trạng, tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

Nó như kiểu đang bật nhạc ồn ào thì tự dưng yên ắng lại, nhưng không phải là tắt nhạc mà là mình không nghe thấy gì nữa. Vì mình đang nghe ở một tầng sâu hơn, tĩnh mịch hơn. 

Cảm giác này chắc có thể gọi là viên mãn, Đây là Đây, Thế là Đủ.
Lần đầu tiên mình có cảm giác như vậy là khi đi một khóa thiền mùa đông. Nó sướng lắm, kiểu có thể ngồi đấy bao lâu cũng được. Nhớ lúc đấy có một suy nghĩ khởi lên “Ôi, sướng thế này sẽ chỉ được mấy giây phút thôi xong rồi lại hết”. Thế là nó hết thật. Đang cao trào thì hết phim. 😄

Mình đã từng đi tìm cảm giác đấy một thời gian. Càng sướng thì càng khó buông, càng muốn đi tìm. Dần dần mới biết để không níu kéo những khoảnh khắc đấy, biết rằng sẽ luôn có những lúc như thế này nữa. Không sợ hết hay sợ thiếu những giây phút ngọt ngào như vậy khi mình cho phép lòng được mở ra, để chạm và được chạm vào sự trọn vẹn của Sự Sống.
Điều đó luôn ở đây, dù mình có ý thức được không. Sẽ có lên có xuống, có buồn có vui, có kết nối và có tách rời.

Sau này mình nhận ra: nếu những khoảnh khắc đấy thực sự là cảm giác “trở về nhà với chính mình” như mấy cuốn sách tâm linh hay các thầy chùa hay dạy, thì tất cả những việc khác mình làm đều là đi chơi.

True Life With God » Turtle Shells
Giống hình ảnh con rùa, đội nhà đi theo mình, lúc nào sợ có thể chui vào, lúc nào tự tin hơn lại bò ra đi chơi tiếp. (ảnh minh họa, từ đây)

Có người đi chơi xa quá quên nhà, có người ở ru rú ở nhà lại quên đi chơi.

Thử hình dung là ở một khía cạnh nào đó, bạn không thể mắc sai lầm, không thể thất bại, không thể không có ý nghĩa, không thể lãng phí cuộc đời.
Nếu cuộc đời không phải là mê cung với các ngõ cụt và rất nhiều cạm bẫy, nếu bạn sẽ không bao giờ “lạc lối” thì sao?
Thay vào đó, nếu cuộc đời giống như một con đường dài với khúc quanh co, có lúc lên voi xuống chó, lúc dẫn mình đi sâu vào thế giới bên trong lúc đưa mình ra nơi xa xăm bên ngoài, nhưng luôn chỉ có một lối đi, luôn chỉ có một bước tiếp theo thì sao?
Nếu mình luôn tự đi, không cần ai nhắc, cũng chẳng cần lí do thì sao?

Mình cảm thấy bóc được thêm một lớp khỏi tấm màng để nhìn rõ hơn về cảm giác tự do. Tự do không chỉ là muốn làm gì cũng được. Tự do còn là thế nào mình cũng đón nhận được.

Người ta nhảy hơi mạnh bạo, mình có thể đón được. Người ta hơi nhẹ nhàng rụt rè quá, mình cũng có cách để thấy kết nối hơn. Người ta trượt xuống giữa chừng, mình có thể đứng hoặc trượt xuống cùng.

Mình có thể tự do để tham gia chuyện đời hơn. Từ chuyện đôi lứa, sự nghiệp, nhà cửa, tiền bạc, sứ mạng, tâm linh, mình muốn dấn thân vào những cuộc chơi lớn của đời như vậy và qua đó biết mình, biết mọi điều xung quanh hơn. 
Viết được ra như vậy thôi mà vẫn thấy điều này ghê lắm. Đã muốn nhập vai thì phải diễn sâu. Đã diễn sâu thì sẽ có những điều tưởng chừng ngớ ngẩn hay sai lầm.
Giống như việc nhảy chạm ngẫu hứng không thể sai không có nghĩa không có những chuyển động trông mượt hơn, cảm giác phê hơn hay đỡ đau tay đau chân hơn. Đời nhiều nghịch lý mà.

Nhắc đến chuyện này mới nhớ, tối hôm đấy sau khi có màn bịt mắt nhảy, mình nói chuyện với Phúc ở dưới bếp. Phúc có kể về trải nghiệm bịt mắt của mình: “Có những lúc mình thấy run lắm, không dám bước tiếp vì con đường tăm tối phía trước. Sợ đập đầu vào cột hay ra khỏi sàn. Nhưng mình lại nhớ tới việc có những thiên thần bảo vệ, và nhớ rằng mình có tay có chân có thể rà soát được xung quanh. Nên mình tiếp tục đi.”

Câu hỏi cho chúng ta tự ngẫm đây:
Nếu biết rằng bạn không bao giờ lạc và luôn có thể về nhà thì bạn có đi chơi không?
Nếu biết rằng bạn luôn có thể nhảy mà không sợ sai, không sợ ngốc, không sợ mọi người cười thì bạn có nhảy không?

Câu trả lời của một vài người…nhảy thôi.

Lý trí, cãi vã trong đầu và chủ nghĩa cơ hội

Có một chị chia sẻ sau workshop khám phá Giọng của Phổi một câu mình rất nhớ: “Khi cơ thể mình vui nó sẽ tự hát.” 
Đúng rồi. Và nó sẽ tự nhảy, tự nghỉ.
Là người thích suy ngẫm, đã từng theo học Tin Học & Triết Học và không quá ngốc về mặt logic, mình đã từng là người luôn phải tìm lí do.
Càng sau này mình càng nhận ra cái mình gọi là lí trí toàn là mấy tiếng cãi vã văng vẳng trong đầu. Trong đầu mình luôn có một giàn hợp xướng với các giọng ca khác nhau (ai xem phim hoạt hình Inside Out sẽ rõ). Đi chạm và nhảy nhiều, mình sẽ dần dần nhận ra là điều thực sự đưa mình đi, mình không bao giờ gọi tên được.

Đợt vừa rồi đọc được một câu thấy rất thấm thía trong cuốn Supercoach của bác Michael Neill cũng là một người có tính suy nghĩ quá nhiều:

“Số lí do để mình cần để làm một điều gì tỉ lệ nghịch với mức độ mình thực sự muốn làm nó”.

(“The number of reasons you have to do something is inversely proportional to how much you actually want to do it.”)

Mình càng phải bịa ra nhiều lí do để làm một việc gì đấy thì càng chứng tỏ mình không muốn làm việc đấy.
Điều ngược lại cũng đúng: đã muốn làm thì không phải hỏi tại sao. Ai hỏi, cứ đổ tại bạn “duyên”. 😅

Sướng thì nằm như mèo thôi. 😀 Trông giống Catwoman phết.

Hầu hết cái mình gọi là lí do thực ra chỉ là cớ.
Sống cho chính mình có thể không cần phải nhiều lí do, nhưng để có thể vui chơi hòa hợp với người khác thì phải biết cách kiếm cớ. Nói nôm na ra, cớ là một “mẩu chuyện ngắn” để lý trí (của người khác hay của mình) có thể vin vào cho đỡ sợ khi cái hứng đã muốn kéo mình đi.

Ví dụ 1: đi hội hè này, với nhiều người tập nhảy chỉ là cái cớ. Cái nhiều người muốn thật sự là ba ngày xa cách hẳn khỏi thành phố, cho đầu óc nhẹ bẫng đi. Nhưng mà chỉ đi chơi không thôi như vậy thì phí quá, thôi phải tìm cái cớ là “đi học nhảy”.

Ví dụ 2: Có người hỏi mình tổ chức cái hội hè này để làm gì? Mình có thể giải thích một đống lí do, kiểu “lần đầu tiên xuống An Lạc Trang năm ngoái mình đã có ý định đưa một đống người xuống đây, tạo ra cho họ một trải nghiệm đẹp như điều mình đã từng có.” Mình cũng phải nói như vậy cho cái phần lí trí của mình thấy xuôi tai. Lí do thực sự là thấy có đủ cớ: có hứng sáng tạo, có người giúp xuất hiện, có máu nhảy vào cơ hội, thiên thời địa lợi nhân hòa thì làm thôi. Chủ nghĩa cơ hội mà. 😄

Ví dụ 3: Mỗi người sau khi tham gia về cũng bắt đầu nhìn thấy những chuyển biến bên trong và ngoài cuộc sống. Việc mình đứng ra tổ chức cho mọi người đi trại hè cũng chỉ là cớ cho những chuyện đấy xảy ra. 😋
Bản thân mình sau khi tổ chức nhìn thấy ra bao nhiêu con đường mở ra cho chính mình về chuyện tổ chức, xây dựng cộng đồng hay dạy Contact Improv. Bạn biết suy nghĩ đầu tiên của mình là gì không? “Bó tay, biết thế làm từ trước”. Nhưng mà biết trước thì đã giàu 🤣 Nói đùa vậy thôi chứ thực ra trước đây không làm được đâu, bây giờ mới đủ duyên.

Áp dụng vào bộ môn chạm ngẫu hứng này: trong lúc này, bạn muốn nhảy với ai, nhảy thế nào, thậm chí có muốn đi hội hè không, tất cả những điều đấy đều rất khó giải thích bằng lời.

Nôm na là “thích thì nhích”, nhưng không đơn giản chỉ là mang tính chất bộc phát ham vui nhất thời không lo đến lợi ích sau này. Cái cảm giác thích của mình sẽ dần dần được tinh lọc theo thời gian, để cái gì mình thực sự thích thì cũng thực sự tốt cho tất cả. Đây thường là một quá trình dài, yêu cầu mình chậm lại để lắng nghe xem cái gì đúng, tốt hay thích. Không thể kì vọng ngày một ngày hai là thạo ngay được khả năng lắng nghe này, nhưng luôn có hi vọng là khả năng vốn có của chính mình rất nhiều.
Trong lúc chưa thạo thì mình vẫn phải kiếm cớ để nhảy. Chỉ cần nhớ là cớ chỉ là cớ, không hơn không kém.

Một trong những tác dụng phụ rất rất hay từ ngày thực hành Chạm Ngẫu Hứng (và các hình thức ngẫu hững khác) là học được cách đưa ra quyết định tốt. Đôi lúc cũng trăn trở mất thời gian tí, nhưng nói chung là nhạy bén hơn rất nhiều.

Có người gọi cái trực giác là một dạng năng lực tâm linh. Mình thì thấy kiểu trực giác này có nhiều cơ sở khoa học hơn. Mình kiểm chứng nhiều lần, thấy đúng nhiều hơn sai (đúng nghĩa là bên trong thấy thật sung sướng sau khi đưa quyết định) mình mới dám đi theo sự mách bảo không lời nhiều hơn. Chứ cứ hứng lên mà làm vô tội vạ, không học từ trải nghiệm của mình, càng làm càng thấy khổ thì ngỏm.

Mấy người hay lãng mạn hóa chuyện đi theo tiếng gọi từ bên trong như kiểu định mệnh tìm được ý trung nhân, từ bỏ công việc, chuyển sang thành phố mới v.v. Không có gì sai, nhưng tại sao phải đợi đến lúc có những quyết định then chốt, cần nghe mới giỏng tai lên nghe? Nếu giọng nói không lời đấy thực sự tốt thì tội gì không nghe nhiều hơn. 😀

Muốn lắng nghe được tốt thì phải tập lắng nghe hàng ngày (từ chuyên môn là “chánh niệm” nhưng mà nghe hơi xa xôi). Mình luôn có thể tiếp tục rèn trực giác. Trong tin học, cái này gọi là Machine Learning, vứt dữ liệu cho máy tự học & đúc kết kinh nghiệm và phán đoán. Bên ngoài thì gọi là Trường Đời dạy cho mình Khôn ra 😄.

Nói đến đây phải nói đến một ý quan trọng mà nhiều người hiểu nhầm. Không có lí do tức là không có suy nghĩ gì.
Ai bảo suy nghĩ không phải là một phần của Sự Sống?
Là người kiếm cơm bằng việc động não chính rồi mới động người (và hi vọng là đều bắt đầu từ động lòng), mình thấy suy nghĩ quá quan trọng luôn. Không có suy nghĩ thì lấy đâu ra bài viết này?
Cái quan trọng là mình để ý xem suy nghĩ của mình đang đưa mình tới đâu. Suy nghĩ đến rồi đi như những chuyến xe bus, và mình có thể nhảy lên và nhảy xuống lúc nào mình thấy phù hợp. Khi mình có thể nhảy lên nhảy xuống làn xe bus trong đầu một cách nhẹ nhàng hơn, mình sẽ bắt đầu thấy là mình làm việc mà không cần quá nhiều lí do như trước nữa.

Sự Sống luôn tiếp tục…

Nói xa xôi hơn tí, bất kể cá nhân mình có đưa ra lí do gì không, tốt hay xấu, nên hay không nên, Sự Sống vẫn tiếp tục.
Câu hỏi là mình cho phép mình bao nhiêu để đi theo hướng của Sự Sống?
Lúc đấy là khi mình được sống đã hơn. Lúc đấy mình cũng sẽ nhận ra rõ hơn mình là một phần thiết yếu của Sự Sống.
Nhiều người cũng giống mình có cảm giác nhiều Sự Sống trong và sau thời gian hội hè. Có lẽ nó đi từ bản năng rất sâu của con người. Khi mình vận động cơ thể, nhảy múa ca hát với người khác không có chủ đích gì, mình sẻ cảm thấy Sự Sống rõ hơn. Nếu bạn để ý, lúc mình thực sự để Sự Sống dẫn dắt cũng là lúc mình vui nhất. Trẻ con chưa lớn vui một kiểu, người đã lớn rồi vui như trẻ lại một kiểu khác.

.…nhưng không phải lúc nào cũng tràn trề

ảnh vui minh họa, chú tiểu ở giữa cười vỡ mặt 🤣

Đi theo Sự Sống không phải là lúc nào cũng tăng động dửng mỡ nhé. Sự Sống hiện diện kể cả lúc mệt không muốn làm gì chỉ muốn ngủ, lúc chán không quơ quào tay chân nữa chỉ muốn lặng yên, lúc thấy nói chuyện nhiều chỉ muốn nhìn nhau với một ánh mắt trân trọng,

Trong hội hè, có người hỏi mình về ngẫu hứng là “Đôi khi mất hứng phải làm thế nào?” Bật ra từ mình là một câu hỏi “Không biết hứng đến từ đâu?” Cái sự bật ra đấy là Sự Sống làm, không phải mình làm.

Giờ mình vẫn đang đi theo câu hỏi đấy để tìm cảm hứng. Càng để ý càng thấy cảm hứng không phụ thuộc nhiều vào môi trường bên ngoài bằng độ sạch của ngôi nhà bên trong.
Ví dụ là mình viết nhiều, mỗi khi bế tắc sẽ thường đi bộ, không phải đi tìm cảm hứng mà là đi để dọn nhà. “Nhà sạch thì mát”, các bạn còn nhớ không?

Đẹp trong đẹp ngoài

Cái môn Chạm Ngấu Hứng CI này thật là dị. Trong tất cả các môn nhảy múa nghệ thuật khác thì chắc môn này xếp hạng bét về ăn mặc đẹp. Đi nhảy mà như đi làm ruộng. 

Trước và sau… cái áo đã rách tả tơi đủ để cho vào bảo tàng (thay vì làm giẻ lau nhà). 

Quần dài áo có vai, trai gái thường như nhau tuốt. Thế nhưng cái vẻ đẹp chân chất đó đã chạm đến lòng mình.
Dù không phải là dân múa, mình cũng đã đi xem biểu diễn nhiều môn từ breakdance cho đến ballet, salsa hay đương đại v.v.. Rất nhiều vở biểu diễn làm mình thốt lên “đẹp quá”. Môn CI này là môn đầu tiên mình ngắm mọi người nhảy mà thốt lên “Hay thế, mình cũng muốn thử!”

Một phần vì CI trông có vẻ dễ (cũng đúng so với rất nhiều bộ môn khác).
Hai là nó dành cho những người thích tham gia nhiều hơn hưởng thụ. Cốt lõi của nó là ngẫu hứng thay vì biểu diễn, và thường là khi mình nhìn một cặp nhảy với nhau họ chẳng còn hơi đâu để để ý đến mình. Có một điều gì đó trong sự vô tư và thực tại đấy làm cho mình thích ngắm họ.

Mặc dù về mặt hình thức thì chẳng có gì quá hoa mỹ, nhưng những chuyển động rất đơn giản lại thường thấy rất cuốn hút.Nó luôn có điều gì đấy rất sống động (vì mỗi một khoảnh khắc lại dẫn tới khoảnh khắc sau, không dự đoán được), gần gũi (không phải gần nữa mà là chạm) và thật (vì ngẫu hứng thì không biết giả vờ thế nào).

Vì thế nên việc ngắm mọi người nhảy rất sướng mắt và làm mình ngứa nghề. Nhìn từng người nhảy mà mình có cảm giác mình biết rõ họ hơn.
Mình thấy đẹp vì không chỉ về mặt kĩ thuật hay động tác mà chủ yếu vì sự hiện diện thật của con người, với về tính cách và phẩm chất riêng của họ. 
Mình nhìn được vẻ đẹp vốn sẵn của họ đươc gợi ra khi họ không cố phải như thế này như thế nọ theo một hình tướng nhất định nữa. Người thật việc thật, dù không hoành tráng nhưng luôn có sự tươi mới. Nó đẹp như một bông hoa trên cành thay vì một bình hoa nghệ thuật. 

Nói chung tùy gu từng người. Trước đây mình thường thích khám phá vẻ đẹp sẵn có hơn là tự tạo ra một cái gì đấy. Giờ mình đang thử thích cả hai. 


Là người đã thực hành CI một chút, mình sau này để ý được rằng đôi khi có những đoạn nhảy trông ngoài chả có gì nhưng bên trong lại có rất rất nhiều sự thân mật ngọt ngào chỉ qua từng cử chỉ nhỏ (cái này dễ làm nổi cơn ghen).
Ngược lại, cũng có những đoạn nhảy kĩ thuật rất hoành tráng bay lượn ầm ầm nhưng cảm giác cứ thấy thiếu cá tính, thiếu hồn kiểu gì.
Kết luận là phải có cả hai.
Chỉ có hồn mà không có xác, ý tưởng mà không có hành động, khái niệm mà không có động tác, có kết nối mà không có kĩ thuật thì sẽ cảm thấy vô định hình, chưa kịp ngắm đã trôi dạt mất tiêu.
Chỉ có xác mà mất đi phần hồn, hành động mà quên đi cảm hứng, chuyển động mà không có sự sống thì cũng sẽ thấy nhàm rất nhanh.

Nói đến đây cũng muốn chia sẻ một trong những điều mình rất rất ưng về hội Chạm Ngẫu Hứng nhà mình. So với nhiều bên nước ngoài, hội nhà mình có vẻ sự chú trọng về mặt hình thức & ăn mặc. Có thể là do nó được bắt đầu du nhập qua hội chị em phụ nữ với độ quan tâm đến hình ảnh cao hơn chăng? Có khi nào hội lần sau chúng ta sẽ tổ chức cuộc thi thời trang CNH? 😆

Kết: bình thường hóa

Hôm tối thứ năm tổ chức workshop trước ngày đi, có một bài tập ngẫu hứng nhóm ngắn.
Mọi người đứng sang hai bên, rồi một người xung phong vào làm một động tác gì đấy lặp đi lặp lại. Xong rồi làm một lúc có thêm một người khác vào làm một cái gì đấy khác tương tác. Rồi từ từ cứ thế mà vào tiếp.

Có một người làm chuyện điên điên thì thấy nó điên, người khác nhảy vào thì thấy đỡ điên hơn, nhiều người vào nữa thì thấy nó cũng thường.

Có thể áp dụng điều này vào trại hè. Khái niệm “Trại hè cho người lớn nhảy múa” là một điều có vẻ không tưởng cho người bình thường ở nhà mình, thậm chí kể cả dân nghệ sĩ.
Có khi nào bạn dần dần nhìn ra là chuyện nhảy múa vô cớ mới là bình thường, còn nhiều chuyện trong cuộc sống đi làm mới gọi là không bình thường theo kiểu đi ngược với nguyện vọng chính đáng của bản thân? Lúc đấy bạn sẽ thấy được mở ra một thế giới Mới và Thân Quen (“a new and ancient story” bởi tác giả Charles Eisenstein).

Mình chỉ đợi mọi người đến một ngày cười vào mặt mình “THƯỜNG THÔI”. Cho đến khi đấy, mình sẽ vẫn tiếp tục làm chuyện bất thường. 😆

Đợi một ngày được xem cho lá bài Tarot “thường thôi” 😆

Tái bút: Đợi chuyến đò sau

Sau hội hè, mình có kể với anh Tùng là đợt này có nhiều người không đi được vì đã quá đông, mình cũng thấy hơi tiếc cho họ. Anh bảo “Có những lúc anh quan sát bản thân thấy mình cũng vướng vào cái ham muốn được giúp người khác. Nó cũng là một ham muốn. Nhưng mà không vội, luôn có chuyến đò sau. Không có đò của mình thì sẽ có đò của người khác.”

Mình mới ngộ ra là mình muốn giúp người khác, nhưng khi cả mình và người ta cùng chưa sẵn sàng, về tinh thần, về khả năng tổ chức, về tài chính v.v. thì thôi (càng lớn càng thấy tiền cũng chỉ là cái cớ. Bây giờ bảo bạn bỏ 3tr được gặp riêng bữa tối với một thần tượng bạn đã theo bấy lâu nay bạn có đi vay tiền để đi không?)
Không có chuyến đò này, thì sẽ có chuyến đò sau khi cả hai bên sẵn sàng.
Chúc bạn và mình cùng “không vội, và vẫn xí lấy cơ hội“.

Ai quan tâm đến những chuyến đò sau thì theo dõi trên Fb page Vietnam Contact Improv nhé.  Hẹn bạn đi về với chính mình rồi đi chơi loanh quanh.




Ăn gian đoạn kết: ăn mừng tập 2 

Vì đây là một ngày vui, để mình kể nốt chuyện Siddhartha đã mở đầu bài viết này.
Khi bạn Siddhartha đi từ rừng quay lại thị trấn, bạn lần đầu nhìn thấy chị Kamala, một chị kiều nữ xinh đẹp lung linh được rước kiệu qua đường. Bạn Siddhartha này thấy chị đẹp quá, đứng ra giữa đường đòi gặp. 
Chị này thấy bạn này đầu tóc bù xù ăn mặc rách rưới đuổi đi, nhưng bạn ấy cứng đầu vẫn đứng đấy nên chị bèn hỏi “Cậu kia, rách rưới hôi hám như vậy làm được gì?”
Siddhartha nghĩ một xíu đáp lại: “Tôi có thể nghĩ, tôi có thể đợi, tôi có thể nhịn”. (“I can think, I can wait, I can fast”)
Chị Kamala này ngạc nhiên vì câu trả lời có vẻ không liên quan lắm, nhưng cảm thấy một điều gì đấy đặc biệt từ anh chàng này nên cho người hầu đưa đi cắt tóc gội rửa và khi xong thì thấy bạn này cũng khá Bảnh.

Vào tình huống đấy, trước đây mình cũng có thể nói một câu sâu sắc hay ho như vậy. Giờ mình sẽ vẫn nói thế nhưng sau đấy sẽ bắt đầu nhảy múa.
“I can think, I can wait, I can fast”. I CAN ALSO DANCE! HALLELUJAH!!!

Bạn tự rút ra bài học rồi bảo lại mình nhé, mình tiếp tục múa người, múa lưỡi, múa bàn phím đây. 

sướng lè lưỡi…
Advertisement

2 thoughts on “Hội Hè Toàn Thân 2020 – Sử Kí

  1. Hi Khuyến,
    Lâu rồi mới thấy viết bài hén. 🙂
    <Đọc xong câu này tự nhiên hơi hoài nghi, :))) đành lập tức lò dò đi xem lại mấy bài viết cũ, rồi phát hiện ra…. ôiiiiiii, mình mới là cái đứa bỏ sót theo dõi đọc blog của cậu thì có, có mấy bài mới rồi này!!! Mà đọc vậy thôi lại không viết gì, nay chắc cũng cả năm rồi mình mới comment lại 🙂
    Nói chứ bài mới này mình đọc hôm trưa cậu vừa đăng qua mail, cơ mà lúc ấy kiểu, đang đứng đợi đường nên chỉ tranh thủ lướt lướt, nhưng cái cảm hứng, năng lượng và tinh thần trong từng câu chữ truyền sang mình vẫn rất rõ nét nha.
    Giờ thì mình mới bình tâm đọc lại lần nữa rồi viết cho cậu mấy dòng đây. Ngắn gọn thôi.
    Mình thích những đoạn này quá…
    "Nhưng điều nhớ nhất là những giây phút “Đây là Đây” (“This is it”) thế này. Đây là Đây. Giờ là Đủ.". "Sự yên lặng…trở về nhà. Mình giật mình hỏi “Đợi từ bao giờ đấy?” Tiếng lặng thinh. Không phải là không có câu trả lời. Sự yên lặng là câu trả lời. Luôn đợi."
    .
    Cảm giác đó như đang lan tỏa sang cả mình. Trong một khoảnh khắc, mình nhận ra một người bạn trong mình cũng vừa hé cửa, và mình cất tiếng hỏi đợi từ bao giờ…
    Có thể mình không ở đó, mình không như cậu, mình không phải là cậu. Nhưng vì sao khi đọc những dòng cậu viết mình cũng cảm nhận được những điều ấy đang chảy trong mình?
    Mình là đứa chưa từng lơi một phút giây nào trong đời, để suy nghĩ và hành động. Như việc nằm yên, ngắm nắng và cảm nhận thời gian ngày mới trôi qua bản thể như cậu đã làm. Thật sự nếu là mình, ở một nơi bình thường, vào một ngày bình thường như mọi ngày, bình thường mình sẽ thấy tiếc vì mất thời gian không thể làm những việc khác.
    Nhưng không, khi đọc và cảm được, mình chợt hiểu, và mình chợt thở theo những điều ấy.
    Mình nhận ra việc dừng lại và chiêm nghiệm điều biết ơn này, nó không giống như cảm xúc biết ơn mà mình nuôi trong mình mỗi ngày. Mà như một nguồn suối mát chảy ra từ chính tâm khảm linh hồn mình, và mình cứ thế đón nhận.
    .
    Một ý khác cũng khiến mình khá thích. Đó là câu hỏi “Mình đang được đưa đi đâu? Mình đang đưa mọi người đi đâu?”… "Mình đưa nhau về nhà với chính mình rồi tiếp tục đi chơi quanh quanh.” Nó khiến mình phải đi ngược lại cách suy nghĩ từ trước đến giờ, vì mình luôn làm mọi việc xong xuôi hết rồi mới về nhà.
    Ừ, Nhà là đây, là nơi bên trong mình cần chăm sóc và nâng niu trước mọi cuộc khởi hành. Vậy mà bao lâu nay mình cứ đi, đi miết, mê mải với những lo lắng, sầu muộn, để rồi khi mệt mỏi lại trở về nhà, nơi tâm can cũng chẳng còn yên bình để nương náu nữa.
    .
    Mình thuộc dạng nghiêm túc và nguyên tắc, cơ mà may mắn cũng biết open khi cần chứ không quá cứng nhắc. Tuy vậy, câu "…tất cả những việc khác mình làm đều là đi chơi." khiến mình đã nghĩ, uhmmmm, phải bớt lo lắng và cầu toàn đi, bớt cứng đầu và chu đáo quá mức đi mới được. Vì nếu những việc khác mình làm đều là đi chơi, hà cớ gì không tận hưởng trải nghiệm, hoặc chấp nhận sự thật rằng cuộc chơi có thể không vui, nó có thể xảy ra những điều mình không mong muốn, nó có thể làm xáo trộn tứ tung plan A, plan B, plan C, nó có thể thế này, thế kia, cậu nhỉ?… Ai đó đã nói "Cứ ngủ cho nó sướng, tội gì"… Cơ mà đành xem mình là đứa cứng đầu, sợ ngủ gật. Vì mình chỉ dám lim dim trong phút chốc, hoặc tận hưởng trong vài cuộc loanh quanh, khi đời còn có dịp cho phép. (như hội hè lần sau là một dịp chẳng hạn?!)
    .
    “Không biết hứng đến từ đâu?”
    Mình cũng không biết. Nhưng mình biết "hứng khởi quan trọng hơn ý định".
    Điều khiến mình vui nhất chính là Khuyến và những người bạn của mình đã có đủ hứng khởi để cùng nhau xây duyên thành hình cho ý định này.
    Rất tiếc khi mình biết đến "Hội Hè Toàn Thân" qua bài viết của cậu thì cũng là lúc nó đã thành hình trọn vẹn rồi. Nhưng không sao, mình đành đợi chuyến đò tiếp theo vậy. ..
    Cảm ơn cậu vì một bài viết thật truyền cảm hứng.
    .
    P/s: Mình không biết Khuyến ở Hà Nội hay Sài Gòn?
    Nếu mình nói mình biết Khuyến qua… Google thì có lạ kỳ lắm không?
    Thật ra mình có thể tìm thông tin về cậu qua những kênh xã hội khác, nhưng chẳng biết sao mình chỉ muốn giữ trọn vẹn, mọi thứ ở đây, ngay blog này. Thi thoảng thấy cậu ngoi lên, bằng một bài viết mới "ting" qua email, cũng là một niềm vui nhỏ bé thú vị!
    Mình ở Sài Gòn.
    Hy vọng một lần được gặp 🙂

When you comment, you care. That alone means a lot to me.

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s