Ngẫm về từ “vulnerability”
Ông bà hay dạy “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy vào”. Chả ai hơi đâu mà “vạch áo cho người xem lưng”.
Không cần nói nhiều việc chúng ta chung sống trên khu hàng xóm ảo mang tên mạng xã hội nữa. Mình cũng chẳng hoàn hảo gì, cũng câu Like, Love với Care như bao người khác thôi. 😆 Có những người trông hoàn hảo quá, mà hoàn hảo thì khó tin, khó đồng cảm và quan trọng nhất là mệt.

Dạo này mình để ý chuyện ngược lại. Có vài người hay khoe sẹo của mình như huy chương thành tích, ví dụ kiểu đã bao lần bị bồ đá, bị sa thải hay thất bại. Nói một cách tự hào kiểu “mày thấy tao từng trải chưa?”
Nó làm mình nghĩ tới từ “vulnerability”. Gần đây, từ này đang trở thành một từ khóa quan trọng trong nhân thức của nhiều người về cách sống. Cô Brene Brown có cái TED Talk “The Power Of Vulnerability” vài triệu lượt xem, rất khuyến khích mọi người có khả năng tiếng Anh nên xem.
Có một workshop gần đây của Compassion.vn dịch đó là “Mong Manh Là Sức Mạnh”. Dịch rất hay, ai đấy dịch xin cho một tràng pháo tay.
Sự mong manh không có nghĩa là mềm yếu, nhạy cảm. Nó là trạng thái luôn có của con người, mình chỉ không để ý hay cố tình che giấu.
Mình đã ngẫm về từ “vulnerability” này từ lâu và đã để ý tới từ tương đương trong tiếng Việt. Từ “mong manh” vẫn thấy nó thiêu thiếu.
Hôm nọ chợt bật ra một từ.
“Vỡ Lòng”
Thoạt đầu mới nghe thì “vỡ lòng” với cả “mong manh” không liên quan gì đến nhau. Nhưng từ từ nhé.
Từ “vỡ lòng” trong “bài học vỡ lòng” là những điều đầu tiên, đơn giản, và căn bản nhất.
Nhưng ngẫm thêm về trải nghiệm vỡ lòng mẹ mới nhận ra rằng, em bé trải qua một niềm đau thương lớn.
Tiếng khóc chào đời của em bé sơ sinh là tiếng kêu của một nỗi đau muôn thuở: “con chưa sẵn sàng”.
Con chưa sẵn sàng rời từ vùng sâu tối ấm áp trong bụng mẹ, nơi có dây rốn mẹ cho con ăn. Con chưa sẵn sàng rời xa nơi đã cưu mang mình để ra ngoài kia, để đối mặt với ánh sáng, để cho thế giới nhìn thấy sự nhăn nheo xấu xí của mình.
Con được sinh ra từ lòng mẹ nhưng con đang cảm thấy mình vừa chết đi. Con chưa bao giờ sẵn sàng.
Và người lớn cũng vậy: chúng ta chưa bao giờ thực sự sẵn sàng để rời một thế giới này để sang một thế giới khác, rời một mối quan hệ, một sự nghiệp, một nơi chôn rau cắt rốn, rời sự thoải mái của những điều đã biết để dạm bước đến những điều không thể dự đoán kiểm soát được.
Dù mình có né tránh hay đè nén thế nào,
nỗi đau từ việc phải rời xa chốn cũ luôn cận kề.
Và như em bé sơ sinh đó, mình vẫn nương vào nơi lòng vỡ ra để mình được chào đời.
Thật sự, nơi ta vỡ lòng cũng là nơi duy nhất ta có thể chào đời. Nơi ta chưa chắc chắn là nơi ta thực sự sống.
Mình vừa đọc một câu thơ của nhà thơ David Whyte:
“Remembering what strength it took
to turn that first impossible in-breath
into a cry
that can be heard
by the world”.
tạm dịch là
“Nhớ tới sức mạnh nào
để hơi thở vào đầu tiên
chuyển thành tiếng khóc
cho thế giới
có thể lắng nghe.”
Sức mạnh này mình đã và luôn có, và nó đến từ giây phút vỡ lòng.
Nếu mình là cha mẹ của em bé sơ sinh bên trong, điều mình sẽ nói là
“Con không cần phải đối đầu với thế giới, nhưng con phải gặp mặt tất cả. Con không thể che giấu chính mình: con chỉ có thể là mình khi con để cho thế giới nhìn thấy. Con sợ người ta sẽ chê trách sự nhăn nheo của con. Nhưng không, sẽ có những người hân hoan chào đón con ra đời.
Nơi con vỡ lòng cũng là nơi con thấy sức mạnh, là nơi con sẽ chạm và được thế giới này chạm đến, nơi con hé lộ nụ cười và những giọt nước mắt. Nơi con thực sự sống.
Con là một con người trọn vẹn mà không hề hoàn hảo. Vì người hoản hảo là người cố không để cho xung quanh chạm vào mình, người cố gắng thay đổi thế giới mà không chịu để thế giới thay đổi mình.”
Cảm giác vỡ lòng như vậy thường không hay ho dễ chịu một chút nào, nhưng nhớ rằng mình đã từng vỡ lòng để rời khỏi bụng mẹ sang một thế giới khác khi mình chưa thực sự sẵn sàng.
Ví dụ như chính bài viết này được rặn và đẻ ra trên mạng trước khi mình thấy nó đủ hay. Khi cho phép mình nương vào nơi lòng mình vỡ, mình không thể cố níu giữ một hình ảnh đẹp của bản thân. Thế nhưng khi mình nương vào nơi vỡ đó, mình sẽ thấy đâu đó, qua khe nứt của lòng mình, hé lộ những sự thật.
Đúng là có những lúc mình sẽ cần nỗ lực chứng tỏ bản thân, phấn đấu đạt được mục tiêu, cố gắng cho mình được cứng cáp. Đúng là mình phải có sự riêng biệt. Nhưng mình không chỉ là một cá nhân nhỏ nhoi phải chống chọi giữa dòng đời. Mình luôn, kể cả khi mình quên, kể cả khi mình căm phẫn hay tuyệt vọng, là một phần của dòng đời đấy.
Vỡ lòng là khi mình nhớ lại sự thật này.
Chuyện này thấy rõ nhất trong chuyện người với người. Ai cũng đã từng phải có những cuộc nói chuyện quan trọng, làm mình căng như dây đàn đến mức phải hít thở sâu thường xuyên, phải lắng nghe rồi chia sẻ như thế nào để mình vẫn thật với mình mà cũng hạn chế tổn thương cho người kia.
Không nói đâu xa, vừa rồi sinh nhật anh bạn, mình trêu ảnh hơi lố một chút gọi là “ông già và những người bạn”, ảnh buồn và bảo mình vậy. Mình xin lỗi. Cả hai người cần phải vỡ lòng mới nói được vậy.
Chia tay, chia tiền, chia buồn, thậm chí là chia vui, chia cái gì cũng cần vỡ lòng.
Không thể “giữ hình ảnh” vì có những thứ quan trọng hơn hình ảnh. Như ngọn lửa đã cháy âm ỉ bên trong, như sự sống đang đợi để tuôn ra qua những khe nhỏ nơi lòng mình vỡ.
Nhiều khe, nhiều kiểu vỡ lòng lắm.
Cho phép mình được thương người khác và được người khác thương.
Cho phép mình được bớt khổ. Nói với chính mình “mày khổ quá rồi, tao xin lỗi”.
Dám cho một ai đấy đến với mình. Để cho chính mình được nói lên sự thật. Để nghe thấy mình nói “em khổ quá, em cần thời gian” hay “em cần anh giúp”, “em làm anh buồn” hay “tôi thực sự muốn ___”,
Đối với cá nhân mình, vỡ lòng là việc không biết viết gì nhưng vẫn ngồi vào bàn hàng ngày để gõ tành tạch. Rồi nhảy vào lướt FB, xem Youtube bẵng cái hết hai tiếng, chán nản cảm ghét sự lười biếng của bản thân, rồi bắt đầu lại.
Mỗi người, mỗi hoàn cảnh lại vỡ lòng một cách khác nhau. Nhưng tất cả đều chung một bản chất: vỡ lòng là cho phép mình được chạm và được thế giới chạm vào mình.
Tâm Vỡ Lòng (Beginner’s Mind)
Đọc đến đây, có người sẽ hỏi: Cái này là như kiểu “mở lòng mình cho đời”, “trên đời này phải có một tấm lòng, để cho gió cuốn đi” đúng không?
Mình chọn từ “vỡ lòng” thay vì “mở lòng” vì từ “vỡ” nó thật, mạnh và đúng hơn với việc chính chúng ta trải qua. Lòng mình thường được cuốn trong bộ áo giáp mang tên “hình ảnh bản thân” cứng quá, nên để mở được thường sẽ phải vỡ trước. Và nó thường đau thương: thường là phải đau rồi mới biết thương. Nhưng không nhất thiết phải thế.
Hiểu được quá trình nương vào nơi lòng mình vỡ, mình cũng hiểu thêm về trạng thái vỡ lòng.
Trong tiếng Anh, “beginner’s mind”, tạm dịch là “tâm của người mới bắt đầu” ngụ ý tới trạng thái cởi mở nhìn điều gì cũng mới mẻ. Ở trạng thái này, những điều mình đã biết, về đời, về người, về chính mình, sẽ được quên đi trong từng khoảnh khắc để cho những khoảnh khắc sau đến với sự tươi mới.
Thường người ta phải đi du lịch đến một nơi mới, hay gặp một người mới thì mới thấy được sự mới mẻ đấy. Còn nếu luôn luôn gặp một người nào đấy thì dễ sinh nhàm chán.
(Lại nhớ hôm nọ nói chuyện với một chị bạn và mẹ chị ý. Thấy con hay bảo mình nói nhiều, bác ý hỏi “Mẹ cháu có nói nhiều không?”
Mình trả lời: “Dạ có. Nhưng mà nói nhiều không phải là vấn đề. Nói nhiều điều mới thì hay. Nói nhiều mà toàn lặp đi lặp lại mới mệt”)
Câu hỏi sẽ nảy ra là “Làm thế nào để luôn có trạng thái vỡ lòng này?” Thay vì đưa ra 5 cách khác nhau để có thể đạt tới cảnh giới này (rồi lập ra một cuộc thi xem ai giỏi hơn và ngộ đạo hơn), có một câu hỏi quan trọng hơn: điều gì làm cho mình quên đi cái trạng thái vỡ lòng vốn có này?
Vì thực sự nó vốn có rồi. Chỉ là những kiến thức, suy nghĩ và phương pháp trở thành những vòng lặp luẩn quẩn trong đầu làm mình nhầm tưởng là điều đó biến mất.
Sự vỡ lòng vốn sẵn của tự nhiên là sự sáng suốt trong veo của tâm trí.
Bạn không phải làm gì cả ngoài việc để ý là mọi thứ đang chạy. Việc suy nghĩ chạy là việc của suy nghĩ. Khi mình để ý và quan tâm đến chính mình – “quan sát bằng tâm”, rất nhiều điều hay ho sẽ hé lộ như con trai đang ngậm ngọc.
Khi mình bắt đầu để ý, mình cũng sẽ thấm hơn về tinh thần ngẫu hứng.
Viết ra cũng để đúc kết từ nhiều trải nghiệm và suy ngẫm, đặc biệt là từ bộ môn Chạm Ngẫu Hứng mình đã và đang thực hành và giảng dạy từ lâu nay. Nói chuyện triết lý tâm lý hay ho mà nó không thấm vào trong thân thể thì vẫn chưa đáng.
Càng đi vào sâu và thực hành mình càng nhận ra được nhiều điều. Kỹ thuật là một phần, nhưng phần tinh thần quan trọng quan trọng hơn rất nhiều. Phần này rất khó dạy, thậm chí là không thể.
Nhưng có thể gợi lên, vì bạn đã có sẵn nó rồi.
Mình chỉ gợi nó lên đủ lâu để những điều luẩn quẩn kia bắt đầu vơi dịu đi. Chúng ta sẽ sáng như thuở vỡ lòng.
Mọi người ai thấy bài viết chạm đến mình và muốn tiếp tục khám phá, chứng nghiệm và vui chơi có thể cân nhắc đi cùng với mình cuối tuần sau, mình sẽ dẫn một đoàn đi một khóa “Chơi & Học” ở An Lạc Trang, Củ Chi.
Mọi người đi đợt bảo đi về rất vui. Mình thì thấy về mọi người mở hơn rất nhiều.
Mà mở không phải lúc nào cũng vui sướng nhé. Cái vỡ lòng đấy sẽ mang tới những điều không tưởng, đôi khi là chuyện buồn. Mình không thể kiểm soát được nhưng mình có thể chấp nhận.
Vẫn còn một vài chỗ trống, thông tin ở dưới đây. Chạm Ngẫu Hững – Đánh Thức Điều Không Tưởng.
ps3: Hàng tuần mình viết một bức thư nhỏ bằng tiếng Anh gọi là Men Suy Ngẫm (tiếng Anh là Enzyme for Thought) cho những người đã phè phỡn thông tin fat food muốn một chút gì đấy giúp lòng mình tiêu hóa hơn. Mọi người đọc được tiếng Anh có thể đọc thêm ở đây. Enzyme for Thought
Em cảm ơn anh vì bài viết ý nghĩa ạ. Trước giờ em chỉ chăm chăm để trở thành người hoàn hảo, “cố không để cho xung quanh chạm vào mình”, “cố gắng thay đổi thế giới mà không chịu để thế giới thay đổi mình”. Bài viết của anh đã giúp em nhận ra rằng, điều cần thiết hơn cả là trở thành một người trọn vẹn chứ không phải là một người hoàn hảo. Có lẽ sẽ hơi khó khăn, cơ mà em nghĩ mình nên thử bắt đầu để thế giới “chạm” vào bản thân xem sao ạ.
Thật cảm ơn anh rất nhiều vì những dòng chữ này ạ. Cảm ơn anh vì đã vỡ lòng và cho những con chữ này được đến với thế giới, để em có thể đọc được chúng ạ.
Con người chẳng bao giờ sẵn sàng nhỉ, cả lúc sinh ra & khi chết đi, có thể cả trước & sau lúc đó nữa …
Pingback: Trèo cây và nghịch lý cô đơn | Khuyen
Pingback: Ngầu hay là Yêu (mình)? | Khuyen