Khổ có gì Sướng

(Hay là Lằng Nhằng chuyện Đuổi Việc Thích Ôm Khổ)

Lưu ý: bài đầu trong series 5 bài khám phá sự đan xen giữa khổ và sướng. Đọc các bài còn lại (theo thứ tự) Sướng có gì Khổ , Càng Khổ Càng SướngThích Kiểm SoátĐau cũng được, mà sướng thì vẫn hơn.

Vừa rồi dẫn một nhóm nhỏ đi về nơi sông nước nhảy múa đàm đạo sự đời, có nhắc tới chủ đề muôn thuở của con người: Khổ.

Mình đã chiêm nghiệm chuyện này lâu, và dạo này bắt đầu liều hơn trong việc đi theo câu hỏi của mình thay vì nương theo một Đấng nào đấy đã đúc kết lại.
Ví dụ có một Đấng đã từng hỏi “Khổ là gì?” và “Làm thế nào để thoát khổ?” Đi theo hai câu hỏi này thì đảm bảo đi sâu và xa.
Nhưng dạo này mình nhảm hơn nên chợt nhận ra còn một câu hỏi nữa “Khổ thì có gì sướng?” Tại vì không sướng thì khổ làm gì.

Trước khi mọi người bảo mình dở hơi, xin phép mọi người thử một trải nghiệm.

Bạn có thể thử ngay bay giờ bằng cách massage phần hông. Có một điểm sâu vào bên trong ở giữa hông và mông, bạn có thể lấy ngón tay cái của mình ấn và day vào. Bạn sẽ biết mình đã chạm đến đúng điểm khi mặt mình nhăn xong miệng kêu oai oái trong sự sung sướng.
Đến màn massage cuối khóa Chạm Ngẫu Hứng, hầu hết ai cũng bảo không mỏi. Đến khi chạm tới đúng điểm thì ai cũng oai oái như thế!

Hai kết luận tạm thời:

  1. Mình có thể nghĩ là mình đã thoát khổ, nhưng khả năng cao là chưa.
  2. Đôi khi trong cái mình nghĩ là khổ lại thường có cái sướng. Trong sự quằn quại lại có sự đê mê.

Điều thứ hai làm mình bắt đầu nghi ngờ bản thân:

Có nhẽ nào lí do mình không sướng là bởi vì phần lớn mình thích khổ? Có nhẽ nào mình thích khổ nhưng không muốn công nhận điều đó?
Có nhẽ nào có những phần trong mình đã quá quen thuộc với việc đắm chìm trong nỗi khổ rồi, quen đến mức mình không biết nó khổ và không muốn bỏ nó?

Tạm gọi tên phần này là “Thích Ôm Khổ” (nghe như tên hòa thượng 😅)

Tưởng tượng là bạn này là một nhân viên đã quen làm một công việc rất lâu năm, giờ mùa dịch công ty giảm biên chế cải tổ bộ máy nên sẽ bị sa thải.

Thử hình dung xem phản ứng đầu tiên của bạn nhân viên này là gì?

Có thể bạn ý sẽ tức giận vì sếp bất công, đời bất công “Khổ bao lâu nay không sao, bây giờ tự dưng mày lại đòi Sướng?” Biểu hiện là cứ thấy người khác sướng là bực bội, ghen tị, chê trách người ta, chưa kể là tích cực dìm hàng họ.

Hoặc là xấu hổ vì mình kém cỏi, nên sẽ cố gắng Ôm Khổ chặt hơn nữa nghĩ là mình cần phải chứng tỏ bản thân bằng cách làm tốt nhiệm vụ này hơn. Ví dụ là càng lao đầu vào những điều khổ hơn để chứng tỏ là mình có thể chịu khổ được nữa. Các bác đừng khinh, em chưa thấy quan tài chưa đổ lệ!

Thường nhất thì sẽ là sợ hãi để cố gắng níu giữ công việc Ôm Khổ quen thuộc của mình, giờ không làm việc này nữa thì không biết làm gì. Ví dụ là nhiều người hỏi “làm sao để vượt qua nỗi sợ” nhưng thực sự quá quen với việc lo lắng rồi, nếu không sợ thì không biết tâm trí mình sẽ để đi đâu?

Lằng nhằng chuyện Đuổi Việc Nỗi Khổ

Việc chính của bạn Thích Ôm Khổ là ôm cơn giận, sự xấu hổ hay nỗi sợ.
Mình có thể tự hỏi bản thân: chính xác là phần nào của bạn Thích Ôm Khổ sắp bị mất việc?

Ví dụ mình là Thích Ôm Sợ nhất.
Sợ hết tiền? Sợ không ai hiểu? Sợ mất hình ảnh? Mất kiểm soát? Sợ kém cỏi, ngốc nghếch? Sợ bị bỏ rơi? Sợ sống không đúng với con người thật và lý tưởng? Sợ phải thay đổi và bỏ đi thói quen cũ? Hay sâu hơn nữa thì sợ không tồn tại hay còn gọi là sợ chết?

star wars, fear, afraid, yoda, the phantom menace, fearful Gif For ...
Yoda biết tui sợ

Vậy phải làm gì với bạn này đây?
Tin buồn là mình không thể tống khứ bạn này đi đâu được. Nỗi sợ như là cánh tay, không thể cứ muốn là cưa được.

Không phải là so sánh gì trừu tượng, khi mình sợ, tay mình sẽ co rúm lại, cố gắng níu kéo lấy cái gì đấy. Mình dạy môn Chạm Ngẫu Hứng thấy rất rõ là khi hai người nâng nhau, người ở trên thường sẽ sợ ngã nên tay sẽ tự nhiên quặp vào người ở dưới. Chính cái phản xạ quặp vào đấy mới gây nguy hiểm vì nếu có ngã thật thì không còn tay mà tự đỡ mình.

Thế thì phải làm sao?
Tiếp tục nói ví von với hình ảnh Thích Ôm Khổ, thì mình phải bắt đầu bằng việc đưa hung tin là bạn ý mất việc. Ai mà khéo an ủi thì sẽ xử lý vụ sa thải êm ái hơn xíu, nhưng nói toẹt ra là phải tuyên bố với bản thân: TUI CHÁN ÔM KHỔ RỒI.

Tất nhiên là không dứt ra ngay được đâu, sẽ còn dùng dằng nhiều drama lắm. Vẫn còn khổ thì chứng tỏ chưa thực sự chán. Nhưng mà ít nhất là tuyên bố rõ ràng.

Nếu bạn đã từng nếm mùi khổ, bạn sẽ nhớ ra là có một giây phút tự dưng ngộ ra. Giây phút mình thực sự tuyên bố điều này với trời đất quỷ thần ông bà cha mẹ tổ tiên chó mèo và đặc biệt là chính mình. Giây phút mình bắt đầu chính thức sa thải bạn Thích Ôm Khổ.

Nhà thơ Mary Oliver có bài thơ “Cuộc Hành Trình” (The Journey) nói về điều này, mình tạm dịch một phần ra đây

Cuộc Hành Trình
– Mary Oliver

“Một ngày nọ
bạn cuối cùng cũng đã ngộ ra
điều mình cần phải làm
và bắt đầu,
dù những giọng nói xung quanh
vẫn gào lên
những lời khuyên dở tệ,
dù cả căn nhà
bắt đầu lung lay
và bạn cảm thấy
những níu kéo
ở gót chân
”Chữa đời tôi đi!“
từng giọng nói kêu cứu.
Nhưng bạn không dừng lại.
Bạn biết bạn cần làm gì,
….
Từng chút một,
khi bạn bỏ lại phía sau
đám giọng nói cũ đấy,
những vì sao bắt đầu chiếu rọi
xuyên qua làn mây,
và có một giọng nói mới
mà bạn dần dần
nhận ra là chính mình,
đã đồng hành
trong từng sải bước
sâu hơn
và sâu hơn
vào thế gian,
quyết tâm làm
điều duy nhất bạn có thể làm,
quyết tâm cứu
đời duy nhất bạn có thể cứu.“



Tốt Nghiệp Chuyên Ngành Khổ

Sau khi đuổi việc bạn này, có người sẽ thấy nhẹ nhõm, người thấy sốc, ngườì thấy sai sai. Tuyên bố đuổi việc Thích Ôm Khổ xong thì làm gì?

Để mình vẽ đường cho chú hươu sung sướng trong bạn chạy.

Bước 1: Thay vì đuổi việc, gọi là Lễ Tốt Nghiệp.
Bước gọi tên này rất quan trọng nhé. Chia tay với đuổi việc đau thương quá, gọi là tốt nghiệp cho nó đàng hoàng.

Bước 2: Mở tiệc ăn mừng.


Gọi là Lễ Tốt Nghiệp thì phải có một bữa tiệc hoặc ít nhất là một vài lời cảm ơn chân thành để ăn mừng.

Mình lắng nghe để hiểu: nỗi sợ đã làm được những gì cho mình?
Có người làm việc này bằng cách viết nhật ký, có người rủ bạn tâm sự hay tham gia group coaching, có người mở tiệc ăn mừng thật. Quan trọng nhất là sự ghi nhận thật lòng.

  • Cám ơn nỗi sợ vì đã trung thành với mình bao lâu nay chưa rời đi.
  • Cám ơn nỗi sợ đã bảo vệ mình không cho mình làm điều gì quá nguy hiểm.
  • Cám ơn nỗi sợ ngăn cản mình không làm điều ngu ngốc để giữ thể diện.

Nghe đơn giản vậy mà hiếm khi mình cho phép bản thân làm những chuyện đó. Chả trách nỗi sợ cứ bám víu mãi. Đúng là mình quen và mình thích được làm khổ hoài như vậy.

Bước 3: Bổ Túc Kĩ Năng
Dù bạn có thấy chán Khổ thế nào thì những gì đã và đang có vẫn đáng để trân trọng.
Chuyên Ngành Khổ sẽ luyện cho bạn có khả năng cảm thông cho người khác. Kĩ năng này rất đáng quý, nó sẽ truyền cho ban nhiều động lực để giúp người và làm mọi người cảm thấy an toàn khi ở cạnh bạn (“thấy nó cũng khổ khổ, chắc mình kể lể nó cũng hiểu”).
Mình quan sát và thừa hưởng điều này từ mẹ, vốn là một người rất giỏi lắng nghe. Mọi người có tâm sự đau buồn gì rất thích đến gặp mẹ để chia sẻ và vơi đi nhiều phần.
Nhưng chuyện vui thì thấy ít người đến hơn. Lạ thế cơ chứ!
(Theo Báo Cáo Đánh Giá & Phát Triển HR của đạo Phật thì chuyện này gọi là trội hơn về hai mảng Từ – Bi (kindness & compassion). Bây giờ thấy mẹ đang chú tâm vào hai mảng sau, Hỷ – Xả (joy & equanimity), nhìn thấy rõ sự khác biệt luôn. 👏)

Kĩ năng Ôm Khổ trước đây sẽ là một nền tảng quan trọng. Và muốn làm tốt nghề Sống thì phải bắt đầu thực tập thêm mảng Tận Hưởng.

Thời gian đầu có thể sẽ không đơn giản.
Vì mình sợ sướng.
Nghe sai sai, nhưng để ý mà xem. Đó là lí do mình sướng được một xíu thì nghĩ ngay

  • “liệu có đang sướng quá không nhỉ?” (nếu có thì sao?)
  • “không làm gì mà sướng thế này thì có gì sai không?” (đúng sai, ai mà biết) “giờ sướng nhưng mà một tí nữa nó hết sướng phải làm sao?” (nên là muốn giữ cái sướng đấy lại, nhưng mà hết sướng này lại có sướng khác thì sao?)
  • Ai cao thượng hơn thì nghĩ “có bao nhiêu người khổ hơn trên đời, mình sướng một mình như vậy có phải tội không nhỉ?” (thấy đời là bể khổ như vậy rồi mà còn muốn đóng góp thêm vào đó nữa sao, logic kiểu gì vậy…)

Hiểu được điều đấy hơn giờ mình rút kinh nghiệm: cho mình sướng lên TỪ TỪ THÔI. Từ trong tối ra ngoài sáng hay từ ngoài sáng lại đắm chìm vào bóng tối đều dễ gây ngợp.

Thỉnh thoảng cho mình hít một vài hơi thở cho thêm tí oxy lên đầu óc. Ngúng ngoảy cái cổ, lờn vờn mấy ngón tay, nhe răng nhe lợi ra.

Ai dân chơi hơn nữa thì cười một cái, rồi ăn một que kem…

Không phải ai cũng dám sướng nhanh như vậy. Sướng nhanh quá, cảm giác mạnh quá lại sốc. Có những thứ rất sướng mà phải đủ kĩ năng mới làm được.
Nên mọi người bình tĩnh, mình có cả đời để sướng, không đời này thì đời sau. Nhưng tranh thủ lúc nào sướng được thì cứ phải sướng.

And this cat enjoying a shoulder rub after a hard day at work ...
Ai có mèo, người đó có thầy dạy Tận Hưởng

Dọa khó vậy thôi, nhưng thực hành nhiều bạn sẽ thấy trong lòng hân hoan, giải phóng được một đống năng lượng trước đây đã Ôm Khổ. Khi đấy con người bạn sẽ tràn trề nhựa sống hơn và bạn sẽ tự đẻ ra việc vui, hay ho và có ý nghĩa để làm.

Bước 4: Tìm Kiếm Việc Làm Mới
Bạn đã học xong Chuyên Ngành Khổ rồi, giờ bạn có thể làm thực tập nghề Tận Hưởng. Lương khởi điểm sẽ được trả tùy vào năng lực và kinh nghiệm Sướng có sẵn.
Đôi khi bạn sẽ gặp những thanh niên trẻ hơn bạn, mà chúng nó năng động nên làm việc này tốt hơn rồi lương cao hơn, xin bạn đừng ganh tị. Bạn đã tốt nghiệp chuyên ngành Khổ rồi mà, ai bắt bạn thi lại nữa đâu?

Bước 3 với bước 4 tới con đường Sướng cũng lắm gian truân. Cụ thể thế nào để phần sau, tạm gọi là Sướng Quá Chịu Không Nổi.

Hôm nay vậy là nhiều rồi.
Chúc các bạn Tốt Nghiệp Chuyên Ngành Khổ loại xuất sắc!

Tái bút 1: Không giấu gì các bạn, mình đang học cách câu like.
Đủ 100 likes với 10 shares sẽ viết tiếp không thì mình cứ thấy mình viết đơn độc kiểu gì ấy chả ai đọc. 😫 Các bạn cứ like cho cái tôi của mình phồng lên như bong bóng rồi vỡ nó mới thú vị. 😄

Tái bút 2: Ai muốn bảo vệ luận án Tốt Nghiệp Chuyên Ngành Khổ có thể comment ngay vào đây hay inbox riêng trả lời câu hỏi chiêm nghiệm tuần này. (Nói cách khác là bạn sẽ được hưởng dịch vụ self-coaching trá hình, sướng chưa?)
Trả lời hay có thể mình sẽ tổ chức Lễ Tốt Nghiệp vào trao bằng cho bạn😛 Tự động não động lòng trước rồi sẽ cho dòm bài của mình.

CÂU HỎI CHIÊM NGHIỆM:
Cái khổ của bạn giúp bạn sướng như thế nào? Nêu 3 cách cụ thể.

Advertisement

6 thoughts on “Khổ có gì Sướng

  1. Hi em, không phải có câu “chân lý” kiểu như “Đã sinh ra làm người thì phải khổ rồi” hay là kiểu ” Còn sống là còn khổ” đó sao. Khoa học thoát khổ được được nghiên cứu từ khi có con người nên bàn về nó quả là cả ngày không hết. Chúng ta thường tự làm khổ mình hơn là người khác làm nên cái khổ của mình chỉ mình gặm nhấm thôi, nên cái câu hỏi của em là Khổ có gì sướng chị thấy rất hay. Không sướng sao làm hoài nhỉ ^^.
    Mà chị cũng có một câu hỏi muốn bàn luận cho vui là có phải cứ khổ rồi mới sướng được không? như là phải biết mùi khổ mới biết sướng là như thế nào ý? Hay là sướng là sướng khổ là khổ chứ ko nhất thiết phải khổ mới được sướng?

  2. Pingback: Sướng có gì Khổ | Khuyen

  3. Pingback: Vài nhắn nhủ khi order từ anh Trụ | Khuyen

  4. Pingback: Càng Khổ Càng Sướng | Khuyen

  5. Pingback: Vận Sức & Thả Lỏng | Khuyen

  6. Pingback: Đau cũng được, mà sướng thì vẫn hơn | Khuyen

When you comment, you care. That alone means a lot to me.

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s