Sau bài viết tuần trước Khổ có gì Sướng, có một câu hỏi quan trọng nảy ra: Tại sao không ai nói đến chuyện này?
Bời vì việc một cách vô thức mình thích cái mà mình luôn kêu là khổ là một điều cái tôi của mình rất khó chấp nhận… (“Cái gì, bạn không thấy tôi khổ hay sao mà còn bảo tôi thích khổ, muốn gì?”)
Sau khi nhìn rõ hơn về sự kì quặc của chính mình, phần này sẽ ngẫm thêm về con đường sướng nó có những cái khổ thế nào.
Thường mọi người sẽ nghĩ Sướng thì làm gì có gì mà Khổ. Người tinh hơn một xíu thì sẽ biết ngay là “sướng nhiều quá sẽ khổ”. Ăn kem thì sướng mà ăn nhiều thì vừa ngán vừa béo ú. Làm nhiều trò với nhau thì sướng mà làm nhiều quá thì đuối sức mệt lừ có khi lại đâm ra ghét nhau.
Ở mức độ hoạt động ăn uống hàng ngày thì hầu hết ai cũng hiểu điều này và muốn theo trường phái “cân bằng”, cái gì cũng có mức độ của nó. Nhưng đến câu chuyện lớn hơn của đời thì mình thường đi ngược lại.
Hai kết luận tạm thời
- Mình chưa biết cách sướng.
- Khổ vẫn còn rất sướng nên vô hình chung mình vẫn thích khổ (dù bình thường mình hay nói là chán khổ rồi)
Sướng – Khổ, Sướng – Khổ
Dạo này mình đang thử nhìn cuộc đời là vở nhạc kịch, có nhạc, có kịch và cả nhảy múa nữa. Trong đó có một kịch bản & điệu nhảy quen thuộc: Sướng – Khổ, Sướng – Khổ.
Chắc không có ai lạ gì điệu nhảy này. Đang Sướng rồi lại Khổ. Hết Khổ thì lại Sướng. Qua hồi bỉ cực đến hồi thái lai. Cứ thế tiếp diễn.
Sướng quá thấy sai sai cũng tự kiếm Khổ cho mình. Khổ quá không chịu được thì đi tìm cái sướng.

Mình đã học điệu Sướng-Khổ Sướng-Khổ từ đâu?
Đã sống qua một chút khổ (cảnh báo trước: không thi “Ai Khổ Hơn” nhé, mình xin đầu hàng ngay) và cũng đang qua một quá trình nhận thức lại bản thân, mình thấy căn nguyên của điệu nhảy này như vậy:
Hồi nhỏ cứ sướng một tí là bị la. Vui chơi chạy nhảy một lúc rồi bị bắt vào nhà. Xong rồi sẽ bị sạc:
“Bây giờ mà không chịu khó thì sau này lấy gì mà ăn?”
hay là “Ăn không ngồi rồi như thế thì sau này làm gì cho đời?”
Ba mẹ nào chả muốn tốt cho con, nhưng khả năng là theo một cách vô thức vì ba mẹ không quen với việc sướng nên cứ thấy con mình sướng là hãm lại. Chắc cũng có yếu tố di truyền.
Lớn lên mà nói chuyện sung sướng người lớn sẽ nhìn mình và nhíu mày “lạy ông tướng, lại suy nghĩ viển vông”. Dần dần cái tính kỉ luật đấy nó ngấm vào người. Lúc đấy thấy cũng kỉ luật có ích, nhưng càng lớn càng thấy nó đang hãm mình lại.
Làm được vụ gì hay ho xong ăn mừng được một xíu rồi lại nghĩ “Thôi, không ăn mừng ngồi trên chiến thắng mãi được. Phải cắm mặt vào làm tiếp thôi không thì chết”.
(Nếu bạn để ý thì sẽ thấy gần như 50% bí kíp thành công từ Bill Gates cho đến gia đình là một phiên bản của “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Chắc vì khó chịu với phong trào “thương cho roi cho vọt” này nên khoảng 50% còn lai của thị trường phát triển bản thân là một phiên bản nào đó của Luật Hấp Dẫn. Trường phái này hấp dẫn phần lớn là phụ nữ theo tư tưởng “mọi thứ đơn giản lắm không cần phải làm gì nhiều chỉ cần thay đổi quan niệm và từ từ sẽ manifest”. Mình ba phải nên thấy cả hai đều đúng 😄)
Ông Trời bật nhạc Sướng – Khổ, chúng ta nhảy theo
Có một khả năng là điệu nhảy Sướng – Khổ này ngấm sâu đến mức mình không ý thức đến nó. Đến mức khi chuyện khổ xảy ra mình sẽ đổ tại người khác hoặc ông giời thay vì nhìn nó là lại một kịch bản Sướng – Khổ nữa vừa được lặp lại. Sự thật thì ông giời mới biết, nhưng thử nhìn mọi điều từ góc nhìn này xem sao, biết đâu vỡ ra được điều gì mới.
Ví dụ nóng hổi gần đây thì có cặp đôi đang vui vẻ hạnh phúc nhưng lại chán và bỏ đi tìm người khác. Và đây không phải là lần đầu tiên: kịch bản lại được tái diễn. Rõ ràng là ông trời đang bật nhạc Sướng – Khổ và mình vô tình nhảy theo.
Giai điệu này có nhiều biến tấu và lời bình khác nhau.
Gặp được một ai đấy hợp cạ, rất vui với nhau được một thời gian kiểu gì cũng đẻ ra chuyện cãi nhau vớ vẩn. “Chả có mối quan hệ nào hoàn hảo. Chúng ta chỉ đang biết thêm về góc tối của nhau thôi”, mình lại tự lí giải cho bản thân.
Tự dưng gặp chuyện không theo ý, tự nhủ với bản thân “sông có khúc, người có lúc. Đời cho mình thử thách để mình phấn đấu”.
Bạn nào tính tình sâu sắc thích tư duy tích cực có thể giải thích là “Điều gì xảy ra cũng có lí do của nó, mình sẽ cố gắng tìm ra bài học lần này”.
Bạn nào theo trường phái Lãng Mạn Hóa Nỗi Khổ thì sẽ nói là “khổ mới có ý nghĩa, khổ mới đẹp” hay là “khổ để đồng cảm với những người khổ như mình”.
Bạn nào theo #teamTâmLinh level cao hơn nữa thì nói là “không có gì sướng và khổ, chỉ do tâm đánh giá phán xét của mình thôi”. Xong rồi nhớ tới các sư các thầy các đấng hiền triết các bậc giác ngô đã dạy mình phải chấp nhân, thôi thì mình cũng sẽ cố học cách chấp nhận vậy.
Điều cần nhớ là tất cả những lời giải thích này là cái mình bình luận trên những thứ đang xảy ra.
“Đời là như thế, sao phải bình luận?“, có người hỏi.
Cho vui. Bình luận thì ít có đúng sai, chỉ có cái nào nghe lọt tai mình hơn thôi. Mình thích xây dựng hình ảnh bản thân thông thái hiền triết nên đã từng thử hết các kiểu bình luận này, thấy kiểu gì cũng có cái hay của nó 😆.
Trong mấy cách bình luận kể trên, đặc biệt có một cách đã làm mình điêu đứng say mê. Đó là lời tự an ủi bản thân “Giờ chịu khó khổ một chút rồi sau này sung sướng.”
Sau này bị bầm dập hơn một chút rồi mình mới vỡ lẽ: Bây giờ mà đã khổ vậy rồi thì hi vọng gì sau này sướng nữa? ÔI DỜI ƠI TÔI ĐÃ BỊ LỪA 😫
Không có nghĩa là mình nên bỏ vai bỏ vở diễn nhé. Thay vào đó, nhớ ra là mình đang diễn sâu vai khổ.
Nghệ thuật Diễn Sâu vai Khổ

Định nghĩa của Diễn Sâu: sâu đến mức mình lờ mờ quên mất là mình đang diễn. Đôi khi cần một khán giả vừa quan tâm vừa khách quan gọi tên ra mới biết. Vị khán giả này có thể đóng vai một người thầy, người bạn thân hay coach.
Diễn Sâu vai Khổ như thế nào? Vì mình sợ sướng nên cứ sướng quá là mình sẽ rụt vòi lại. Đúng kiểu lặn xuống sâu quá khó thở nên phải trồi lên.
Thay vì nghỉ ngơi, tận hưởng và làm quen với cái độ sung sướng Bình Thường Mới thì mình lại kéo mình xuống bằng một cách chuyện nào đấy vớ vẩn.
Ví dụ đang sướng một xíu thì:
- Lo lắng vẩn vơ thành giày vò bản thân: “giờ sướng nhưng mà một tí nữa nó hết sướng phải làm sao?” (nên là muốn giữ cái sướng đấy lại, nhưng mà hết sướng này lại có sướng khác thì sao?)
- Hoài nghi: “liệu có đang sướng quá không nhỉ?” (nếu có thì sao?)
- Cảm thấy tội lỗi vì quá sướng: (“mình đã làm gì đâu để sướng thế này?” hay là “không làm gì mà sướng thế này thì có gì sai không?” (đúng sai, ai mà biết).
Ai đóng vai cao thượng hơn thì nghĩ “có bao nhiêu người khổ hơn trên đời, mình sướng một mình như vậy có phải tội không nhỉ?” (thấy đời là bể khổ như vậy rồi mà còn muốn đóng góp thêm vào đó nữa sao, logic kiểu gì vậy…) - Kiếm chuyện vặt cãi nhau: “tại sao em ra ngoài không khóa cửa?” (trong khi đang say sưa men nồng, rồi lại trách làm cho nhau mất hứng)
- Bực bội “hôm nay tự dưng thấy trời mưa khó chịu quá!” (xong ngay hôm trước vừa khen mưa đẹp quá mát quá)
- Né tránh lời khen: đây là một kĩ thuật diễn rất sâu, đáng để giải thích hơn.
Ví dụ: “Em đẹp quá” → “Hôm nay anh ăn nhầm phải cái gì à? 😮” hoặc là “anh lại muốn gì từ tôi đây?”.
“Mình thấy bạn rất có ý thức phấn đấu” → “Mình bình thường ấy mà, phần này mình thấy vẫn làm chưa tốt” (một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu).
Bạn có để ý là khi mình né tránh lời khen thì mình không đang lắng nghe người ta nói gì không?
Đó là lí do vì sao càng né tránh lời khen càng sẽ không được khen nữa. Từ vị trí của người đi khen người khác, có những người mình rất thích khen vì họ biết cách nhận. Khi mình khen người ta mình phải thấy vui, chứ không thì khen làm gì?
Nếu làm mà không được khen, có thể là làm chưa đủ tốt. Lí do nghe có vẻ khách quan, nhưng mình cũng có thể hỏi ngược lại một cách chủ quan hơn: có nhẽ nào mình không dám nhận lời khen?
Mọi người có thể tự tìm thêm ví dụ và comment, mình cũng đang ngâm cứu nghệ thuật Diễn Sâu vai Khổ này 😄
Sau khi học thông thạo vụ này, chúng ta sẽ xem tiếp tới sự Sướng.
Giới Hạn Sung Sướng
(hay còn gọi là Sướng Quá Chịu Không Nổi)

Lần đầu tiên mình biết tới khái niệm này từ cô phù thủy Carolyn Elliott, mình suýt té ghế vì nó chạm tới đúng tim đen của mình.
Cổ định nghĩa Giới Hạn Sung Sướng là “mức độ sướng cho đến khi mình bắt đầu phát hoảng.”
Ở mỗi mặt chúng ta có các giới hạn khác nhau. Có người rất mở ở một khoản nhưng đóng ở khoản khác. Ví dụ đây.
Sức khỏe: vừa khỏi ốm, lại lao đầu vào vận động mạnh, lại ốm tiếp. Không nên trách mình ngốc, không nên trách ông trời bất công. Đặt câu hỏi: có nhẽ nào mình chưa quen với việc khỏe mạnh nên vô hình chung tự đưa mình vào sự ốm yếu?
Tình cảm: hai người có sự kết nối thân mật, chạm sâu vào lòng nhau đến một lúc nào đấy mình đẩy người ta ra vì sướng quá hóa sợ.
Tiền nong: người ta cho mình tiền, đến con số nào mình bắt đầu hoảng, người cứng đơ ra, á khẩu luôn. Rồi lo lắng ngại ngùng sợ người ta kì vọng gì vào mình. Rồi không dám nêu giá cao vì sợ người ta ghét mình hay sợ mình quá lố, xong về tự trách mình ngốc quá bỏ lỡ cơ hội.
Bản thân mình thấy đã nới giới hạn sướng cho chuyện tình cảm tương đối nhiều, còn chuyện tiền nong thấy vẫn hơi cóng. Nhưng mà cũng từ từ, không vội.
Bạn thử ngẫm cùng mình: ở mỗi mảng trong cuộc sống, đâu là giới hạn hiện tại của mình? Khả năng cao là mình sẽ thừa hưởng một phần giới hạn đó từ đời trước.
Nhận thức xong rồi thì làm gì?
Nếu bạn là người thích giải quyết vấn đề, thì vấn đề duy nhất cần giải quyết là “làm sao để không bị tắc ở cái Giới Hạn Sung Sướng này quá lâu?”
Còn nếu tính bạn đơn giản xuề xòa thì nhớ là **không nhất thiết là phải vượt qua giới hạn, nhưng nên để ý xem giới hạn của mình đang ở đâu.**
Đổi nhịp: từ Sướng-Khổ Sướng-Khổ thành Sướng-Nghỉ Sướng-Nghỉ
Với nhận thức về Giới Hạn Sung Sướng này, mình có thể nhìn rõ hơn điệu nhảy của mình. Thường những ai thích cảm giác mạnh, thích vượt ngưỡng thì một cách vô thức sẽ đổi từ Sướng sang Khổ rất nhanh.

Mình là một đứa như vậy, thể hiện qua số lượng drama đã trải qua và số vai mình đã đóng. Lúc làm kẻ khù khờ, lúc làm chuyên gia nhảy vào cuộc, lúc làm người thứ ba, lúc làm bang chủ bất đắc dĩ… ít nhất là mình tự thú nhận là thích drama, đặc biệt là hài kịch. 😅 Chắc ai cũng có một người bạn “sống hết mình, diễn trọn vai” như vậy.
Vài năm trở lại đây, mình ngẫm lại và muốn sống một cuộc sống thực sự khác, nhưng không nhất thiết phải chuyển thành phố mới, nghề mới hay mối quan hệ mới. Vở kịch phải khác hoàn toàn về mặt kịch bản.
Giờ mình vừa ngộ ra một điều: thay vì nhịp điệu sướng/khổ, sướng/khổ thì mình có thể thử nhịp sướng / nghỉ, sướng / nghỉ.
Có nghĩa là để ý tới khi nào mình tới ngưỡng sung sướng thì TỪ TỪ thôi. Sướng quá mờ mắt là rất dễ tái diễn điệu nhảy Sướng – Khổ.
Sướng vì được yêu hơn? Đón nhận từ từ thôi, kẻo lại đẩy người kia đi mất.
Sướng vì kiếm được nhiều tiền hơn? Tiêu pha từ từ thôi, kẻo lại tay trắng.
Sướng vì nhảy múa tự do? Bung lụa từ từ thôi, kẻo lại ngã dập mặt (kinh nghiệm bản thân…)
Lấy một trải nghiệm thực tế để minh họa là đổi nhịp cần phải từ từ.
Ai đã từng học xoạc (ballet hay võ) hoặc giãn người trong yoga có thể biết điều này. Mình sẽ xoạc đến khi nào thấy gần hết cỡ rồi thì người mình sẽ run rẩy cứng đơ lại. Lúc đấy quan trọng là phải chậm lại, không cố nữa, hít thở sâu rồi lúc thở ra để từ từ háng của mình tự xoạc được thêm tí nữa. Rồi nghỉ ngơi rồi tiếp tục.
Nghỉ để làm gì? Để quen với mức độ sướng mới thay vì thụt về cái khổ cũ. Cứ nới nới nới liên tục mà không nghỉ thì rách háng!
Tương tự nếu bạn muốn giãn tiềm năng sướng, bạn phải bắt đầu cho phép mình được sướng. Không nhất thiết là phải ăn chơi trác táng, nhưng sướng kiểu hít thở, nhìn xung quanh, cười, lên kế hoạch kinh doanh mới, sáng tác thơ, viết nhảm v.v.
Rồi thử cho phép người khác làm mình sướng. Người ta mời mình đi ăn, tặng mình quà, cho mình lời khen, ăn mặc duyên dáng làm mình sướng mắt, like với share post rồi áp dụng ý tưởng của mình 😋 v.v
Khi nào sướng quá thì bảo “từ từ, bình tĩnh đợi tí”. Có thể đợi 10 giây, 10 phút hay 10 tháng tùy vào độ sướng và độ bám rễ vào giới hạn sướng hiện tại của mình đến đâu.
Nghỉ ngơi thong thả, mình có cả đời để sướng, không đời này thì đời sau. Nhưng tranh thủ lúc nào sướng được thì cứ phải sướng.
Đấy, bạn thấy sướng cũng khổ chưa? Ai theo đội Tâm Linh Sâu Sắc bảo “cuộc đời cứ để như nó là” theo kiểu lạc trôi thì cứ trôi theo dòng khổ nhé.
Nói vui vậy thôi, chứ mình rất cảm thông và chia sẻ với việc cho bản thân sướng đi trái với tất cả những điều mình được học như thế nào, từ ông bà cha mẹ cho tới sách báo.
Kết: đôi điều dễ nhầm
Càng đào sâu thì mới thấy mấy cái nguy hiểm không phải là nhầm to mà là nhầm nhỏ, nghe đung đúng nhưng lại lệch một phần quan trọng.
Cái dễ nhầm thứ nhất là Sướng ở đây không chỉ là kiểu Chu Văn Quềnh YOLO “không thể hoãn sự sung sướng đó lại”.

Dân marketing quảng cáo sẽ nhồi vào đầu chúng ta là sướng phải ngay bây giờ, sướng nó phải như này như nọ, phải mua cái lọ dưỡng ẩm và xọ cái chai dầu gội đầu, hay phải có trải nghiệm du lịch 5 sao.
Họ gần đúng. Đúng là mua được món hàng ngon thì sướng thiệt. Nhưng có nhiều thứ quảng cáo hoành tráng lắm, lúc mua xong thì sướng mà dùng được một tẹo thấy chán òm. Cảm giác bị lừa như vậy hầu hết là không sướng cho lắm.
Uống nửa két bia hay ăn một đống socola cũng sướng lúc đấy đấy, nhưng nếu để ý mà thấy mình dùng cái đó để né tránh với nhưng cái lo lắng thì chưa chắc đã sướng lắm đâu.
Nếu mua được món đồ mà sướng lâu thì cứ mua. Nếu trồng được rau ăn mà sướng lâu thì cứ trồng. Uống bia để ăn mừng thật thì cứ uống.
Ngược với phong cách người tiêu dùng hiện đại, có người sẽ theo #teamTâmLinh và hội Chánh Niệm. Bản thân mình trải nghiệm và thấy cái dễ nhầm thứ hai là “sống cho giây phút hiện tại, không cần lo nghĩ gì cho tương lai”
Cũng lại gần đúng. Đúng là lo nghĩ tới tương lai không giải quyết được gì thật. Nhưng lúc nào ngẫm nghĩ tới tương lai mà sướng thì tội gì không làm? Lúc nào lên kế hoạch mà vui tươi thì cứ tiếp tục lên kế hoạch chứ sao.
Nếu bạn thực sự muốn hướng mình vào con đường Sướng, bạn sẽ dần dần để tâm và chọn cái gì sướng trọn vẹn từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. 😉 Trên con đường này, mình cần nhìn xem cái gì khổ rồi không dính vào nó nữa. Và nó rất tinh vi, như chị Ly Phan từng làm cái vlog hôm bữa.
Điều kiện cần duy nhất là thú thật với cảm giác của chính mình, ngay lúc này: có sướng không? Nếu không sướng thì mình đang nghỉ hay đang khổ?
Dần dần khi bạn làm quen với điệu Sướng – Nghỉ, Sướng – Nghỉ, bạn sẽ nhận thấy một điều vừa lạ vừa quen: đây mới thật sự giống mình hơn. Nhẹ nhàng, vui tươi mà vẫn chắc chắn, ra được việc.
Ai cũng đã và sẽ đóng nhiều vai trong cuộc đời này, quan trọng là biết vở kịch và dám diễn trọn vai. Đôi lúc cần sực nhớ ra là mình đang diễn, và hỏi xem ai là đạo diễn.
Chúc mọi người nhảy đẹp hơn, diễn nhập vai, nghỉ ngơi trọn vẹn hơn cho cuộc đời sung shướng.
Câu hỏi chiêm nghiệm:
Có những lúc nào thay vì khổ bạn có thể nghỉ? Lấy 3 ví dụ của cuộc sống.
ps: cho những ai quan tâm đến trải nghiệm sướng có gì khổ, có thể xem xét tham gia học thêm khóa chơi & học bộ môn Chạm Ngẫu Hứng 2 ngày cuối tuần đầu tháng ở Sài Gòn. Đảm bảo ngộ ra nhiều điều 😀 Đợi thông tin trên FB page.
Pingback: Vài nhắn nhủ khi order từ anh Trụ | Khuyen
Pingback: Càng Khổ Càng Sướng | Khuyen
Pingback: Đau cũng được, mà sướng thì vẫn hơn | Khuyen
Pingback: Khổ có gì Sướng | Khuyen