Vặn to loa lên hay luyện cho tai thính?
Đợt nọ vừa nói chuyện với một bạn về chuyện con người thay đổi qua thời kì thế giới biến động. Góc nhìn của bạn ấy là hầu hết chúng ta đều thuộc loại “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Biến đổi khí hậu ở xa xôi, còn dịch bệnh thì ngay tại đây, ảnh hưởng ngay lập tức nên mình mới phát sợ đủ để thay đổi thói quen. Chắc phải đợi thêm vài cú khuấy nữa mạnh hơn thì mọi người mới sợ mà thay đổi.
Nghe hơi bi quan nhưng mà có vẻ đúng là vậy thật. Ông trời thường vả cho chúng ta lệch mặt nhưng vẫn chưa biết sợ. Thế nên là để thay đổi thật sự diễn ra thì có khi phải phá mạnh hơn nữa, phá hết những cái cũ đi thì cái mới nó mới có đất mọc.
Mình cũng có chung quan điểm. Trước đây nhiều người tưởng mình có vẻ ngoan ngoãn hiền lành, nhưng dạo này cho phép bộc lộ bản chất phá ngầm của mình nhiều hơn rồi 😄.
Mình hỏi bạn ấy “Giờ bạn đang nghe nhạc mà tiếng nhỏ quá, bạn bật loa to lên hay là luyện tai mình thính hơn?”
Bạn ấy nhìn mình, xong bảo “Bật loa to lên”.
Nhưng bạn ấy cũng hiểu ý là có một cách khác, dù cách kia ít người làm hơn thật.
Bật loa to hơn hay luyện tai thính hơn? Tăng cường độ hay luyện sự tinh tế?Cách nhìn này áp dụng cho rất rất nhiều thứ khác cho cuộc sống.
Nói mãi không nghe thì gào to hơn nữa hay là im im chọn đúng lúc để thì thầm?
Công việc nhàn quá thì kiếm việc mới thử thách hơn hay là ở lại và xem còn những điều hay ho gì mình chưa để ý?
Mệt mỏi đi tẩm quất bóp cho sướng hay đi spa vuốt vuốt nhẹ nhàng để thư giãn?
Nhạt thì thêm muối hay là luyện lưỡi? (hay là bỏ luôn không thèm ăn nữa)
Muốn sướng thì tăng cường độ cho nó phê nữa hay luyện sự nhạy cảm để cảm thấy được những rung động rất vi tế?
(Tất nhiên là luôn có phương án thứ 3. Đó là “kệ đi, cần gì phải thay đổi?”. Đó luôn là một cách, tuy nhiên bài này cho những ai quan tâm đến việc thay đổi. Mình đã viết một bài về sự chấp nhận bằng tiếng Anh – Paradox of Acceptance – nếu ai quan tâm)
Cá nhân mình thì hi vọng luyện cảm giác tốt hơn, nhưng thực sự là mình toàn vặn to loa lên. Đơn giản vì hai lí do.
Thứ nhất là nó dễ hơn và nhanh hơn. Luyện cảm giác thì đến bao giờ, tăng ngay âm lượng cho đã.
Thứ nhì là tính mình thích kiểm soát. Và chắc chắn mình không phải là số ít.
Đó cũng là lí do tại sao ít người chọn cách luyện cảm giác như vậy. Vì chúng ta quá quen với mong muốn kiểm soát rồi. Cứ muốn cái này không phải cái nọ là muốn kiểm soát.
Muốn khỏe, không ốm. Muốn giàu, không nghèo. Muốn phở, không cơm.
Muốn sướng, không khổ.
Muốn tĩnh lặng, không muốn ham muốn.
Muốn giác ngộ, không muốn phân biệt.
Không kiểm soát được ngoại cảnh nên bó tay rồi, nhưng vẫn muốn kiểm soát nội cảnh cơ. Có người muốn bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc cư xử đúng mực. Có người muốn phá cách, cứ thấy bên ngoài một kiểu thì mình phải làm trái đi.
Nghe nói là ở level thánh với bụt thì không còn bị vướng nữa, nhưng mà bây giờ thì mình cứ công nhận là mình thích kiểm soát. 😄

Trong khi đó, luyện cảm giác lai có vẻ là chấp nhận chuyện mất kiểm soát. Ít nhất là lúc đầu sẽ thấy như vậy.
Tại vì cảm thấy nhiều thứ quá thì sẽ thường thấy quá tải, khó kiểm soát.
Đây là điều trớ trêu nhất: nếu bạn thực sự thích kiểm soát, bạn sẽ chơi với sự mất kiểm soát.
Đó là lí do tại sao ngả vào lòng người khác lại sướng như vậy, vì trong một giây phút mình không cần phải kiểm soát, cứ thế mà buông. Đó cũng là tại sao yêu đương lại vừa sướng vừa khổ như vậy. Mình không kiểm soát được cảm xúc lẫn lí trí của mình luôn 😶 Buông rồi lại ôm, ôm rồi lại buông.
Thế thì phải làm sao? Hay chúng ta mở lớp học cách thả lỏng? (đây nhé 😛)
Ước gì câu chuyện đơn giản như vậy. Như bất kì một lưỡng cực nào khác, thả lỏng với kiểm soát luôn đi cùng với nhau.
Thử để ý, mọi người sẽ thấy là nhiều người nghĩ là mình rất thả lỏng nhẹ nhàng nhạy cảm (hay thường được gọi là “nữ tính”) thực sự lại rất muốn kiểm soát. Không muốn bị tổn thương nên sẽ chọn lọc đàng hoàng, mà chọn lọc rõ ràng là một cách kiểm soát. Chẳng qua thay vì phản kháng lại mà là né ra thôi. Chuyện này rất bình thường; không thích mà không né thì quá dại.
Và những người thích kiểm soát (hay thường được gọi là “nam tính”) thì rất rất muốn được trải nghiệm sự thả lỏng. Đó là tại sao tính cơ bắp lại có thể chết mê chết mệt sự mềm mỏng (ít nhất là ban đầu…) Lần đầu mình đi tập chạm ngẫu hứng, bài tập cô giáo cho làm là đứng nguyên, chậm lại, để ý xem trọng lượng trên lòng hai bàn chân. Lúc đầu mình mất tập trung, thiếu kiên nhẫn, thấy mất thời gian. Rồi tới một lúc mọi thứ bắt đầu lắng xuống, mình thấy rõ những điều đang xảy ra trong thân tâm hơn. Lúc đấy mới thấy phê. “Ôi, không ngờ bên trong nó vi diệu như vậy”. Tất nhiên lúc đầu vì khả năng cảm nhận của mình còn thô nên sẽ thấy chả có gì, nhưng càng về sau càng tinh tế.
Cả hai cách đều cần nhau. Có một cái mà không có cái còn lại còn lại thì giống kiểu thọt một chân.
Tin vui là mình có thể luyện cả hai, và có cả hai sướng hơn thật.
Câu hỏi chiêm nghiệm:
Có mảng nào mà mình thực sự muốn kiểm soát nhưng không công nhận?
Có mảng nào mình có thể luyện sự tinh tế hơn?
Pingback: Vài nhắn nhủ khi order từ anh Trụ | Khuyen
Pingback: Đau cũng được, mà sướng thì vẫn hơn | Khuyen
Pingback: Khổ có gì Sướng | Khuyen