Phần 3 trong series, phần 1 Khổ có gì Sướng và phần 2 Sướng có gì Khổ.
“Em còn không biết là em cứng đơ như thế”.
Một bạn nam trong lớp Chạm Ngẫu Hứng cuối năm hôm nọ chia sẻ. Lớp nhỏ, có mỗi sáu người, nên mọi người cảm thấy thoải mái hơn.
Bạn này nhìn qua FB ads, tò mò đến làm mình rất vui, vì chả mấy khi gặp người dám đi theo sự tò mò của mình.
Làm một bài tập nhỏ để hai bạn một cặp, một người đứng yên thoải mái, còn bạn kia thì nâng tay bạn đứng yên lên để cảm nhận xem cái tay của người kia nặng nhẹ thế nào.
Được cặp với một bạn nữ xinh xắn, bạn trai này người cứng đơ, cứ nhìn mình xem phải làm thế nào. Thấy bạn ý căng như dây đàn, mình ra dấu cho bạn ấy hít một hơi thở vào người rồi nói nhỏ “Không cần nhìn, mất tập trung, để sự chú ý của mình vào lòng bàn tay của mình rồi tự mình xem.” Bạn ấy cũng rón rén nâng tự mình nâng được, nhìn vừa tội vừa dễ thương.
Chán chả muốn giúp người khác nữa

Dạy người mới, nhiều khi mình mất kiên nhẫn. Kiểu nản “ôi mấy cái căn bản này mà mất công giải thích”, hay phán xét “ôi, gặp bao nhiêu vấn đề như vậy không biết bao giờ mới khá lên” hoặc lo lắng về khả năng của chính mình “thấy nó cứ đơ đơ, chả hiểu có thấm được cái gì không”.
Nhìn thấy người ta như vậy, phản xạ đầu tiên của mình là nửa thương, nửa chán. Thương vì thấy người ta kẹt. Chán vì thấy con đường phát triển còn dài và nhiều trắc trở quá.
May mắn thay, người mới thì thấy sự thay đổi rõ rệt nhất. Mới tập gym thì tăng nhiều cơ bắp nhất. Mới thực hành chữa lành thì vỡ ra được nhiều chuyện nhất. Mới yêu cũng đê mê nhất.
Rõ ràng là trong những công tác giúp ích cho người khác thì một niềm vui lớn là thấy sự thay đổi của khách hàng, học sinh, bệnh nhân hay những người thân xung quanh. Thấy người ta sống sướng hơn, mình vui, lại có động lực để làm tiếp.
Nhưng lắm lúc chán thì phải làm sao?
Một bài học rất lớn mình đang ngấm dần đợt này là câu chuyện như thế nào là có ích với người khác. Có một câu hỏi nhiều người làm công tác giúp đỡ như tâm lý, điều phối, chữa lành, giảng viên hay coaching hỏi “Làm thế nào để không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi năng lượng của khách hàng”?
Làm việc với khách hàng, lắng nghe và cảm thông nỗi đau của người ta, ai cũng nghĩ đương nhiên mình cũng sẽ bị ảnh hưởng. Không buồn cho họ thì cũng buồn cho đời, buồn vì tại sao đời có người khổ như vậy, buồn vì cuộc sống ra sao mà lại để con người lâm vào hoàn cảnh như vậy…
Một cách vô thức, mình ôm nỗi sầu nhân tình thế thái vào lòng, để nó thành một nỗi buồn man mác.
Câu chuyện này nghe có quen quen? Thế thì phải làm sao?
Câu trả lời lý thuyết mọi người thường nghe là “đừng có dính vào”. Thực hành sự “xong là xong”. Như một cái chảo chống dính đó, lúc rán trứng thì rất nóng, rất nồng cháy, nhưng xong rồi thì hớt ra thôi.
Nhân tiện xuất khẩu thành thơ:
THƠ TÌNH CHỐNG DÍNH
Khuyến
“Tìm đâu ra được hỡi người yêu
Như chảo chống dính, chẳng cần nhiều.
Lúc mới chiên trứng thật nồng cháy.
Trứng chín thì hớt, không dính nhiêu.
Bonus: chống dính nhiều lần, không thì tiêu”
Nói lý thuyết dễ vậy thôi, nhưng đối với rất nhiều người rất khó. Tại sao?
Thực sự là rất nhiều người bắt đầu đến với công việc giúp đỡ đang làm là vì lòng trắc ẩn. Mình nhìn thấy người ta đang kẹt như vậy, trong lòng mình tình thương trỗi dậy, muốn giúp người ta. Không thể bảo là bỏ lòng trắc ẩn đi, đừng có quan tâm đến khách hàng nữa 😶
Thế nên câu hỏi sẽ là “Mình cần nuôi dưỡng thêm điều gì để bổ trợ cho tình thương?”
Câu trả lời có thể sẽ không như bạn dự đoán.
Mình buồn cho người khác vì mình vẫn đang buồn cho mình

Để mình lấy ví dụ bản thân.
Mỗi lúc chán như vậy, mình cũng thấy khó chịu lắm. Rồi nhớ lại quá trình trưởng thành của chính mình.
Bản thân mình trước đây cũng khổ lắm. Lo lắng đủ thứ, dồn nén bao nhiêu cảm xúc khó chịu trong người, rồi mọi thứ bên trong bên ngoài cứ lung tung beng hết cả lên.
Từ ngày quan sát và thực hành nhiều thứ khác nhau và bắt đầu ngộ ra, thấy gỡ được bao nhiêu nút thắt. Thấy mình đỡ bị chi phối bởi những phản ứng khó chịu như lo lắng, phán xét hay căm phẫn chính mình và người khác. Thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều.
Chắc các bạn cũng có câu chuyện tương tự như vậy.
Khi chính mình nếm trái ngọt và sống sướng hơn, tự dưng đến một lúc mình sẽ muốn san sẻ cho người khác. Đó cũng là lí do bạn bắt đầu làm nghề này đúng không? Mặc dù không cần và không thể giải quyết hết vấn đề của mình nhưng ít nhất cũng giải quyết được phần nào thì mới có cái giúp người khác chứ?
Dành một vài phút để ngẫm lại quá trình trưởng thành của chính mình.
Rõ ràng từ khi bắt đầu quá trình này, bạn đã không ít thì nhiều bớt khổ và sống sướng hơn đúng không?
Nhìn lại chặng đường như vậy bạn thấy buồn hay vui?
Rất vui, rất tốt đúng không?
Thế lúc gặp người tìm đến mình cần giúp đỡ vì họ đang khổ, tại sao mình lại buồn thay vì vui cho tương lai tươi sáng đang chờ đón họ???
Dừng lại vài giây để hỏi chính mình câu hỏi này.
Lần đầu tiên nghe câu hỏi quá xoáy như vậy, mình đứng hình, suýt rụng tim. Ừ nhỉ, tại sao?
Tại sao mình hay quên nhìn thấy tiềm năng và tương lai tươi sáng cho người ta mà chỉ nhìn thấy nỗi đau hay vấn đề?
Câu trả lời mình ngộ ra khi nghe Dr Gabor Mate, một bác sĩ rất nổi tiếng về lĩnh vực sang chấn tâm lý và sự nghiện ngập, nói về trường hợp này ở cuối bài nói chuyện (phút 33).
Mình thấy khổ vì mình chưa thực sự ghi nhận và ăn mừng quá trình của chính mình.
Cũng giống như phải có ăng ten thì mới bắt được sóng, phải có khả năng đón nhận thì mới nhìn thấy điều đó của người khác. Khi mình nhìn thấy nỗi đau của người khác, nó sẽ gợi lên một nỗi đau trong mình. Đặc biệt là nếu mình đã từng trải qua một chuyện tương tự, mình càng cảm thông cho người ta hơn. Đây là một điều rất đẹp, rất giàu tình người.
Duy chỉ có một điều.
Khi mình chỉ nhìn thấy nỗi đau và quên mất đi tiềm năng vốn sẵn của chính mình, mình cũng sẽ bỏ qua tiềm năng của người khác.
Khi mình không còn nhìn thấy tương tai tươi sáng cho họ mà chỉ thấy những đau khổ, khi mình bị cuốn vào đến mức thấy mình phải gồng lên và vận sức để giúp người ta thì tức là mắt mình hơi bị mờ rồi.
Cần nghỉ một chút.
Mắt kém thì chỉ có nghỉ thôi chứ không cố nheo mắt làm liều được đâu, không là làm ơn mắc oán đấy.
Câu hỏi là luyện mắt như thế nào?
Nhìn đời lưỡng cực
Mình tự nhỏ đã bị luyện thành nếp nhìn trắng đối nghịch với đen, tốt đối nghịch với xấu rồi nên phải từ từ học cách bỏ cách nhìn cũ đi.
Ví dụ chung nhất, người ta hay nói là năm nay 2020 là một năm tệ bạc cho cả thế giới. Nhưng sự thật là cuộc sống này vẫn luôn tồn tại song song giữa những sự thảm khốc và những điều đẹp đẽ không tưởng. Từ thuở chí kim đến giờ đã có những người yêu nhau đến mức sẵn sàng hi sinh cho nhau và cũng có những người tàn sát lẫn nhau.
Đời về căn bản là vừa buồn vừa buồn cười. 😥😄 Nghịch lý đâu có dành cho ai hiểu.
Làm việc với con người cũng thế. Nếu làm đúng, có khi mình vừa khóc vừa cười. Buồn vì nhân tình thế thái, vì sao con người lại đâm ra nông nỗi này. Vui vì nhìn thấy được tiềm năng của họ, như nhìn quả trứng thấy được chú gà con bên trong.
Nói riêng tới công tác con người, lại nhớ một người thầy từng chia sẻ với mình: “coaching không phải là điều bạn làm mà là cách bạn sống”. (“Coaching is not something you do. It’s who you are. It’s a way of life”)
Thế thì cách sống đấy là gì? Giống như ngắm một bức tranh thì thấy được cả màu trắng và đen, nhìn thế nào để thấy được ngay trong khoảnh khắc này vừa là trở ngại khó khăn, vừa là tiềm năng vô hạn.
Làm sao để nhìn thấy và chấp nhận được cả hai thái cực, cả thực tại đau thương và tương lai tươi sáng?
Làm sao để vừa thương vừa yêu, khi thương vì thấy khổ còn yêu vì thấy những hạt giống ở bên trong họ sắp nhú ra đẹp quá?
Đặc biệt là cho những người làm công tác con người, từ bác sĩ, chữa lành, coaching cho tới quản lý và lãnh đao, càng phải luyện cách nhìn như vậy.
Nghe có vẻ sai sai, nhưng khi nào đạt đến cảnh giới là càng thấy nhiều nỗi khổ thì càng vui vì nhìn thấy nhiều tiềm năng để biến khổ thành vui thì chắc lúc đó đắc đạo. 😄 Thấy bản thân mình còn xa cảnh giới đó lắm, giờ thấy ai hơi khổ một tí là mình đã ne né ra rồi. Nhưng mà không sao, ít nhất là còn biết đích đến để hướng tới.
Luyện cách nhìn và cách sống như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho việc mình làm.
Cách để ý và sự hiện diện của chính bản thân mình sẽ thay đổi.
Khả năng chấp nhận rộng hơn, không phải bảo người ta cố gắng vui lên nhưng cũng không cần phải buồn cùng với họ.
Nói đến đây thì cũng nhắc tới luôn ba phẩm chất để tiếp tục rèn luyện cho những người làm công tác giúp người khác thay đổi này.
Cảm Thông: Khi một người khác tìm đến mình, người ta muốn mình hiểu được nỗi khổ của họ. Điều đó cần sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Đây là ý mọi người hay nói “nhiều khi họ chỉ cần một người có thể lắng nghe”, thay vì vội vàng đưa ra giải pháp. Tôi mà không cảm thấy anh đang nghe tôi thì tôi cũng chả thèm nói chuyện tiếp với anh.
Không Dính: Lắng nghe thôi chưa đủ. Mình cũng không để bị dính mắc vào câu chuyện đó quá nhiều. Rõ ràng người ta cần mình giúp gỡ rối mà chính mình cũng rối thì lấy gì ra mà giúp?
Nhìn Sâu vào Hạt Giống: Không bị dính vào vẫn chưa đủ. Mình cần nhìn thấy tiềm năng của người ta và gợi nó ra. Đôi khi mình cần tin vào những hạt giống tốt đẹp trong người ta nhiều hơn người ta tin vào chính họ…
Và đấy là bộ ba tinh thần rất cần thiết trong công tác coaching. NÓI THÌ DỄ, LÀM MỚI KHÓ. Nhưng ít nhất nói ra được, lỡ tuyên bố với chính mình và với người khác thì khả năng làm được sẽ cao hơn.
Đọc đến đây, có thể bạn sẽ thắc mắc: “Nói thế thì đấy là cách sống đẹp rồi chứ gọi gì là coaching nữa?”
Thì cũng đúng. Sau này người ta mới gọi tên là coaching rồi phát triển ra các kĩ thuật đấy chứ về mặt bản chất thì nó vẫn vậy. Vẫn là sống tốt.
Có câu “Không có gì mới mẻ dưới mặt trời, tất cả đều mới mẻ dưới mặt trời” là vậy đó.
Câu hỏi chiêm nghiệm:
Trong bộ ba trên, bạn mạnh về phần nào nhất? Bạn muốn tiếp tục phát triển phần nào nhất?
Thực hành:
Ăn mừng cuộc đời và quá trình thoát khổ của chính mình. Nếu trước đây khổ mười, giờ khổ chín là đáng ăn mừng rồi. Tự vỗ tay, tự cười, tự rót cho mình một ly, cho mình 10 phút nghỉ ngơi, nói chung làm gì thấy ấm lòng nhất là được.
Nghe rất ngớ ngẩn, nhưng hãy thử và xem kết quả trên chính mình và người khác ra sao. Khi mình có thể tự ăn mừng, chắc chắn mình sẽ ăn mừng cho người khác tốt hơn.
những dòng đẹp quá
Pingback: Vài nhắn nhủ khi order từ anh Trụ | Khuyen
Pingback: Đau cũng được, mà sướng thì vẫn hơn | Khuyen
Pingback: Khổ có gì Sướng | Khuyen