Coi Dr Strange Multiverse về xong thấy mình cũng có thể có nhiều phiên bản, và lúc nào cũng có quyền chọn 🙂
Dạo này gặp vài người bạn bên ngoài trông ổn, thậm chí có vẻ phất, mà mở lòng chia sẻ hơn tí thì biết là họ đang “cầm cự”. Nó làm mình tò mò: thế “sống thật sự” thì trông thế nào? Tự dưng lại nhớ tới một lời dạy của nhà nhân chủng học Angeles Arrien, có lẽ là người phụ nữ cao 1m5 hấp dẫn nhất mình từng biết tới, cũng là người tiên phong trong mảng “phát triển lãnh đạo” (leadership development) trước khi nó là một nền công nghiệp vài tỉ đô.
BỐN CÂU HỎI Hồi xưa, khi con người ta còn sống trong bộ lạc, mỗi khi trong làng có người đang chán đời sẽ được đưa tới già làng. Tới đó, già làng sẽ “chẩn đoán” với bốn câu hỏi. Từ bao giờ 🎶 Bạn dừng hát? 💃 Bạn dừng nhảy múa? 🤫Bạn cảm thấy không tận hưởng được sự yên lặng ngọt ngào? 🤤Bạn không còn thấy được cuốn hút bởi những câu chuyện, đặc biệt là câu chuyện của đời mình?
Theo lời bà Angeles, cái y học hiện đại giờ gọi là “trầm cảm” (“depression”) hay “rối loạn tinh thần” (“mental disorder”) thì thời xưa gọi chung là *chán đời* (soul loss). Đó đều là một biểu hiện của việc mất kết nối với sự sống. Bốn điều trên là cách mà văn hóa đảm bảo được sức sống cho mọi người ở đó. Muốn nhìn xem một cộng đồng, tổ chức và xã hội có mạnh khỏe hay không, nơi con người ta không chỉ “cầm cự” mà “thực sự sống”, có thể để ý xem có đủ những không gian như thế không.
Cụ thể hơn 🎶 HÁT ở đây không nhất thiết là phải đi học nhạc (karaoke cũng tính, haha). Hát ở đây là sử dụng giọng của mình, đưa ra ý kiến, để chất giọng bên trong được vang lên ở thế giới bên ngoài mà không bị bóp méo vì nỗi sợ, cảm giác ngại ngùng hay sự căm phẫn. Và vì đã từng nghe nhiều giọng cười rất đáng yêu, đáng véo má và rất có giai điệu hí hí hố hố, cười nói phớ lớ với mình cũng tính là hát 😆
💃 NHẢY MÚA không nhất thiết phải là một bộ môn nào đấy đàng hoàng. Nhảy ở đây là nhận thức cuộc sống là một chuyển động, để bắt nhịp và đi vào đó. Nhảy là kết nối với cơ thể, không coi nó là một tên đày tớ để suốt ngày bắt ép hay là một bộ mặt để suốt ngày phải đánh bóng. Nhiều khi chạy bộ, đi gym hay thể dục thể thao hay vướng vào cái bẫy này, hành hạ bản thân dưới danh nghĩa “không ngừng tiến bộ” Điều quan trọng nhất vẫn là kết nối với sự sống trong chính cơ thể mình.
🤫 IM LẶNG không nhất thiết là phải đi chùa ngồi thiền. Quan trọng là để ý tới những khoảng lặng trong tâm trí, cả bên trong lẫn bên ngoài. Có nhiều người ngồi nhấp ly rượu, hút điếu thuốc cũng là lúc để họ tận hưởng khoảng lặng.
Cái cần để ý là phía sau những suy nghĩ liên miên và cảm xúc rối bời là một sự im lặng ngọt ngào, luôn hiện diện và đồng hành với tất cả. Bản thân mình là người một mình viết lách rất nhiều, trông bên ngoài có thể bình tĩnh chứ thế giới bên trong hay rối ren nhiều điều lắm. Nếu không có khoảng không để ngồi nhờ sự im lặng gỡ hộ mớ bòng bong này thì chắc phát điên lên từ lâu rồi.
🤤 CÂU CHUYÊN: không phải là buôn dưa lê, nói tào lao những thứ hàng ngày xung quanh mình vẫn nhai đi nhai lại. Thay vào đó là việc để mình được cuốn theo một câu chuyện lớn hơn, kì thú hơn, một kịch bản không biết hồi kết. Có lẽ đây là lí do tại sao nơi thiếu sự sống nhất nhiều khi lại là “môi trường làm việc chuyên nghiệp”, đặc biệt là khi ai ai cũng muốn chốt ra KPI, outcome 1,2,3 thay vì thử đối mặt với nhũng chưa hề rõ ràng.
MỘT VÀI CHIÊM NGHIỆM LIÊN QUAN
Cả bốn mảng này đều rất rất quan trọng, nên để ý hết. Có nhiều người rất sôi nổi bên ngoài, nhảy múa hát hò karaoke banh nóc luôn nhưng luôn cảm thấy cứ trông trống ở bên trong kiểu gì ấy. Và cũng có những người thích thiền, thích tận hưởng sự im lặng, bình an của chùa chiền mà thấy cứ trơ trơ. Thanh tịnh quá thành ra nghiêm túc, thiếu sức sống.
Không cần biết mình làm kiếm được ra tiền hay không, hay công tác có ích cho đời không, nếu thiếu những điều này thì khả năng là việc mình làm chỉ có cái vỏ “làm việc tốt” mà thiếu cái lõi 🙏
ps: xem Angeles Arrien giải thích thêm về 4 câu hỏi (tiếng Anh)
Lâu rồi không viết. Hà Nội trời mưa ảm đạm cả tuần, viết ra cho lòng mình thêm mãnh liệt. Cho những ai đang nhìn lại cuộc đời mình và muốn nó tốt hơn.
Bài học lớn nhất mình học được từ một người mentor là thay vì đi tìm công việc yêu thích hay ý nghĩa cuộc đời thì hãy bắt đầu với việc CHỌN AI (Start with Who). Bạn có thể làm việc mình rất yêu thích và rất có ý nghĩa (vd dạy học) nhưng với đối tượng mình không thực sự thích (vd dạy cấp 3) thì vẫn rất chán.
Phải chọn đúng người, những người mình yêu. Bởi vì còn gì đẹp hơn trên đời này nữa khi được làm việc yêu thích với những người mình yêu mến để phụng sự cho những điều chúng ta luôn yêu?
Mình cũng đã ngẫm câu hỏi này từ lâu. Bề ngoài, mình muốn thể hiện là một người cởi mở, hòa đồng với tất cả mọi người. Nhưng càng thật lòng vơí chính mình, càng thấy thực ra mình cực kì kén chọn.
Một người bạn thân mình rất yêu mến & nể phục (thực ra là người yêu cũ) là một nữ chiến binh. Tài năng, xinh xắn, nhạy bén, luôn là thuyền trưởng dẫn dắt người khác, luôn hết mình hỗ trợ người khác đem lại thay đổi tốt đẹp hơn, chưa kể kinh nghiệm thương trường và tình trường thì thôi rồi. (câu chuyện tại sao mình quen được thì… để lúc khác) Điều kì lạ là quen nhau một chút rồi mình mới nể phục và yêu những phần sáng đấy. Ngay từ đầu, mình lại thấy thương sự khó nhọc và cô đơn của người ta. Nhiều khi thấy người ta gồng lên, cảm giác đang đi ngược dòng, phải chống lại tất cả, dằn vặt hoài nghi chính mình “LÀM NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT ĐỂ LÀM GÌ?”, mình nghe và thương lắm chứ. Những lúc đấy giải pháp không phải là bảo người ta “buông xuôi” (bảo thế chưa ăn vả là may..) mà là “mình ở đây, bạn có thể dựa vào mình”. Trải nghiệm này làm mình ngấm hơn nữa lời dạy của một người thầy đã khuất, Clayton Christensen, làm mình thay đổi hoàn toàn cách mình nhìn về tình yêu và con người. Không chỉ tìm người sẽ làm mình hạnh phúc (e hèm, ai cũng bảo “thế nào cũng được” nhưng thực ra đều có list tiêu chuẩn dài ngoằng 🥶) mà còn tìm người mình muốn làm cho họ hạnh phúc. Và hi vọng là người ta cũng cảm thấy như vậy về mình. 🥂 Điều này không chỉ áp dụng trong chuyện yêu đương mà còn công việc. Chọn sếp, đồng nghiệp, partner mà mình muốn giúp họ hạnh phúc hơn, tốt hơn, và hi vọng họ cũng cảm thấy như thế về mình.
Điều quan trọng nhất mình ngộ ra: tình yêu là dám cho mình LÀ MỘT AI ĐẤY trong cuộc đời người khác và để cho người ta LÀ MỘT AI ĐẤY trong cuộc đời mình. 😇 Thánh có thể yêu tất cả, còn người bằng xương bằng thịt thì phải lựa chọn, và phải chọn cho đúng.
Thèm thì vẫn thèm, chọn thì vẫn chọn.
ps: Mình đang tổ chức một cái online festival lần đầu tiên cuối tháng 10 này, và niềm hân hoan lớn nhất là được đồng hành với những người mình quý mến và nể phục.
Mình muốn làm những con người như vậy hạnh phúc: những người
có tinh thần đóng góp cống hiến,
yêu việc học hỏi, luôn tiếp tục phát triển và hiệu quả hơn trong những thay đổi mà mình đang góp phần vào
chân thành đi theo những điều đẹp hơn mà chúng ta trong lòng đều biết là có thể.
Nếu đó là bạn thì mong bạn đến festival này. Đây là nơi ban có thể sẽ được làm ai đấy cho người khác, và maybe là để người khác làm ai đấy cho mình luôn 😇 Đọc thêm và tham gia ngay tại đây: Festival – Sống khác đi một tí.
Hôm nọ nói chuyện với một người bạn, S. S đang chật vật chuyện tìm nhà. Chỗ ở hiện tại không cảm thấy thoải mái lắm, mà chuyển đi thì phải mất công tìm nhà, đợt này phức tạp nữa. Kể lể than vãn một lúc xong bạn ý thốt lên “Mình chỉ muốn sống thoải mái yên ổn thôi!”
Nghe câu đấy mà nhói hết cả lòng. Một phần là mình đã trải qua và rất đồng cảm với cảm giác tiến thoái lưỡng nan, chưa chắc tương lai thế nào, đặc biệt là vụ nhà cửa (nói thẳng ra là BỨC BỐI VL 🔥). Mà cảm động hơn là việc có một người thốt lên như vậy. Người ta đang đau.
Tự dưng mình thấy biết ơn vì bạn ấy cởi mở để chia sẻ với mình qua những trăn trở.
KHÔNG ĐAU VÌ QUÁ ĐAU NÊN THÔI TẠM ỔN Đặc biệt là những người tự lập quen rồi thì càng không muốn để lộ điều mình đau. Một phần không muốn buông hình ảnh “tôi ổn, tôi tự làm được”. Mình vẫn hay như thế. Có mấy lần bạn bè nhìn thấy mình tay xách nách mang, rất là vụng về khổ sở, cũng thương mình. Nhiều khi còn không biết mình cần gì, chỉ biết là mình đang sắp tới ngưỡng rồi. Vậy là mãi mới từ từ học được cách hé mồm ra xin sự trợ giúp!
Giờ mình mới nhận ra là mình thà tự làm vất vả hơn vì thế vẫn còn dễ hơn việc hé mồm ra nhờ người khác. Không phải là cái tôi cao mà là sợ phiền. Nhưng thực ra vẫn đang ngầm công nhận là cái tôi của mình to quá, nhu cầu của mình nhiều quá, sợ đè lên người khác. 😂 Ví dụ lớn nhất: hôm nọ thằng cháu nó đưa que kem lên miệng mình rồi mà mình còn cân nhắc xem có nên nhường nó ăn không!
Một phần nữa là sợ người khác lo. Nhưng thực ra là KHÔNG TIN NGƯỜI KHÁC THÈM QUAN TÂM.
Đây lại là một nỗi đau khác. Một phần mình biết là ĐÁNG RA trên đời này sẽ có người quan tâm đến những mong ước nhỏ nhoi của mình, nhưng thực tế là mình vẫn còn đau từ những lần bị hớ từ thuở xa xưa nên chưa thể đón nhân khả năng đó. Đau, tập 2.
KHÔNG BIẾT MÌNH ĐAU VÌ QUÁ CHAI SẠN Trường hợp phổ biến nhất hơn là còn không biết mình đau.
Hôm nọ nói chuyện với người bạn, bạn ấy bảo mình có nhiều nỗi đau. Mình cảm thấy hơi ghê và thú nhận với bạn ý “Hic, cảm giác này ghê. Kiểu người này nhìn thấy hết tâm can mình, nhìn thấy cả những phần mình còn chưa cảm thấy được, cảm nhận những nỗi đau mình còn chưa cảm nhận được.”
Nói xong mình nhận ra “Ghê thế nhưng mà thế cũng hay. Tự dưng biết là có người hiểu mình, yêu mình, quan tâm đến mình hơn cả mình có thể làm cho chính mình, thật là sướng. Có mấy ai trên đời được như thế?”
ps: Nói chuyện đau thương nghe nghiêm trọng như vậy thôi, nhưng mà nếu có đũa thần, mình sẽ vẩy một cái để chúng ta nhận ra “trưởng thành không chỉ có đau thương”. Câu châm ngôn này là kim chỉ nam cho con đường phát triển cho Nguyên Vẹn, và mình rất hạnh phúc vì đang đươc đi theo hướng đấy.
Khi thực sự lắng nghe, mình có thể nghe thấy phía sau bất kì một mong ước chân thành là một nỗi đau. Nỗi đau lớn nhất của con người là hi vọng. Một phần chúng ta đều biết là mọi thứ có thể đẹp hơn rất nhiều. VÀ thực tại chưa như vậy. Khoảng cách đấy càng xa thì càng căng và càng đau. Vì không muốn đau nên người ta tìm mọi cách để né.
NGHỆ THUẬT NÉ TRÁNH NỖI ĐAU. Mình đã luyện chiêu này gần 30 năm nay rồi nên cũng biết xíu xíu hai cách.
Cách thứ nhất là xem nhẹ mong ước của mình. Hạ thấp tiêu chuẩn. Nói mơ mộng kiểu vui vui kiểu “mong Tết năm nay có gấu” thì được, nhưng nghiêm túc tự hỏi mình “thế bây giờ mình sẵn sàng làm điều gì cho nó?” một cái là e dè ngay. Rất nhiều người, đặc biệt là những người tạm nương vào con đường tâm linh như mình, không dám để mình cảm nhận nỗi đau này và sử dụng tinh thần “buông bỏ” để lý giải cho việc đó. “Thôi không cần, thôi những mong ước của mình không quan trọng, thôi phải chấp nhận..” Và dần dần mất đi sức sống vì chẳng có mong cầu gì nữa.
Cách thứ hai là xem nhẹ thực tại. “Mọi thứ đểu ổn ấy mà”. Đúng. Theo tiêu chuẩn của bạn thì mọi thứ đều ổn. Mà ổn rồi thì tại sao phải thay đổi? Và đó là bi kịch của “nhà nghèo vượt khó dễ hơn nhà giàu vượt sướng”. Vì khổ thì muốn sướng, sướng rồi thì lấy đâu ra động lực để sướng hơn nữa?
Có vài khoảnh khắc trong đời mình đã ngửa mặt lên trời và hỏi trong nhói đau “Tại sao những thứ tốt đẹp rồi cũng hết?” Mình không thích câu trả lời có sẵn, kiểu “mọi thứ là vô thường, chấp nhận đê”. Oke, có thể nó đúng, nhưng mình chưa thử, chưa kết luận được.
Điều mình chắc chắn trong lòng là mọi thứ trôi qua để có chỗ cho những thứ khác tới, và mình muốn những điều mới đó còn tốt đẹp hơn.
Thế nên mình không muốn dừng lại ở câu trả lời là “Ok ổn.” Khi đã ổn rồi thì bạn dám mong ước mọi thứ có thể tốt hơn đến mức nào? Nếu bạn dám ôm câu hỏi đó vào lòng thì bạn sẽ phải ôm thêm nỗi đau của việc phải từ bỏ cái “ổn” bây giờ đi. Đó là cái giá không phải ai cũng muốn trả. QUAN TRỌNG HƠN, không muốn trả cũng không sao! Không ai bắt ép. Nhưng nếu bạn đủ tin những điều trong lòng bạn biết là có thể, đủ yêu cái mong ước đó để chịu khổ vì nó, thì mình muốn bạn biết là bạn không hề cô đơn. Mình cũng đấu vật với nó hằng ngày…
Thời buổi dịch bệnh biến động, so với bao người thì mình rất ổn, no đủ, khá hạnh phúc cả trong và ngoài. Có lẽ là tầng lớp 0.1% của xã hội. VÀ mình biết mọi thứ còn có thể đẹp hơn thế nhiều.
với những ai khổ quen như mình rồi, CHÚNG TA KHÔNG HỀ BIẾT LÀ MỌI THỨ CÓ THỂ TỐT HƠN ĐẾN MỨC NÀO 😦
THẾ THÌ SAO? Câu hỏi không phải là “làm sao để hết đau”, mà là “làm sao để ôm nỗi đau đấy, để nó chuyển thành tình yêu và động lực?” Phía sau bất kì nỗi đau buồn nào cũng là tình yêu, vì mình chỉ đau buồn cho những điều mình yêu thôi. Bạn có thể đi qua đám tang của một người lạ trên đường và chả cảm thấy gì. Và một câu nói của một người thân là quá đủ để bạn đau thương một thời gian dài.
KẾT: ĐAU CŨNG ĐƯỢC, MÀ SƯỚNG THÌ VẪN HƠN Quay lại với S, người bạn đi tìm nhà ban đầu. Nghe bạn ý thốt lên “chỉ muốn thoải mái yên ổn”, mình bảo “Một phần mình chỉ muốn động viên khích lệ bạn”. Xong mình hét lên, “TỚI LUÔN, CÒN CHỜ GÌ NŨA!!!”. Nghe mình hét thế, bạn ý giật bắn cả mình. Công nhận, thằng này tên là Khuyến Khích có khác 😂 Xong mình nói tiếp, đổi giọng êm ái “Một phần khác mình cũng đang ghi nhận. Ừ, giờ bạn đang trải qua nhiều sóng gió cảm xúc như thế. Ừ, bây giờ bạn đang như vậy”. Bạn ý đáp lại bằng một câu làm mình còn cảm động hơn. “Cám ơn vì cả hai (Thank you for both)” Ôi, cảm giác là hai phần quan trọng của mình, phần Oke Chấp Nhận và phần Thích Phấn Đấu, phần không ngại sự đau thương và phần biết là có thể sướng hơn nhiều, đều được đón nhận, đều là món quà cho bạn ý. Thật là hạnh phúc.
Chúng ta đều đang đau. Và chúng ta biết là có thể sướng hơn rất nhiều. Mong chúng ta đều nhìn thấy, chấp nhận nỗi đau và không ngừng tìm cách sướng hơn. Đừng nghĩ mình phải chọn một trong hai.
Để kết lại với lời động viên từ bài thơ, có thể có ich cho bạn. Có thể nghe mình đọc truyền cảm hơn ở FB Nguyên Vẹn 😜
“Em ơi, cứ tin ở chính mình”- Khuyến
Em không cần lí do Đời không cần mục đích và cuộc sống không phải lúc nào cũng cần lời giải thích.
Khi em thích, mong em hãy cứ nhích. Tin thử đi, xem có chết được không.
Tin vào sự bực tức Tin vào cái bứt rứt trong đêm thâu Tin vào sự ngây ngô của những mong cầu Tin vào những câu hỏi làm em phát hoảng và những thứ em biết mà chưa hề rõ ràng.
Tin rằng em không biết gì đâu để mọi thứ lại được phép bắt đầu. 😼
Bài ngắn đầu tuần cho những ai quan tâm đến việc sống tốt hơn, có ích hơn, phát triển hơn. Phần tiếp theo của series Vùng Tối Ưu cho Phát Triển Con Người.
Có thể bạn đã được rèn tính kỉ luật, nỗ lực và trách nhiệm từ nhỏ, “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Xong rồi có những lúc căng như dây đàn, mệt quá muốn buông hết tất cả, bạn thử đi theo triết lý “lạt mềm buộc chặt” và tìm cách thả lỏng? Nghe có vẻ hơi mâu thuẫn? Đây là một cách nhìn có thể giúp ích cho bạn.
Hai kiểu có ích
Có ích & vận sức Đây là mảng rèn luyện, nỗ lực phấn đấu, quy củ, kỉ luật, trách nhiệm. Vd: tập thể dục, làm việc trí óc, chân tay, ăn uống ngủ nghỉ điều độ. Đang lười thì cảm thấy phải chăm chỉ lên, làm cái gì đó có ích đi. Thực hành những cái này thì tha hồ có hormone dopamine (cảm giác phấn chấn), endorphine (cảm giác giảm đau) Nhiều khóa học kĩ năng hay phát triển con người cũng theo phong cách này. Rồi tất cả những lời khuyên, thủ thuật giúp mình làm việc hiệu quả hơn (productivity) Vd với mình là viết. Đã qua thời chỉ viết khi có hứng, giờ là thực hành viết đều đặn vì biết nó có ích nhiều hơn. Nó khá mất sức, nhưng bõ.
Có ích & thả lỏng: Đây là mảng tận hưởng “ngồi mát ăn bát vàng”, “làm một bông hoa đẹp cho cuộc đời ngát hương”, Vd: nhảy múa, vẽ vời, ôm ấp, trò chuyện đàm đạo, đi trảy hội v.v Thực hành những cái này thì tha hồ có hormone oxytocin (cảm giác yêu thương), serotonin (cảm giác bình yên)
Lưu ý: với những môn mới vd thiền & yoga, thường là lúc bắt đầu học sẽ cảm thấy lười và hơi mất sức. Đấy là vì mình đã quá quen thói cố gắng nỗ lực rồi. Về bản chất, ngồi không hít thở rõ ràng sướng so với việc phải làm cái này cái nọ. Tuy nhiên trong xã hội hiện đại, nhiều người quen làm hơn là hưởng thụ (điển hình là mình) hoặc là ngồi không là phải đối mặt với những vấn đề bên trong chưa giải quyết nên sợ. Tin vui đầu tiên: giờ có nhiều cách tiếp cận dễ hơn, vd app thiền, lớp Nhảy, khóa học Mở Lòng v.v Tin vui thứ hai: dẫn dần nó sẽ thành thả lỏng và sướng Ví dụ cá nhân ngồi thiền 15-30p mỗi ngày bây giờ là sướng. Không phải là cảm giác kỉ luật bắt mình phải ngồi mà là ĐƯỢC ngồi. Cảm nhận những gì đang diễn ra thôi là sướng rồi 🙏
Phân loại hoạt động phát triển có ích.
Câu hỏi 1: Vừa có ích, vừa sướng, tại sao không?
Hỏi thật! Nhiều người không hiểu tại sao mình không thể ngồi tận hưởng mà luôn kiếm việc để làm, để học, đọc, viết. Trước đây mình cũng nghĩ là mình không biết tận hưởng, nhưng bây giờ thì rõ hơn. Mình quan trọng việc có ích. Và dần dần rèn luyện làm những việc có ích nó cũng sướng. Nhiều chị em phụ nữ thướt tha không hiểu điều này về đàn ông hay nam tính nói chung . Họ thích vận sức, phải lăn lộn vất vả nó mới phê. Người ta đi gym không chỉ vì kết quả giảm béo tăng cơ mà còn là cảm giác mình được tung sức. Nâng một phát tạ hết mình xong cảm giác như mình vừa chết đi sống lại, rất đã! ps: bạn nào quan tâm triết lý có thể đọc thêm series Khổ có gì Sướng.
Câu hỏi 2: LÀM SAO BIẾT ĐỂ MÌNH ĐANG CÓ ÍCH? Có khi nào mình đang tự lừa dối chính mình không? Để ý cảm giác của bản thân. Học cách phân biệt
phấn đấu có mục đích vs gồng vì thói quen Bạn có cảm giác phấn chấn vì đang tiến dần tới mục tiêu không? Hay là thấy đang cố gồng lên chống lại cả thế giới và bên trong oán hận hoặc cam chịu?
Tận hưởng vs lạc trôi. Bạn có thấy sung sướng khi cho mình nằm xem netflix giải trí sau một ngày làm việc căng thẳng? Nếu người khác ở bên cạnh bạn họ có cảm nhận được sự sung sướng đó không? Nó rất khác với ngồi nhà cầy hết series và chần chừ né tránh một vài điều cần làm.
Chỉ có cách dần dần thật lòng hơn với chính mình thôi.
Kết luận:
Phát triển tối ưu là bay mất người!
Càng ngày càng thuận hơn cả hai chiều, vận sức và thả lỏng. Càng biết cách thả lỏng thì lúc vận sức càng chuẩn, không bị gồng. Càng biết cách vận sức thì đến lúc thả lỏng nó mới đã. (kiểu đi massage liên tục không sướng, lâu lâu mỏi người massage mới sướng ý)
Vậy thôi, ai quan tâm thì comment và hỏi nhé. Nếu có đủ 10 comments mình sẽ viết tiếp phần sau về sự vô ích. Vô ích và sướng (nghiện ngập) và vô ích và mất sức (cảm giác xấu hổ)
ps: Nguyên Vẹn và những người bạn thiên về phần có ích & thả lỏng này 🍷 Từ bên ngoài nhìn vào cứ tưởng hội này chơi chơi, nhưng mà chơi có cơ sở khoa học nhé, chơi có ích hẳn hoi!
quan tâm tới phát triển con người nói chung, vd phát triển bản thân, coaching, chữa lành, phát triển lãnh đạo & đội nhóm, giáo dục. và quan tâm đến góc nhìn tổng thể của mảng này.
tò mò không hiểu tại sao mấy hôm nay nó cứ sao sao, muốn hiểu chuyện gì đang diễn ra và mình có thể làm gì dể khá hơn?
Bài viết mang tính chất tổng quát & chia sẻ góc nhìn. Không quá nhiều nghiên cứu học thuật, ai muốn hoặc đã đào sâu thêm có thể trò chuyện và đóng góp thêm cho bài viết. Đặc biệt: ai có câu hỏi gì cứ comment nhé.
Đợt biến động này ai cũng bị ảnh hưởng, có thể bạn cũng như mình, đang cố cầm cự, tìm những cách khác nhau để đương đầu với những thay đổi đang diễn ra bên ngoài (và bên trong lòng bạn).
Nếu bạn đang muốn hiểu hơn xem chuyện gì đâng diễn ra với bản thân mình và có cách nào tốt hơn thì một chút lý thuyết về vùng tối ưu này có thể sẽ có ích. Xin phép được dùng đồ thị, là từ video của tiến sĩ Robert Gilman, mình mạn phép dịch ra tiếng Việt nhưng hãy ghi lại nguồn đàng hoàng.
Thần kinh được kích thích vừa phải thì phong độ cao nhất. Vừa hiệu quả, vừa vui.
Có thể dạo này phong độ của bạn không tối ưu lắm. Câu hỏi tự nhiên là: làm sao để ở vùng tối ưu hơn nữa? BÌnh tĩnh. Hỏi một câu hỏi khác: tại sao chúng ta không ở vùng tối ưu nhiều hơn? Có nhẽ nào, mặc định của chúng ta là trạng thái tối ưu, và thay vì phải đạt được nó, mình cần bỏ những cái cản trở nó trên đường? Khi câu hỏi này đến với mình, nó lộn ngược hoàn toàn cách mình nhìn về phát triển con người. Không phải cố gắng đạt được tới đỉnh cao, tới một trạng thái nào đó mà xem xem mình đang đánh mất nó kiểu gì?
Sang chấn tâm lý
Câu trả lời đang dần trở nên chính thống trong cộng đồng khoa học là sang chấn tâm lý (trauma).
Lúc đầu mình tưởng chỉ có những người có chuyện gì thảm khốc lắm mới quan tâm tới đề tài sang chấn tâm lý này. Giờ mình thấy nó ở mọi nơi.
Bản thân mình lúc đầu cũng chỉ muốn phát triển và tối ưu hơn. Trong lĩnh vực phát triển con người & phát triển bản thân, có người nhìn về tương lai (vd khai vấn / coaching, đặc biệt là performance coaching, nôm na là để phong độ tốt hơn), lại có người nhìn về quá khứ (vd chữa lành / healing). Thường người ta sẽ thiên về một trong hai, nhưng nên nhớ đây thực sự là hai mặt của một đồng tiền.
Đồ thị này giải thích tại sao:
Càng nhiêu sang chấn thì càng nhiều sự phòng vệ tâm lý. Càng phải lo về tâm lý thì phong độ thực tế càng kém. VÀ KHÔNG AI BIẾT TIỀM NĂNG CAO NHẤT CÓ THỂ LÀ GÌ. (nếu bạn thực sự quan tâm đến sự phát triển, bạn có thể cũng rợn tóc gáy giống mình khi nhận ra rằng tất cả những gì đang trải nghiệm chỉ là một phần rất nhỏ của những điều mình có thể. CON ĐƯỜNG LÀ VÔ TẬN.)
Các cơ chế phòng vệ tâm lý của con người thì vô vàn và ra ngoài khuân khổ bài viết này. Để muốn tự tìm ví dụ, có thể tự hỏi bản thân: đã bao giờ bạn cư xử không theo ý mình muốn nhưng không hiểu sao không kiểm soát hành vi được?
Theo cách nhìn này thì tất cả đó đều là sang chấn tâm lý. Theo Dr Gabor Mate, một trong những người tiên phong ở lĩnh vực này, sang chấn không phải là chuyện kinh khủng đã xảy ra với mình mà là điều xảy ra bên trong mình do chuyện đó.
Khả năng cao là hồi xa xưa chúng ta đều có ít nhất vài khoảnh khắc hệ thần kinh bị quá tải, từ đó hình thành những cơ chế phòng vệ mà bây giờ mình coi là tính cách “ừ tính tôi thế mà”. Mỗi khi chúng ta khăng khăng bảo là “mình là như thế”, đó là sang chấn… Ví dụ
Tự dưng nổi đóa lên làm người ta giật mình?
Muốn gặp một người khác nhưng sợ người ta từ chối?
Cô đơn, muốn kết nối nhưng khi người ta tới quá gần thì sợ, đấy người ta (cả về cơ thể & tình cảm)?
Điển hình hơn bây giờ: mất tập trung, muốn làm việc mà không tài nào làm được?
Nghiện lướt FB, ăn, shopping, điện tử, sex, công việc, mối quan hệ mới v.v Dùng từ “nghiện” nghe hơi quá, nhưng định nghĩa của “nghiện” từ Dr Gabor Mate là “hành động giúp mình thấy thoải mái tức thời, mình làm đi làm lại, và lâu dài có tác dụng xấu”. Theo định nghĩa này thì hầu hết chúng ta đều nghiện một điều gì đó… (Nhận ra điều này mình rùng hết cả mình).
Những giây phút cư xử theo phản xạ và không như ý muốn đó có thể xảy ra trong hiện tại, nhưng thực ra đó là quá khứ đang được tái diễn. Cái này đạo Phật gọi là “nghiệp”. Mình không giận hay sợ người trước mặt. Mình sợ hay giận vì đó là phản ứng mình học được từ hồi còn nhỏ trong mối quan hệ với những người chăm sóc mình như bố mẹ. Bố mẹ có thói quen đó từ đâu? Từ ông bà, rồi cụ kị… Đời đời kiếp kiếp.
Và đợt biến động này chúng ta đang cảm thấy những sang chấn đó ở cấp tập thể. Bạn đang cảm thấy bồn chồn lo âu không vì một lí do nào đó? Khả năng là bạn đang cảm thấy hệ quả của sang chấn chung (collective trauma). Vì chúng ta là một phần không thể thiếu của thế giới xung quanh, nên chúng ta sẽ cảm thấy thế một cách vô thức. “Người khác” hóa ra gần mình hơn là mình tưởng.
Nhắc đến “Vùng tối ưu” thời kì này có vẻ là quá xa xỉ. Và không hiểu thì còn phải trả giá xa xỉ hơn…Bạn đã bao giờ nghe tới câu “người bị tổn thương gây ra tổn thương cho người khác?” (“hurt people hurt people”)? Muốn thực sự có ích thời điểm này thì càng phải đảm bảo là mình đang cảm thấy kết nối với chính minh và xung quanh. Quan trọng hơn, đi vào để hiểu xem có những sang chấn & biểu hiện nào đang diễn ra cũng là cơ hội để mình mở ra tiềm năng thật sự đang bị đè nén.
Nhìn từ góc nhìn này thì nếu muốn biết và phát triển tiềm năng tối đa thì công tác chữa lành là bắt buộc. Nếu tiềm năng là vô hạn thì ai biết còn những gì đang cản mình lại?
Ok hiểu hơn chút về sang chấn rồi, quay lại với câu hỏi: làm thế nào để sống tối ưu hơn? Trước hết, gọi tên thử những lúc không tối ưu lắm như hình dưới đây.
Trục ngang: biểu hiện của con người khi hệ thần kinh được kích thích ở các mức độ từ thấp đến cao.
Kết nối & phong độ
Phong độ tốt nhất là khi chúng ta hiện diện hoàn toàn, là khi chúng ta cảm thấy kết nối với chính mình & xung quanh. Ngẫm lại cũng đúng: những giây phút đã nhất cuộc đời mình là khi mình cảm thấy rất thuận với chính mình (không còn mâu thuẫn bên trong), hòa mình với xung quanh (không còn mâu thuẫn bên ngoài) đến mức mình quên mất đi thời gian.
Và đây là mối liên hệ với cộng đồng tỉnh thức, hay còn được gọi là “tâm linh” (để ngoặc kép vì có người thích, có người dị ứng từ này). Những lúc hiện diện như vậy có cảm giác mình là một phần thiết yếu của cuộc sống, rằng cuộc sống là mình. Ranh giới giữa “mình” và “xung quanh” không còn quá rõ. Giây phút quá đủ đầy, “không đến không đi không trước không sau”, đạo Phật gọi là “niết bàn”.
Chắc bạn cũng tự hỏi xem có những cách chăm lo thế nào cho phong độ của mình ổn? Đây là một vài gợi ý:
Gọi tên những gì đang diễn ra (tại sao có cái bảng này có ích)
Hít thở sâu, cảm nhận cơ thể.
Giãn người, rung lắc nhảy múa, cười cười dăn dúm mặt một tí (các loài thú làm tốt hơn con người vụ này)
Gặp những người đáng mến và chia sẻ sự yêu mến đó.
Ăn uống nghỉ ngơi.
Thị trường thiền ở Việt Nam cũng bắt đầu lớn mạnh, đã có kha khá cơ hội để thực hành. Ai ổn tiếng Anh thì dùng app Insight Timer, ai thích tiếng Việt thì có thể vào Thiền Đương Đại của một người bạn mình.
Tự thân điều chỉnh & cùng làm với người khác Đúng là chúng ta có thể (và nên) tự giúp mình rất nhiều trong hành trình sống tốt hơn, tối ưu hơn này. Tự chăm lo cho sức khỏe, tự điều chỉnh trạng thái bản thân bằng những cách trên.
Và cũng đừng quên: chúng ta sinh ra trong kết nối, lớn lên trong kết nối. Chúng ta bị tổn thương trong kết nối, được chữa lành trong kết nối và sẽ phát triển hết tiềm năng trong kết nối.
Nói ví von chút thì kết nối với người khác như kiểu là cắm vào âm ly phóng đại cho trải nghiệm của mình vậy. Khổ thì rất khổ, sướng thì rất sướng.
Nếu bạn ổn một mình, hài lòng với giây phút hiện tại rồi thì chúc mừng bạn. Bạn đã may mắn hơn hầu hết tất cả mọi người trên đời này rồi. VÀ Nếu bạn muốn phát triển, muốn sống tốt hơn trước (tùy định nghĩa “tốt” là thế nào), bạn sẽ muốn có nhiều sự đồng hành chất lượng. Con đường này quá quan trọng để đi một mình. Nếu không có điều kiện kiếm người coach, chữa lành hay hỗ trợ tâm lý thì ít nhất nên rủ một vài người bạn, cùng học một chút kĩ năng căn bản về nhận thức & tự điều chỉnh trạng thái bản thân. Hít thở, vươn vai, giãn cơ, chậm lại cùng nhau để đỡ buồn, đỡ mệt. Khi chúng ta biết cách để ý & kết nối (bớt tự cô lập hoặc cố kết nối) thì tự nhiên sẽ bớt phản ứng từ sang chấn ở quá khứ mà thực sự hiện diện ở lúc này và đưa ra những quyết định sáng suốt nhất. Từ đó cuộc sống của bản thân và người xung quanh sẽ tốt đẹp hơn rất rất nhiều.
Bạn sướng, người xung quanh ổn hơn, mọi thứ sẽ tốt hơn.rất nhiều.
ps: Lời mời cho Mở Lòng Mình vun vén cho cộng đồng Mở Lòng cũng để chúng ta cùng nhau học cách kết nối và yêu thương tốt hơn. Bản thân mình lớn lên quá lâu trong câu “thương cho roi cho vọt” còn “ghét là mặc kệ, không cho gì”. Sai, sai, sai không để đâu cho hết, đến mức giờ mất bao công để buông dần cái thói đấy đi.. Thương là cho sự để ý. Để ý đúng thì sẽ biết cách quan tâm chăm sóc cho đúng. Đó cũng là điều quan trọng nhất chúng ta sẽ thực hành trong Mở Lòng. Cho mình, cho nhau sự để ý, quan tâm. Nói ví von thì nó giống như tập yoga trong giao tiếp vậy. Lúc đầu thấy mấy động tác hơi kì kì, kho khó (“bình thường ai nói chuyện với nhau như thế”), nhưng rồi tập nhiều hơn sẽ thấy nhẹ hết cả người và tự dưng việc “kết nối” trở nên tự nhiên, rất nuột. Từ khi biết cách kết nối với chính mình & người khác ở những tầng càng ngày càng đã hơn, mình cảm thấy sướng người, sướng lòng và hiệu quả hơn hẳn. Hi vọng mọi người cũng được trải nghiệm điều đó.
Nếu bạn quan tâm, có thể tham gia Giờ Mở Lòng tối thứ 3 và chiều CN trong tháng 8 để chăm lo cho phong độ của nhau trong đợt dịch này. Hoàn toàn miễn phí 😀 Ngoài ra, khóa Mở Lòng với Chính Mình tháng 9 cũng bắt đầu vào thứ Tư tuần sau 19:30, 01/9/2021 cho những ai thích phát triển bản thân một cách vui hơn, kết nối hơn. Còn 8 chỗ nữa thôi nên nếu quan tâm thì đăng ký trước 30/8 nhé.
Notes
Mình đang học những điều này được từ một khóa học ở bên Context.org, đặc biệt cho những ai quan tâm tới phát triển con người & xã hội (nôm na là muốn có ích cho đời).
(Có thể bạn đã biết tới khái niệm Phiêu / Dòng Chảy / Flow của nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi. Đây là một model khác, giúp giải thích được nhiều hơn)
(Nói đến kết nối & đỉnh cao, chắc hẳn có người sẽ nghĩ đến “cực khoái’ trong sex. Cực khoái ở đây là cảm giác siêu kết nối, dù chỉ là một khoảnh khắc. Từ góc nhìn khoa học hiện đại, tiến hóa làm điều đó cực sướng để con người tiếp tục nòi giống. Tuy nhiên, rõ ràng là con người muốn nhiều hơn thế – nếu thực sự cho phép thì chúng ta đều muốn kết nối sâu và sướng hơn nữa. Có lẽ vì cái nhu cầu kết nối đấy mà thuốc tránh thai & bao cao su ra đời. Từ góc nhìn tâm linh, đặc biệt với những ai quan tâm tới tantra & các thực hành tantra sex thì đây là con đường ngắn nhất để giác ngộ / tới niết bàn. )
Lâu lâu mới viết bài tản văn, cho những người có nhiều suy nghĩ trong đầu và thích nghĩ về bản chất của những thứ tưởng chừng như đơn giản nhất.
Phiên bản ngắn; cho người lười đọc: để ý cách mình để ý (metacognition) là kĩ năng quan trọng nhất để định đoạt việc phát triển của mình, bắt đầu để ý dần đi là vừa.
Mấy hôm nay mỏi lưng với cổ vai gáy quá, chắc do ngồi máy tính với cũng có nhiều chuyện cần giải quyết. Mỏi đến mức không làm được gì nữa, phải lên Youtube tìm mấy bài giãn người cho đỡ mỏi. Mà mãi vẫn thấy chưa đỡ. Đến lúc ngồi giãn cổ, mình mới sực nhận ra là mình đang không để ý đến cổ lắm. Chỉ làm động tác giãn ra thôi, nhưng vẫn đang cuốn theo suy nghĩ ở đâu đâu. (Suy Nghĩ ở đây có thể là chữ, có thể là âm thanh, hình ảnh, tưởng tượng nhé, không lại bảo dân nghệ sĩ ít suy nghĩ 🥶) Để ý rõ thấy thói quen của mình là chạy theo suy nghĩ, một sự chờ đợi “tiếp theo là gì, tiếp theo là gì”.
Suy nghĩ luôn là bây giờ. Mọi người cứ bảo “nghĩ về tương lai”, “nghĩ về quá khứ” mà không sống trong giây phút thực tại. Không không, nghĩ gì thì cũng nghĩ trong giây phút này hết. Ý mọi người là “đừng quá đắm chìm trong suy nghĩ” 👍 Nói thì dễ, làm cũng dễ (hít một hơi thở thôi). Nhớ ra mà làm mới khó. Tại sao? Thứ nhất là suy nghĩ thường cảm giác khẩn cấp. Cần nghĩ ngay, nghĩ luôn bây giờ. Dòng này chưa qua, dòng khác đã tới, rất hấp dẫn và cuốn hút. Thứ hai là suy nghĩ là một phần rất nền tảng của trải nghiệm con người. Suy nghĩ tạo thành câu chuyện, tạo thành thế giới quan. Lại nhớ tới câu nhà vật lý học David Bohm, cũng là bạn tâm giao của triết gia Krisnamurti, từng nói “Suy nghĩ tạo ra thế giới, xong rồi bảo “Tôi không làm thế!” Suy nghĩ với người như cá với nước. Thỉnh thoảng cá nhảy lên mặt nước tí cho vui thôi, chứ phần lớn vẫn sống trong nước. Phần lớn con người ta vẫn chìm trong suy nghĩ mà không hề hay biết. Hầu hết khi người nói là “mình không nghĩ gì hết” thực ra là người ta đang đắm chìm trong câu chuyện cũ, như chế độ lái máy bay tự động, mình là thế này, người kia là thế kia, thế giới xung quanh là thế nọ.
LƯỚT SÓNG TRONG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI Lâu lâu con người ta mới được giây phút sáng suốt, rõ ràng, “thức tỉnh”. Khi mình nhập tâm, để ý tỉ mỉ tới những gì *đang* diễn ra thì mình không thể biết được chuyện gì *sẽ* diễn ra. Nó là cái cảm giác “tương lai đang diễn ra từ chính giây phút này”, như “lướt sóng trong hiện tại”. Và với sự nhập tâm đó, mình sẽ khám phá được những thứ bất ngờ nhất.
Một trong những khoảnh khắc như vậy là một lần khi mình thức dậy cạnh một người thân yêu. Mình để ý là người ấy đang chìm trong giấc ngủ sâu. Lúc đấy, một suy nghĩ tự dưng đến với mình *”tại sao ngắm một người ngủ ngon lại đẹp thế?”* Đó là một câu hỏi làm cho bên trong của mình bừng sáng. Và ngạc nhiên hơn nữa, đây là trải nghiệm hầu hết ai cũng hiểu! Tại sao ngắm một người đang ngủ lại có thể hấp dẫn như vậy? Có phải vì chúng ta cảm nhận được sự sống từ việc sinh linh này đang thở, đang nghỉ, đang SỐNG HẾT MÌNH? Và điều đó gợi nên sự sống trong chúng ta, nên chúng ta thấy đẹp, chạm, cuốn hút? Ôi, lâu lâu vớ được một giây phút rõ nét như TV phân giải cao như thế, mình như kiểu rơi sang một thế giới song song khác. Chỉ há hốc mồm, cúi lạy vì quá đẹp…
Mỏi cổ vai gáy đến mức không chịu nổi nữa mới nhận ra là mình đang bị tắc với hững suy nghĩ cũ và cảm giác cũng cũ. Dành cả sáng ngồi lặn xuống cảm giác mỏi trong người, giờ mới thông ra và quay lại với câu chữ được.
Những giây phút như vậy làm mình thấy tâm huyết hơn với việc “để ý cách mình để ý”. Không chỉ để ý xem có những suy nghĩ gì mà còn để ý là nó đến từ nhận thức như thế nào. Nói ví von là không chỉ xem trong phòng này có những đồ đạc gì mà còn xem phòng này tầng mấy, khu chung cư này cao không, nhà cửa thế nào v.v Đây cũng là điều lớn nhất mình tiếp tục chiêm nghiệm với hệ thống Enneagram. Câu hỏi luôn là: mình đang hiện diện đến mức nào với những thứ đang diễn ra? Với cảm giác, với cảm xúc, với trạng thái của trí óc? Ngồi gồng lên để suy nghĩ không ra được gì vì cái nhận thức đang bi căng. Cái cần nhất là reset, chuyển chế độ từ cố lướt sóng thành lặn xuống cảm nhận. Thực hành thiền, Chạm, giờ làm Mở Lòng cũng hướng tới điều đó. Để ý nhiều hơn, chất lượng hơn, rộng mở hơn. Quan trọng nhất là biết chuyện gì đang diễn ra.
Những lúc có sự hiện diện với chính mình như vậy, suy nghĩ thưa hơn, trong đầu trong hơn, vắng lặng hơn. Đến mức mình gần như có thể nghe thấy từng sợi suy nghĩ chạy trong đấy vậy. Lúc đó rất phê. Nghe rõ nên mình sẽ biết cái nào nhìu sức sống nhất. Viết cũng vậy. Viết hay một phần nhỏ là thạo câu chữ. Phần lớn hơn là chạm được vào điều gì sống nhất, và biết cách mở lòng mình để nó tuôn ra.
ps: ai tò mò quan tâm tới việc “để ý sự để ý”, tháng 9 sẽ có khóa Mở Lòng để thử nghiệm https://bit.ly/molongnao #molong
Bối cảnh: Đợt dịch này mình tâp trung vào công tác bên trong (“inner work”) và cũng thử nghiệm những công cụ cho việc phát triển con người. Một trong những thứ đó là nghịch thử mở lòng mình hơn với vài người bạn trong team Nguyên Vẹn.
Cụ thể như thế nào thì cần một bài dài. Nói ngắn gọn là thử nói thật với nhau trong tình yêu thương xem người kia gợi cho mình điều gì.
Mình lấy đời mình ra làm ví dụ, hi vọng bạn cũng nhìn thấy một phần của mình trong này. Tất nhiên không thể giống hết, nhưng nếu bạn cũng là một người hiền lành tốt bụng như mình thì khả năng cao là cũng có điểm chung :))
Đôi lời về cái bóng.
Ai quan tâm tới tâm lý thì chắc cũng nghe tới khái niệm “shadow” này rồi. Một trong những cha tổ của ngành tâm lý học, Carl Jung, nổi tiếng nhất với câu “Người ta không trở nên giác ngộ bằng cách hình dung những tia sáng mà bằng cách nhận ra bóng tối”. Một cách để nhận ra shadow của mình là để ý xem phẩm chất nào của người khác làm cho mình có cảm xúc rất mạnh (hút hay đẩy, yêu hay ghét đều được). Vd bạn là người lý trí, ít cảm xúc, lúc đầu gặp một bạn khác rất giàu cảm xúc sẽ cảm thấy rất thích, nhưng sau này lại thấy rất dội, hoặc là bạn thấy ghét một người với cái tôi quá lớn, quá ngạo mạn thì có nghĩa là sự ngạo mạn / tự tin đó là phần khuất của bạn. Bởi vì thường là mình phải có cái gì đấy thì mới cảm thấy như thế nào đấy về người khác. Tại sao việc nhận ra cái bóng quan trọng? Thứ nhất là để sống hết mình hơn, đỡ bị động chạm và cảm thấy là nạn nhân của cuộc đời hơn (“Tất cả là tại nó! Tại nó như thế mà tao như thế!”) Thứ hai là muốn hay không thì đó cũng là một phần mình. Dù mình có muốn bỏ đi cũng không được. Nên là biết để sống cùng với nó thôi. Làm gì có ai trên đời này ra sáng mà không có bóng?
Mới nhớ tới truyện Đôrêmon hồi trước, ghê vãi.
khi không để ý cái bóng quá lâu…
Thứ ba, cho những ai thực sự quan tâm tới việc phát triển con người, sống hết mình và nguyên ven hơn thì làm thân với cái bóng là phần mấu chốt. Vì phần nào cũng có một vai trò quan trọng nếu biết cách. Bình thường thì mình sẽ muốn đẩy phần cái bóng đi vì mình nghĩ nó xấu, nhưng khi mình dần làm quen lại thì mình có thẻ tận dụng được những điều có ích về nhân vật này. Trên con đường tới Nguyên Vẹn thì chắc chắn có Sứt Mẻ.
Về trò chơi Góc Ít Bộc Lộ Mình sẽ chọn ra một phần của mình ít được thể hiện, cảm nhận xem cảm giác đó như thế nào rồi thử diễn ra, đặc biệt là trong khi tương tác với người khác. Một vài yếu tố của trò chơi này: Không chỉ nói & mô tả về phần này mà diễn nó ra sử dụng nghệ thuật sân khấu và ngôn ngữ cơ thể. Như vậy mới lột tả được hết, chính mình mới thấy rõ. Tốt hơn là có sự hiện diện và lắng của người khác để quan sát & chia sẻ. Như vậy sẽ giúp nhin rõ hơn rất nhiều so vói việc ngồi nhà tự phân tích – không tệ, nhưng sẽ không nhanh bằng.
Ok, đã giải thích đủ. Xin mời…
Vua Bé Con
Vua Bé Con biết rất rõ từng lúc, từng lúc xem mình cần gì, muốn gì và không hề ngần ngại trong việc bộc lộ điều đó ra. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng nghĩ mà xem, giờ làm người lớn muốn đơn giản cũng không được. Chả biết mọi người thế nào chứ mình giờ làm gì cũng phải nghĩ, xem nó có tốt không, xem nó có ích với người khác không. Vua Bé Con có quyền lực mềm để sai khiến mọi người. “Ê, không ai chăm cho tôi là tôi lăn đùng ra đấy.” Một phần khác là nghịch ngợm vô cớ nhưng lại ngây thơ dễ bị dụ. Vua Bé Con thường là góc khuất của công dân gương mẫu, có trách nhiệm, tự lập.
(có lẽ đây cũng lí do người ta hay nói là muốn có người yêu để được “hư” hay nuông chiều, để không cần phải cố gắng cứng cáp).
Ví dụ mọi người thường nhìn mình trong công chúng là một người vui vẻ thân thiện, bay bay hay ho thú vị (đôi khi là lập dị, kì quái và vụng về…)
Khi lớn lên, Vua Bé Con dần dần bị bỏ sang một bên, vì ăn vạ nhiều mà không được đáp ứng. Một phần tốt là mình học được sự tự lập, tự mình chăm sóc và đáp ứng nhu cầu của chính mình. Có người gọi đó là tự do, độc lập, không muốn bị phụ thuộc. Nhưng phía sau đó là sự chán nản. Chán đến mức muốn mất công thèm cái gì cả. Chán đến mức đếch tin vào ông trời. Mình không tin là ổng có thể đáp ứng hết nhu cầu của mình nên không dám bộc lộ.
Về lâu về dài nó thành cái thói quen là tự hạ thấp nhu cầu của bản thân, với lí do quen thuộc “kiểu gì cũng không đáp ứng được đâu nên thôi kệ đi”. Ngoài ra còn nhiều lí do phụ, kiểu “thôi, đòi hỏi làm gì mất công lắm”, “ôi, không quan trọng đâu” hoặc là “mình không xứng đáng” hoặc là “thôi, phiền lắm, tự mình giải quyết thôi”.
Tất cả chỉ là ngụy biện. Thực sự là tự hạ tiêu chuẩn của bản thân xuống để đỡ thất vọng. Vì đã từng thất vọng nhiều lần quá rồi nên thôi “tớ chả có kì vọng gì đâu”. Nghe quen quen? (khi viết ra thấy lòng nhói đau, chác là chạm vào điều gì thật) Với cả tiêu chuẩn thấp thì đỡ phải đòi hỏi và bị đòi hỏi. Nên là đỡ phải tung sức, đỡ mệt. Live and let live nhỉ, các bâybi?
Càng ngày càng nhận ra là mỗi khi mình làm như vậy là lại chết trong lòng một ít. Vua Bé Con bị chôn sâu hơn một ít. Từ đó, mình dần dần trở thành người ngoan, tốt, hiền lành, dễ chịu, dễ nuôi, “low maintainance”. Lành nhưng mà không hay ho gì lắm, như kiểu rau luộc, healthy but not really tasty .:))
Món quà lớn nhất của Vua Bé Con Từ Vua là sức mạnh và quyền lực chính đáng. Từ Bé Con là rất biết mình cần gì, muốn gì và vẫn còn đủ hồn nhiên để không tự lừa chính mình là “không cần đâu”. Bé con hiểu là nhu cầu của mình chính đáng, là “lòng ta là món quà”. Khi xấu xí nhất thì giận dỗi vô cớ, chấp nhặt vô biên, lòng tham vô đáy, độc tài, đầy thủ đoạn. Khi có nhận thức hơn thì rất biết và rất thật lòng với việc mình cần gì và muốn gì và sẽ theo đuổi nó bằng được. Bạn có thể thấy là điều này rất cần thiết.
Chuyện gì xảy ra khi Vua Bé Con không được công nhận? Có hai kiểu chính. Một là thỉnh thoảng nổ bùm một cái um xùm hết cả lên làm mọi người giật cả mình “Hả con người nhẹ nhàng hiền lành thân thiên mà tôi đã từng biết đâu rồi??” Hai là chết dần chết mòn trong lòng, càng ngày càng xa rời cuộc sống “live and let live, baby”.
Xin phép kể một ví dụ thực tiễn của việc tái hòa nhập với cái bóng của mình (“shadow integration”) và cái ích của nó. Sau khi diễn xong tối qua, sáng nay Vua Bé Con lại xuất hiện và giúp mình một vụ quan trọng. Chuyện là đã hết 14 ngày cách ly ở chung cư, và người ở các tầng khác đã được thả. Nhưng khả năng người ở tầng mình (có ca f0 ở đầu bên kia) sẽ bị giữ thêm 7 ngày nữa. Mình biết là người ta vì an toàn nên làm thế thôi, mà khả năng gặp ca f0 ở đầu kia hành lang là rất ít, nên mình thấy không ổn.
Suy nghĩ quen thuộc “thôi, chấp nhận tiếp đi” lại hiện lên trong sự chán nản. Bình thường mình tưởng mình là người bình tĩnh, mà hóa ra là mình mất kết nối với cảm xúc của chính mình :))
May mắn là lần này ghi nhận sự bức bối của chính mình. Lần này thay vì để sự nó trôi đi như bao lần khác, mình nhớ ra là mỗi khi hạ thấp nhu cầu bản thân là đang chết trong lòng một ít. Và mình không muốn thế, nên trước khi lý trí có thể phân tích và cản lại, mình đã nhảy tót ra đòi hỏi.
Xin xỏ đòi gặp sếp, rồi hỏi ý kiến của hàng xóm láng giếng một ít rồi cuối cùng cũng thúc được một chút. Ít nhất là hôm nay thúc đẩy để được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 rồi. Chắc 1-2 ngày nữa có kết quả. Lúc đó nếu âm tính mà vẫn bị giữ lại đến 21 ngày thì sẽ đòi hỏi tiếp!
Niềm vui nhất của mình không phải là thắng được vụ đấu tranh này. Nó cũng chả phải là về công lý, hay cái gì đúng cái gì sai, cái gì tốt hơn cho tập thể v.v. Nó là sống nguyên vẹn hơn với tất cả con người của mình, không chỉ là phần lý trí hay phần người tốt. Bình thường mình tâm linh lắm, nhẫn nhịn lắm. Nhưng đến lúc chán con người nhẫn nhịn của mình rồi 😅 Cho mình được khác, đươc nguyên vẹn. Đã đến lúc mời Vua Bé Con quay lại sân chơi rồi!
Ngẫm lại:
Cảm giác chạm tới vài góc khuất của mình cũng thấy hơi rợn gáy, nhưng mà có sự hiện diện và chấp nhận của người khác nên thấy khá phê. Và sau đấy thì thoải mái, nhẹ nhàng, đúng như kiểu được massage trong lòng.
Mình thấy đây là một cách đồng hành giúp nhau trưởng thành rất rất hay. Các bạn nào quan tâm tới hiểu & phát triển bản thân mà đã có đủ lý thuyết rồi thì có thể thử. Nếu bạn có sự đồng hành của một vài người bạn tin tưởng, mình khuyến khích mọi người có thể thử bài tập tự phác ra nhân vật Ít Được Bộc Lộ của mình rồi thử chơi. Đây cũng sẽ là một trò mình chơi trong các khóa Mở Lòng nâng cao hơn. Có thể đăng ký wait list tại đây hoặc nhắn riêng cho mình một tin trên FB.
Bối cảnh: đây là chia sẻ về trải nghiệm của mình là người đầu têu, vẽ trò và cũng tham gia chuyến Mở Lòng đợt đầu. Nói nôm nà thì đây một chuyến đi vào lòng nhau, online. Hi vọng trải nghiệm của mình gợi lên một điều gì đó thật và đẹp trong bạn. 😀
Những con người đáng mến.
Vẻ ngoài bình dị, mà diễn biến nội tâm li kì
Trước khi bắt đầu với Mở Lòng, mình rất hào hứng, nhưng cũng có chút e dè. Mình không lo là chưa đủ vững để dẫn đoàn đi thám hiểm (vâng, nghe hơi láo, nhưng mà nó thật). Nỗi lo thật hơn thì nghe hơi ngu: mình đang nuông chiều nhu cầu bản thân quá không? Đúng kiểu là mình chán chơi, chán đào & khám phá một mình rồi, giờ muốn rủ người khác đi cùng cho vui. Đến lúc thấy người ta chịu trả tiền cho mình vẽ trò chơi mới, mình mới dám công nhận hơn: mình làm giải trí cho người lớn nhiều hơn là giáo dục đào tạo… Tưởng đùa mà thành thật rồi. Đối với một thanh niên nghiêm túc trong thâm tâm như vậy, việc mình có thể chơi để sống thực sự rất khó tin. Cuộc đời có thể đẹp như vậy? 😥
Nỗi lo thứ hai, và điều này sau này mình mới nhận ra, là không biết có ai ghi nhận sự kì lạ của thứ mình đang làm không. Cách mình tiếp cận rất khác. Chuyến đi mang tính chất thử nghiệm khám phá chơi chơi nhiều hơn, chưa có tính ứng dụng cụ thể trong khi rất rất nhiều người muốn có điều đó. Nhiều người phản hồi là cần làm nó rõ ràng hơn v.v Nói một cách ví von mà rất thật, thì Mở Lòng với mình như kiểu một đứa con bé bỏng mà ông trời đang đẻ thông qua mình, kiểu thần Zeus có con với người trần qua tia sét… Dù một phần mình trân trọng sự khác biệt đấy, một phần khác mình vẫn hi vọng “em bé Mở Lòng” được thuộc về một đâu đấy nơi em ý được trân trọng. Cụ thể hơn là chỉ vì em ý là như thế, thay vì mới còn nhỏ xíu đã phải biểu diễn mua vui, phải giúp ích được cho người này người nọ… Đó là sự canh cánh mình đã có khi bước đi với Mở Lòng đợt này, mặc dù không hề biết cho tới bây giờ.
Biết thế, giờ sao? Marketing truyền thống là phải gọi tên vấn đề của người ta rồi đưa ra giải pháp. Nhưng mà mình đâu có giải quyết vấn đề của người ta. Đến thân mình còn lo chưa xong, mình đang làm để cứu mình cơ mà. Thôi được, cứ chơi thử kiểu này vậy. Vấn đề: tớ trông vẻ ngoài bình dị, mà diễn biến nội tâm li kì. Có vẻ chắc chắn, mà lắm lúc cũng nhiều băn khoăn. Nói vui là vừa cô đơn vừa chảnh. Cần người hiểu mình & đồng hành cùng mình. 😀 Giải pháp: gặp những người như vậy, cho chúng ta có thể vừa cô đơn vừa chảnh trong lúc chia sẻ diễn biến nội tâm phức tạp. Ai quan tâm nào?
Vá xăm & thật lòng
Nói về ảnh hưởng của mở lòng, có một hình ảnh rất hay. Khi xe bạn bị thủng xăm, bác sửa xe sẽ bơm xăm lên rồi ngâm vào chậu nước, chỗ nào xì ra là biết.
Nếu chúng ta là săm thì Mở Lòng là chậu nước
Mở Lòng là một chậu nước như vậy. Đi về là biết chỗ nào xì. Khác biệt duy nhất với việc vá xăm là không cần phải vá, mà mình biết chỗ nào là nơi đã xì sẵn để mình có thể mở ra những điều thật hơn về mình. Và mình làm chuyện đó một cách nhẹ nhàng êm thấm như ngâm vào nước. Một chia sẻ chung của nhiều người hậu mở lòng là biết rõ mình muốn gì & cần gì hơn. Quan trọng hơn nữa là thấm được câu “lòng ta là món quà”. Hiểu được rằng nhu cầu và mong muốn của mình không chỉ chính đáng mà còn là món quà cho đời. Đầu tiên, nó là món quà là bởi vì nó thật lòng, và sự thật là món quà (dù lúc đầu có thể hơi khó nhằn một chút). Thứ hai, nó giúp người khác nhận ra chính mình trong đó. Nhiều người còn không biết họ cũng có điều đó, cho đến khi mình gọi tên nó ra trong mình, mọi người mới bảo “ê, tớ cũng thế”. Thứ ba là gọi tên được ra thì có thể được đáp ứng, mà khi đáp ứng được nhu cầu của nhau thì rất sướng. Nhận ra điều này SƯỚNG VÃI. Không đánh giá kiểu nào sướng hơn kiểu nào, nhưng biết được nhiều kiểu sướng thì sướng hơn thôi. Ví dụ cụ thể: ăn bánh xèo ngon cũng sướng. Ăn bánh xèo trong sự trân trọng cái dở hơi của mình, rằng mình có thể thực sự ăn đi ăn lại một món mãi vẫn thấy ngon, thì còn sướng gấp vạn.
Ai cần được đồng hành và ghi nhận? Sau chuyến Mở Lòng này mới thấy mình thường đánh giá quá thấp sự hiện diện của những người ban đồng hành và những điều kì diệu khi họ thực sự gặp nhau. Điều kì diệu đến với mình là thấy rõ điều gì thật với lòng mình: nhu cầu có sự đồng hành và mong muốn được ghi nhận một cách tinh tế. Và mình không phải là người duy nhất. Để giải thích thêm. Giữa người với người, đặc biệt là với những ai quan tâm tới sự phát triển của nhau, có nhiều cách để được trân trọng. Được khen, được tặng quà, tặng tiền là một phần. Được ghi nhận tầm ảnh hưởng của mình qua việc mọi người đã thay đổi như thế nào là một phần khác. Tât cả đều sướng. Có nhiều người mơ cũng chả dám nghĩ tới được như vậy. Nhưng mình luôn có một thắc mắc nhỏ. Mình có một vài người bạn như vậy, tài giỏi, đủ giàu, diện mạo ổn, có tầm ảnh hưởng, lại có ý thức chăm lo phát triển bản thân. Họ làm được nhiều điều tốt và được rất nhiều người ghi nhận biết ơn. Vậy mà ẩn sâu trong lòng vẫn đau đáu, hi vọng có một người nào đấy thật sự hiểu được lòng mình. Bình thường tất nhiên không ai đem cái nhu cầu đấy ra chia sẻ, nhưng mình biết nó vẫn ở đấy.
Mở Lòng giúp mình nhận ra, gọi tên và trân trọng những nhu cầu như thế.
Chiếc email kì lạ Trước khi bắt đầu, mình nhận được email của một bạn đang cân nhắc tham gia.
“Không hiểu sao đọc 2 email của Khuyến tớ không hiểu rốt cuộc sẽ làm gì trong 4 buổi này […] Tớ đem thư của cậu để rủ bạn của tớ. Nó cũng bày tỏ như thế là không hiểu gì ;)) và kì lạ là sau đó cô ấy quyết định join!“
Không hiểu mô tê gì mà cũng đi? Chuyện gì đang xảy ra? Mình chụp ảnh lại câu này ngay vì quá sướng. Cảm thấy RẤT ĐƯỢC TRÂN TRỌNG. Mà mỗi khi sướng có nghĩa là một nhu cầu nào đấy đang được đáp ứng. Nói nôm na là ngứa càng to, gãi càng sướng. Tại sao một câu tưởng chừng vớ vẩn như vậy lại sướng như thế? Thông điệp được nhận từ email đấy là “dù tớ không hiểu rõ lắm chính xác cậu đang làm gì, mà tớ có cảm nhận là những thứ cậu đang theo đuổi rất hay ho và quan trọng. Tớ muốn đi cùng.”
Keyword là “không biết chính xác là gì”. Hình dung người khác dám bỏ ra thời gian, công sức, tiền bạc và tâm nguyện để đi theo một thứ không rõ ràng mà mình đang làm. Nghe ma giáo không!? Ôi, điều đấy chạm tới lòng mình, sướng đến mức chẳng muốn đòi hỏi điều gì nữa… Đi cùng và hết mình là sự trân trọng lớn nhất ta có thể dành cho nhau. Dù là một phút, một giờ chứ chưa nói gì đến một đời.
Slide thật dùng trong Mở Lòng…
~~~~ Điều vui nhất là không ngờ cái phần dị dị mà mình bấy lâu nay vẫn e dè chưa dám lộ ra hết lại được ghi nhận và có ích như vậy! Đúng kiểm cảm giác phần bị chối bỏ lại được yêu thương, ui chùi chùi. 😆
Mở Lòng giúp mình công nhận rằng phía sau bức tường vui vẻ mang tên mình này là nỗi cô đơn muốn có sự đồng hành cũng như lòng khao khát được ghi nhận theo kiểu riêng của nó. 😂 (ê mà trân trọng những kiểu kia cũng được nhé, nhận hết 😄) Vỡ ra điều này thật là sướng. (mặc dù cảm giác là ai cũng biết tỏng mình là như vậy… nhưng mà ít người trực tiếp ghi nhận điều đó. Cũng hay là đi mở lòng về thì khoản trân trọng của mọi người trở nên thành thục hơn nhiều haha) Bây giờ đến tiết mục Suy Bụng Ta, Ra Bụng Người: các bạn thật lòng xem, bạn có chung mong mỏi là những phần khác trong mình cũng được bộc lộ ra và trân trọng không?
Nhắc đến chuyện đấy mới nhớ ra, trước đây mỗi khi có người khuyên mình mấy câu “just be yourself / hãy là chính mình”, mình ngứa mắt vãi. Là chính mình là thế nào, tôi là ai, đây là đâu? Cám ơn bạn, lời khuyên của bạn rất có ích! Giờ nhận ra là nếu mình không rõ là chính mình là thế nào thì mang cái sự không rõ đấy tới thì là chính mình rồi 😂 Bản chất vốn là kẻ chơi trốn tìm với tạo hóa, thích đi theo câu hỏi hơn là thỏa mãn với câu trả lời mà… Từ lúc hiểu và chấp nhận sự quái gở của bản thân hơn như vậy, tự dưng thấy được đồng hành và bớt cô đơn rất nhiều trên con đường đi sâu vào đời để xem thằng này thực sự là ai, haha. Những thứ mình hiểu, không phải ai cũng hiểu. Cô đơn vl. …
Bây giờ, mình thấy thế nào? Cũng vì vậy nên mình sẵn sàng giương cao ngọn cờ “cô đơn và chảnh, trông bình thường mà diễn biến nội tâm phức tạp” cho những ai quan tâm 😄 Nếu bạn đọc xong vẫn không hiểu Mở Lòng là gì mà vẫn có chút tò mò, TỐT. Giữ sự tò mò đấy, vì trong mở lòng có câu “Đi theo sự tò mò. Còn tò mò là còn sự sống”. Mở Lòng là một câu hỏi mở, một hành trình khám phá. Chúng ta sẽ đi cùng nhau, giúp nhau tới nơi tưởng như chỉ một mình mình tới được: lòng mình. Trên con đường đấy, mượn lời của một người mình rất nể:
“Bạn sẽ gặp những người cũng đi tìm sự thật tương tự, dù người ta có thể tìm cách khác bạn”.
Dr Gabor Mate
Nếu trải nghiệm của mình chạm đến điều gì đấy trong bạn, làm bạn nổi hứng đi du hành với Mở Lòng thì có thể đọc thêm ở đây và đăng ký vào waitlist ở đây Chuyến tiếp theo sẽ kéo dài 2 tuần và bắt đầu cuối tháng 6. Nhóm tối đa 10 người để có thể đi sâu với nhau. Hẹn gặp lại bạn, sớm hơn chúng ta tưởng 🙂
Hồi lâu rồi, nghe ở đâu đó một câu chuyện về Đức Phật, chẳng biết có thật không mà được cái hay và liên quan nên kể lại cho mọi người. Ai thấy chạm thì share hộ mình nhá.
Ngày xửa ngày xưa, có một ông phật tử nọ vốn ham chơi, lười nhác, vụng về, mà được cái thích nghe Phật dạy. Mỗi lần đến nghe Phật giảng, ông ấy đều thấy hay lắm, sáng láng lắm, có động lực tinh tấn tu hành lắm. Xong rồi về nhà lại ngựa quen đường cũ, lại lười nhác, chểnh mảng, chơi bời, sa ngã vào thói quen. Một ngày nọ diện kiến Phật, ông này liều mạng hỏi “Đức Phật, ngài khí chất ngời ngời sáng lạng như vậy nên tu hành mới tốt. Tôi không được như vậy nên cứ chật vật vấp ngã thế này mãi. Ngài có lời khuyên gì cho tôi không?” Bình thường Đức Phật không cho lời khuyên gì (vì mỗi người một cuộc hành trình tự ngộ mà), nhưng hôm đó Phật phá lệ. “Có đấy. Ông có muốn nghe không?” Phật đáp. Ông ấy sững lại. Hội chúng cũng sững lại, đợi xem Phật nói gì. “Vấp ngã cũng được. Miễn là cứ ngả về đúng hướng”.
NGẢ THAY VÌ NGÃ Một trong những điều lớn nhất mình học được từ Chạm Ngẫu Hứng là cách tiếp đất. Lúc đầu ai chả sợ bị ngã. Cũng vì thế nên một bài tập căn bản trong Chạm là “ngả xuống sàn”. Thay vì bị ngã thì chủ động ngả, hai từ khác mỗi cái dấu mà cảm giác khác hoàn toàn! Tự mỗi người tìm các cách để ngả xuống và về vứi mặt sàn. Làm như thế nào mà nhẹ nhất, sướng nhất, thuận nhất.
Mình dần học cách bước nhẹ, đáp nhẹ, rơi nhẹ, sống nhẹ. Mà không phải là vì mình chỉ có sự nhẹ nhàng thướt tha nhé. Mình vốn là dân sồn sồn tăng động, thích bay nhảy. Chính vì thế nên mới cần học cách tiếp đất, để rồi tha hồ mà bay nhảy huỳnh huỵch, vật lộn các kiểu. Tính muốn chơi vui, nên cần luyện cách không làm đau mình hay đau ai khác. Dần dần thấy việc ngã không còn ghê như trước, thậm chí là còn thấy hay. Quan trọng hơn, mình dần thấy thoải mái hơn việc ngả về phía trước, nương vào không gian. Mình học cách yêu không gian trống hơn, thỉnh thoảng còn hát lên câu thần chú “YÊ, KHÔNG GIAN!” Rồi cho mình rơi tự do, dù chỉ trong tích tắc. Và khi cơ thể này làm được, tâm trí cũng làm được. Lúc đấy thì không chỉ là nói đạo lý nữa mà sống với nó hơn.
Nó cùng là điều mình đang hướng tới ở Nguyên Vẹn: không phải là không bao giờ vấp ngã, không phải là biết cách đứng dậy sau mỗi lần như thế, mà là học cách ngả & tận hưởng việc đó 🙂
(Clip minh họa việc ngả hồi 2018, mà ngả ở sàn gạch trong chùa luôn 😅)
NGẢ VỀ PHÍA ĐỜI
Đợt này dịch, chắc nhiều người cũng cảm thấy hơi chênh vênh. Bản thân mình thấy cũng vấp ngã hơi nhiều, trong cuộc sống, công việc hay tình cảm. Nhiều thứ không đi theo ý muốn của mình. Đặc biệt là bản thân mình cũng không làm theo lý trí của mình 😂 Cũng dẫm vào chân người khác nhiều lần, làm họ khó chịu. Mình cũng hơi buồn, hơi chùn chân. Thấy mình hơi vụng. Có người bảo là “sao mày thích kiểm soát thế? buông đi em ei”. Vâng, em cũng đang buông đây, mà trước khi buông thì phải nhắm đúng theo hướng mình muốn tới đã. Chứ không thì lại thành trôi vô định đội lốt “go with the flow / thuận theo dòng chảy” rồi trốn tránh trách nhiệm với cuộc đời.
Sáng đầu tuần lại nhớ tới câu chuyện ngả đúng hướng này, thấy một phần được an ủi, chấp nhận chuyện bản thân vấp ngã, dù là thất bại với dự định của mình hay làm người khác bị ảnh hưởng.
Một phần khác thấy được động viên: à, ít nhất là mình đang ngả về phía đời, gần với đời hơn sau mỗi cú ngả này.
Tự nhắn nhủ:
Nhắm đúng hướng rồi ngả tiếp. Vừa ngả vừa học cách tiếp đất nhẹ nhàng. Cứ thế mà ngả. Chả mấy chốc biết đi, biết chạy, thậm chí là biết bay!
Chúc mọi người thay vì vấp ngã thì ngả đúng hướng, ngả nhẹ, và cứ thể mà ngả.
(và hi vọng hết dịch sớm để còn được tập ngả về phía trước, ngả vào nhau trong Chạm!)
Hôm nọ ở buổi đầu của chuyến Du Hành với Mở Lòng có một bạn kể. “Lúc đầu mình nghĩ mình tới đây để học và để được mở lòng. Nhưng bây giờ khi ở đây rồi mình mới thấy thật ra là mình cô đơn.”
Lúc đấy ban ý cười trừ rất duyên. Lúc đấy, mình và có lẽ nhiều người trong Zoom cũng cảm thấy bạn ấy rõ nhất. Mình thấy gần với bạn ấy hơn. Khi con người ta chạm tới sự thật của mình và có thể gọi tên cho nó một cách bình dị (“ừ, tôi cô đơn”), không nói giảm mà cũng không nói quá, không trách móc, van xin hay phòng vệ thì tự nó đẹp. Tự giây phút đó nó chạm.
Chính mình nghe xong cũng thấy nhẹ nhõm một chút. Ở đây, chúng ta có thể mở lòng hơn, thật lòng hơn.
Xuống núi với chính mình
Một hình ảnh trong Mở Lòng mình hay dùng là “xuống núi”. Nếu như trong kinh Phật hay nói là “lên núi đi tu”, thì ở đây là “xuống núi thực hành”. Xuống núi là cho mình được chạm tới những sự thật ở những tầng khác nhau của mình. Bắt đầu từ để ý cảm giác trong người, rồi thấy rõ hơn những mong muốn, nhu cầu, niềm hân hoan, nỗi lo lắng. Những điều mà đầu óc bận bịu của mình thường ngày không để ý. Hầu hết với tất cả chúng ta, đặc biệt là dân có trí thức thì ở trên núi quen thuộc với an toàn hơn. Nó cho mình góc nhìn tổng thể, đứng từ xa, dùng lí trí phân tích xem xét chính mình. Cái này cần thiết mà chưa đủ. Mình là thằng như thế và càng ngày càng thấy cần phải xuống núi hơn nữa. Xuống núi khá là ghê. Lăn lộn loạn xà ngầu, nhiều khi lí trí mình muốn kiểm soát gọi tên mọi thứ nhưng cơ thể, cảm xúc, nhu cầu thì nó cứ như vậy. Thôi nói lí thuyết đủ rồi, để kể chuyện xuống núi chứu không lại bị chửi “sống đạo lý nói như gì”. 😅 Hôm nọ viết bài “ngầu hay là yêu” xong mới nhận ra hóa ra mình còn “ngầu” với chính mình quá. Ngầu nên nghĩ mình không cần gì, không hi vọng gì, tẩm ngầm tầm ngầm sống trong thế giới riêng và làm việc của mình thôi. Ngầu nên cắm đầu vào phát triển bản thân, luôn luôn phải tiến bộ.
Một ví dụ của việc “ngầu” với bản thân, tưởng mình hay ho lắm, hóa ra là ham chơi 😄
Bạn bè #teamTâmLinh cũng có vài người ngầu như vậy. Mọi thứ đều đầy đủ, chả cần gì hết. Mẹ mình đi tu, từ hồi nhỏ dắt mình đi chùa hay bảo “cứ sống tốt với những gì mình đang có là được, không cần phải cần gì nhiều đâu con ạ”. Vấn đề là mặc dù tất cả các lời khuyên đều đúng, chưa chắc nó đã đúng với mình lúc này. Mình cũng muốn thể lắm, nhưng thú thật là cái an nhiên tự tại của mình thường là hàng fake thôi. Sau này yêu rồi mới biết, sự điềm đạm của mình chả phái giác ngộ đâu mà là “lãnh cảm” 😥. Nhìn lại kĩ hơn thì mới thấy khát vọng, ham muốn, nhu cầu của mình có thật, và rất lớn là đằng khác.
Người yêu cũ trước khi chia tay tặng mình một câu càng ngày càng thấm “Đừng dừng lại / Never settle”. Đây cũng là slogan của điện thoại OnePlus mình dùng. Có nhiều thứ phải mất đi rồi mới biết nó quý. Nhưng còn nhiều thứ hơn phải CÓ RỒI mới biết nó quý 😀.
Mở Lòng là một trạng thái như vậy. Không nghĩ là mình cần mở lòng cho đến khi có nó mới thấy “Woa không ngờ là mình cần nó đến thế”.
Mở Lòng là một trạng thái như vậy. Không nghĩ là mình cần mở lòng cho đến khi có nó mới thấy “Woa không ngờ là mình cần nó như vậy”.
Bớt ngầu
Không biết giọt nước nào làm tràn ly, nhưng cái ly “ngầu” của mình cũng đang tràn. Có lẽ là do có chút biến động về chuyện tình cảm, và quan trọng hơn là xong một dự án lớn của đời – một cuốn sách viết về cách sống mình đang hướng tới – nên mình bắt đầu sống thật lòng với mình hơn và nhận ra hai điều. Thứ nhất, một phần bên trong mình luôn biết là có một cách nào đó sướng hơn, tốt hơn, vui hơn khi sống với nhau. Mình gọi phần đó là Thanh Niên Lý Tưởng, và hàng ngày vẫn nuôi bạn ý. Nhưng lý tưởng sống thôi không thì không đủ, vì đôi khi nó quá cao thượng, quá xa xôi, mình dễ bắt ép mình đi theo một cái hình ảnh, một sứ mạng gì đó hoành tráng. Cao cả mấy cũng đi cùng với sự thật lòng với chính mình, không thì sẽ phốt như mấy vụ phốt từ thiện gần đây.
Nhận ra điều này dẫn tới điều thứ hai mình nhận ra: phía sau vẻ ung dung tự tại của mình là một trái tim khô cằn. Có một người thầy dạy Enneagram từng dùng hình ảnh của chiếc lá khô, héo quăn đến mức cần nước nhưng sợ chạm vào nước thì nát mủn ra mất. Ôi, hình ảnh đấy chạm…
Tưởng mình khác người lắm, hóa ra cũng rứa
Bình thường sống hàng ngày đâu có để ý tình trạng lòng mình thế nào đâu. Cho đến khi có chuyện rồi mới thấy chết cha, hóa ra mình mất kết nối thật. Đến lúc chạm vào nỗi cô đơn tê tái trong người thì mới có động lực tìm cách mở lòng ra. Mình đã viết về nỗi cô đơn nhiều lần, và vẫn thấy hướng đi này vô tận, càng ngày càng bóc thêm một lớp, chạm tới một tầng khác thật hơn.
Bài học lớn của lần này: Không chạm tới nhu cầu thật thì không có động lực đi xa đâu. Nhu cầu là nguồn sống, là xăng để xe chạy, là nắng để lớn cây. Dù mình có theo đuổi điều gì, từ tình tiền tài cho tới những cái nghe hoành tráng hơn như chân lý, sự thật hay là lý tưởng sống thì nó cũng xuất phát từ nhu cầu. Ngay cả đức Phật cũng phải để nhu cầu đi tìm sự thật nó trỗi dậy trong lòng đến mức nào rồi mới bỏ cung điện ra đi cơ mà. (bên lề: Nhìn từ góc nhìn “nhu cầu là động lực” mới thấy vụ phốt từ thiện gần đây có thể là chuyện xảy ra khi con người ta ngầu quá mà không thật lòng với chinh mình là việc đang làm – tốt – cũng đến từ nhu cầu chính đáng muốn làm người tốt của mình, mà dễ thành ra chuyện “xây dựng hình ảnh người tốt”).
Trong cuộc hành trình khám phá chính mình này, mình rất tâm đắc câu của nhà truyền thuyết học Joseph Campbell. Bác ấy nghiên cứu về các truyền thuyết từ cổ chí kim, từ Thánh Gióng đến Tôn Ngộ Không đến Star Wars hay Harry Potter. Bác ấy đúc kết về kịch bản chung
“Nơi ta từng nghĩ sẽ gặp sự ghê tởm, ta sẽ thấy vị thần Nơi ta từng nghĩ sẽ chém người khác, ta sẽ trảm chính mình. Nơi ta từng nghĩ sẽ đi ra ngoài, ta sẽ đi vào tâm của sự sống Nơi ta từng nghĩ sẽ một mình, ta sẽ cùng với cả thế giới”.
Ôi câu cuối chạm. Càng đi sâu vào nỗi cô đơn của chính mình càng thấm, càng mở lòng, càng thấy gần gũi hơn với bạn bè, với vạn vật.
Trước đây mình cứ nghĩ mình khác người, toàn nghĩ tới và làm những điều đâu đâu. Đến lúc nhận ra mình cô đơn mới thấy hóa ra mình cũng chả khác gì bao người khác. Hóa ra cầu nối của mình tới thế giới lại thông qua nỗi cô đơn các bạn ạ, thật là trớ trêu quá đi. 😅 Mình cũng cô đơn, cũng khát khao kết nối, mà lại vụng về không biết làm thế nào. Nhìn nhiều người kết nối với người khác một cách rất tự nhiên, khả năng thấu cảm cao, mình thú thật cũng muốn được như họ chứ. Chả bù với mình trầy trật, đến giờ vẫn có người nói mình là Ây Ai Trí Tuệ Nhân Tạo cơ mà. 😶
Sướng là khi được gãi đúng chỗ
Từ ngày Mở Lòng ra một chút, mình ngộ ra được dăm ba điều hay. Thứ nhất, mình cũng có nhu cầu this nhu cầu that. Ôi, mình cũng là con người, sướng quá, cảm thấy bớt lạc lõng, thuộc về thế giới con người hơn😆
Thứ hai, mới thấm thía câu “sướng là khi được gãi đúng chỗ”. Nói nghiêm túc hơn tí, “sướng là khi nhu cầu được đáp ứng”. Không sướng lắm chứng tỏ chưa chạm tới nhu cầu hoặc chưa biết cách đáp ứng. Nhu cầu càng nhiều, càng được đáp ứng khéo, càng sướng tợn.
Thứ ba, biết cách gọi tên nhu cầu ra: cần chia sẻ những thứ mình được học, cần có ích, cần có người đồng hành, cần có đất để chơi, cần đào sâu hơn v.v Đã bao lâu nay mình ngộ nhận là có nhu cầu là không tốt, là gánh nặng. Hóa ra đó là quen phong cách “ngầu” thôi. Còn phong cách “yêu” là biết mình cần gì, trân trọng và dám đi theo điều đó. Cái này nói dễ mà làm khó lắm nhé, đặc biệt là những người mắc hội chứng “Thích Làm Người Tốt” như mình ehe.
Hội chứng “Thích Làm Người Tốt”
Giờ thấy mọi chuyện đơn giản hơn nhiều. Làm một người có nhu cầu rất là sướng các bạn ạ. Ví dụ: khi mình hiểu hơn mình cần gì thì đỡ nhập nhằng trong các mối quan hệ hơn nhiều. Xin gì cũng đỡ ngại (vì biết nhu cầu là chính đáng), cho gì thì tinh thần cũng thoải mái, cho đi hẳn, không mong chờ (tại vì có mong chờ gì thì nói luôn ngay từ đầu). Rồi tự dưng có bao nhiêu người xuất hiện “ơ, cậu cần cái này à? Tớ có thể giúp”. Đúng rồi đấy, ai quan tâm muốn giúp gì thì cứ tham gia các hoạt động của Nguyên Vẹn và đọc thêm ở page mình nhé. Từ ngày biết xuống núi làm người hơn, hạnh phúc hơn hẳn. 😆
Nhắn nhủ: từ từ thôi.
Nhìn lại chặng đường xuống núi hay ho như vậy, nhiều khi mình cũng hào hứng quá mức, đem đi chia sẻ với người khác hơi bị nhanh. Cũng lưu ý cho mình và bạn bè là xuống núi thì cũng từ từ thôi. Xuống nhanh dễ trượt chân. Thong thả, con đường xuống núi để hiểu mình và kết nối với đời còn dài. Nghe nói là vô tận luôn. Nhưng mà cứ xuống nhé. Thấy gì cần làm thì cứ làm. Không cần cố quá, mà nhớ làm. (“take it easy, and take it”)
Chả mấy chốc xuống núi phê quá, không dứt ra được. Giống hồi đầu mình học Chạm, lúc đầu nghĩ là môn này ghê lắm, chạm nhiều choáng ngợp lắm, rồi nghĩ là mình ngầu nên không cần. Bây giờ thì như con nghiện, mùa dịch không được chạm nhiều cảm thấy bủn rủn chân tay 😂
Hi vọng Mở Lòng cũng sắp thấy như vậy. Nhu cầu kết nối nhiều vô kể, chạm đúng mạch là sẽ túa ra đúng kiểu kim chọc thủng quả bóng nước 😂
Bởi vì cuối cùng, chúng ta đều cô đơn. Chúng ta sẽ bước qua cái ngưỡng cuối – giây phút kiếp này chấm dứt – một mình. Và trước đó, chúng ta có thể đi cùng nhau.