Từ “Sống Cầm Cự” tới “Sống Thật Sự”

Coi Dr Strange Multiverse về xong thấy mình cũng có thể có nhiều phiên bản, và lúc nào cũng có quyền chọn 🙂

Dạo này gặp vài người bạn bên ngoài trông ổn, thậm chí có vẻ phất, mà mở lòng chia sẻ hơn tí thì biết là họ đang “cầm cự”. Nó làm mình tò mò: thế “sống thật sự” thì trông thế nào?
Tự dưng lại nhớ tới một lời dạy của nhà nhân chủng học Angeles Arrien, có lẽ là người phụ nữ cao 1m5 hấp dẫn nhất mình từng biết tới, cũng là người tiên phong trong mảng “phát triển lãnh đạo” (leadership development) trước khi nó là một nền công nghiệp vài tỉ đô.

BỐN CÂU HỎI
Hồi xưa, khi con người ta còn sống trong bộ lạc, mỗi khi trong làng có người đang chán đời sẽ được đưa tới già làng. Tới đó, già làng sẽ “chẩn đoán” với bốn câu hỏi.
Từ bao giờ
🎶 Bạn dừng hát?
💃 Bạn dừng nhảy múa?
🤫Bạn cảm thấy không tận hưởng được sự yên lặng ngọt ngào?
🤤Bạn không còn thấy được cuốn hút bởi những câu chuyện, đặc biệt là câu chuyện của đời mình?

Theo lời bà Angeles, cái y học hiện đại giờ gọi là “trầm cảm” (“depression”) hay “rối loạn tinh thần” (“mental disorder”) thì thời xưa gọi chung là *chán đời* (soul loss). Đó đều là một biểu hiện của việc mất kết nối với sự sống.
Bốn điều trên là cách mà văn hóa đảm bảo được sức sống cho mọi người ở đó.
Muốn nhìn xem một cộng đồng, tổ chức và xã hội có mạnh khỏe hay không, nơi con người ta không chỉ “cầm cự” mà “thực sự sống”, có thể để ý xem có đủ những không gian như thế không.

Cụ thể hơn
🎶 HÁT ở đây không nhất thiết là phải đi học nhạc (karaoke cũng tính, haha). Hát ở đây là sử dụng giọng của mình, đưa ra ý kiến, để chất giọng bên trong được vang lên ở thế giới bên ngoài mà không bị bóp méo vì nỗi sợ, cảm giác ngại ngùng hay sự căm phẫn. Và vì đã từng nghe nhiều giọng cười rất đáng yêu, đáng véo má và rất có giai điệu hí hí hố hố, cười nói phớ lớ với mình cũng tính là hát 😆

💃 NHẢY MÚA không nhất thiết phải là một bộ môn nào đấy đàng hoàng. Nhảy ở đây là nhận thức cuộc sống là một chuyển động, để bắt nhịp và đi vào đó.
Nhảy là kết nối với cơ thể, không coi nó là một tên đày tớ để suốt ngày bắt ép hay là một bộ mặt để suốt ngày phải đánh bóng. Nhiều khi chạy bộ, đi gym hay thể dục thể thao hay vướng vào cái bẫy này, hành hạ bản thân dưới danh nghĩa “không ngừng tiến bộ” Điều quan trọng nhất vẫn là kết nối với sự sống trong chính cơ thể mình.

🤫 IM LẶNG không nhất thiết là phải đi chùa ngồi thiền. Quan trọng là để ý tới những khoảng lặng trong tâm trí, cả bên trong lẫn bên ngoài. Có nhiều người ngồi nhấp ly rượu, hút điếu thuốc cũng là lúc để họ tận hưởng khoảng lặng.

Cái cần để ý là phía sau những suy nghĩ liên miên và cảm xúc rối bời là một sự im lặng ngọt ngào, luôn hiện diện và đồng hành với tất cả.
Bản thân mình là người một mình viết lách rất nhiều, trông bên ngoài có thể bình tĩnh chứ thế giới bên trong hay rối ren nhiều điều lắm. Nếu không có khoảng không để ngồi nhờ sự im lặng gỡ hộ mớ bòng bong này thì chắc phát điên lên từ lâu rồi.

🤤 CÂU CHUYÊN: không phải là buôn dưa lê, nói tào lao những thứ hàng ngày xung quanh mình vẫn nhai đi nhai lại.
Thay vào đó là việc để mình được cuốn theo một câu chuyện lớn hơn, kì thú hơn, một kịch bản không biết hồi kết. Có lẽ đây là lí do tại sao nơi thiếu sự sống nhất nhiều khi lại là “môi trường làm việc chuyên nghiệp”, đặc biệt là khi ai ai cũng muốn chốt ra KPI, outcome 1,2,3 thay vì thử đối mặt với nhũng chưa hề rõ ràng.

MỘT VÀI CHIÊM NGHIỆM LIÊN QUAN

  • Cả bốn mảng này đều rất rất quan trọng, nên để ý hết. Có nhiều người rất sôi nổi bên ngoài, nhảy múa hát hò karaoke banh nóc luôn nhưng luôn cảm thấy cứ trông trống ở bên trong kiểu gì ấy.
    Và cũng có những người thích thiền, thích tận hưởng sự im lặng, bình an của chùa chiền mà thấy cứ trơ trơ. Thanh tịnh quá thành ra nghiêm túc, thiếu sức sống.
  • Không cần biết mình làm kiếm được ra tiền hay không, hay công tác có ích cho đời không, nếu thiếu những điều này thì khả năng là việc mình làm chỉ có cái vỏ “làm việc tốt” mà thiếu cái lõi 🙏

ps: xem Angeles Arrien giải thích thêm về 4 câu hỏi (tiếng Anh)

Advertisement

Dám Chọn Nhau

Lâu rồi không viết. Hà Nội trời mưa ảm đạm cả tuần, viết ra cho lòng mình thêm mãnh liệt. Cho những ai đang nhìn lại cuộc đời mình và muốn nó tốt hơn.


Bài học lớn nhất mình học được từ một người mentor là thay vì đi tìm công việc yêu thích hay ý nghĩa cuộc đời thì hãy bắt đầu với việc CHỌN AI (Start with Who). Bạn có thể làm việc mình rất yêu thích và rất có ý nghĩa (vd dạy học) nhưng với đối tượng mình không thực sự thích (vd dạy cấp 3) thì vẫn rất chán.

Phải chọn đúng người, những người mình yêu. Bởi vì còn gì đẹp hơn trên đời này nữa khi được làm việc yêu thích với những người mình yêu mến để phụng sự cho những điều chúng ta luôn yêu?

Mình cũng đã ngẫm câu hỏi này từ lâu. Bề ngoài, mình muốn thể hiện là một người cởi mở, hòa đồng với tất cả mọi người. Nhưng càng thật lòng vơí chính mình, càng thấy thực ra mình cực kì kén chọn.

Một người bạn thân mình rất yêu mến & nể phục (thực ra là người yêu cũ) là một nữ chiến binh. Tài năng, xinh xắn, nhạy bén, luôn là thuyền trưởng dẫn dắt người khác, luôn hết mình hỗ trợ người khác đem lại thay đổi tốt đẹp hơn, chưa kể kinh nghiệm thương trường và tình trường thì thôi rồi.
(câu chuyện tại sao mình quen được thì… để lúc khác)
Điều kì lạ là quen nhau một chút rồi mình mới nể phục và yêu những phần sáng đấy. Ngay từ đầu, mình lại thấy thương sự khó nhọc và cô đơn của người ta. Nhiều khi thấy người ta gồng lên, cảm giác đang đi ngược dòng, phải chống lại tất cả, dằn vặt hoài nghi chính mình “LÀM NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT ĐỂ LÀM GÌ?”, mình nghe và thương lắm chứ.
Những lúc đấy giải pháp không phải là bảo người ta “buông xuôi” (bảo thế chưa ăn vả là may..) mà là “mình ở đây, bạn có thể dựa vào mình”.
Trải nghiệm này làm mình ngấm hơn nữa lời dạy của một người thầy đã khuất, Clayton Christensen, làm mình thay đổi hoàn toàn cách mình nhìn về tình yêu và con người.
Không chỉ tìm người sẽ làm mình hạnh phúc (e hèm, ai cũng bảo “thế nào cũng được” nhưng thực ra đều có list tiêu chuẩn dài ngoằng 🥶) mà còn tìm người mình muốn làm cho họ hạnh phúc. Và hi vọng là người ta cũng cảm thấy như vậy về mình. 🥂
Điều này không chỉ áp dụng trong chuyện yêu đương mà còn công việc. Chọn sếp, đồng nghiệp, partner mà mình muốn giúp họ hạnh phúc hơn, tốt hơn, và hi vọng họ cũng cảm thấy như thế về mình.

Điều quan trọng nhất mình ngộ ra: tình yêu là dám cho mình LÀ MỘT AI ĐẤY trong cuộc đời người khác và để cho người ta LÀ MỘT AI ĐẤY trong cuộc đời mình. 😇 Thánh có thể yêu tất cả, còn người bằng xương bằng thịt thì phải lựa chọn, và phải chọn cho đúng.

Thèm thì vẫn thèm, chọn thì vẫn chọn.



ps:
Mình đang tổ chức một cái online festival lần đầu tiên cuối tháng 10 này, và niềm hân hoan lớn nhất là được đồng hành với những người mình quý mến và nể phục.

Mình muốn làm những con người như vậy hạnh phúc: những người

  • có tinh thần đóng góp cống hiến,
  • yêu việc học hỏi, luôn tiếp tục phát triển và hiệu quả hơn trong những thay đổi mà mình đang góp phần vào
  • chân thành đi theo những điều đẹp hơn mà chúng ta trong lòng đều biết là có thể.

Nếu đó là bạn thì mong bạn đến festival này. Đây là nơi ban có thể sẽ được làm ai đấy cho người khác, và maybe là để người khác làm ai đấy cho mình luôn 😇 Đọc thêm và tham gia ngay tại đây: Festival – Sống khác đi một tí.

Đau cũng được, mà sướng thì vẫn hơn

Ghi chú: bài thứ 5 trong series Càng Khổ Càng Sướng, Khổ có gì Sướng, Sướng có gì KhổThích Kiểm Soát, series mình viết để khám phá góc nhìn về sự đan xet giữa khổ và sướng qua góc nhìn cá nhân.


Hôm nọ nói chuyện với một người bạn, S.
S đang chật vật chuyện tìm nhà. Chỗ ở hiện tại không cảm thấy thoải mái lắm, mà chuyển đi thì phải mất công tìm nhà, đợt này phức tạp nữa. Kể lể than vãn một lúc xong bạn ý thốt lên “Mình chỉ muốn sống thoải mái yên ổn thôi!”

Nghe câu đấy mà nhói hết cả lòng.
Một phần là mình đã trải qua và rất đồng cảm với cảm giác tiến thoái lưỡng nan, chưa chắc tương lai thế nào, đặc biệt là vụ nhà cửa (nói thẳng ra là BỨC BỐI VL 🔥). Mà cảm động hơn là việc có một người thốt lên như vậy. Người ta đang đau.

Tự dưng mình thấy biết ơn vì bạn ấy cởi mở để chia sẻ với mình qua những trăn trở.

KHÔNG ĐAU VÌ QUÁ ĐAU NÊN THÔI TẠM ỔN
Đặc biệt là những người tự lập quen rồi thì càng không muốn để lộ điều mình đau. Một phần không muốn buông hình ảnh “tôi ổn, tôi tự làm được”.
Mình vẫn hay như thế. Có mấy lần bạn bè nhìn thấy mình tay xách nách mang, rất là vụng về khổ sở, cũng thương mình. Nhiều khi còn không biết mình cần gì, chỉ biết là mình đang sắp tới ngưỡng rồi. Vậy là mãi mới từ từ học được cách hé mồm ra xin sự trợ giúp!

Giờ mình mới nhận ra là mình thà tự làm vất vả hơn vì thế vẫn còn dễ hơn việc hé mồm ra nhờ người khác. Không phải là cái tôi cao mà là sợ phiền.
Nhưng thực ra vẫn đang ngầm công nhận là cái tôi của mình to quá, nhu cầu của mình nhiều quá, sợ đè lên người khác. 😂
Ví dụ lớn nhất: hôm nọ thằng cháu nó đưa que kem lên miệng mình rồi mà mình còn cân nhắc xem có nên nhường nó ăn không!

Một phần nữa là sợ người khác lo. Nhưng thực ra là KHÔNG TIN NGƯỜI KHÁC THÈM QUAN TÂM.

Đây lại là một nỗi đau khác. Một phần mình biết là ĐÁNG RA trên đời này sẽ có người quan tâm đến những mong ước nhỏ nhoi của mình, nhưng thực tế là mình vẫn còn đau từ những lần bị hớ từ thuở xa xưa nên chưa thể đón nhân khả năng đó. Đau, tập 2.

KHÔNG BIẾT MÌNH ĐAU VÌ QUÁ CHAI SẠN
Trường hợp phổ biến nhất hơn là còn không biết mình đau.

Hôm nọ nói chuyện với người bạn, bạn ấy bảo mình có nhiều nỗi đau.
Mình cảm thấy hơi ghê và thú nhận với bạn ý “Hic, cảm giác này ghê. Kiểu người này nhìn thấy hết tâm can mình, nhìn thấy cả những phần mình còn chưa cảm thấy được, cảm nhận những nỗi đau mình còn chưa cảm nhận được.”

Nói xong mình nhận ra “Ghê thế nhưng mà thế cũng hay. Tự dưng biết là có người hiểu mình, yêu mình, quan tâm đến mình hơn cả mình có thể làm cho chính mình, thật là sướng. Có mấy ai trên đời được như thế?”

ps: Nói chuyện đau thương nghe nghiêm trọng như vậy thôi, nhưng mà nếu có đũa thần, mình sẽ vẩy một cái để chúng ta nhận ra “trưởng thành không chỉ có đau thương”. Câu châm ngôn này là kim chỉ nam cho con đường phát triển cho Nguyên Vẹn, và mình rất hạnh phúc vì đang đươc đi theo hướng đấy.


Khi thực sự lắng nghe, mình có thể nghe thấy phía sau bất kì một mong ước chân thành là một nỗi đau.
Nỗi đau lớn nhất của con người là hi vọng. Một phần chúng ta đều biết là mọi thứ có thể đẹp hơn rất nhiều. VÀ thực tại chưa như vậy.
Khoảng cách đấy càng xa thì càng căng và càng đau. Vì không muốn đau nên người ta tìm mọi cách để né.

On hypocrisy: Why do I keep surfing Facebook? | Khuyen
Thực tại & tương lai – từ bài viết cũ về “đạo đức giả” On hypocrisy: Why do I keep surfing Facebook?

NGHỆ THUẬT NÉ TRÁNH NỖI ĐAU.
Mình đã luyện chiêu này gần 30 năm nay rồi nên cũng biết xíu xíu hai cách.

Cách thứ nhất là xem nhẹ mong ước của mình. Hạ thấp tiêu chuẩn. Nói mơ mộng kiểu vui vui kiểu “mong Tết năm nay có gấu” thì được, nhưng nghiêm túc tự hỏi mình “thế bây giờ mình sẵn sàng làm điều gì cho nó?” một cái là e dè ngay.
Rất nhiều người, đặc biệt là những người tạm nương vào con đường tâm linh như mình, không dám để mình cảm nhận nỗi đau này và sử dụng tinh thần “buông bỏ” để lý giải cho việc đó. “Thôi không cần, thôi những mong ước của mình không quan trọng, thôi phải chấp nhận..”
Và dần dần mất đi sức sống vì chẳng có mong cầu gì nữa.

Cách thứ hai là xem nhẹ thực tại. “Mọi thứ đểu ổn ấy mà”.
Đúng. Theo tiêu chuẩn của bạn thì mọi thứ đều ổn. Mà ổn rồi thì tại sao phải thay đổi? Và đó là bi kịch của “nhà nghèo vượt khó dễ hơn nhà giàu vượt sướng”. Vì khổ thì muốn sướng, sướng rồi thì lấy đâu ra động lực để sướng hơn nữa?

Có vài khoảnh khắc trong đời mình đã ngửa mặt lên trời và hỏi trong nhói đau “Tại sao những thứ tốt đẹp rồi cũng hết?”
Mình không thích câu trả lời có sẵn, kiểu “mọi thứ là vô thường, chấp nhận đê”. Oke, có thể nó đúng, nhưng mình chưa thử, chưa kết luận được.

Điều mình chắc chắn trong lòng là mọi thứ trôi qua để có chỗ cho những thứ khác tới, và mình muốn những điều mới đó còn tốt đẹp hơn.

Thế nên mình không muốn dừng lại ở câu trả lời là “Ok ổn.” Khi đã ổn rồi thì bạn dám mong ước mọi thứ có thể tốt hơn đến mức nào? Nếu bạn dám ôm câu hỏi đó vào lòng thì bạn sẽ phải ôm thêm nỗi đau của việc phải từ bỏ cái “ổn” bây giờ đi.
Đó là cái giá không phải ai cũng muốn trả.
QUAN TRỌNG HƠN, không muốn trả cũng không sao! Không ai bắt ép.
Nhưng nếu bạn đủ tin những điều trong lòng bạn biết là có thể, đủ yêu cái mong ước đó để chịu khổ vì nó, thì mình muốn bạn biết là bạn không hề cô đơn. Mình cũng đấu vật với nó hằng ngày…

Thời buổi dịch bệnh biến động, so với bao người thì mình rất ổn, no đủ, khá hạnh phúc cả trong và ngoài. Có lẽ là tầng lớp 0.1% của xã hội. VÀ mình biết mọi thứ còn có thể đẹp hơn thế nhiều.

với những ai khổ quen như mình rồi, CHÚNG TA KHÔNG HỀ BIẾT LÀ MỌI THỨ CÓ THỂ TỐT HƠN ĐẾN MỨC NÀO 😦

THẾ THÌ SAO?
Câu hỏi không phải là “làm sao để hết đau”, mà là “làm sao để ôm nỗi đau đấy, để nó chuyển thành tình yêu và động lực?”
Phía sau bất kì nỗi đau buồn nào cũng là tình yêu, vì mình chỉ đau buồn cho những điều mình yêu thôi.
Bạn có thể đi qua đám tang của một người lạ trên đường và chả cảm thấy gì.
Và một câu nói của một người thân là quá đủ để bạn đau thương một thời gian dài.

KẾT: ĐAU CŨNG ĐƯỢC, MÀ SƯỚNG THÌ VẪN HƠN
Quay lại với S, người bạn đi tìm nhà ban đầu. Nghe bạn ý thốt lên “chỉ muốn thoải mái yên ổn”, mình bảo “Một phần mình chỉ muốn động viên khích lệ bạn”. Xong mình hét lên, “TỚI LUÔN, CÒN CHỜ GÌ NŨA!!!”.
Nghe mình hét thế, bạn ý giật bắn cả mình. Công nhận, thằng này tên là Khuyến Khích có khác 😂
Xong mình nói tiếp, đổi giọng êm ái “Một phần khác mình cũng đang ghi nhận. Ừ, giờ bạn đang trải qua nhiều sóng gió cảm xúc như thế. Ừ, bây giờ bạn đang như vậy”.
Bạn ý đáp lại bằng một câu làm mình còn cảm động hơn.
“Cám ơn vì cả hai (Thank you for both)”
Ôi, cảm giác là hai phần quan trọng của mình, phần Oke Chấp Nhận và phần Thích Phấn Đấu, phần không ngại sự đau thương và phần biết là có thể sướng hơn nhiều, đều được đón nhận, đều là món quà cho bạn ý. Thật là hạnh phúc.

Chúng ta đều đang đau. Và chúng ta biết là có thể sướng hơn rất nhiều. Mong chúng ta đều nhìn thấy, chấp nhận nỗi đau và không ngừng tìm cách sướng hơn. Đừng nghĩ mình phải chọn một trong hai.

Để kết lại với lời động viên từ bài thơ, có thể có ich cho bạn. Có thể nghe mình đọc truyền cảm hơn ở FB Nguyên Vẹn 😜

“Em ơi, cứ tin ở chính mình”- Khuyến

Em không cần lí do
Đời không cần mục đích
và cuộc sống không phải lúc nào cũng cần lời giải thích.

Khi em thích, mong em hãy cứ nhích.
Tin thử đi, xem có chết được không.

Tin vào sự bực tức
Tin vào cái bứt rứt trong đêm thâu
Tin vào sự ngây ngô của những mong cầu
Tin vào những câu hỏi làm em phát hoảng
và những thứ em biết mà chưa hề rõ ràng.

Tin rằng
em không biết gì đâu
để mọi thứ lại được phép bắt đầu. 😼

Vận Sức & Thả Lỏng

Bài ngắn đầu tuần cho những ai quan tâm đến việc sống tốt hơn, có ích hơn, phát triển hơn. Phần tiếp theo của series Vùng Tối Ưu cho Phát Triển Con Người.


Có thể bạn đã được rèn tính kỉ luật, nỗ lực và trách nhiệm từ nhỏ, “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”.
Xong rồi có những lúc căng như dây đàn, mệt quá muốn buông hết tất cả, bạn thử đi theo triết lý “lạt mềm buộc chặt” và tìm cách thả lỏng? Nghe có vẻ hơi mâu thuẫn? Đây là một cách nhìn có thể giúp ích cho bạn.


Hai kiểu có ích

Có ích & vận sức
Đây là mảng rèn luyện, nỗ lực phấn đấu, quy củ, kỉ luật, trách nhiệm.
Vd: tập thể dục, làm việc trí óc, chân tay, ăn uống ngủ nghỉ điều độ. Đang lười thì cảm thấy phải chăm chỉ lên, làm cái gì đó có ích đi.
Thực hành những cái này thì tha hồ có hormone dopamine (cảm giác phấn chấn), endorphine (cảm giác giảm đau)
Nhiều khóa học kĩ năng hay phát triển con người cũng theo phong cách này. Rồi tất cả những lời khuyên, thủ thuật giúp mình làm việc hiệu quả hơn (productivity)
Vd với mình là viết. Đã qua thời chỉ viết khi có hứng, giờ là thực hành viết đều đặn vì biết nó có ích nhiều hơn. Nó khá mất sức, nhưng bõ.

Có ích & thả lỏng:
Đây là mảng tận hưởng “ngồi mát ăn bát vàng”, “làm một bông hoa đẹp cho cuộc đời ngát hương”,
Vd: nhảy múa, vẽ vời, ôm ấp, trò chuyện đàm đạo, đi trảy hội v.v
Thực hành những cái này thì tha hồ có hormone oxytocin (cảm giác yêu thương), serotonin (cảm giác bình yên)

Lưu ý: với những môn mới vd thiền & yoga, thường là lúc bắt đầu học sẽ cảm thấy lười và hơi mất sức.
Đấy là vì mình đã quá quen thói cố gắng nỗ lực rồi.
Về bản chất, ngồi không hít thở rõ ràng sướng so với việc phải làm cái này cái nọ. Tuy nhiên trong xã hội hiện đại, nhiều người quen làm hơn là hưởng thụ (điển hình là mình) hoặc là ngồi không là phải đối mặt với những vấn đề bên trong chưa giải quyết nên sợ.
Tin vui đầu tiên: giờ có nhiều cách tiếp cận dễ hơn, vd app thiền, lớp Nhảy, khóa học Mở Lòng v.v
Tin vui thứ hai: dẫn dần nó sẽ thành thả lỏng và sướng
Ví dụ cá nhân ngồi thiền 15-30p mỗi ngày bây giờ là sướng. Không phải là cảm giác kỉ luật bắt mình phải ngồi mà là ĐƯỢC ngồi. Cảm nhận những gì đang diễn ra thôi là sướng rồi 🙏

Phân loại hoạt động phát triển có ích.

Câu hỏi 1: Vừa có ích, vừa sướng, tại sao không?

Hỏi thật! Nhiều người không hiểu tại sao mình không thể ngồi tận hưởng mà luôn kiếm việc để làm, để học, đọc, viết. Trước đây mình cũng nghĩ là mình không biết tận hưởng, nhưng bây giờ thì rõ hơn.
Mình quan trọng việc có ích. Và dần dần rèn luyện làm những việc có ích nó cũng sướng.
Nhiều chị em phụ nữ thướt tha không hiểu điều này về đàn ông hay nam tính nói chung . Họ thích vận sức, phải lăn lộn vất vả nó mới phê. Người ta đi gym không chỉ vì kết quả giảm béo tăng cơ mà còn là cảm giác mình được tung sức. Nâng một phát tạ hết mình xong cảm giác như mình vừa chết đi sống lại, rất đã!
ps: bạn nào quan tâm triết lý có thể đọc thêm series Khổ có gì Sướng.

Câu hỏi 2: LÀM SAO BIẾT ĐỂ MÌNH ĐANG CÓ ÍCH? Có khi nào mình đang tự lừa dối chính mình không?
Để ý cảm giác của bản thân. Học cách phân biệt

  • phấn đấu có mục đích vs gồng vì thói quen
    Bạn có cảm giác phấn chấn vì đang tiến dần tới mục tiêu không? Hay là thấy đang cố gồng lên chống lại cả thế giới và bên trong oán hận hoặc cam chịu?
  • Tận hưởng vs lạc trôi.
    Bạn có thấy sung sướng khi cho mình nằm xem netflix giải trí sau một ngày làm việc căng thẳng? Nếu người khác ở bên cạnh bạn họ có cảm nhận được sự sung sướng đó không? Nó rất khác với ngồi nhà cầy hết series và chần chừ né tránh một vài điều cần làm.

Chỉ có cách dần dần thật lòng hơn với chính mình thôi.

Kết luận:

Phát triển tối ưu là bay mất người!

Càng ngày càng thuận hơn cả hai chiều, vận sức và thả lỏng.
Càng biết cách thả lỏng thì lúc vận sức càng chuẩn, không bị gồng.
Càng biết cách vận sức thì đến lúc thả lỏng nó mới đã. (kiểu đi massage liên tục không sướng, lâu lâu mỏi người massage mới sướng ý)


Vậy thôi, ai quan tâm thì comment và hỏi nhé.
Nếu có đủ 10 comments mình sẽ viết tiếp phần sau về sự vô ích. Vô ích và sướng (nghiện ngập) và vô ích và mất sức (cảm giác xấu hổ)

  • ps: Nguyên Vẹn và những người bạn thiên về phần có ích & thả lỏng này 🍷 Từ bên ngoài nhìn vào cứ tưởng hội này chơi chơi, nhưng mà chơi có cơ sở khoa học nhé, chơi có ích hẳn hoi!