Đau cũng được, mà sướng thì vẫn hơn

Ghi chú: bài thứ 5 trong series Càng Khổ Càng Sướng, Khổ có gì Sướng, Sướng có gì KhổThích Kiểm Soát, series mình viết để khám phá góc nhìn về sự đan xet giữa khổ và sướng qua góc nhìn cá nhân.


Hôm nọ nói chuyện với một người bạn, S.
S đang chật vật chuyện tìm nhà. Chỗ ở hiện tại không cảm thấy thoải mái lắm, mà chuyển đi thì phải mất công tìm nhà, đợt này phức tạp nữa. Kể lể than vãn một lúc xong bạn ý thốt lên “Mình chỉ muốn sống thoải mái yên ổn thôi!”

Nghe câu đấy mà nhói hết cả lòng.
Một phần là mình đã trải qua và rất đồng cảm với cảm giác tiến thoái lưỡng nan, chưa chắc tương lai thế nào, đặc biệt là vụ nhà cửa (nói thẳng ra là BỨC BỐI VL 🔥). Mà cảm động hơn là việc có một người thốt lên như vậy. Người ta đang đau.

Tự dưng mình thấy biết ơn vì bạn ấy cởi mở để chia sẻ với mình qua những trăn trở.

KHÔNG ĐAU VÌ QUÁ ĐAU NÊN THÔI TẠM ỔN
Đặc biệt là những người tự lập quen rồi thì càng không muốn để lộ điều mình đau. Một phần không muốn buông hình ảnh “tôi ổn, tôi tự làm được”.
Mình vẫn hay như thế. Có mấy lần bạn bè nhìn thấy mình tay xách nách mang, rất là vụng về khổ sở, cũng thương mình. Nhiều khi còn không biết mình cần gì, chỉ biết là mình đang sắp tới ngưỡng rồi. Vậy là mãi mới từ từ học được cách hé mồm ra xin sự trợ giúp!

Giờ mình mới nhận ra là mình thà tự làm vất vả hơn vì thế vẫn còn dễ hơn việc hé mồm ra nhờ người khác. Không phải là cái tôi cao mà là sợ phiền.
Nhưng thực ra vẫn đang ngầm công nhận là cái tôi của mình to quá, nhu cầu của mình nhiều quá, sợ đè lên người khác. 😂
Ví dụ lớn nhất: hôm nọ thằng cháu nó đưa que kem lên miệng mình rồi mà mình còn cân nhắc xem có nên nhường nó ăn không!

Một phần nữa là sợ người khác lo. Nhưng thực ra là KHÔNG TIN NGƯỜI KHÁC THÈM QUAN TÂM.

Đây lại là một nỗi đau khác. Một phần mình biết là ĐÁNG RA trên đời này sẽ có người quan tâm đến những mong ước nhỏ nhoi của mình, nhưng thực tế là mình vẫn còn đau từ những lần bị hớ từ thuở xa xưa nên chưa thể đón nhân khả năng đó. Đau, tập 2.

KHÔNG BIẾT MÌNH ĐAU VÌ QUÁ CHAI SẠN
Trường hợp phổ biến nhất hơn là còn không biết mình đau.

Hôm nọ nói chuyện với người bạn, bạn ấy bảo mình có nhiều nỗi đau.
Mình cảm thấy hơi ghê và thú nhận với bạn ý “Hic, cảm giác này ghê. Kiểu người này nhìn thấy hết tâm can mình, nhìn thấy cả những phần mình còn chưa cảm thấy được, cảm nhận những nỗi đau mình còn chưa cảm nhận được.”

Nói xong mình nhận ra “Ghê thế nhưng mà thế cũng hay. Tự dưng biết là có người hiểu mình, yêu mình, quan tâm đến mình hơn cả mình có thể làm cho chính mình, thật là sướng. Có mấy ai trên đời được như thế?”

ps: Nói chuyện đau thương nghe nghiêm trọng như vậy thôi, nhưng mà nếu có đũa thần, mình sẽ vẩy một cái để chúng ta nhận ra “trưởng thành không chỉ có đau thương”. Câu châm ngôn này là kim chỉ nam cho con đường phát triển cho Nguyên Vẹn, và mình rất hạnh phúc vì đang đươc đi theo hướng đấy.


Khi thực sự lắng nghe, mình có thể nghe thấy phía sau bất kì một mong ước chân thành là một nỗi đau.
Nỗi đau lớn nhất của con người là hi vọng. Một phần chúng ta đều biết là mọi thứ có thể đẹp hơn rất nhiều. VÀ thực tại chưa như vậy.
Khoảng cách đấy càng xa thì càng căng và càng đau. Vì không muốn đau nên người ta tìm mọi cách để né.

On hypocrisy: Why do I keep surfing Facebook? | Khuyen
Thực tại & tương lai – từ bài viết cũ về “đạo đức giả” On hypocrisy: Why do I keep surfing Facebook?

NGHỆ THUẬT NÉ TRÁNH NỖI ĐAU.
Mình đã luyện chiêu này gần 30 năm nay rồi nên cũng biết xíu xíu hai cách.

Cách thứ nhất là xem nhẹ mong ước của mình. Hạ thấp tiêu chuẩn. Nói mơ mộng kiểu vui vui kiểu “mong Tết năm nay có gấu” thì được, nhưng nghiêm túc tự hỏi mình “thế bây giờ mình sẵn sàng làm điều gì cho nó?” một cái là e dè ngay.
Rất nhiều người, đặc biệt là những người tạm nương vào con đường tâm linh như mình, không dám để mình cảm nhận nỗi đau này và sử dụng tinh thần “buông bỏ” để lý giải cho việc đó. “Thôi không cần, thôi những mong ước của mình không quan trọng, thôi phải chấp nhận..”
Và dần dần mất đi sức sống vì chẳng có mong cầu gì nữa.

Cách thứ hai là xem nhẹ thực tại. “Mọi thứ đểu ổn ấy mà”.
Đúng. Theo tiêu chuẩn của bạn thì mọi thứ đều ổn. Mà ổn rồi thì tại sao phải thay đổi? Và đó là bi kịch của “nhà nghèo vượt khó dễ hơn nhà giàu vượt sướng”. Vì khổ thì muốn sướng, sướng rồi thì lấy đâu ra động lực để sướng hơn nữa?

Có vài khoảnh khắc trong đời mình đã ngửa mặt lên trời và hỏi trong nhói đau “Tại sao những thứ tốt đẹp rồi cũng hết?”
Mình không thích câu trả lời có sẵn, kiểu “mọi thứ là vô thường, chấp nhận đê”. Oke, có thể nó đúng, nhưng mình chưa thử, chưa kết luận được.

Điều mình chắc chắn trong lòng là mọi thứ trôi qua để có chỗ cho những thứ khác tới, và mình muốn những điều mới đó còn tốt đẹp hơn.

Thế nên mình không muốn dừng lại ở câu trả lời là “Ok ổn.” Khi đã ổn rồi thì bạn dám mong ước mọi thứ có thể tốt hơn đến mức nào? Nếu bạn dám ôm câu hỏi đó vào lòng thì bạn sẽ phải ôm thêm nỗi đau của việc phải từ bỏ cái “ổn” bây giờ đi.
Đó là cái giá không phải ai cũng muốn trả.
QUAN TRỌNG HƠN, không muốn trả cũng không sao! Không ai bắt ép.
Nhưng nếu bạn đủ tin những điều trong lòng bạn biết là có thể, đủ yêu cái mong ước đó để chịu khổ vì nó, thì mình muốn bạn biết là bạn không hề cô đơn. Mình cũng đấu vật với nó hằng ngày…

Thời buổi dịch bệnh biến động, so với bao người thì mình rất ổn, no đủ, khá hạnh phúc cả trong và ngoài. Có lẽ là tầng lớp 0.1% của xã hội. VÀ mình biết mọi thứ còn có thể đẹp hơn thế nhiều.

với những ai khổ quen như mình rồi, CHÚNG TA KHÔNG HỀ BIẾT LÀ MỌI THỨ CÓ THỂ TỐT HƠN ĐẾN MỨC NÀO 😦

THẾ THÌ SAO?
Câu hỏi không phải là “làm sao để hết đau”, mà là “làm sao để ôm nỗi đau đấy, để nó chuyển thành tình yêu và động lực?”
Phía sau bất kì nỗi đau buồn nào cũng là tình yêu, vì mình chỉ đau buồn cho những điều mình yêu thôi.
Bạn có thể đi qua đám tang của một người lạ trên đường và chả cảm thấy gì.
Và một câu nói của một người thân là quá đủ để bạn đau thương một thời gian dài.

KẾT: ĐAU CŨNG ĐƯỢC, MÀ SƯỚNG THÌ VẪN HƠN
Quay lại với S, người bạn đi tìm nhà ban đầu. Nghe bạn ý thốt lên “chỉ muốn thoải mái yên ổn”, mình bảo “Một phần mình chỉ muốn động viên khích lệ bạn”. Xong mình hét lên, “TỚI LUÔN, CÒN CHỜ GÌ NŨA!!!”.
Nghe mình hét thế, bạn ý giật bắn cả mình. Công nhận, thằng này tên là Khuyến Khích có khác 😂
Xong mình nói tiếp, đổi giọng êm ái “Một phần khác mình cũng đang ghi nhận. Ừ, giờ bạn đang trải qua nhiều sóng gió cảm xúc như thế. Ừ, bây giờ bạn đang như vậy”.
Bạn ý đáp lại bằng một câu làm mình còn cảm động hơn.
“Cám ơn vì cả hai (Thank you for both)”
Ôi, cảm giác là hai phần quan trọng của mình, phần Oke Chấp Nhận và phần Thích Phấn Đấu, phần không ngại sự đau thương và phần biết là có thể sướng hơn nhiều, đều được đón nhận, đều là món quà cho bạn ý. Thật là hạnh phúc.

Chúng ta đều đang đau. Và chúng ta biết là có thể sướng hơn rất nhiều. Mong chúng ta đều nhìn thấy, chấp nhận nỗi đau và không ngừng tìm cách sướng hơn. Đừng nghĩ mình phải chọn một trong hai.

Để kết lại với lời động viên từ bài thơ, có thể có ich cho bạn. Có thể nghe mình đọc truyền cảm hơn ở FB Nguyên Vẹn 😜

“Em ơi, cứ tin ở chính mình”- Khuyến

Em không cần lí do
Đời không cần mục đích
và cuộc sống không phải lúc nào cũng cần lời giải thích.

Khi em thích, mong em hãy cứ nhích.
Tin thử đi, xem có chết được không.

Tin vào sự bực tức
Tin vào cái bứt rứt trong đêm thâu
Tin vào sự ngây ngô của những mong cầu
Tin vào những câu hỏi làm em phát hoảng
và những thứ em biết mà chưa hề rõ ràng.

Tin rằng
em không biết gì đâu
để mọi thứ lại được phép bắt đầu. 😼

Advertisement

Để ý sự để ý

Parveen Kaswan on Twitter: "′′The Weight of Thought′′ bronze sculpture by  Thomas Lerooy. Or you got a better caption.… "
“Sức nặng của Suy Nghĩ” – tượng của Thomas Leroy

Lâu lâu mới viết bài tản văn, cho những người có nhiều suy nghĩ trong đầu và thích nghĩ về bản chất của những thứ tưởng chừng như đơn giản nhất.

Phiên bản ngắn; cho người lười đọc: để ý cách mình để ý (metacognition) là kĩ năng quan trọng nhất để định đoạt việc phát triển của mình, bắt đầu để ý dần đi là vừa.


Mấy hôm nay mỏi lưng với cổ vai gáy quá, chắc do ngồi máy tính với cũng có nhiều chuyện cần giải quyết.
Mỏi đến mức không làm được gì nữa, phải lên Youtube tìm mấy bài giãn người cho đỡ mỏi. Mà mãi vẫn thấy chưa đỡ.
Đến lúc ngồi giãn cổ, mình mới sực nhận ra là mình đang không để ý đến cổ lắm.
Chỉ làm động tác giãn ra thôi, nhưng vẫn đang cuốn theo suy nghĩ ở đâu đâu.
(Suy Nghĩ ở đây có thể là chữ, có thể là âm thanh, hình ảnh, tưởng tượng nhé, không lại bảo dân nghệ sĩ ít suy nghĩ 🥶)
Để ý rõ thấy thói quen của mình là chạy theo suy nghĩ, một sự chờ đợi “tiếp theo là gì, tiếp theo là gì”.

Suy nghĩ luôn là bây giờ.
Mọi người cứ bảo “nghĩ về tương lai”, “nghĩ về quá khứ” mà không sống trong giây phút thực tại. Không không, nghĩ gì thì cũng nghĩ trong giây phút này hết.
Ý mọi người là “đừng quá đắm chìm trong suy nghĩ” 👍
Nói thì dễ, làm cũng dễ (hít một hơi thở thôi). Nhớ ra mà làm mới khó.
Tại sao?
Thứ nhất là suy nghĩ thường cảm giác khẩn cấp. Cần nghĩ ngay, nghĩ luôn bây giờ. Dòng này chưa qua, dòng khác đã tới, rất hấp dẫn và cuốn hút.
Thứ hai là suy nghĩ là một phần rất nền tảng của trải nghiệm con người. Suy nghĩ tạo thành câu chuyện, tạo thành thế giới quan. Lại nhớ tới câu nhà vật lý học David Bohm, cũng là bạn tâm giao của triết gia Krisnamurti, từng nói “Suy nghĩ tạo ra thế giới, xong rồi bảo “Tôi không làm thế!”
Suy nghĩ với người như cá với nước. Thỉnh thoảng cá nhảy lên mặt nước tí cho vui thôi, chứ phần lớn vẫn sống trong nước. Phần lớn con người ta vẫn chìm trong suy nghĩ mà không hề hay biết. Hầu hết khi người nói là “mình không nghĩ gì hết” thực ra là người ta đang đắm chìm trong câu chuyện cũ, như chế độ lái máy bay tự động, mình là thế này, người kia là thế kia, thế giới xung quanh là thế nọ.

LƯỚT SÓNG TRONG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI
Lâu lâu con người ta mới được giây phút sáng suốt, rõ ràng, “thức tỉnh”. Khi mình nhập tâm, để ý tỉ mỉ tới những gì *đang* diễn ra thì mình không thể biết được chuyện gì *sẽ* diễn ra. Nó là cái cảm giác “tương lai đang diễn ra từ chính giây phút này”, như “lướt sóng trong hiện tại”.
Và với sự nhập tâm đó, mình sẽ khám phá được những thứ bất ngờ nhất.


Một trong những khoảnh khắc như vậy là một lần khi mình thức dậy cạnh một người thân yêu. Mình để ý là người ấy đang chìm trong giấc ngủ sâu.
Lúc đấy, một suy nghĩ tự dưng đến với mình *”tại sao ngắm một người ngủ ngon lại đẹp thế?”*
Đó là một câu hỏi làm cho bên trong của mình bừng sáng. Và ngạc nhiên hơn nữa, đây là trải nghiệm hầu hết ai cũng hiểu!
Tại sao ngắm một người đang ngủ lại có thể hấp dẫn như vậy?
Có phải vì chúng ta cảm nhận được sự sống từ việc sinh linh này đang thở, đang nghỉ, đang SỐNG HẾT MÌNH?
Và điều đó gợi nên sự sống trong chúng ta, nên chúng ta thấy đẹp, chạm, cuốn hút?
Ôi, lâu lâu vớ được một giây phút rõ nét như TV phân giải cao như thế, mình như kiểu rơi sang một thế giới song song khác. Chỉ há hốc mồm, cúi lạy vì quá đẹp…


Mỏi cổ vai gáy đến mức không chịu nổi nữa mới nhận ra là mình đang bị tắc với hững suy nghĩ cũ và cảm giác cũng cũ. Dành cả sáng ngồi lặn xuống cảm giác mỏi trong người, giờ mới thông ra và quay lại với câu chữ được.

Những giây phút như vậy làm mình thấy tâm huyết hơn với việc “để ý cách mình để ý”.
Không chỉ để ý xem có những suy nghĩ gì mà còn để ý là nó đến từ nhận thức như thế nào. Nói ví von là không chỉ xem trong phòng này có những đồ đạc gì mà còn xem phòng này tầng mấy, khu chung cư này cao không, nhà cửa thế nào v.v
Đây cũng là điều lớn nhất mình tiếp tục chiêm nghiệm với hệ thống Enneagram. Câu hỏi luôn là: mình đang hiện diện đến mức nào với những thứ đang diễn ra? Với cảm giác, với cảm xúc, với trạng thái của trí óc?
Ngồi gồng lên để suy nghĩ không ra được gì vì cái nhận thức đang bi căng. Cái cần nhất là reset, chuyển chế độ từ cố lướt sóng thành lặn xuống cảm nhận.
Thực hành thiền, Chạm, giờ làm Mở Lòng cũng hướng tới điều đó. Để ý nhiều hơn, chất lượng hơn, rộng mở hơn. Quan trọng nhất là biết chuyện gì đang diễn ra.

Những lúc có sự hiện diện với chính mình như vậy, suy nghĩ thưa hơn, trong đầu trong hơn, vắng lặng hơn. Đến mức mình gần như có thể nghe thấy từng sợi suy nghĩ chạy trong đấy vậy.
Lúc đó rất phê. Nghe rõ nên mình sẽ biết cái nào nhìu sức sống nhất.
Viết cũng vậy. Viết hay một phần nhỏ là thạo câu chữ. Phần lớn hơn là chạm được vào điều gì sống nhất, và biết cách mở lòng mình để nó tuôn ra.

ps: ai tò mò quan tâm tới việc “để ý sự để ý”, tháng 9 sẽ có khóa Mở Lòng để thử nghiệm https://bit.ly/molongnao
#molong

Vua Bé Con

hay là “Cái Bóng Của Người Tốt”
————-

Bối cảnh:
Đợt dịch này mình tâp trung vào công tác bên trong (“inner work”) và cũng thử nghiệm những công cụ cho việc phát triển con người. Một trong những thứ đó là nghịch thử mở lòng mình hơn với vài người bạn trong team Nguyên Vẹn.

Cụ thể như thế nào thì cần một bài dài. Nói ngắn gọn là thử nói thật với nhau trong tình yêu thương xem người kia gợi cho mình điều gì.

Mình lấy đời mình ra làm ví dụ, hi vọng bạn cũng nhìn thấy một phần của mình trong này. Tất nhiên không thể giống hết, nhưng nếu bạn cũng là một người hiền lành tốt bụng như mình thì khả năng cao là cũng có điểm chung :))


Đôi lời về cái bóng.

Ai quan tâm tới tâm lý thì chắc cũng nghe tới khái niệm “shadow” này rồi. Một trong những cha tổ của ngành tâm lý học, Carl Jung, nổi tiếng nhất với câu “Người ta không trở nên giác ngộ bằng cách hình dung những tia sáng mà bằng cách nhận ra bóng tối”.
Một cách để nhận ra shadow của mình là để ý xem phẩm chất nào của người khác làm cho mình có cảm xúc rất mạnh (hút hay đẩy, yêu hay ghét đều được). Vd bạn là người lý trí, ít cảm xúc, lúc đầu gặp một bạn khác rất giàu cảm xúc sẽ cảm thấy rất thích, nhưng sau này lại thấy rất dội, hoặc là bạn thấy ghét một người với cái tôi quá lớn, quá ngạo mạn thì có nghĩa là sự ngạo mạn / tự tin đó là phần khuất của bạn.
Bởi vì thường là mình phải có cái gì đấy thì mới cảm thấy như thế nào đấy về người khác.
Tại sao việc nhận ra cái bóng quan trọng?
Thứ nhất là để sống hết mình hơn, đỡ bị động chạm và cảm thấy là nạn nhân của cuộc đời hơn (“Tất cả là tại nó! Tại nó như thế mà tao như thế!”)
Thứ hai là muốn hay không thì đó cũng là một phần mình. Dù mình có muốn bỏ đi cũng không được. Nên là biết để sống cùng với nó thôi.
Làm gì có ai trên đời này ra sáng mà không có bóng?

Mới nhớ tới truyện Đôrêmon hồi trước, ghê vãi.

Truyện tranh Doremon ngắn chap 07: Đi săn bóng
khi không để ý cái bóng quá lâu…



Thứ ba, cho những ai thực sự quan tâm tới việc phát triển con người, sống hết mình và nguyên ven hơn thì làm thân với cái bóng là phần mấu chốt. Vì phần nào cũng có một vai trò quan trọng nếu biết cách. Bình thường thì mình sẽ muốn đẩy phần cái bóng đi vì mình nghĩ nó xấu, nhưng khi mình dần làm quen lại thì mình có thẻ tận dụng được những điều có ích về nhân vật này. Trên con đường tới Nguyên Vẹn thì chắc chắn có Sứt Mẻ.

Về trò chơi Góc Ít Bộc Lộ
Mình sẽ chọn ra một phần của mình ít được thể hiện, cảm nhận xem cảm giác đó như thế nào rồi thử diễn ra, đặc biệt là trong khi tương tác với người khác.
Một vài yếu tố của trò chơi này:
Không chỉ nói & mô tả về phần này mà diễn nó ra sử dụng nghệ thuật sân khấu và ngôn ngữ cơ thể. Như vậy mới lột tả được hết, chính mình mới thấy rõ.
Tốt hơn là có sự hiện diện và lắng của người khác để quan sát & chia sẻ. Như vậy sẽ giúp nhin rõ hơn rất nhiều so vói việc ngồi nhà tự phân tích – không tệ, nhưng sẽ không nhanh bằng.

Ok, đã giải thích đủ. Xin mời…

Vua Bé Con


Vua Bé Con biết rất rõ từng lúc, từng lúc xem mình cần gì, muốn gì và không hề ngần ngại trong việc bộc lộ điều đó ra.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng nghĩ mà xem, giờ làm người lớn muốn đơn giản cũng không được. Chả biết mọi người thế nào chứ mình giờ làm gì cũng phải nghĩ, xem nó có tốt không, xem nó có ích với người khác không.
Vua Bé Con có quyền lực mềm để sai khiến mọi người. “Ê, không ai chăm cho tôi là tôi lăn đùng ra đấy.” Một phần khác là nghịch ngợm vô cớ nhưng lại ngây thơ dễ bị dụ.
Vua Bé Con thường là góc khuất của công dân gương mẫu, có trách nhiệm, tự lập.

(có lẽ đây cũng lí do người ta hay nói là muốn có người yêu để được “hư” hay nuông chiều, để không cần phải cố gắng cứng cáp).

Ví dụ mọi người thường nhìn mình trong công chúng là một người vui vẻ thân thiện, bay bay hay ho thú vị (đôi khi là lập dị, kì quái và vụng về…)


Khi lớn lên, Vua Bé Con dần dần bị bỏ sang một bên, vì ăn vạ nhiều mà không được đáp ứng. Một phần tốt là mình học được sự tự lập, tự mình chăm sóc và đáp ứng nhu cầu của chính mình.
Có người gọi đó là tự do, độc lập, không muốn bị phụ thuộc. Nhưng phía sau đó là sự chán nản. Chán đến mức muốn mất công thèm cái gì cả.
Chán đến mức đếch tin vào ông trời. Mình không tin là ổng có thể đáp ứng hết nhu cầu của mình nên không dám bộc lộ.

Về lâu về dài nó thành cái thói quen là tự hạ thấp nhu cầu của bản thân, với lí do quen thuộc “kiểu gì cũng không đáp ứng được đâu nên thôi kệ đi”. Ngoài ra còn nhiều lí do phụ, kiểu “thôi, đòi hỏi làm gì mất công lắm”, “ôi, không quan trọng đâu” hoặc là “mình không xứng đáng” hoặc là “thôi, phiền lắm, tự mình giải quyết thôi”.

Tất cả chỉ là ngụy biện. Thực sự là tự hạ tiêu chuẩn của bản thân xuống để đỡ thất vọng. Vì đã từng thất vọng nhiều lần quá rồi nên thôi “tớ chả có kì vọng gì đâu”. Nghe quen quen?
(khi viết ra thấy lòng nhói đau, chác là chạm vào điều gì thật)
Với cả tiêu chuẩn thấp thì đỡ phải đòi hỏi và bị đòi hỏi. Nên là đỡ phải tung sức, đỡ mệt. Live and let live nhỉ, các bâybi?


Càng ngày càng nhận ra là mỗi khi mình làm như vậy là lại chết trong lòng một ít. Vua Bé Con bị chôn sâu hơn một ít.
Từ đó, mình dần dần trở thành người ngoan, tốt, hiền lành, dễ chịu, dễ nuôi, “low maintainance”. Lành nhưng mà không hay ho gì lắm, như kiểu rau luộc, healthy but not really tasty .:))

Món quà lớn nhất của Vua Bé Con
Từ Vua là sức mạnh và quyền lực chính đáng.
Từ Bé Con là rất biết mình cần gì, muốn gì và vẫn còn đủ hồn nhiên để không tự lừa chính mình là “không cần đâu”. Bé con hiểu là nhu cầu của mình chính đáng, là “lòng ta là món quà”.
Khi xấu xí nhất thì giận dỗi vô cớ, chấp nhặt vô biên, lòng tham vô đáy, độc tài, đầy thủ đoạn.
Khi có nhận thức hơn thì rất biết và rất thật lòng với việc mình cần gì và muốn gì và sẽ theo đuổi nó bằng được.
Bạn có thể thấy là điều này rất cần thiết.

Chuyện gì xảy ra khi Vua Bé Con không được công nhận?
Có hai kiểu chính. Một là thỉnh thoảng nổ bùm một cái um xùm hết cả lên làm mọi người giật cả mình “Hả con người nhẹ nhàng hiền lành thân thiên mà tôi đã từng biết đâu rồi??”
Hai là chết dần chết mòn trong lòng, càng ngày càng xa rời cuộc sống “live and let live, baby”.


Xin phép kể một ví dụ thực tiễn của việc tái hòa nhập với cái bóng của mình (“shadow integration”) và cái ích của nó.
Sau khi diễn xong tối qua, sáng nay Vua Bé Con lại xuất hiện và giúp mình một vụ quan trọng.
Chuyện là đã hết 14 ngày cách ly ở chung cư, và người ở các tầng khác đã được thả. Nhưng khả năng người ở tầng mình (có ca f0 ở đầu bên kia) sẽ bị giữ thêm 7 ngày nữa. Mình biết là người ta vì an toàn nên làm thế thôi, mà khả năng gặp ca f0 ở đầu kia hành lang là rất ít, nên mình thấy không ổn.

Suy nghĩ quen thuộc “thôi, chấp nhận tiếp đi” lại hiện lên trong sự chán nản. Bình thường mình tưởng mình là người bình tĩnh, mà hóa ra là mình mất kết nối với cảm xúc của chính mình :))

May mắn là lần này ghi nhận sự bức bối của chính mình. Lần này thay vì để sự nó trôi đi như bao lần khác, mình nhớ ra là mỗi khi hạ thấp nhu cầu bản thân là đang chết trong lòng một ít. Và mình không muốn thế, nên trước khi lý trí có thể phân tích và cản lại, mình đã nhảy tót ra đòi hỏi.

Xin xỏ đòi gặp sếp, rồi hỏi ý kiến của hàng xóm láng giếng một ít rồi cuối cùng cũng thúc được một chút. Ít nhất là hôm nay thúc đẩy để được lấy mẫu xét nghiệm lần 3 rồi. Chắc 1-2 ngày nữa có kết quả. Lúc đó nếu âm tính mà vẫn bị giữ lại đến 21 ngày thì sẽ đòi hỏi tiếp!

Niềm vui nhất của mình không phải là thắng được vụ đấu tranh này. Nó cũng chả phải là về công lý, hay cái gì đúng cái gì sai, cái gì tốt hơn cho tập thể v.v. Nó là sống nguyên vẹn hơn với tất cả con người của mình, không chỉ là phần lý trí hay phần người tốt.
Bình thường mình tâm linh lắm, nhẫn nhịn lắm. Nhưng đến lúc chán con người nhẫn nhịn của mình rồi 😅 Cho mình được khác, đươc nguyên vẹn. Đã đến lúc mời Vua Bé Con quay lại sân chơi rồi!


Ngẫm lại:

Cảm giác chạm tới vài góc khuất của mình cũng thấy hơi rợn gáy, nhưng mà có sự hiện diện và chấp nhận của người khác nên thấy khá phê. Và sau đấy thì thoải mái, nhẹ nhàng, đúng như kiểu được massage trong lòng.

Mình thấy đây là một cách đồng hành giúp nhau trưởng thành rất rất hay. Các bạn nào quan tâm tới hiểu & phát triển bản thân mà đã có đủ lý thuyết rồi thì có thể thử.
Nếu bạn có sự đồng hành của một vài người bạn tin tưởng, mình khuyến khích mọi người có thể thử bài tập tự phác ra nhân vật Ít Được Bộc Lộ của mình rồi thử chơi. Đây cũng sẽ là một trò mình chơi trong các khóa Mở Lòng nâng cao hơn. Có thể đăng ký wait list tại đây hoặc nhắn riêng cho mình một tin trên FB.

Lòng ta là món quà

(hay là Nhật Kí Mở Lòng, đợt 1)

Link podcast Anchor hoặc trực tiếp tại đây.

Bối cảnh: đây là chia sẻ về trải nghiệm của mình là người đầu têu, vẽ trò và cũng tham gia chuyến Mở Lòng đợt đầu. Nói nôm nà thì đây một chuyến đi vào lòng nhau, online. Hi vọng trải nghiệm của mình gợi lên một điều gì đó thật và đẹp trong bạn. 😀

Những con người đáng mến.


Vẻ ngoài bình dị, mà diễn biến nội tâm li kì

Trước khi bắt đầu với Mở Lòng, mình rất hào hứng, nhưng cũng có chút e dè.
Mình không lo là chưa đủ vững để dẫn đoàn đi thám hiểm (vâng, nghe hơi láo, nhưng mà nó thật).
Nỗi lo thật hơn thì nghe hơi ngu: mình đang nuông chiều nhu cầu bản thân quá không? Đúng kiểu là mình chán chơi, chán đào & khám phá một mình rồi, giờ muốn rủ người khác đi cùng cho vui.
Đến lúc thấy người ta chịu trả tiền cho mình vẽ trò chơi mới, mình mới dám công nhận hơn: mình làm giải trí cho người lớn nhiều hơn là giáo dục đào tạo… Tưởng đùa mà thành thật rồi.
Đối với một thanh niên nghiêm túc trong thâm tâm như vậy, việc mình có thể chơi để sống thực sự rất khó tin. Cuộc đời có thể đẹp như vậy? 😥

Nỗi lo thứ hai, và điều này sau này mình mới nhận ra, là không biết có ai ghi nhận sự kì lạ của thứ mình đang làm không.
Cách mình tiếp cận rất khác. Chuyến đi mang tính chất thử nghiệm khám phá chơi chơi nhiều hơn, chưa có tính ứng dụng cụ thể trong khi rất rất nhiều người muốn có điều đó. Nhiều người phản hồi là cần làm nó rõ ràng hơn v.v
Nói một cách ví von mà rất thật, thì Mở Lòng với mình như kiểu một đứa con bé bỏng mà ông trời đang đẻ thông qua mình, kiểu thần Zeus có con với người trần qua tia sét…
Dù một phần mình trân trọng sự khác biệt đấy, một phần khác mình vẫn hi vọng “em bé Mở Lòng” được thuộc về một đâu đấy nơi em ý được trân trọng. Cụ thể hơn là chỉ vì em ý là như thế, thay vì mới còn nhỏ xíu đã phải biểu diễn mua vui, phải giúp ích được cho người này người nọ…
Đó là sự canh cánh mình đã có khi bước đi với Mở Lòng đợt này, mặc dù không hề biết cho tới bây giờ.

Biết thế, giờ sao?
Marketing truyền thống là phải gọi tên vấn đề của người ta rồi đưa ra giải pháp. Nhưng mà mình đâu có giải quyết vấn đề của người ta. Đến thân mình còn lo chưa xong, mình đang làm để cứu mình cơ mà.
Thôi được, cứ chơi thử kiểu này vậy.
Vấn đề: tớ trông vẻ ngoài bình dị, mà diễn biến nội tâm li kì. Có vẻ chắc chắn, mà lắm lúc cũng nhiều băn khoăn. Nói vui là vừa cô đơn vừa chảnh. Cần người hiểu mình & đồng hành cùng mình. 😀
Giải pháp: gặp những người như vậy, cho chúng ta có thể vừa cô đơn vừa chảnh trong lúc chia sẻ diễn biến nội tâm phức tạp.
Ai quan tâm nào?


Vá xăm & thật lòng

Nói về ảnh hưởng của mở lòng, có một hình ảnh rất hay.
Khi xe bạn bị thủng xăm, bác sửa xe sẽ bơm xăm lên rồi ngâm vào chậu nước, chỗ nào xì ra là biết.

Nếu chúng ta là săm thì Mở Lòng là chậu nước


Mở Lòng là một chậu nước như vậy. Đi về là biết chỗ nào xì. Khác biệt duy nhất với việc vá xăm là không cần phải vá, mà mình biết chỗ nào là nơi đã xì sẵn để mình có thể mở ra những điều thật hơn về mình.
Và mình làm chuyện đó một cách nhẹ nhàng êm thấm như ngâm vào nước.
Một chia sẻ chung của nhiều người hậu mở lòng là biết rõ mình muốn gì & cần gì hơn.
Quan trọng hơn nữa là thấm được câu “lòng ta là món quà”.
Hiểu được rằng nhu cầu và mong muốn của mình không chỉ chính đáng mà còn là món quà cho đời.
Đầu tiên, nó là món quà là bởi vì nó thật lòng, và sự thật là món quà (dù lúc đầu có thể hơi khó nhằn một chút).
Thứ hai, nó giúp người khác nhận ra chính mình trong đó. Nhiều người còn không biết họ cũng có điều đó, cho đến khi mình gọi tên nó ra trong mình, mọi người mới bảo “ê, tớ cũng thế”.
Thứ ba là gọi tên được ra thì có thể được đáp ứng, mà khi đáp ứng được nhu cầu của nhau thì rất sướng.
Nhận ra điều này SƯỚNG VÃI. Không đánh giá kiểu nào sướng hơn kiểu nào, nhưng biết được nhiều kiểu sướng thì sướng hơn thôi.
Ví dụ cụ thể: ăn bánh xèo ngon cũng sướng. Ăn bánh xèo trong sự trân trọng cái dở hơi của mình, rằng mình có thể thực sự ăn đi ăn lại một món mãi vẫn thấy ngon, thì còn sướng gấp vạn.

Ai cần được đồng hành và ghi nhận?
Sau chuyến Mở Lòng này mới thấy mình thường đánh giá quá thấp sự hiện diện của những người ban đồng hành và những điều kì diệu khi họ thực sự gặp nhau.
Điều kì diệu đến với mình là thấy rõ điều gì thật với lòng mình: nhu cầu có sự đồng hành và mong muốn được ghi nhận một cách tinh tế.
Và mình không phải là người duy nhất. Để giải thích thêm.
Giữa người với người, đặc biệt là với những ai quan tâm tới sự phát triển của nhau, có nhiều cách để được trân trọng. Được khen, được tặng quà, tặng tiền là một phần. Được ghi nhận tầm ảnh hưởng của mình qua việc mọi người đã thay đổi như thế nào là một phần khác.
Tât cả đều sướng. Có nhiều người mơ cũng chả dám nghĩ tới được như vậy.
Nhưng mình luôn có một thắc mắc nhỏ. Mình có một vài người bạn như vậy, tài giỏi, đủ giàu, diện mạo ổn, có tầm ảnh hưởng, lại có ý thức chăm lo phát triển bản thân. Họ làm được nhiều điều tốt và được rất nhiều người ghi nhận biết ơn. Vậy mà ẩn sâu trong lòng vẫn đau đáu, hi vọng có một người nào đấy thật sự hiểu được lòng mình.
Bình thường tất nhiên không ai đem cái nhu cầu đấy ra chia sẻ, nhưng mình biết nó vẫn ở đấy.

Mở Lòng giúp mình nhận ra, gọi tên và trân trọng những nhu cầu như thế.

Chiếc email kì lạ
Trước khi bắt đầu, mình nhận được email của một bạn đang cân nhắc tham gia.

“Không hiểu sao đọc 2 email của Khuyến tớ không hiểu rốt cuộc sẽ làm gì trong 4 buổi này […] Tớ đem thư của cậu để rủ bạn của tớ. Nó cũng bày tỏ như thế là không hiểu gì ;)) và kì lạ là sau đó cô ấy quyết định join!“

Không hiểu mô tê gì mà cũng đi? Chuyện gì đang xảy ra?
Mình chụp ảnh lại câu này ngay vì quá sướng. Cảm thấy RẤT ĐƯỢC TRÂN TRỌNG.
Mà mỗi khi sướng có nghĩa là một nhu cầu nào đấy đang được đáp ứng. Nói nôm na là ngứa càng to, gãi càng sướng.
Tại sao một câu tưởng chừng vớ vẩn như vậy lại sướng như thế?
Thông điệp được nhận từ email đấy là “dù tớ không hiểu rõ lắm chính xác cậu đang làm gì, mà tớ có cảm nhận là những thứ cậu đang theo đuổi rất hay ho và quan trọng. Tớ muốn đi cùng.”

Keyword là “không biết chính xác là gì”. Hình dung người khác dám bỏ ra thời gian, công sức, tiền bạc và tâm nguyện để đi theo một thứ không rõ ràng mà mình đang làm. Nghe ma giáo không!?
Ôi, điều đấy chạm tới lòng mình, sướng đến mức chẳng muốn đòi hỏi điều gì nữa… Đi cùng và hết mình là sự trân trọng lớn nhất ta có thể dành cho nhau. Dù là một phút, một giờ chứ chưa nói gì đến một đời.

Slide thật dùng trong Mở Lòng…

~~~~
Điều vui nhất là không ngờ cái phần dị dị mà mình bấy lâu nay vẫn e dè chưa dám lộ ra hết lại được ghi nhận và có ích như vậy! Đúng kiểm cảm giác phần bị chối bỏ lại được yêu thương, ui chùi chùi. 😆

Mở Lòng giúp mình công nhận rằng phía sau bức tường vui vẻ mang tên mình này là nỗi cô đơn muốn có sự đồng hành cũng như lòng khao khát được ghi nhận theo kiểu riêng của nó. 😂 (ê mà trân trọng những kiểu kia cũng được nhé, nhận hết 😄)
Vỡ ra điều này thật là sướng. (mặc dù cảm giác là ai cũng biết tỏng mình là như vậy… nhưng mà ít người trực tiếp ghi nhận điều đó. Cũng hay là đi mở lòng về thì khoản trân trọng của mọi người trở nên thành thục hơn nhiều haha)
Bây giờ đến tiết mục Suy Bụng Ta, Ra Bụng Người: các bạn thật lòng xem, bạn có chung mong mỏi là những phần khác trong mình cũng được bộc lộ ra và trân trọng không?

Nhắc đến chuyện đấy mới nhớ ra, trước đây mỗi khi có người khuyên mình mấy câu “just be yourself / hãy là chính mình”, mình ngứa mắt vãi. Là chính mình là thế nào, tôi là ai, đây là đâu? Cám ơn bạn, lời khuyên của bạn rất có ích!
Giờ nhận ra là nếu mình không rõ là chính mình là thế nào thì mang cái sự không rõ đấy tới thì là chính mình rồi 😂 Bản chất vốn là kẻ chơi trốn tìm với tạo hóa, thích đi theo câu hỏi hơn là thỏa mãn với câu trả lời mà…
Từ lúc hiểu và chấp nhận sự quái gở của bản thân hơn như vậy, tự dưng thấy được đồng hành và bớt cô đơn rất nhiều trên con đường đi sâu vào đời để xem thằng này thực sự là ai, haha.
Những thứ mình hiểu, không phải ai cũng hiểu. Cô đơn vl. …

Bây giờ, mình thấy thế nào?
Cũng vì vậy nên mình sẵn sàng giương cao ngọn cờ “cô đơn và chảnh, trông bình thường mà diễn biến nội tâm phức tạp” cho những ai quan tâm 😄
Nếu bạn đọc xong vẫn không hiểu Mở Lòng là gì mà vẫn có chút tò mò, TỐT. Giữ sự tò mò đấy, vì trong mở lòng có câu “Đi theo sự tò mò. Còn tò mò là còn sự sống”.
Mở Lòng là một câu hỏi mở, một hành trình khám phá. Chúng ta sẽ đi cùng nhau, giúp nhau tới nơi tưởng như chỉ một mình mình tới được: lòng mình.
Trên con đường đấy, mượn lời của một người mình rất nể:

“Bạn sẽ gặp những người cũng đi tìm sự thật tương tự, dù người ta có thể tìm cách khác bạn”.

Dr Gabor Mate


Nếu trải nghiệm của mình chạm đến điều gì đấy trong bạn, làm bạn nổi hứng đi du hành với Mở Lòng thì có thể đọc thêm ở đây và đăng ký vào waitlist ở đây
Chuyến tiếp theo sẽ kéo dài 2 tuần và bắt đầu cuối tháng 6.
Nhóm tối đa 10 người để có thể đi sâu với nhau.
Hẹn gặp lại bạn, sớm hơn chúng ta tưởng 🙂

Ngả về phía Đời

NGẢ, ĐÚNG HƯỚNG

Hồi lâu rồi, nghe ở đâu đó một câu chuyện về Đức Phật, chẳng biết có thật không mà được cái hay và liên quan nên kể lại cho mọi người. Ai thấy chạm thì share hộ mình nhá.

Ngày xửa ngày xưa, có một ông phật tử nọ vốn ham chơi, lười nhác, vụng về, mà được cái thích nghe Phật dạy.
Mỗi lần đến nghe Phật giảng, ông ấy đều thấy hay lắm, sáng láng lắm, có động lực tinh tấn tu hành lắm. Xong rồi về nhà lại ngựa quen đường cũ, lại lười nhác, chểnh mảng, chơi bời, sa ngã vào thói quen.
Một ngày nọ diện kiến Phật, ông này liều mạng hỏi
“Đức Phật, ngài khí chất ngời ngời sáng lạng như vậy nên tu hành mới tốt. Tôi không được như vậy nên cứ chật vật vấp ngã thế này mãi. Ngài có lời khuyên gì cho tôi không?”
Bình thường Đức Phật không cho lời khuyên gì (vì mỗi người một cuộc hành trình tự ngộ mà), nhưng hôm đó Phật phá lệ.
“Có đấy. Ông có muốn nghe không?” Phật đáp.
Ông ấy sững lại. Hội chúng cũng sững lại, đợi xem Phật nói gì.
“Vấp ngã cũng được. Miễn là cứ ngả về đúng hướng”.


NGẢ THAY VÌ NGÃ
Một trong những điều lớn nhất mình học được từ Chạm Ngẫu Hứng là cách tiếp đất.
Lúc đầu ai chả sợ bị ngã. Cũng vì thế nên một bài tập căn bản trong Chạm là “ngả xuống sàn”. Thay vì bị ngã thì chủ động ngả, hai từ khác mỗi cái dấu mà cảm giác khác hoàn toàn!
Tự mỗi người tìm các cách để ngả xuống và về vứi mặt sàn. Làm như thế nào mà nhẹ nhất, sướng nhất, thuận nhất.

Mình dần học cách bước nhẹ, đáp nhẹ, rơi nhẹ, sống nhẹ.
Mà không phải là vì mình chỉ có sự nhẹ nhàng thướt tha nhé. Mình vốn là dân sồn sồn tăng động, thích bay nhảy.
Chính vì thế nên mới cần học cách tiếp đất, để rồi tha hồ mà bay nhảy huỳnh huỵch, vật lộn các kiểu.
Tính muốn chơi vui, nên cần luyện cách không làm đau mình hay đau ai khác.
Dần dần thấy việc ngã không còn ghê như trước, thậm chí là còn thấy hay.
Quan trọng hơn, mình dần thấy thoải mái hơn việc ngả về phía trước, nương vào không gian. Mình học cách yêu không gian trống hơn, thỉnh thoảng còn hát lên câu thần chú “YÊ, KHÔNG GIAN!” Rồi cho mình rơi tự do, dù chỉ trong tích tắc.
Và khi cơ thể này làm được, tâm trí cũng làm được.
Lúc đấy thì không chỉ là nói đạo lý nữa mà sống với nó hơn.

Nó cùng là điều mình đang hướng tới ở Nguyên Vẹn: không phải là không bao giờ vấp ngã, không phải là biết cách đứng dậy sau mỗi lần như thế, mà là học cách ngả & tận hưởng việc đó 🙂

(Clip minh họa việc ngả hồi 2018, mà ngả ở sàn gạch trong chùa luôn 😅)


NGẢ VỀ PHÍA ĐỜI

Đợt này dịch, chắc nhiều người cũng cảm thấy hơi chênh vênh.
Bản thân mình thấy cũng vấp ngã hơi nhiều, trong cuộc sống, công việc hay tình cảm.
Nhiều thứ không đi theo ý muốn của mình. Đặc biệt là bản thân mình cũng không làm theo lý trí của mình 😂 Cũng dẫm vào chân người khác nhiều lần, làm họ khó chịu.
Mình cũng hơi buồn, hơi chùn chân. Thấy mình hơi vụng.
Có người bảo là “sao mày thích kiểm soát thế? buông đi em ei”.
Vâng, em cũng đang buông đây, mà trước khi buông thì phải nhắm đúng theo hướng mình muốn tới đã.
Chứ không thì lại thành trôi vô định đội lốt “go with the flow / thuận theo dòng chảy” rồi trốn tránh trách nhiệm với cuộc đời.


Sáng đầu tuần lại nhớ tới câu chuyện ngả đúng hướng này, thấy một phần được an ủi, chấp nhận chuyện bản thân vấp ngã, dù là thất bại với dự định của mình hay làm người khác bị ảnh hưởng.

Một phần khác thấy được động viên: à, ít nhất là mình đang ngả về phía đời, gần với đời hơn sau mỗi cú ngả này.

Tự nhắn nhủ:

Nhắm đúng hướng rồi ngả tiếp.
Vừa ngả vừa học cách tiếp đất nhẹ nhàng.
Cứ thế mà ngả. Chả mấy chốc biết đi, biết chạy, thậm chí là biết bay!

Chúc mọi người thay vì vấp ngã thì ngả đúng hướng, ngả nhẹ, và cứ thể mà ngả.

(và hi vọng hết dịch sớm để còn được tập ngả về phía trước, ngả vào nhau trong Chạm!)

Ngả về phía đời nào…

Ngầu hay là Yêu (mình)?

hay là phần 2: Xuống Núi để Mở Lòng.

(podcast cho những ai thích nghe 😀 Link )



Hôm nọ ở buổi đầu của chuyến Du Hành với Mở Lòng có một bạn kể.
“Lúc đầu mình nghĩ mình tới đây để học và để được mở lòng. Nhưng bây giờ khi ở đây rồi mình mới thấy thật ra là mình cô đơn.”

Lúc đấy ban ý cười trừ rất duyên. Lúc đấy, mình và có lẽ nhiều người trong Zoom cũng cảm thấy bạn ấy rõ nhất. Mình thấy gần với bạn ấy hơn.
Khi con người ta chạm tới sự thật của mình và có thể gọi tên cho nó một cách bình dị (“ừ, tôi cô đơn”), không nói giảm mà cũng không nói quá, không trách móc, van xin hay phòng vệ thì tự nó đẹp. Tự giây phút đó nó chạm.

Chính mình nghe xong cũng thấy nhẹ nhõm một chút. Ở đây, chúng ta có thể mở lòng hơn, thật lòng hơn.

Xuống núi với chính mình

Một hình ảnh trong Mở Lòng mình hay dùng là “xuống núi”. Nếu như trong kinh Phật hay nói là “lên núi đi tu”, thì ở đây là “xuống núi thực hành”.
Xuống núi là cho mình được chạm tới những sự thật ở những tầng khác nhau của mình.
Bắt đầu từ để ý cảm giác trong người, rồi thấy rõ hơn những mong muốn, nhu cầu, niềm hân hoan, nỗi lo lắng. Những điều mà đầu óc bận bịu của mình thường ngày không để ý.
Hầu hết với tất cả chúng ta, đặc biệt là dân có trí thức thì ở trên núi quen thuộc với an toàn hơn. Nó cho mình góc nhìn tổng thể, đứng từ xa, dùng lí trí phân tích xem xét chính mình. Cái này cần thiết mà chưa đủ. Mình là thằng như thế và càng ngày càng thấy cần phải xuống núi hơn nữa.
Xuống núi khá là ghê. Lăn lộn loạn xà ngầu, nhiều khi lí trí mình muốn kiểm soát gọi tên mọi thứ nhưng cơ thể, cảm xúc, nhu cầu thì nó cứ như vậy.
Thôi nói lí thuyết đủ rồi, để kể chuyện xuống núi chứu không lại bị chửi “sống đạo lý nói như gì”. 😅
Hôm nọ viết bài “ngầu hay là yêu” xong mới nhận ra hóa ra mình còn “ngầu” với chính mình quá. Ngầu nên nghĩ mình không cần gì, không hi vọng gì, tẩm ngầm tầm ngầm sống trong thế giới riêng và làm việc của mình thôi. Ngầu nên cắm đầu vào phát triển bản thân, luôn luôn phải tiến bộ.

May be a cartoon of text that says 'LÚC ĐÓ TỘI ĐẠNG NGỘI MIỆT MÀI LÀM VIỆC... THÌ ĐỘT NHIÊN TỘI CẢM THẤY CĂM HẬN TƯ BẢN SÂU SẮC 你 VÌ ĐÃ BIẾN TÔI THÀNH NỘ LỆ CỦA ĐÔNG TIÊN NÊN TÔI QUYẾT ĐỊNH KHÔNG LÀM GÌ NỮA VÀNG XM COMIC BẠN LƯỜI THÌ CÓ 1-1'
Một ví dụ của việc “ngầu” với bản thân, tưởng mình hay ho lắm, hóa ra là ham chơi 😄




Bạn bè #teamTâmLinh cũng có vài người ngầu như vậy. Mọi thứ đều đầy đủ, chả cần gì hết.
Mẹ mình đi tu, từ hồi nhỏ dắt mình đi chùa hay bảo “cứ sống tốt với những gì mình đang có là được, không cần phải cần gì nhiều đâu con ạ”.
Vấn đề là mặc dù tất cả các lời khuyên đều đúng, chưa chắc nó đã đúng với mình lúc này. Mình cũng muốn thể lắm, nhưng thú thật là cái an nhiên tự tại của mình thường là hàng fake thôi. Sau này yêu rồi mới biết, sự điềm đạm của mình chả phái giác ngộ đâu mà là “lãnh cảm” 😥.
Nhìn lại kĩ hơn thì mới thấy khát vọng, ham muốn, nhu cầu của mình có thật, và rất lớn là đằng khác.

Người yêu cũ trước khi chia tay tặng mình một câu càng ngày càng thấm “Đừng dừng lại / Never settle”. Đây cũng là slogan của điện thoại OnePlus mình dùng.
Có nhiều thứ phải mất đi rồi mới biết nó quý. Nhưng còn nhiều thứ hơn phải CÓ RỒI mới biết nó quý 😀.

Mở Lòng là một trạng thái như vậy. Không nghĩ là mình cần mở lòng cho đến khi có nó mới thấy “Woa không ngờ là mình cần nó đến thế”.

Mở Lòng là một trạng thái như vậy. Không nghĩ là mình cần mở lòng cho đến khi có nó mới thấy “Woa không ngờ là mình cần nó như vậy”.


Bớt ngầu

Không biết giọt nước nào làm tràn ly, nhưng cái ly “ngầu” của mình cũng đang tràn. Có lẽ là do có chút biến động về chuyện tình cảm, và quan trọng hơn là xong một dự án lớn của đời – một cuốn sách viết về cách sống mình đang hướng tới – nên mình bắt đầu sống thật lòng với mình hơn và nhận ra hai điều.
Thứ nhất, một phần bên trong mình luôn biết là có một cách nào đó sướng hơn, tốt hơn, vui hơn khi sống với nhau. Mình gọi phần đó là Thanh Niên Lý Tưởng, và hàng ngày vẫn nuôi bạn ý. Nhưng lý tưởng sống thôi không thì không đủ, vì đôi khi nó quá cao thượng, quá xa xôi, mình dễ bắt ép mình đi theo một cái hình ảnh, một sứ mạng gì đó hoành tráng.
Cao cả mấy cũng đi cùng với sự thật lòng với chính mình, không thì sẽ phốt như mấy vụ phốt từ thiện gần đây.

Nhận ra điều này dẫn tới điều thứ hai mình nhận ra: phía sau vẻ ung dung tự tại của mình là một trái tim khô cằn.
Có một người thầy dạy Enneagram từng dùng hình ảnh của chiếc lá khô, héo quăn đến mức cần nước nhưng sợ chạm vào nước thì nát mủn ra mất.
Ôi, hình ảnh đấy chạm…

Tưởng mình khác người lắm, hóa ra cũng rứa

Bình thường sống hàng ngày đâu có để ý tình trạng lòng mình thế nào đâu. Cho đến khi có chuyện rồi mới thấy chết cha, hóa ra mình mất kết nối thật.
Đến lúc chạm vào nỗi cô đơn tê tái trong người thì mới có động lực tìm cách mở lòng ra.
Mình đã viết về nỗi cô đơn nhiều lần, và vẫn thấy hướng đi này vô tận, càng ngày càng bóc thêm một lớp, chạm tới một tầng khác thật hơn.

Bài học lớn của lần này: Không chạm tới nhu cầu thật thì không có động lực đi xa đâu. Nhu cầu là nguồn sống, là xăng để xe chạy, là nắng để lớn cây.
Dù mình có theo đuổi điều gì, từ tình tiền tài cho tới những cái nghe hoành tráng hơn như chân lý, sự thật hay là lý tưởng sống thì nó cũng xuất phát từ nhu cầu.
Ngay cả đức Phật cũng phải để nhu cầu đi tìm sự thật nó trỗi dậy trong lòng đến mức nào rồi mới bỏ cung điện ra đi cơ mà.
(bên lề: Nhìn từ góc nhìn “nhu cầu là động lực” mới thấy vụ phốt từ thiện gần đây có thể là chuyện xảy ra khi con người ta ngầu quá mà không thật lòng với chinh mình là việc đang làm – tốt – cũng đến từ nhu cầu chính đáng muốn làm người tốt của mình, mà dễ thành ra chuyện “xây dựng hình ảnh người tốt”).

Trong cuộc hành trình khám phá chính mình này, mình rất tâm đắc câu của nhà truyền thuyết học Joseph Campbell. Bác ấy nghiên cứu về các truyền thuyết từ cổ chí kim, từ Thánh Gióng đến Tôn Ngộ Không đến Star Wars hay Harry Potter. Bác ấy đúc kết về kịch bản chung

“Nơi ta từng nghĩ sẽ gặp sự ghê tởm, ta sẽ thấy vị thần
Nơi ta từng nghĩ sẽ chém người khác, ta sẽ trảm chính mình.
Nơi ta từng nghĩ sẽ đi ra ngoài, ta sẽ đi vào tâm của sự sống
Nơi ta từng nghĩ sẽ một mình, ta sẽ cùng với cả thế giới”.

(nguồn: Joseph Campbell)

Ôi câu cuối chạm. Càng đi sâu vào nỗi cô đơn của chính mình càng thấm, càng mở lòng, càng thấy gần gũi hơn với bạn bè, với vạn vật.

Trước đây mình cứ nghĩ mình khác người, toàn nghĩ tới và làm những điều đâu đâu. Đến lúc nhận ra mình cô đơn mới thấy hóa ra mình cũng chả khác gì bao người khác.
Hóa ra cầu nối của mình tới thế giới lại thông qua nỗi cô đơn các bạn ạ, thật là trớ trêu quá đi. 😅
Mình cũng cô đơn, cũng khát khao kết nối, mà lại vụng về không biết làm thế nào. Nhìn nhiều người kết nối với người khác một cách rất tự nhiên, khả năng thấu cảm cao, mình thú thật cũng muốn được như họ chứ. Chả bù với mình trầy trật, đến giờ vẫn có người nói mình là Ây Ai Trí Tuệ Nhân Tạo cơ mà. 😶

Sướng là khi được gãi đúng chỗ

Từ ngày Mở Lòng ra một chút, mình ngộ ra được dăm ba điều hay.
Thứ nhất, mình cũng có nhu cầu this nhu cầu that. Ôi, mình cũng là con người, sướng quá, cảm thấy bớt lạc lõng, thuộc về thế giới con người hơn😆

Thứ hai, mới thấm thía câu “sướng là khi được gãi đúng chỗ”. Nói nghiêm túc hơn tí, “sướng là khi nhu cầu được đáp ứng”. Không sướng lắm chứng tỏ chưa chạm tới nhu cầu hoặc chưa biết cách đáp ứng. Nhu cầu càng nhiều, càng được đáp ứng khéo, càng sướng tợn.

Thứ ba, biết cách gọi tên nhu cầu ra: cần chia sẻ những thứ mình được học, cần có ích, cần có người đồng hành, cần có đất để chơi, cần đào sâu hơn v.v
Đã bao lâu nay mình ngộ nhận là có nhu cầu là không tốt, là gánh nặng. Hóa ra đó là quen phong cách “ngầu” thôi. Còn phong cách “yêu” là biết mình cần gì, trân trọng và dám đi theo điều đó. Cái này nói dễ mà làm khó lắm nhé, đặc biệt là những người mắc hội chứng “Thích Làm Người Tốt” như mình ehe.

Hội chứng “Thích Làm Người Tốt”

Giờ thấy mọi chuyện đơn giản hơn nhiều.
Làm một người có nhu cầu rất là sướng các bạn ạ.
Ví dụ: khi mình hiểu hơn mình cần gì thì đỡ nhập nhằng trong các mối quan hệ hơn nhiều. Xin gì cũng đỡ ngại (vì biết nhu cầu là chính đáng), cho gì thì tinh thần cũng thoải mái, cho đi hẳn, không mong chờ (tại vì có mong chờ gì thì nói luôn ngay từ đầu).
Rồi tự dưng có bao nhiêu người xuất hiện “ơ, cậu cần cái này à? Tớ có thể giúp”.
Đúng rồi đấy, ai quan tâm muốn giúp gì thì cứ tham gia các hoạt động của Nguyên Vẹn và đọc thêm ở page mình nhé.
Từ ngày biết xuống núi làm người hơn, hạnh phúc hơn hẳn. 😆

Nhắn nhủ: từ từ thôi.

Nhìn lại chặng đường xuống núi hay ho như vậy, nhiều khi mình cũng hào hứng quá mức, đem đi chia sẻ với người khác hơi bị nhanh.
Cũng lưu ý cho mình và bạn bè là xuống núi thì cũng từ từ thôi.
Xuống nhanh dễ trượt chân.
Thong thả, con đường xuống núi để hiểu mình và kết nối với đời còn dài. Nghe nói là vô tận luôn.
Nhưng mà cứ xuống nhé. Thấy gì cần làm thì cứ làm. Không cần cố quá, mà nhớ làm. (“take it easy, and take it”)

Chả mấy chốc xuống núi phê quá, không dứt ra được. Giống hồi đầu mình học Chạm, lúc đầu nghĩ là môn này ghê lắm, chạm nhiều choáng ngợp lắm, rồi nghĩ là mình ngầu nên không cần. Bây giờ thì như con nghiện, mùa dịch không được chạm nhiều cảm thấy bủn rủn chân tay 😂

Hi vọng Mở Lòng cũng sắp thấy như vậy. Nhu cầu kết nối nhiều vô kể, chạm đúng mạch là sẽ túa ra đúng kiểu kim chọc thủng quả bóng nước 😂

Bởi vì cuối cùng, chúng ta đều cô đơn. Chúng ta sẽ bước qua cái ngưỡng cuối – giây phút kiếp này chấm dứt – một mình. Và trước đó, chúng ta có thể đi cùng nhau.

Ngầu hay là Yêu?

Hôm nọ có bạn tâm sự với mình là dạo này lo cho bố. Thấy bố có thói quen sức khỏe không tốt, bạn ấy cũng lo. Thấy khó chịu khi thấy bố ngồi suốt, không đi tập thể dục.
Mình thương, nên cũng kể câu chuyện của nhà mình, hi vọng nó có ích.

Câu chuyện lớn hơn là câu chuyện về sống thật lòng với chính mình, một điều mà mình đang thực hành và chia sẻ ở các buổi Mở Lòng. Viết về chuyện này cũng hơi ghê, nhưng thôi, cứ thử mở lòng một chút.


Để kể chút bối cảnh. Nhà mình bố mất được 25 năm rồi. Đó là một cú sốc lớn với mẹ mình. Mẹ không đi bước nữa mà bắt đầu nương nhờ cửa Phật. Mẹ ở vậy nuôi hai anh em khôn lớn hai chục năm nữa, rồi năm năm trước, đủ duyên, mẹ xuống tóc đi tu ở một tu viện ở Thái.

No description available.
Trước khi mẹ sang chùa. Không có ma đâu, ảnh chỉ mang tính chất minh họa 😀



Mình với mẹ không quá thân, những cũng thỉnh thoảng gọi điện.
Hôm nọ sinh nhật, mẹ gọi điện chúc mừng mình.
Lần đầu tiên mẹ hỏi về chuyện tình cảm. Chắc tại thấy cũng lớn rồi 😄 Mình cũng kể một vài mối tình vắt vai. Cũng ngại, vì thực sự chưa bao giờ kể với mẹ.
Góc nhìn của mẹ, một người đã tương đối thoát ly thế tục, là chuyện yêu đương tình cảm chủ yếu là khổ.
Mình bảo mẹ “Vâng, con biết. Mà không phải là tại người ta. Người đồng hành với mình là kiểu cái âm li, giúp khuých đại trải nghiệm của mình lên. Vui thì rất vui, buồn thì cũng rất buồn.”

Từ trước đến giờ mình luôn linh cảm được nỗi đau trong chuyện tình cảm của mẹ. Thấy mẹ mình một mình đôi khi mình cũng chạnh lòng.

Nhân chuyện đấy, mình cũng liểu hỏi mẹ một câu đã đau đáu bao lâu nay.
“Con cũng tò mò tự hỏi mình từ lâu, và thực sự là có một mong ước muốn kể với mẹ.
Nếu mẹ có một người đàn ông đồng hành thì sẽ thế nào?“

Mẹ có vẻ né đi, không nói gì. Chắc mẹ để chuyện đó sang một bên lâu rồi. Xuất gia rồi, ai lại nghĩ tới chuyện đấy?

Mình thì vui. RẤT VUI. Có lẽ đây là niềm vui đẹp nhất đợt sinh nhật vừa rồi: được bộc lộ một điều rất quan trọng về mình cho người thân. Mình không trực tiếp biết bố, nhưng mình có nghĩ tới mẹ. Và mình có quan tâm. Mình có mong ước.


Tại sao nói lên mong ước của mình về người khác, đặc biệt là với những người thân nhất, lại khó như vậy?
Tại sao chân thành với chính mình lại khó như vậy?

Bởi vì chúng ta quá ngầu.
Ngầu??
Bởi vì người ngầu thì không cần dính líu tới người khác, không quan tâm tới người khác nghĩ gì.

Người ngầu có thể phán được câu “thân ai người nấy lo”. Ngầu kiểu tâm linh thì sẽ nói “mỗi linh hồn là một số phận. Tất cả mọi người đều đang trên con đường của mình”.

Đúng là ngầu thì dễ hơn.
Dễ hơn so với việc ghi nhận sự quan tâm và yêu thương nhau.
Vì sẽ dễ dính vào nhau. Mà dính vào nhau thì sẽ rất dễ khổ. Dễ chìm chung.
Sẽ dễ kì vọng. Mà kì vọng thì khả năng cao là sẽ thất vọng.

Nhưng mà phương án còn lại không phải là học cách chấp nhận và kì vọng thấp đi.
Đúng là có những người phải học bài học về sự chấp nhận, nhưng mình thấy còn nhiều người hơn cần học bài học về dám kì vọng.

May be an image of text that says 'pain expecting little expecting a lot disappointment'
Kiểu gì cũng thất vọng thì thà biết mình đang kì vọng rồi cứ thế mà trượt tiếp thôi 😄 Link ảnh



Mình cũng muốn ngầu các bạn ạ. Nhưng càng lớn, càng nhìn vào lòng mình càng thấy mình muốn được kết nối và yêu thương hơn.

Ngầu không còn ngầu với mình nữa.

Thân ai người đấy lo? Đúng. Không nên can thiệp vào việc của người khác. Người ta sống thế nào kệ người ta.

Nếu thực sự trong lòng mình có mong ước cho người thân của mình khỏe mạnh, vui vẻ, có những trải nghiệm đẹp, mở ra được nhiều điều, thì đó là việc của mình. Và mình có thể chọn để quan tâm tới nó hay không, quan tâm tới bao nhiêu. Rồi có bộc lộ nó ra trực tiếp hay không, hay là lại đi đường vòng, ra dấu tỏ vẻ đủ kiểu vì vẫn muốn ngầu?

Yêu thương phiền thế đấy. Nó làm xịt quả bong bóng rất to mang tên Ngầu. “Tôi là người độc lập, tự lo cho mình, tự sống cuộc đời của mình”.
Chỉ hi vọng là xịt quả bóng này thì thấy được bầu trời phía sau đó. Và mình biết là bầu trời đó, dù có nhiều mây mù bão tố, vẫn rất đẹp.


ps: Kể xong chuyện, mình ủn mông nhẹ bạn của mình, thử bộc lộ những nguyện vọng chân chính của mình xem sao. Rằng mình quan tâm tới sức khỏe của bố, mình thương bố, mình thấy khổ khi nhìn bố như vậy, và mong ước là bố khỏe hơn.

Đây là áp dụng cụ thể của Mở Lòng đây. Từ ngày thực hành bộ môn, mình đang sống thật hơn một chút.
Mình muốn thực hành và chia sẻ điều này hơn. Ai quan tâm có thể tham gia Mở Lòng online vào buổi chiều CN hàng tuần tháng 5&6 này nhé .

Xôi Thịt & Lý Tưởng

Hôm nay Cá Tháng Tư nhân dịp ngày lành tháng tốt, có hứng Bắt Cá Hai Tay.
Bài viết này dành cho

  • những bạn bay bay, muốn mà chưa biết tiếp đất như thế nào (lời khuyên: bay tiếp đi. Đầu nên tiếp tục đội trời, chỉ cần thò chân xuống chạm đất là được)
  • những người bạn hay đồng nghiệp có cảm tình, muốn mà chưa hiểu các bạn bay bay (lời khuyên: đây là những sinh vật quý hiếm cần được bảo tồn nhé… Ý là họ rất đáng yêu, cần được hiểu và trân trọng🤗)

Mạn phép lấy chuyện bản thân ra để khái quát chuyện đời người.
Chuyện chẳng là dạo này mình có vài lời mời rất hấp dẫn, lợi cả đôi bên.

Mình chả mất gì nhiều ngoài chút thời gian mà khả năng được đả thông kinh mạch trí não rất lớn. Người ta thì được thực hành cái họ muốn học với mình là chuột bạch.
Nghe có vẻ xuôi, đáng ra phải nhảy cẫng lên HELL YES! rồi. Thế mà mình vẫn đắn đo, vẫn e dè. Sáng nay ngồi ngẫm lại mới hiểu tai sao.

E dè đến từ đâu

Khi được mời mọc một cái gì đó hấp dẫn, nhiều người sẽ có phản ứng đầu tiên là sợ hoặc là bực.
Sợ bị lợi dụng. Bực vì cảm giác như bị lừa. “Không biết người ta có ý gì? Người ta cần gì ở mình? Người ta được lợi gì?”

Chúng ta vừa thích vừa sợ được mời, tùy vào độ to cùa lời mời đó. Trong kinh doanh người ta gọi là làm deal, trong tình cảm là tán tỉnh, ai thích bắt lỗi hơn thì dùng từ dụ dỗ hay thao túng. Bản chất vẫn là mời: mình có một cái gì đấy mình nghĩ là tốt cho họ, và mình muốn người kia thử nó.

Người quan tâm đến tâm lý học thì giải thích là trước đây đã tùng bị lừa nên sợ.
Đúng và chưa đủ. Đúng là có thể cần chữa lành những tổn thương từ những cú lừa trước đây.
Nhưng mà tất cả chúng ta đều đã từng bị lừa.
Ví dụ thực tế nhất là hầu hết chúng ta đều đã bị dân sales lừa nhiều lần với các thủ thuật chiêu trò bắt ép các kiểu như “sales sập sàn, chỉ còn 1 ngày nữa thôi, mua ngay kẻo hết” xong mua về không dùng, không có ích lắm…)
Ví dụ sâu xa hơn thì dù bạn 7 tuổi, 27 tuổi hay 70 tuổi thì bạn cũng có thể có những giây phút nhận ra là “ô hay, hóa ra những thứ trước đây người ta bảo mình không phải vậy”.
Có người sẽ “đm ông giời” có người sẽ khóc thương hay sẽ níu kéo lại ảo ảnh cũ.. và có người sẽ nuốt nước mắt xì nước mũi và tuyên bố “Oke tao sẽ đi tìm sự thật” (vd cổ điển nhất là Mr Phật)

(Bạn nào quan tâm, có thể đọc tác giả Charles Eisenstein, có vài bài dịch khá ổn tại đây. Bác ấy dành 30 năm để đi theo câu hỏi “Cái quái gì đang diễn ra với thế giới này vậy? Chúng ta đang kể câu chuyện gì cho nhau?”)

Thanh Niên Sống Có Lý Tưởng

Phía sau nỗi sợ bị lợi dụng hay bực vì sắp bị lùa đó là một viên kim cương rất đẹp. Các bạn chìa tay ra để mình tặng kim cương miễn phí này.
Sự e dè đó đến từ phần bên trong chúng ta, tạm gọi là (tèn tèn ten)
Thanh Niên Sống Có Lý Tưởng.(TNSCLT)

Ví dụ đây ạ, ví dụ để dễ hình dung thôi chứ không phải là hình mấu nhé


Bên ngoài TNSCLT có thể trông là startup founders, làm tổ chức phi chính phủ thay đổi thế giới v.v, bay hơn nữa thì là hippie đi dạy thiền & yoga hay thậm chí là bộ môn nhảy nhảy gì kì kì mà chạm lẫn nhau ý. 😉 Quan trọng nhất là bên trong họ luôn hướng tới một điều gì đó cao đẹp hơn. Nhiều người phần này rất là mạnh. Nhiều người thì đã đè nén phần này ở trong nhiều vì lí do đời sống cơm áo gạo tiền. Nó rất đẹp, nhưng vì đẹp quá mình không chịu nổi (viết đến đây, mình cũng hơi nghẹn ngào).

Thường thì tuổi thơ hay quá khứ của họ nhìn thấy nhiều nỗi khổ nên muốn hướng tới một cái lý tưởng cao hơn hẳn để cứu rỗi thực tại xôi thịt này.
(ai quan tâm, có thể đọc cuốn The Righteous Mind của nhà tâm lý học Jonathan Haidt nói về tại sao chuyện Người Tốt lại hay oánh nhau vì chuyện chính trị & tôn giáo. Một trong những tố chất bẩm sinh của con người làm cảm nhận về hai thái cực Thiêng Liêng – Tầm Thường (Sanctity – Degradation) Những người này có cảm giác mạnh về cực Thiêng Liêng nên thường khá cực đoan và hay xung khắc với những người thấy mọi thứ cũng bình thường. Ví dụ điển hình: hội Tâm Linh và hội Cơm Áo Gạo Tiền)

Lưu ý khi chơi & làm việc với Thanh Niên Sống Có Lý Tưởng

Đặc điểm lớn nhất của TNSCLT là họ thực sự không đề cao cái lợi bản thân lắm đâu. Nói con số nôm na ra thì nếu một phi vụ mà họ được lợi 3 bạn được 7 (tổng = 10) so với họ được 2 bạn đươc 18 đi (tổng = 20) thì họ sẽ chọn theo logic của phương án B. (và họ sẽ nói là họ không dùng logic, hahaha)

Có người sẽ nghĩ nó là ngây thơ, có người nghĩ nó là cao thượng, có người nghĩ nó là ngu… Sống như thế thì có lợi gì?
Muốn hiểu thì đây là logic của các bạn ấy này: lợi nhất là được sống theo lý tưởng.
Giống kiểu theo đạo ấy. Sống theo đạo có lợi gì? Được sống theo lý tưởng tinh thần, trong đầu đỡ phải nghĩ nhiều về những quyết định nhỏ.
Không biết chọn con đường nào? Check lại xem lý tưởng là gì, giá trị là gì, làm theo luôn, sống thuận hơn nhiều, sướng.
Nó cũng là một loại lợi ích. Nói lí thuyết tạm vậy thôi chứ sướng như thế nào thì phải thử mới biết.

Đọc đến đây, bạn nào đầu óc kinh doanh có thể sẽ nghĩ ĐƯƠNG NHIÊN DÂN KINH DOANH NGHĨ NHƯ VẬY? Thay vì chia mỗi người một phần nhỏ, tại sao không “làm cái bánh to ra” (expand the pie) đúng không?

Đúng. Lý thuyết là thế. Chỉ đáng tiếc là giới kinh doanh đã từ lâu mang tiếng xôi thịt vì thực sự cũng có nhiều người xôi thịt thật.
Có bao nhiêu người dám thật lòng nói là mình dám chọn phương án B, thiệt một xíu cho cái lợi chung? Làm kinh doanh mà để bản thân thiệt thì phá sản à?

Nhầm nhé. Ai muốn xem ví dụ của người giỏi kinh doanh xôi thịt nhưng cực kì có lí tưởng đến mức không cần kiếm tiền mà vẫn siêu giàu và siêu có tầm ảnh hưởng, hãy nhìn thầy Goenka dạy thiền Vipassana. Ngả mũ bái phục.

(Note: Ai là dân kinh doanh mà có phần TNSCLT mạnh mẽ như vậy thì comment & nhắn cho mình nhé. Muốn kết bạn, làm quen & học hỏi. Mình cũng muốn sống theo cách B nhiều hơn..
Mình khá ngạc nhiên là sống được gần 30 năm rồi mà vẫn còn chút xíu lý tưởng ngây thơ trong sáng 😂 Hi vọng lớn nhất là sau khi va chạm hiểu đời nhiều hơn thì vẫn giữ được nó. Cũng hơi sợ và buồn vì có thể sự ngây thơ trong sáng đó sắp phải ra đi. 😥)


Kinh nghiệm làm việc
Bạn cần nhấn mạnh là trong bất kì một trao đổi nào đó ngoài việc có lợi cho đôi bên (nếu bạn là dân kinh doanh chắc bạn hiểu điều này rùi) còn có một điều gì đấy lớn hơn, kiểu 1 + 1 > 2, một cái tầm nhìn vĩ đại hơn, đẹp hơn như “một thế giới nhìu tình yêu thương hơn” hay kiểu “không chỉ có mỗi chúng ta được lợi mà còn vô vàn những người khác”

Khi nghe được điều đó thì phần Thanh Niên Lý Tưởng sẽ được an ủi “ừ, cuộc sống không chỉ có xôi thịt như vậy đâu” và sẽ bớt phản kháng.


Một trong những nỗi buồn lớn nhất của TNSCLT là gần như chả ai hiểu mình.
Ví dụ gần nhất: dạo này mình nhận được phản hồi là có vẻ như mình đang tán tỉnh tất cả mọi người xung quanh, đặc biệt là phụ nữ.
Lúc đầu mình không để ý là mình đang làm việc đấy, giờ được chỉ ra thì thấy cũng đúng.
Mình đang “để mình được dụ dỗ” bởi một viễn cảnh đẹp hơn là một thế giới nhìu tình iu hơn mà. Chỉ là cái bối cảnh đấy không phải là “nơi đấy chỉ có em và anh hát tình ca Ngô Thụy Miên” mà là thơ Rumi
“Ta xin hẹn gặp nhau
Nơi Đúng-Sai vắng bóng
Ta xin hẹn gặp nhau
Nơi trái tim mở rộng“
((Out beyond ideas of wrongdoing and right-doing, there is a field. I’ll meet you there – Rumi – bản dịch của anh Đặng Hoàng Trung )

Khi mình có nhìu tình iu trong lòng thì cũng đóng góp vào tổng số lượng tình iu trên thế giới này, tại sao không? 😄


Nói đến đây chắc có người cũng hỏi
Ê KHUYẾN NẾU MÀY CHỈ CHO NGƯỜI TA HẾT THÌ ĐỂ BỊ LỢI DỤNG À?
Ơ nhưng mà từ bao giờ cái từ “lợi dụng” được hiểu theo nghĩa xấu thể nhỉ??
“Lợi dụng” là “được dùng có lợi”. Tất nhiên là muốn được dùng rồi, được dùng tốt! Một trong những niềm vui lớn nhất trên đời, đặc biệt là với TNSCLT, là được hết mình cho một điều gì đấy lớn hơn mình mà, kiểu được ông trời tuyển làm nhân viên trọn đời ý, đảm bảo công ăn việc làm. Dù chưa chắc đã sướng theo kiểu cơm áo gạo tiền nhưng chắc chắn sướng theo kiểu luôn cảm thấy đi đúng đường. Sướng phết!

Ê, THẾ MÀY LÀ DẠNG NÀO?
Cả hai. Cả Xôi Thịt lẫn Lí Tưởng 😀
Và bạn cũng vậy. Dù bạn có không chấp nhận nó thì bên trong bạn vẫn có cả phần Xôi Thịt và phần Lý Tưởng. Tâm Linh & Cơm Áo Gạo Tiền. Sống như nào mà để mấy phần đó yêu nhau thay vì choảng nhau là nghệ thuật sống đó..

Lời kết nhân kỉ niệm ngày Cá Tháng Tư.
Lý tưởng sống là lời nói dối chân thật nhất mà bạn có thể nói với chính mình. 😎 Trên con đường đi theo sự thật xin chớ quên tận hưởng những lời nói dối ngọt ngào 🤤
Đấy, các bạn hãy khen mình đi, like đi, share nhiều nhiều đi haha.

Trèo cây và nghịch lý cô đơn

Tựa: bài viết này là bài số 2 trong series 3 bài những ngẫm nghĩ về cuộc sống từ sự kiện Hội Đông Toàn Thân. HI vọng nó sẽ gợi cho mọi người nhiều điều suy ngẫm.

Cây này phải cao ít nhất 15m! Nhìn người ở dưới mà áng.

Có hôm thứ 7 được lên Chạm Ngẫu Hứng giữa đồi thông, lên đến đỉnh đồi thấy một cây thông với một cái chạc to và thấp, mình nối hứng không chỉ muốn chạm vào cây mà còn muốn trèo lên.
Trước khi trèo, mình có dành ra vài giây để xin phép đàng hoàng.
Mới hiểu là trân trọng người khác không chỉ có kiểu nhẹ nhàng nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa. Còn có thể trân trọng qua cách hết mình.
Lúc mới trèo lên chạc cây thấp tầm ngang người và ngồi ở đó ngắm xung quanh, mình đã thấy vui vẻ mãn nguyện lắm rồi. Ở đó một lúc xong định xuống, mình lỡ mắt ngước nhìn lên trên.
Cây thông này như sinh ra để mời mình leo lên vậy. Giữa cả một khoảng thân cây dài hơn năm mét chỉ có một vài mấu cây nhỏ vừa đủ để leo. Vừa leo chân lên từng bước, vừa thò tay tìm thêm mấu tiếp theo.
Cứ leo lên leo lên mãi, nốt thêm một chạc cây nữa cho tới khi lên tới đỉnh.
Lâu lắm rồi trong lòng mới hân hoan như vậy.
Khi leo cây rồi bạn mới hiểu nó yêu cầu sự tin tưởng tối mực thế nào.
Tin vào bản năng của chính mình, tin vào cây để dám dựa vào đó, tin là cây sẽ đỡ được mình, tin là cây thực sự muốn mời mình lên.
Trong đời có mấy khi thực sự tin tưởng một người khác như vậy??
Là một người vốn cẩn trọng với thời gian công sức của (“bệnh quá tỉnh táo”), mình được một giây phút đê mê hết mình quên đi gần như tất cả. Thế này không phải là yêu thì là gì?
(Giờ mới thực sự hiểu cảm giác được CHO LEO CÂY sướng đến mức nào 😄 Lần sau ai cho leo cây mình leo ngay)

Nghịch lý của nỗi cô đơn

Lên đến ngọn cây rồi mình mới ngẫm lại. Câu chuyện lớn hơn là chuyện thấy mình cô đơn, lạc lõng trong một nhóm người xa lạ.
Còn đau hơn nữa là cảm thấy như vậy với những người mà đáng ra mình phải thấy kết nối.
Buổi sáng mùng 2 có một bạn can đảm chia sẻ. Tối hôm trước, khi mọi người đang nhảy múa, bạn ấy cảm thấy không kết nối được với ai và rất tủi thân nên tự đi lên đồi thông một mình để được an ủi.
Khi bạn ấy đã thấy nguôi ngoai và có thể kể với mọi người về trải nghiệm khó khăn đó, mình nhớ tới một cảnh trong phim Mùa Cỏ Úa khi Nhạc sĩ Trần Tiến ngẫm lại về đời người: “Con người không trưởng thành trong bão tố hay chiến tranh. Con người chỉ trưởng thành trong nỗi cô đơn.” Bác trầm ngâm rồi nói tiếp “nếu không tuyệt vọng”.


Có một điều rất đẹp và rất kì lạ là khi con người ta dám bộc lộ nỗi cô đơn của mình để người khác có thể lắng nghe thì lại thấy bớt cô đơn đi phần nào. Cô đơn cùng nhau thì nguôi ngoai hơn!
Quan trọng hơn và kì lạ hơn là muốn trưởng thành cùng nhau thì phải trân trọng nỗi cô đơn của nhau. Phải chấp nhận là dù có thân nhau đến mấy tri kỉ tâm đầu ý hợp đến mấy thì cũng sẽ có lúc thấy nhau như người lạ, ở cạnh nhau mà không thấy nhau, càng ở gần hơn càng cảm thấy cô đơn hơn.
Đó là nghịch lý của nỗi cô đơn.
Trên đời liệu có ai sẵn sàng cho điều đó? Sống vỡ lòng là sống với những nghịch lý như thế đấy.
Đây là điều tất cả cặp đôi dù có tri kỉ mấy cũng dần đần vỡ mộng và ngộ ra: tại sao tôi chọn anh vì nghĩ rằng anh sẽ giúp tôi bớt cô đơn mà rồi vẫn có lúc tôi thấy càng cô đơn tợn??
(đang hình dung ngỏ lời cầu hôn bằng cách sửa lời bài hát quen thuộc thành “Anh muốn cô đơn với em trọn đời” 😂)
Điều này dẫn tới một câu hỏi quan trọng khác.

Khi bạn cô đơn, bạn cần người khác ở bên làm gì?

Bình thường khi người ta cô đơn thì sẽ tìm bầu bạn.
Một phần người đó sẽ giúp bạn khuây khỏa. Nhưng một phần nào đó bạn cũng sẽ dần nhận ra rằng, giống như cực Bắc không bao giờ mất đi, nỗi cô đơn cũng không bao giờ mất đi vậy.
Món quá vô giá từ một người khác là thấy bạn, thấy nỗi cô đơn và trăn trở của bạn và trân trọng nó. Cho đến khi bạn có thể trân trọng nỗi cô đơn của chính mình.
Nỗi cô đơn không muốn bị coi khinh. Cô đơn không cần thiết phải là căn bệnh cần phải kê thuốc hay một vấn đề cần phải giải quyết.
Cô đơn có thể là liều thuốc ngọt khi ta biết nếm nó từ từ.
Nếu giải pháp cho nỗi cô đơn chỉ đơn giản là có thêm người ở xung quanh thì tại sao vẫn có cảm giác lạc lõng khi xung quanh có bao nhiêu người?? Rõ ràng con người ta đang hướng tới một sự kết nối sâu hơn thế.

Có một giây phút mình cảm nhận được điều này thật rõ rệt, một nỗi cô đơn thấm vào trong tận xương tủy: chúng ta đều cô đơn trong giây phút cuối. Dù xung quanh giường nơi mình trút hơi thở cuối cùng đó có bao nhiêu người thân yêu đi chăng nữa thì chỉ có mình là người sẽ được đưa qua cánh cửa đó tới một thế giới khác.
Đó cũng là lí do tại sao thiên nhiên (hay còn gọi là thế giới hơn-cả-người từ cây cỏ động vật gió đồi và không nhất thiết là siêu phàm thần tiên gì) có thể cho ta cảm giác được an ủi.
Không biết bạn như thế nào, nhưng khi mình ở trên đỉnh ngọn cây đó và ngẫm về nỗi cô đơn, điều mà tán cây và cơn gió giữa ngọn đồi bao la nói với mình không phải là một lời động viên “Mày không cô đơn đâu” mà là một sự công nhận “Tao biết. Tao biết. Tao biết mày cô đơn”.
Và điều đó làm cho phần mong manh nhất bên trong mình cảm thấy được lắng nghe. Đó là phần hiểu được sự thật khó chấp nhận nhất trên đời: “chúng ta đều cô đơn trong giây phút cuối”.
Điều này thì liên quan gì đến cuộc sống hằng ngày?
Thứ nhất, khi mình thực sự chọn con đường sống đúng và thật thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự thật khó nghe này.
Thứ hai, khi mình hiểu được điều này thì mình có thể ở bên cạnh người khác, chưa kể là dẫn dắt, lãnh đạo họ.
Có một chị bạn bảo mình chiêm nghiệm về việc mình làm trưởng dự án đợt này “Làm lãnh đạo thì xác định là cô đơn em ạ”.
Mình trả lời “Em biết em cô đơn, vì thế em mới làm lãnh đạo”.
Đôi lúc lại thốt lên một câu sực mùi sự thật như thế.
Cô đơn là động lực, không nhất thiết phải là hệ quả.


CỐ QUÁ LÀ QUÁ CỐ
Một câu chuyện hay xảy ra trên sàn nhảy cũng như cuộc đời là chuyện làm sao để kết nối với người khác.
Có một bạn khác trong Hội Đông cảm thấy rất bế tắc, vì dù đã cố gắng hết mình nhưng kiểu gì cũng không kết nối được với những người xung quanh.
Lại một nghịch lý khác: con người muốn kết nối và cần kết nối. Nhưng càng cố kết nối thì càng lại gậy ông đập lưng ông.
Điều này lúc nhảy Chạm với nhau thấy rõ nhất. Có những lúc cố gắng nhảy hết mình với một người khác mà thấy cứ có cái gì lệnh lệch sai sai.
Càng cố kết nối thì càng mất kết nối! Trong khi có những lúc hai ánh mắt mới bắt được nhau thôi mà đã cảm thấy có luồng điện chạy qua rần rần. Thế là như nào?
Cái tôi-thích-phấn-đấu của chúng ta hay nhầm rằng “Tôi phải đi kết nối”. Đúng là cần cái ý định đấy đầu tiên, ví dụ như chủ động nhắn tin rủ người khác đi chơi. Tuy nhiên kết nối thật sự thì nỗ lực thôi chưa đủ mà cần có nhận thức. Bạn chắc hẳn nhớ một lần nào đó đang đi trên đường nhìn thấy một người đi qua mỉm cười với bạn một cái đủ để làm mình ấm lòng cả ngày? Lúc đấy là khoảnh khắc mình nhận ra rằng kết nối không chỉ là một việc mình làm mà là bản chất của mình.
Cứ cố gắng nghĩ tới việc “làm thế nào để kết nối với bạn nhảy của mình” thì càng dùng lý trí để làm một việc rất tự nhiên của con người.
Nó giống như dùng búa để tưới nước, NHẦM CÔNG CỤ!
Thế phải “làm” sao? Thở ra, để người mình thoải mái, để sự chú ý tới không gian này, tới người mình, tới người kia, tới điểm kết nối… Nó dễ hơn mình nghĩ.

Cụ thể như thế nào, lần sau sẽ viết tiếp…

Phần 3: Tại sao Sống Với Nhau Lại Khó Thế?

Càng Khổ Càng Sướng

Phần 3 trong series, phần 1 Khổ có gì Sướng và phần 2 Sướng có gì Khổ.

“Em còn không biết là em cứng đơ như thế”.
Một bạn nam trong lớp Chạm Ngẫu Hứng cuối năm hôm nọ chia sẻ. Lớp nhỏ, có mỗi sáu người, nên mọi người cảm thấy thoải mái hơn.
Bạn này nhìn qua FB ads, tò mò đến làm mình rất vui, vì chả mấy khi gặp người dám đi theo sự tò mò của mình.
Làm một bài tập nhỏ để hai bạn một cặp, một người đứng yên thoải mái, còn bạn kia thì nâng tay bạn đứng yên lên để cảm nhận xem cái tay của người kia nặng nhẹ thế nào.

Được cặp với một bạn nữ xinh xắn, bạn trai này người cứng đơ, cứ nhìn mình xem phải làm thế nào. Thấy bạn ý căng như dây đàn, mình ra dấu cho bạn ấy hít một hơi thở vào người rồi nói nhỏ “Không cần nhìn, mất tập trung, để sự chú ý của mình vào lòng bàn tay của mình rồi tự mình xem.” Bạn ấy cũng rón rén nâng tự mình nâng được, nhìn vừa tội vừa dễ thương.

Chán chả muốn giúp người khác nữa

See the source image
Chán lắm rồi, những thứ trước đây vui nhất nhất bây giờ cũng nhạt

Dạy người mới, nhiều khi mình mất kiên nhẫn. Kiểu nản “ôi mấy cái căn bản này mà mất công giải thích”, hay phán xét “ôi, gặp bao nhiêu vấn đề như vậy không biết bao giờ mới khá lên” hoặc lo lắng về khả năng của chính mình “thấy nó cứ đơ đơ, chả hiểu có thấm được cái gì không”.

Nhìn thấy người ta như vậy, phản xạ đầu tiên của mình là nửa thương, nửa chán. Thương vì thấy người ta kẹt. Chán vì thấy con đường phát triển còn dài và nhiều trắc trở quá.

May mắn thay, người mới thì thấy sự thay đổi rõ rệt nhất. Mới tập gym thì tăng nhiều cơ bắp nhất. Mới thực hành chữa lành thì vỡ ra được nhiều chuyện nhất. Mới yêu cũng đê mê nhất.

Rõ ràng là trong những công tác giúp ích cho người khác thì một niềm vui lớn là thấy sự thay đổi của khách hàng, học sinh, bệnh nhân hay những người thân xung quanh. Thấy người ta sống sướng hơn, mình vui, lại có động lực để làm tiếp.

Nhưng lắm lúc chán thì phải làm sao?


Một bài học rất lớn mình đang ngấm dần đợt này là câu chuyện như thế nào là có ích với người khác. Có một câu hỏi nhiều người làm công tác giúp đỡ như tâm lý, điều phối, chữa lành, giảng viên hay coaching hỏi “Làm thế nào để không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi năng lượng của khách hàng”?

Làm việc với khách hàng, lắng nghe và cảm thông nỗi đau của người ta, ai cũng nghĩ đương nhiên mình cũng sẽ bị ảnh hưởng. Không buồn cho họ thì cũng buồn cho đời, buồn vì tại sao đời có người khổ như vậy, buồn vì cuộc sống ra sao mà lại để con người lâm vào hoàn cảnh như vậy…
Một cách vô thức, mình ôm nỗi sầu nhân tình thế thái vào lòng, để nó thành một nỗi buồn man mác.

Câu chuyện này nghe có quen quen? Thế thì phải làm sao?

Câu trả lời lý thuyết mọi người thường nghe là “đừng có dính vào”. Thực hành sự “xong là xong”. Như một cái chảo chống dính đó, lúc rán trứng thì rất nóng, rất nồng cháy, nhưng xong rồi thì hớt ra thôi.

Nhân tiện xuất khẩu thành thơ:

THƠ TÌNH CHỐNG DÍNH
“Tìm đâu ra được hỡi người yêu
Như chảo chống dính, chẳng cần nhiều.
Lúc mới chiên trứng thật nồng cháy.
Trứng chín thì hớt, không dính nhiêu.

Bonus: chống dính nhiều lần, không thì tiêu”

Khuyến

Nói lý thuyết dễ vậy thôi, nhưng đối với rất nhiều người rất khó. Tại sao?

Thực sự là rất nhiều người bắt đầu đến với công việc giúp đỡ đang làm là vì lòng trắc ẩn. Mình nhìn thấy người ta đang kẹt như vậy, trong lòng mình tình thương trỗi dậy, muốn giúp người ta. Không thể bảo là bỏ lòng trắc ẩn đi, đừng có quan tâm đến khách hàng nữa 😶

Thế nên câu hỏi sẽ là “Mình cần nuôi dưỡng thêm điều gì để bổ trợ cho tình thương?”

Câu trả lời có thể sẽ không như bạn dự đoán.

Mình buồn cho người khác vì mình vẫn đang buồn cho mình

See the source image
Khi chưa hồi lại sức mà đã phải đi làm giúp người khác

Để mình lấy ví dụ bản thân.
Mỗi lúc chán như vậy, mình cũng thấy khó chịu lắm. Rồi nhớ lại quá trình trưởng thành của chính mình.

Bản thân mình trước đây cũng khổ lắm. Lo lắng đủ thứ, dồn nén bao nhiêu cảm xúc khó chịu trong người, rồi mọi thứ bên trong bên ngoài cứ lung tung beng hết cả lên.

Từ ngày quan sát và thực hành nhiều thứ khác nhau và bắt đầu ngộ ra, thấy gỡ được bao nhiêu nút thắt. Thấy mình đỡ bị chi phối bởi những phản ứng khó chịu như lo lắng, phán xét hay căm phẫn chính mình và người khác. Thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều.

Chắc các bạn cũng có câu chuyện tương tự như vậy.

Khi chính mình nếm trái ngọt và sống sướng hơn, tự dưng đến một lúc mình sẽ muốn san sẻ cho người khác. Đó cũng là lí do bạn bắt đầu làm nghề này đúng không? Mặc dù không cần và không thể giải quyết hết vấn đề của mình nhưng ít nhất cũng giải quyết được phần nào thì mới có cái giúp người khác chứ?

Dành một vài phút để ngẫm lại quá trình trưởng thành của chính mình.
Rõ ràng từ khi bắt đầu quá trình này, bạn đã không ít thì nhiều bớt khổ và sống sướng hơn đúng không?
Nhìn lại chặng đường như vậy bạn thấy buồn hay vui?
Rất vui, rất tốt đúng không?

Thế lúc gặp người tìm đến mình cần giúp đỡ vì họ đang khổ, tại sao mình lại buồn thay vì vui cho tương lai tươi sáng đang chờ đón họ???

Dừng lại vài giây để hỏi chính mình câu hỏi này.

Lần đầu tiên nghe câu hỏi quá xoáy như vậy, mình đứng hình, suýt rụng tim. Ừ nhỉ, tại sao?
Tại sao mình hay quên nhìn thấy tiềm năng và tương lai tươi sáng cho người ta mà chỉ nhìn thấy nỗi đau hay vấn đề?

Câu trả lời mình ngộ ra khi nghe Dr Gabor Mate, một bác sĩ rất nổi tiếng về lĩnh vực sang chấn tâm lý và sự nghiện ngập, nói về trường hợp này ở cuối bài nói chuyện (phút 33).

Mình thấy khổ vì mình chưa thực sự ghi nhận và ăn mừng quá trình của chính mình.

Cũng giống như phải có ăng ten thì mới bắt được sóng, phải có khả năng đón nhận thì mới nhìn thấy điều đó của người khác. Khi mình nhìn thấy nỗi đau của người khác, nó sẽ gợi lên một nỗi đau trong mình. Đặc biệt là nếu mình đã từng trải qua một chuyện tương tự, mình càng cảm thông cho người ta hơn. Đây là một điều rất đẹp, rất giàu tình người.
Duy chỉ có một điều.
Khi mình chỉ nhìn thấy nỗi đau và quên mất đi tiềm năng vốn sẵn của chính mình, mình cũng sẽ bỏ qua tiềm năng của người khác.
Khi mình không còn nhìn thấy tương tai tươi sáng cho họ mà chỉ thấy những đau khổ, khi mình bị cuốn vào đến mức thấy mình phải gồng lên và vận sức để giúp người ta thì tức là mắt mình hơi bị mờ rồi.
Cần nghỉ một chút.
Mắt kém thì chỉ có nghỉ thôi chứ không cố nheo mắt làm liều được đâu, không là làm ơn mắc oán đấy.

Câu hỏi là luyện mắt như thế nào?

Nhìn đời lưỡng cực

Nhìn đời như nhìn mèo, ôm cả lưỡng cực..

Mình tự nhỏ đã bị luyện thành nếp nhìn trắng đối nghịch với đen, tốt đối nghịch với xấu rồi nên phải từ từ học cách bỏ cách nhìn cũ đi.
Ví dụ chung nhất, người ta hay nói là năm nay 2020 là một năm tệ bạc cho cả thế giới. Nhưng sự thật là cuộc sống này vẫn luôn tồn tại song song giữa những sự thảm khốc và những điều đẹp đẽ không tưởng. Từ thuở chí kim đến giờ đã có những người yêu nhau đến mức sẵn sàng hi sinh cho nhau và cũng có những người tàn sát lẫn nhau.

Đời về căn bản là vừa buồn vừa buồn cười. 😥😄 Nghịch lý đâu có dành cho ai hiểu.

Làm việc với con người cũng thế. Nếu làm đúng, có khi mình vừa khóc vừa cười. Buồn vì nhân tình thế thái, vì sao con người lại đâm ra nông nỗi này. Vui vì nhìn thấy được tiềm năng của họ, như nhìn quả trứng thấy được chú gà con bên trong.

Nói riêng tới công tác con người, lại nhớ một người thầy từng chia sẻ với mình: “coaching không phải là điều bạn làm mà là cách bạn sống”. (“Coaching is not something you do. It’s who you are. It’s a way of life”)

Thế thì cách sống đấy là gì? Giống như ngắm một bức tranh thì thấy được cả màu trắng và đen, nhìn thế nào để thấy được ngay trong khoảnh khắc này vừa là trở ngại khó khăn, vừa là tiềm năng vô hạn.

Làm sao để nhìn thấy và chấp nhận được cả hai thái cực, cả thực tại đau thương và tương lai tươi sáng?

Làm sao để vừa thương vừa yêu, khi thương vì thấy khổ còn yêu vì thấy những hạt giống ở bên trong họ sắp nhú ra đẹp quá?

Đặc biệt là cho những người làm công tác con người, từ bác sĩ, chữa lành, coaching cho tới quản lý và lãnh đao, càng phải luyện cách nhìn như vậy.

Nghe có vẻ sai sai, nhưng khi nào đạt đến cảnh giới là càng thấy nhiều nỗi khổ thì càng vui vì nhìn thấy nhiều tiềm năng để biến khổ thành vui thì chắc lúc đó đắc đạo. 😄 Thấy bản thân mình còn xa cảnh giới đó lắm, giờ thấy ai hơi khổ một tí là mình đã ne né ra rồi. Nhưng mà không sao, ít nhất là còn biết đích đến để hướng tới.

Luyện cách nhìn và cách sống như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho việc mình làm.
Cách để ý và sự hiện diện của chính bản thân mình sẽ thay đổi.

Khả năng chấp nhận rộng hơn, không phải bảo người ta cố gắng vui lên nhưng cũng không cần phải buồn cùng với họ.
Nói đến đây thì cũng nhắc tới luôn ba phẩm chất để tiếp tục rèn luyện cho những người làm công tác giúp người khác thay đổi này.

Cảm Thông: Khi một người khác tìm đến mình, người ta muốn mình hiểu được nỗi khổ của họ. Điều đó cần sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Đây là ý mọi người hay nói “nhiều khi họ chỉ cần một người có thể lắng nghe”, thay vì vội vàng đưa ra giải pháp. Tôi mà không cảm thấy anh đang nghe tôi thì tôi cũng chả thèm nói chuyện tiếp với anh.

Không Dính: Lắng nghe thôi chưa đủ. Mình cũng không để bị dính mắc vào câu chuyện đó quá nhiều. Rõ ràng người ta cần mình giúp gỡ rối mà chính mình cũng rối thì lấy gì ra mà giúp?

Nhìn Sâu vào Hạt Giống: Không bị dính vào vẫn chưa đủ. Mình cần nhìn thấy tiềm năng của người ta và gợi nó ra. Đôi khi mình cần tin vào những hạt giống tốt đẹp trong người ta nhiều hơn người ta tin vào chính họ…

Và đấy là bộ ba tinh thần rất cần thiết trong công tác coaching. NÓI THÌ DỄ, LÀM MỚI KHÓ. Nhưng ít nhất nói ra được, lỡ tuyên bố với chính mình và với người khác thì khả năng làm được sẽ cao hơn.

Đọc đến đây, có thể bạn sẽ thắc mắc: “Nói thế thì đấy là cách sống đẹp rồi chứ gọi gì là coaching nữa?”
Thì cũng đúng. Sau này người ta mới gọi tên là coaching rồi phát triển ra các kĩ thuật đấy chứ về mặt bản chất thì nó vẫn vậy. Vẫn là sống tốt.
Có câu “Không có gì mới mẻ dưới mặt trời, tất cả đều mới mẻ dưới mặt trời” là vậy đó.

Câu hỏi chiêm nghiệm:
Trong bộ ba trên, bạn mạnh về phần nào nhất? Bạn muốn tiếp tục phát triển phần nào nhất?
Thực hành:
Ăn mừng cuộc đời và quá trình thoát khổ của chính mình. Nếu trước đây khổ mười, giờ khổ chín là đáng ăn mừng rồi. Tự vỗ tay, tự cười, tự rót cho mình một ly, cho mình 10 phút nghỉ ngơi, nói chung làm gì thấy ấm lòng nhất là được.
Nghe rất ngớ ngẩn, nhưng hãy thử và xem kết quả trên chính mình và người khác ra sao. Khi mình có thể tự ăn mừng, chắc chắn mình sẽ ăn mừng cho người khác tốt hơn.