Ngả về phía Đời

NGẢ, ĐÚNG HƯỚNG

Hồi lâu rồi, nghe ở đâu đó một câu chuyện về Đức Phật, chẳng biết có thật không mà được cái hay và liên quan nên kể lại cho mọi người. Ai thấy chạm thì share hộ mình nhá.

Ngày xửa ngày xưa, có một ông phật tử nọ vốn ham chơi, lười nhác, vụng về, mà được cái thích nghe Phật dạy.
Mỗi lần đến nghe Phật giảng, ông ấy đều thấy hay lắm, sáng láng lắm, có động lực tinh tấn tu hành lắm. Xong rồi về nhà lại ngựa quen đường cũ, lại lười nhác, chểnh mảng, chơi bời, sa ngã vào thói quen.
Một ngày nọ diện kiến Phật, ông này liều mạng hỏi
“Đức Phật, ngài khí chất ngời ngời sáng lạng như vậy nên tu hành mới tốt. Tôi không được như vậy nên cứ chật vật vấp ngã thế này mãi. Ngài có lời khuyên gì cho tôi không?”
Bình thường Đức Phật không cho lời khuyên gì (vì mỗi người một cuộc hành trình tự ngộ mà), nhưng hôm đó Phật phá lệ.
“Có đấy. Ông có muốn nghe không?” Phật đáp.
Ông ấy sững lại. Hội chúng cũng sững lại, đợi xem Phật nói gì.
“Vấp ngã cũng được. Miễn là cứ ngả về đúng hướng”.


NGẢ THAY VÌ NGÃ
Một trong những điều lớn nhất mình học được từ Chạm Ngẫu Hứng là cách tiếp đất.
Lúc đầu ai chả sợ bị ngã. Cũng vì thế nên một bài tập căn bản trong Chạm là “ngả xuống sàn”. Thay vì bị ngã thì chủ động ngả, hai từ khác mỗi cái dấu mà cảm giác khác hoàn toàn!
Tự mỗi người tìm các cách để ngả xuống và về vứi mặt sàn. Làm như thế nào mà nhẹ nhất, sướng nhất, thuận nhất.

Mình dần học cách bước nhẹ, đáp nhẹ, rơi nhẹ, sống nhẹ.
Mà không phải là vì mình chỉ có sự nhẹ nhàng thướt tha nhé. Mình vốn là dân sồn sồn tăng động, thích bay nhảy.
Chính vì thế nên mới cần học cách tiếp đất, để rồi tha hồ mà bay nhảy huỳnh huỵch, vật lộn các kiểu.
Tính muốn chơi vui, nên cần luyện cách không làm đau mình hay đau ai khác.
Dần dần thấy việc ngã không còn ghê như trước, thậm chí là còn thấy hay.
Quan trọng hơn, mình dần thấy thoải mái hơn việc ngả về phía trước, nương vào không gian. Mình học cách yêu không gian trống hơn, thỉnh thoảng còn hát lên câu thần chú “YÊ, KHÔNG GIAN!” Rồi cho mình rơi tự do, dù chỉ trong tích tắc.
Và khi cơ thể này làm được, tâm trí cũng làm được.
Lúc đấy thì không chỉ là nói đạo lý nữa mà sống với nó hơn.

Nó cùng là điều mình đang hướng tới ở Nguyên Vẹn: không phải là không bao giờ vấp ngã, không phải là biết cách đứng dậy sau mỗi lần như thế, mà là học cách ngả & tận hưởng việc đó 🙂

(Clip minh họa việc ngả hồi 2018, mà ngả ở sàn gạch trong chùa luôn 😅)


NGẢ VỀ PHÍA ĐỜI

Đợt này dịch, chắc nhiều người cũng cảm thấy hơi chênh vênh.
Bản thân mình thấy cũng vấp ngã hơi nhiều, trong cuộc sống, công việc hay tình cảm.
Nhiều thứ không đi theo ý muốn của mình. Đặc biệt là bản thân mình cũng không làm theo lý trí của mình 😂 Cũng dẫm vào chân người khác nhiều lần, làm họ khó chịu.
Mình cũng hơi buồn, hơi chùn chân. Thấy mình hơi vụng.
Có người bảo là “sao mày thích kiểm soát thế? buông đi em ei”.
Vâng, em cũng đang buông đây, mà trước khi buông thì phải nhắm đúng theo hướng mình muốn tới đã.
Chứ không thì lại thành trôi vô định đội lốt “go with the flow / thuận theo dòng chảy” rồi trốn tránh trách nhiệm với cuộc đời.


Sáng đầu tuần lại nhớ tới câu chuyện ngả đúng hướng này, thấy một phần được an ủi, chấp nhận chuyện bản thân vấp ngã, dù là thất bại với dự định của mình hay làm người khác bị ảnh hưởng.

Một phần khác thấy được động viên: à, ít nhất là mình đang ngả về phía đời, gần với đời hơn sau mỗi cú ngả này.

Tự nhắn nhủ:

Nhắm đúng hướng rồi ngả tiếp.
Vừa ngả vừa học cách tiếp đất nhẹ nhàng.
Cứ thế mà ngả. Chả mấy chốc biết đi, biết chạy, thậm chí là biết bay!

Chúc mọi người thay vì vấp ngã thì ngả đúng hướng, ngả nhẹ, và cứ thể mà ngả.

(và hi vọng hết dịch sớm để còn được tập ngả về phía trước, ngả vào nhau trong Chạm!)

Ngả về phía đời nào…

Advertisement

Sướng có gì Khổ

Sau bài viết tuần trước Khổ có gì Sướng, có một câu hỏi quan trọng nảy ra: Tại sao không ai nói đến chuyện này?
Bời vì việc một cách vô thức mình thích cái mà mình luôn kêu là khổ là một điều cái tôi của mình rất khó chấp nhận… (“Cái gì, bạn không thấy tôi khổ hay sao mà còn bảo tôi thích khổ, muốn gì?”)

Sau khi nhìn rõ hơn về sự kì quặc của chính mình, phần này sẽ ngẫm thêm về con đường sướng nó có những cái khổ thế nào.

Thường mọi người sẽ nghĩ Sướng thì làm gì có gì mà Khổ. Người tinh hơn một xíu thì sẽ biết ngay là “sướng nhiều quá sẽ khổ”. Ăn kem thì sướng mà ăn nhiều thì vừa ngán vừa béo ú. Làm nhiều trò với nhau thì sướng mà làm nhiều quá thì đuối sức mệt lừ có khi lại đâm ra ghét nhau.

Ở mức độ hoạt động ăn uống hàng ngày thì hầu hết ai cũng hiểu điều này và muốn theo trường phái “cân bằng”, cái gì cũng có mức độ của nó. Nhưng đến câu chuyện lớn hơn của đời thì mình thường đi ngược lại.

Hai kết luận tạm thời

  1. Mình chưa biết cách sướng.
  2. Khổ vẫn còn rất sướng nên vô hình chung mình vẫn thích khổ (dù bình thường mình hay nói là chán khổ rồi)

Sướng – Khổ, Sướng – Khổ

Dạo này mình đang thử nhìn cuộc đời là vở nhạc kịch, có nhạc, có kịch và cả nhảy múa nữa. Trong đó có một kịch bản & điệu nhảy quen thuộc: Sướng – Khổ, Sướng – Khổ.

Chắc không có ai lạ gì điệu nhảy này. Đang Sướng rồi lại Khổ. Hết Khổ thì lại Sướng. Qua hồi bỉ cực đến hồi thái lai. Cứ thế tiếp diễn.

Sướng quá thấy sai sai cũng tự kiếm Khổ cho mình. Khổ quá không chịu được thì đi tìm cái sướng.

Joker có lẽ là nhân vật hiểu rõ điệu nhảy này

Mình đã học điệu Sướng-Khổ Sướng-Khổ từ đâu?

Đã sống qua một chút khổ (cảnh báo trước: không thi “Ai Khổ Hơn” nhé, mình xin đầu hàng ngay) và cũng đang qua một quá trình nhận thức lại bản thân, mình thấy căn nguyên của điệu nhảy này như vậy:

Hồi nhỏ cứ sướng một tí là bị la. Vui chơi chạy nhảy một lúc rồi bị bắt vào nhà. Xong rồi sẽ bị sạc: 

“Bây giờ mà không chịu khó thì sau này lấy gì mà ăn?”

hay là “Ăn không ngồi rồi như thế thì sau này làm gì cho đời?”

Ba mẹ nào chả muốn tốt cho con, nhưng khả năng là theo một cách vô thức vì ba mẹ không quen với việc sướng nên cứ thấy con mình sướng là hãm lại. Chắc cũng có yếu tố di truyền.

Lớn lên mà nói chuyện sung sướng người lớn sẽ nhìn mình và nhíu mày “lạy ông tướng, lại suy nghĩ viển vông”. Dần dần cái tính kỉ luật đấy nó ngấm vào người. Lúc đấy thấy cũng kỉ luật có ích, nhưng càng lớn càng thấy nó đang hãm mình lại.

Làm được vụ gì hay ho xong ăn mừng được một xíu rồi lại nghĩ “Thôi, không ăn mừng ngồi trên chiến thắng mãi được. Phải cắm mặt vào làm tiếp thôi không thì chết”.

(Nếu bạn để ý thì sẽ thấy gần như 50% bí kíp thành công từ Bill Gates cho đến gia đình là một phiên bản của “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Chắc vì khó chịu với phong trào “thương cho roi cho vọt” này nên khoảng 50% còn lai của thị trường phát triển bản thân là một phiên bản nào đó của Luật Hấp Dẫn. Trường phái này hấp dẫn phần lớn là phụ nữ theo tư tưởng “mọi thứ đơn giản lắm không cần phải làm gì nhiều chỉ cần thay đổi quan niệm và từ từ sẽ manifest”. Mình ba phải nên thấy cả hai đều đúng 😄)


Ông Trời bật nhạc Sướng – Khổ, chúng ta nhảy theo

Có một khả năng là điệu nhảy Sướng – Khổ này ngấm sâu đến mức mình không ý thức đến nó. Đến mức khi chuyện khổ xảy ra mình sẽ đổ tại người khác hoặc ông giời thay vì nhìn nó là lại một kịch bản Sướng – Khổ nữa vừa được lặp lại. Sự thật thì ông giời mới biết, nhưng thử nhìn mọi điều từ góc nhìn này xem sao, biết đâu vỡ ra được điều gì mới.

Ví dụ nóng hổi gần đây thì có cặp đôi đang vui vẻ hạnh phúc nhưng lại chán và bỏ đi tìm người khác. Và đây không phải là lần đầu tiên: kịch bản lại được tái diễn. Rõ ràng là ông trời đang bật nhạc Sướng – Khổ và mình vô tình nhảy theo.


Giai điệu này có nhiều biến tấu và lời bình khác nhau.

Gặp được một ai đấy hợp cạ, rất vui với nhau được một thời gian kiểu gì cũng đẻ ra chuyện cãi nhau vớ vẩn. “Chả có mối quan hệ nào hoàn hảo. Chúng ta chỉ đang biết thêm về góc tối của nhau thôi”, mình lại tự lí giải cho bản thân.

Tự dưng gặp chuyện không theo ý, tự nhủ với bản thân “sông có khúc, người có lúc. Đời cho mình thử thách để mình phấn đấu”.

Bạn nào tính tình sâu sắc thích tư duy tích cực có thể giải thích là “Điều gì xảy ra cũng có lí do của nó, mình sẽ cố gắng tìm ra bài học lần này”.

Bạn nào theo trường phái Lãng Mạn Hóa Nỗi Khổ thì sẽ nói là “khổ mới có ý nghĩa, khổ mới đẹp” hay là “khổ để đồng cảm với những người khổ như mình”.

Bạn nào theo #teamTâmLinh level cao hơn nữa thì nói là “không có gì sướng và khổ, chỉ do tâm đánh giá phán xét của mình thôi”. Xong rồi nhớ tới các sư các thầy các đấng hiền triết các bậc giác ngô đã dạy mình phải chấp nhân, thôi thì mình cũng sẽ cố học cách chấp nhận vậy. 

Điều cần nhớ là tất cả những lời giải thích này là cái mình bình luận trên những thứ đang xảy ra.

Đời là như thế, sao phải bình luận?“, có người hỏi.
Cho vui. Bình luận thì ít có đúng sai, chỉ có cái nào nghe lọt tai mình hơn thôi. Mình thích xây dựng hình ảnh bản thân thông thái hiền triết nên đã từng thử hết các kiểu bình luận này, thấy kiểu gì cũng có cái hay của nó 😆.


Trong mấy cách bình luận kể trên, đặc biệt có một cách đã làm mình điêu đứng say mê. Đó là lời tự an ủi bản thân “Giờ chịu khó khổ một chút rồi sau này sung sướng.” 

Sau này bị bầm dập hơn một chút rồi mình mới vỡ lẽ: Bây giờ mà đã khổ vậy rồi thì hi vọng gì sau này sướng nữa? ÔI DỜI ƠI TÔI ĐÃ BỊ LỪA 😫

Không có nghĩa là mình nên bỏ vai bỏ vở diễn nhé. Thay vào đó, nhớ ra là mình đang diễn sâu vai khổ.

Nghệ thuật Diễn Sâu vai Khổ

Anne Hathaway diễn vai cô gái khổ Fantine trong phim Những người Khốn Khổ (2012)

Định nghĩa của Diễn Sâu: sâu đến mức mình lờ mờ quên mất là mình đang diễn. Đôi khi cần một khán giả vừa quan tâm vừa khách quan gọi tên ra mới biết. Vị khán giả này có thể đóng vai một người thầy, người bạn thân hay coach.

Diễn Sâu vai Khổ như thế nào? Vì mình sợ sướng nên cứ sướng quá là mình sẽ rụt vòi lại. Đúng kiểu lặn xuống sâu quá khó thở nên phải trồi lên. 

Thay vì nghỉ ngơi, tận hưởng và làm quen với cái độ sung sướng Bình Thường Mới thì mình lại kéo mình xuống bằng một cách chuyện nào đấy vớ vẩn. 

Ví dụ đang sướng một xíu thì:

  • Lo lắng vẩn vơ thành giày vò bản thân: “giờ sướng nhưng mà một tí nữa nó hết sướng phải làm sao?” (nên là muốn giữ cái sướng đấy lại, nhưng mà hết sướng này lại có sướng khác thì sao?)
  • Hoài nghi: “liệu có đang sướng quá không nhỉ?” (nếu có thì sao?)
  • Cảm thấy tội lỗi vì quá sướng: (“mình đã làm gì đâu để sướng thế này?” hay là “không làm gì mà sướng thế này thì có gì sai không?” (đúng sai, ai mà biết).
    Ai đóng vai cao thượng hơn thì nghĩ “có bao nhiêu người khổ hơn trên đời, mình sướng một mình như vậy có phải tội không nhỉ?” (thấy đời là bể khổ như vậy rồi mà còn muốn đóng góp thêm vào đó nữa sao, logic kiểu gì vậy…)
  • Kiếm chuyện vặt cãi nhau: “tại sao em ra ngoài không khóa cửa?” (trong khi đang say sưa men nồng, rồi lại trách làm cho nhau mất hứng)
  • Bực bội “hôm nay tự dưng thấy trời mưa khó chịu quá!” (xong ngay hôm trước vừa khen mưa đẹp quá mát quá)
  • Né tránh lời khen: đây là một kĩ thuật diễn rất sâu, đáng để giải thích hơn.

Ví dụ: “Em đẹp quá” → “Hôm nay anh ăn nhầm phải cái gì à? 😮” hoặc là “anh lại muốn gì từ tôi đây?”.
“Mình thấy bạn rất có ý thức phấn đấu” → “Mình bình thường ấy mà, phần này mình thấy vẫn làm chưa tốt” (một lần khiêm tốn bằng bốn lần tự kiêu).

Bạn có để ý là khi mình né tránh lời khen thì mình không đang lắng nghe người ta nói gì không? 
Đó là lí do vì sao càng né tránh lời khen càng sẽ không được khen nữa. Từ vị trí của người đi khen người khác, có những người mình rất thích khen vì họ biết cách nhận. Khi mình khen người ta mình phải thấy vui, chứ không thì khen làm gì?

Nếu làm mà không được khen, có thể là làm chưa đủ tốt. Lí do nghe có vẻ khách quan, nhưng mình cũng có thể hỏi ngược lại một cách chủ quan hơn: có nhẽ nào mình không dám nhận lời khen?

Mọi người có thể tự tìm thêm ví dụ và comment, mình cũng đang ngâm cứu nghệ thuật Diễn Sâu vai Khổ này 😄

Sau khi học thông thạo vụ này, chúng ta sẽ xem tiếp tới sự Sướng.

Giới Hạn Sung Sướng

(hay còn gọi là Sướng Quá Chịu Không Nổi)

Ai có mèo cho nó chơi với cái cục rơm này sẽ hiểu…

Lần đầu tiên mình biết tới khái niệm này từ cô phù thủy Carolyn Elliott, mình suýt té ghế vì nó chạm tới đúng tim đen của mình.

Cổ định nghĩa Giới Hạn Sung Sướng là “mức độ sướng cho đến khi mình bắt đầu phát hoảng.”

Ở mỗi mặt chúng ta có các giới hạn khác nhau. Có người rất mở ở một khoản nhưng đóng ở khoản khác. Ví dụ đây.

Sức khỏe: vừa khỏi ốm, lại lao đầu vào vận động mạnh, lại ốm tiếp. Không nên trách mình ngốc, không nên trách ông trời bất công. Đặt câu hỏi: có nhẽ nào mình chưa quen với việc khỏe mạnh nên vô hình chung tự đưa mình vào sự ốm yếu?

Tình cảm: hai người có sự kết nối thân mật, chạm sâu vào lòng nhau đến một lúc nào đấy mình đẩy người ta ra vì sướng quá hóa sợ. 

Tiền nong: người ta cho mình tiền, đến con số nào mình bắt đầu hoảng, người cứng đơ ra, á khẩu luôn. Rồi lo lắng ngại ngùng sợ người ta kì vọng gì vào mình. Rồi không dám nêu giá cao vì sợ người ta ghét mình hay sợ mình quá lố, xong về tự trách mình ngốc quá bỏ lỡ cơ hội.

Bản thân mình thấy đã nới giới hạn sướng cho chuyện tình cảm tương đối nhiều, còn chuyện tiền nong thấy vẫn hơi cóng. Nhưng mà cũng từ từ, không vội.

Bạn thử ngẫm cùng mình: ở mỗi mảng trong cuộc sống, đâu là giới hạn hiện tại của mình? Khả năng cao là mình sẽ thừa hưởng một phần giới hạn đó từ đời trước.

Nhận thức xong rồi thì làm gì?

Nếu bạn là người thích giải quyết vấn đề, thì vấn đề duy nhất cần giải quyết là “làm sao để không bị tắc ở cái Giới Hạn Sung Sướng này quá lâu?”

Còn nếu tính bạn đơn giản xuề xòa thì nhớ là **không nhất thiết là phải vượt qua giới hạn, nhưng nên để ý xem giới hạn của mình đang ở đâu.**

Đổi nhịp: từ Sướng-Khổ Sướng-Khổ thành Sướng-Nghỉ Sướng-Nghỉ

Với nhận thức về Giới Hạn Sung Sướng này, mình có thể nhìn rõ hơn điệu nhảy của mình. Thường những ai thích cảm giác mạnh, thích vượt ngưỡng thì một cách vô thức sẽ đổi từ Sướng sang Khổ rất nhanh.

Diễn sâu phải như vậy

Mình là một đứa như vậy, thể hiện qua số lượng drama đã trải qua và số vai mình đã đóng. Lúc làm kẻ khù khờ, lúc làm chuyên gia nhảy vào cuộc, lúc làm người thứ ba, lúc làm bang chủ bất đắc dĩ… ít nhất là mình tự thú nhận là thích drama, đặc biệt là hài kịch. 😅 Chắc ai cũng có một người bạn “sống hết mình, diễn trọn vai” như vậy.

Vài năm trở lại đây, mình ngẫm lại và muốn sống một cuộc sống thực sự khác, nhưng không nhất thiết phải chuyển thành phố mới, nghề mới hay mối quan hệ mới. Vở kịch phải khác hoàn toàn về mặt kịch bản.

Giờ mình vừa ngộ ra một điều: thay vì nhịp điệu sướng/khổ, sướng/khổ thì mình có thể thử nhịp sướng / nghỉ, sướng / nghỉ.
Có nghĩa là để ý tới khi nào mình tới ngưỡng sung sướng thì TỪ TỪ thôi. Sướng quá mờ mắt là rất dễ tái diễn điệu nhảy Sướng – Khổ.

Sướng vì được yêu hơn? Đón nhận từ từ thôi, kẻo lại đẩy người kia đi mất.

Sướng vì kiếm được nhiều tiền hơn? Tiêu pha từ từ thôi, kẻo lại tay trắng.

Sướng vì nhảy múa tự do? Bung lụa từ từ thôi, kẻo lại ngã dập mặt (kinh nghiệm bản thân…)

Lấy một trải nghiệm thực tế để minh họa là đổi nhịp cần phải từ từ.
Ai đã từng học xoạc (ballet hay võ) hoặc giãn người trong yoga có thể biết điều này. Mình sẽ xoạc đến khi nào thấy gần hết cỡ rồi thì người mình sẽ run rẩy cứng đơ lại. Lúc đấy quan trọng là phải chậm lại, không cố nữa, hít thở sâu rồi lúc thở ra để từ từ háng của mình tự xoạc được thêm tí nữa. Rồi nghỉ ngơi rồi tiếp tục.

Nghỉ để làm gì? Để quen với mức độ sướng mới thay vì thụt về cái khổ cũ. Cứ nới nới nới liên tục mà không nghỉ thì rách háng!

Tương tự nếu bạn muốn giãn tiềm năng sướng, bạn phải bắt đầu cho phép mình được sướng. Không nhất thiết là phải ăn chơi trác táng, nhưng sướng kiểu hít thở, nhìn xung quanh, cười, lên kế hoạch kinh doanh mới, sáng tác thơ, viết nhảm v.v.

Rồi thử cho phép người khác làm mình sướng. Người ta mời mình đi ăn, tặng mình quà, cho mình lời khen, ăn mặc duyên dáng làm mình sướng mắt, like với share post rồi áp dụng ý tưởng của mình 😋 v.v

Khi nào sướng quá thì bảo “từ từ, bình tĩnh đợi tí”. Có thể đợi 10 giây, 10 phút hay 10 tháng tùy vào độ sướng và độ bám rễ vào giới hạn sướng hiện tại của mình đến đâu.

Nghỉ ngơi thong thả, mình có cả đời để sướng, không đời này thì đời sau. Nhưng tranh thủ lúc nào sướng được thì cứ phải sướng. 


Đấy, bạn thấy sướng cũng khổ chưa? Ai theo đội Tâm Linh Sâu Sắc bảo “cuộc đời cứ để như nó là” theo kiểu lạc trôi thì cứ trôi theo dòng khổ nhé.

Nói vui vậy thôi, chứ mình rất cảm thông và chia sẻ với việc cho bản thân sướng đi trái với tất cả những điều mình được học như thế nào, từ ông bà cha mẹ cho tới sách báo.

Kết: đôi điều dễ nhầm

Càng đào sâu thì mới thấy mấy cái nguy hiểm không phải là nhầm to mà là nhầm nhỏ, nghe đung đúng nhưng lại lệch một phần quan trọng.

Cái dễ nhầm thứ nhất là Sướng ở đây không chỉ là kiểu Chu Văn Quềnh YOLO “không thể hoãn sự sung sướng đó lại”.

Tại sao phải hoãn cái sự sung sướng đó lại, hỡi Chu Văn Quềnh?
Tranh thủ sướng được ngày nào cũng phải sướng nhể bác Quềnh Credit ảnh

Dân marketing quảng cáo sẽ nhồi vào đầu chúng ta là sướng phải ngay bây giờ, sướng nó phải như này như nọ, phải mua cái lọ dưỡng ẩm và xọ cái chai dầu gội đầu, hay phải có trải nghiệm du lịch 5 sao.

Họ gần đúng. Đúng là mua được món hàng ngon thì sướng thiệt. Nhưng có nhiều thứ quảng cáo hoành tráng lắm, lúc mua xong thì sướng mà dùng được một tẹo thấy chán òm. Cảm giác bị lừa như vậy hầu hết là không sướng cho lắm.

Uống nửa két bia hay ăn một đống socola cũng sướng lúc đấy đấy, nhưng nếu để ý mà thấy mình dùng cái đó để né tránh với nhưng cái lo lắng thì chưa chắc đã sướng lắm đâu.

Nếu mua được món đồ mà sướng lâu thì cứ mua. Nếu trồng được rau ăn mà sướng lâu thì cứ trồng. Uống bia để ăn mừng thật thì cứ uống. 

Ngược với phong cách người tiêu dùng hiện đại, có người sẽ theo #teamTâmLinh và hội Chánh Niệm. Bản thân mình trải nghiệm và thấy cái dễ nhầm thứ hai là “sống cho giây phút hiện tại, không cần lo nghĩ gì cho tương lai”

Cũng lại gần đúng. Đúng là lo nghĩ tới tương lai không giải quyết được gì thật. Nhưng lúc nào ngẫm nghĩ tới tương lai mà sướng thì tội gì không làm? Lúc nào lên kế hoạch mà vui tươi thì cứ tiếp tục lên kế hoạch chứ sao.

Nếu bạn thực sự muốn hướng mình vào con đường Sướng, bạn sẽ dần dần để tâm và chọn cái gì sướng trọn vẹn từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. 😉 Trên con đường này, mình cần nhìn xem cái gì khổ rồi không dính vào nó nữa. Và nó rất tinh vi, như chị Ly Phan từng làm cái vlog hôm bữa.

Điều kiện cần duy nhất là thú thật với cảm giác của chính mình, ngay lúc này: có sướng không? Nếu không sướng thì mình đang nghỉ hay đang khổ?

Dần dần khi bạn làm quen với điệu Sướng – Nghỉ, Sướng – Nghỉ, bạn sẽ nhận thấy một điều vừa lạ vừa quen: đây mới thật sự giống mình hơn. Nhẹ nhàng, vui tươi mà vẫn chắc chắn, ra được việc.

Ai cũng đã và sẽ đóng nhiều vai trong cuộc đời này, quan trọng là biết vở kịch và dám diễn trọn vai. Đôi lúc cần sực nhớ ra là mình đang diễn, và hỏi xem ai là đạo diễn.

Chúc mọi người nhảy đẹp hơn, diễn nhập vai, nghỉ ngơi trọn vẹn hơn cho cuộc đời sung shướng.

Câu hỏi chiêm nghiệm:

Có những lúc nào thay vì khổ bạn có thể nghỉ? Lấy 3 ví dụ của cuộc sống.

ps: cho những ai quan tâm đến trải nghiệm sướng có gì khổ, có thể xem xét tham gia học thêm khóa chơi & học bộ môn Chạm Ngẫu Hứng 2 ngày cuối tuần đầu tháng ở Sài Gòn. Đảm bảo ngộ ra nhiều điều 😀 Đợi thông tin trên FB page.

Khổ có gì Sướng

(Hay là Lằng Nhằng chuyện Đuổi Việc Thích Ôm Khổ)

Lưu ý: bài đầu trong series 5 bài khám phá sự đan xen giữa khổ và sướng. Đọc các bài còn lại (theo thứ tự) Sướng có gì Khổ , Càng Khổ Càng SướngThích Kiểm SoátĐau cũng được, mà sướng thì vẫn hơn.

Vừa rồi dẫn một nhóm nhỏ đi về nơi sông nước nhảy múa đàm đạo sự đời, có nhắc tới chủ đề muôn thuở của con người: Khổ.

Mình đã chiêm nghiệm chuyện này lâu, và dạo này bắt đầu liều hơn trong việc đi theo câu hỏi của mình thay vì nương theo một Đấng nào đấy đã đúc kết lại.
Ví dụ có một Đấng đã từng hỏi “Khổ là gì?” và “Làm thế nào để thoát khổ?” Đi theo hai câu hỏi này thì đảm bảo đi sâu và xa.
Nhưng dạo này mình nhảm hơn nên chợt nhận ra còn một câu hỏi nữa “Khổ thì có gì sướng?” Tại vì không sướng thì khổ làm gì.

Trước khi mọi người bảo mình dở hơi, xin phép mọi người thử một trải nghiệm.

Bạn có thể thử ngay bay giờ bằng cách massage phần hông. Có một điểm sâu vào bên trong ở giữa hông và mông, bạn có thể lấy ngón tay cái của mình ấn và day vào. Bạn sẽ biết mình đã chạm đến đúng điểm khi mặt mình nhăn xong miệng kêu oai oái trong sự sung sướng.
Đến màn massage cuối khóa Chạm Ngẫu Hứng, hầu hết ai cũng bảo không mỏi. Đến khi chạm tới đúng điểm thì ai cũng oai oái như thế!

Hai kết luận tạm thời:

  1. Mình có thể nghĩ là mình đã thoát khổ, nhưng khả năng cao là chưa.
  2. Đôi khi trong cái mình nghĩ là khổ lại thường có cái sướng. Trong sự quằn quại lại có sự đê mê.

Điều thứ hai làm mình bắt đầu nghi ngờ bản thân:

Có nhẽ nào lí do mình không sướng là bởi vì phần lớn mình thích khổ? Có nhẽ nào mình thích khổ nhưng không muốn công nhận điều đó?
Có nhẽ nào có những phần trong mình đã quá quen thuộc với việc đắm chìm trong nỗi khổ rồi, quen đến mức mình không biết nó khổ và không muốn bỏ nó?

Tạm gọi tên phần này là “Thích Ôm Khổ” (nghe như tên hòa thượng 😅)

Tưởng tượng là bạn này là một nhân viên đã quen làm một công việc rất lâu năm, giờ mùa dịch công ty giảm biên chế cải tổ bộ máy nên sẽ bị sa thải.

Thử hình dung xem phản ứng đầu tiên của bạn nhân viên này là gì?

Có thể bạn ý sẽ tức giận vì sếp bất công, đời bất công “Khổ bao lâu nay không sao, bây giờ tự dưng mày lại đòi Sướng?” Biểu hiện là cứ thấy người khác sướng là bực bội, ghen tị, chê trách người ta, chưa kể là tích cực dìm hàng họ.

Hoặc là xấu hổ vì mình kém cỏi, nên sẽ cố gắng Ôm Khổ chặt hơn nữa nghĩ là mình cần phải chứng tỏ bản thân bằng cách làm tốt nhiệm vụ này hơn. Ví dụ là càng lao đầu vào những điều khổ hơn để chứng tỏ là mình có thể chịu khổ được nữa. Các bác đừng khinh, em chưa thấy quan tài chưa đổ lệ!

Thường nhất thì sẽ là sợ hãi để cố gắng níu giữ công việc Ôm Khổ quen thuộc của mình, giờ không làm việc này nữa thì không biết làm gì. Ví dụ là nhiều người hỏi “làm sao để vượt qua nỗi sợ” nhưng thực sự quá quen với việc lo lắng rồi, nếu không sợ thì không biết tâm trí mình sẽ để đi đâu?

Lằng nhằng chuyện Đuổi Việc Nỗi Khổ

Việc chính của bạn Thích Ôm Khổ là ôm cơn giận, sự xấu hổ hay nỗi sợ.
Mình có thể tự hỏi bản thân: chính xác là phần nào của bạn Thích Ôm Khổ sắp bị mất việc?

Ví dụ mình là Thích Ôm Sợ nhất.
Sợ hết tiền? Sợ không ai hiểu? Sợ mất hình ảnh? Mất kiểm soát? Sợ kém cỏi, ngốc nghếch? Sợ bị bỏ rơi? Sợ sống không đúng với con người thật và lý tưởng? Sợ phải thay đổi và bỏ đi thói quen cũ? Hay sâu hơn nữa thì sợ không tồn tại hay còn gọi là sợ chết?

star wars, fear, afraid, yoda, the phantom menace, fearful Gif For ...
Yoda biết tui sợ

Vậy phải làm gì với bạn này đây?
Tin buồn là mình không thể tống khứ bạn này đi đâu được. Nỗi sợ như là cánh tay, không thể cứ muốn là cưa được.

Không phải là so sánh gì trừu tượng, khi mình sợ, tay mình sẽ co rúm lại, cố gắng níu kéo lấy cái gì đấy. Mình dạy môn Chạm Ngẫu Hứng thấy rất rõ là khi hai người nâng nhau, người ở trên thường sẽ sợ ngã nên tay sẽ tự nhiên quặp vào người ở dưới. Chính cái phản xạ quặp vào đấy mới gây nguy hiểm vì nếu có ngã thật thì không còn tay mà tự đỡ mình.

Thế thì phải làm sao?
Tiếp tục nói ví von với hình ảnh Thích Ôm Khổ, thì mình phải bắt đầu bằng việc đưa hung tin là bạn ý mất việc. Ai mà khéo an ủi thì sẽ xử lý vụ sa thải êm ái hơn xíu, nhưng nói toẹt ra là phải tuyên bố với bản thân: TUI CHÁN ÔM KHỔ RỒI.

Tất nhiên là không dứt ra ngay được đâu, sẽ còn dùng dằng nhiều drama lắm. Vẫn còn khổ thì chứng tỏ chưa thực sự chán. Nhưng mà ít nhất là tuyên bố rõ ràng.

Nếu bạn đã từng nếm mùi khổ, bạn sẽ nhớ ra là có một giây phút tự dưng ngộ ra. Giây phút mình thực sự tuyên bố điều này với trời đất quỷ thần ông bà cha mẹ tổ tiên chó mèo và đặc biệt là chính mình. Giây phút mình bắt đầu chính thức sa thải bạn Thích Ôm Khổ.

Nhà thơ Mary Oliver có bài thơ “Cuộc Hành Trình” (The Journey) nói về điều này, mình tạm dịch một phần ra đây

Cuộc Hành Trình
– Mary Oliver

“Một ngày nọ
bạn cuối cùng cũng đã ngộ ra
điều mình cần phải làm
và bắt đầu,
dù những giọng nói xung quanh
vẫn gào lên
những lời khuyên dở tệ,
dù cả căn nhà
bắt đầu lung lay
và bạn cảm thấy
những níu kéo
ở gót chân
”Chữa đời tôi đi!“
từng giọng nói kêu cứu.
Nhưng bạn không dừng lại.
Bạn biết bạn cần làm gì,
….
Từng chút một,
khi bạn bỏ lại phía sau
đám giọng nói cũ đấy,
những vì sao bắt đầu chiếu rọi
xuyên qua làn mây,
và có một giọng nói mới
mà bạn dần dần
nhận ra là chính mình,
đã đồng hành
trong từng sải bước
sâu hơn
và sâu hơn
vào thế gian,
quyết tâm làm
điều duy nhất bạn có thể làm,
quyết tâm cứu
đời duy nhất bạn có thể cứu.“



Tốt Nghiệp Chuyên Ngành Khổ

Sau khi đuổi việc bạn này, có người sẽ thấy nhẹ nhõm, người thấy sốc, ngườì thấy sai sai. Tuyên bố đuổi việc Thích Ôm Khổ xong thì làm gì?

Để mình vẽ đường cho chú hươu sung sướng trong bạn chạy.

Bước 1: Thay vì đuổi việc, gọi là Lễ Tốt Nghiệp.
Bước gọi tên này rất quan trọng nhé. Chia tay với đuổi việc đau thương quá, gọi là tốt nghiệp cho nó đàng hoàng.

Bước 2: Mở tiệc ăn mừng.


Gọi là Lễ Tốt Nghiệp thì phải có một bữa tiệc hoặc ít nhất là một vài lời cảm ơn chân thành để ăn mừng.

Mình lắng nghe để hiểu: nỗi sợ đã làm được những gì cho mình?
Có người làm việc này bằng cách viết nhật ký, có người rủ bạn tâm sự hay tham gia group coaching, có người mở tiệc ăn mừng thật. Quan trọng nhất là sự ghi nhận thật lòng.

  • Cám ơn nỗi sợ vì đã trung thành với mình bao lâu nay chưa rời đi.
  • Cám ơn nỗi sợ đã bảo vệ mình không cho mình làm điều gì quá nguy hiểm.
  • Cám ơn nỗi sợ ngăn cản mình không làm điều ngu ngốc để giữ thể diện.

Nghe đơn giản vậy mà hiếm khi mình cho phép bản thân làm những chuyện đó. Chả trách nỗi sợ cứ bám víu mãi. Đúng là mình quen và mình thích được làm khổ hoài như vậy.

Bước 3: Bổ Túc Kĩ Năng
Dù bạn có thấy chán Khổ thế nào thì những gì đã và đang có vẫn đáng để trân trọng.
Chuyên Ngành Khổ sẽ luyện cho bạn có khả năng cảm thông cho người khác. Kĩ năng này rất đáng quý, nó sẽ truyền cho ban nhiều động lực để giúp người và làm mọi người cảm thấy an toàn khi ở cạnh bạn (“thấy nó cũng khổ khổ, chắc mình kể lể nó cũng hiểu”).
Mình quan sát và thừa hưởng điều này từ mẹ, vốn là một người rất giỏi lắng nghe. Mọi người có tâm sự đau buồn gì rất thích đến gặp mẹ để chia sẻ và vơi đi nhiều phần.
Nhưng chuyện vui thì thấy ít người đến hơn. Lạ thế cơ chứ!
(Theo Báo Cáo Đánh Giá & Phát Triển HR của đạo Phật thì chuyện này gọi là trội hơn về hai mảng Từ – Bi (kindness & compassion). Bây giờ thấy mẹ đang chú tâm vào hai mảng sau, Hỷ – Xả (joy & equanimity), nhìn thấy rõ sự khác biệt luôn. 👏)

Kĩ năng Ôm Khổ trước đây sẽ là một nền tảng quan trọng. Và muốn làm tốt nghề Sống thì phải bắt đầu thực tập thêm mảng Tận Hưởng.

Thời gian đầu có thể sẽ không đơn giản.
Vì mình sợ sướng.
Nghe sai sai, nhưng để ý mà xem. Đó là lí do mình sướng được một xíu thì nghĩ ngay

  • “liệu có đang sướng quá không nhỉ?” (nếu có thì sao?)
  • “không làm gì mà sướng thế này thì có gì sai không?” (đúng sai, ai mà biết) “giờ sướng nhưng mà một tí nữa nó hết sướng phải làm sao?” (nên là muốn giữ cái sướng đấy lại, nhưng mà hết sướng này lại có sướng khác thì sao?)
  • Ai cao thượng hơn thì nghĩ “có bao nhiêu người khổ hơn trên đời, mình sướng một mình như vậy có phải tội không nhỉ?” (thấy đời là bể khổ như vậy rồi mà còn muốn đóng góp thêm vào đó nữa sao, logic kiểu gì vậy…)

Hiểu được điều đấy hơn giờ mình rút kinh nghiệm: cho mình sướng lên TỪ TỪ THÔI. Từ trong tối ra ngoài sáng hay từ ngoài sáng lại đắm chìm vào bóng tối đều dễ gây ngợp.

Thỉnh thoảng cho mình hít một vài hơi thở cho thêm tí oxy lên đầu óc. Ngúng ngoảy cái cổ, lờn vờn mấy ngón tay, nhe răng nhe lợi ra.

Ai dân chơi hơn nữa thì cười một cái, rồi ăn một que kem…

Không phải ai cũng dám sướng nhanh như vậy. Sướng nhanh quá, cảm giác mạnh quá lại sốc. Có những thứ rất sướng mà phải đủ kĩ năng mới làm được.
Nên mọi người bình tĩnh, mình có cả đời để sướng, không đời này thì đời sau. Nhưng tranh thủ lúc nào sướng được thì cứ phải sướng.

And this cat enjoying a shoulder rub after a hard day at work ...
Ai có mèo, người đó có thầy dạy Tận Hưởng

Dọa khó vậy thôi, nhưng thực hành nhiều bạn sẽ thấy trong lòng hân hoan, giải phóng được một đống năng lượng trước đây đã Ôm Khổ. Khi đấy con người bạn sẽ tràn trề nhựa sống hơn và bạn sẽ tự đẻ ra việc vui, hay ho và có ý nghĩa để làm.

Bước 4: Tìm Kiếm Việc Làm Mới
Bạn đã học xong Chuyên Ngành Khổ rồi, giờ bạn có thể làm thực tập nghề Tận Hưởng. Lương khởi điểm sẽ được trả tùy vào năng lực và kinh nghiệm Sướng có sẵn.
Đôi khi bạn sẽ gặp những thanh niên trẻ hơn bạn, mà chúng nó năng động nên làm việc này tốt hơn rồi lương cao hơn, xin bạn đừng ganh tị. Bạn đã tốt nghiệp chuyên ngành Khổ rồi mà, ai bắt bạn thi lại nữa đâu?

Bước 3 với bước 4 tới con đường Sướng cũng lắm gian truân. Cụ thể thế nào để phần sau, tạm gọi là Sướng Quá Chịu Không Nổi.

Hôm nay vậy là nhiều rồi.
Chúc các bạn Tốt Nghiệp Chuyên Ngành Khổ loại xuất sắc!

Tái bút 1: Không giấu gì các bạn, mình đang học cách câu like.
Đủ 100 likes với 10 shares sẽ viết tiếp không thì mình cứ thấy mình viết đơn độc kiểu gì ấy chả ai đọc. 😫 Các bạn cứ like cho cái tôi của mình phồng lên như bong bóng rồi vỡ nó mới thú vị. 😄

Tái bút 2: Ai muốn bảo vệ luận án Tốt Nghiệp Chuyên Ngành Khổ có thể comment ngay vào đây hay inbox riêng trả lời câu hỏi chiêm nghiệm tuần này. (Nói cách khác là bạn sẽ được hưởng dịch vụ self-coaching trá hình, sướng chưa?)
Trả lời hay có thể mình sẽ tổ chức Lễ Tốt Nghiệp vào trao bằng cho bạn😛 Tự động não động lòng trước rồi sẽ cho dòm bài của mình.

CÂU HỎI CHIÊM NGHIỆM:
Cái khổ của bạn giúp bạn sướng như thế nào? Nêu 3 cách cụ thể.

Vỡ Lòng Và Sống

Ngẫm về từ “vulnerability”

Ông bà hay dạy “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy vào”. Chả ai hơi đâu mà “vạch áo cho người xem lưng”.
Không cần nói nhiều việc chúng ta chung sống trên khu hàng xóm ảo mang tên mạng xã hội nữa. Mình cũng chẳng hoàn hảo gì, cũng câu Like, Love với Care như bao người khác thôi. 😆 Có những người trông hoàn hảo quá, mà hoàn hảo thì khó tin, khó đồng cảm và quan trọng nhất là mệt.

No photo description available.
Chưa từng trải hay từng trải đều đúng.

Dạo này mình để ý chuyện ngược lại. Có vài người hay khoe sẹo của mình như huy chương thành tích, ví dụ kiểu đã bao lần bị bồ đá, bị sa thải hay thất bại. Nói một cách tự hào kiểu “mày thấy tao từng trải chưa?”

Nó làm mình nghĩ tới từ “vulnerability”. Gần đây, từ này đang trở thành một từ khóa quan trọng trong nhân thức của nhiều người về cách sống. Cô Brene Brown có cái TED Talk “The Power Of Vulnerability” vài triệu lượt xem, rất khuyến khích mọi người có khả năng tiếng Anh nên xem.

Có một workshop gần đây của Compassion.vn dịch đó là “Mong Manh Là Sức Mạnh”. Dịch rất hay, ai đấy dịch xin cho một tràng pháo tay.
Sự mong manh không có nghĩa là mềm yếu, nhạy cảm. Nó là trạng thái luôn có của con người, mình chỉ không để ý hay cố tình che giấu.

Mình đã ngẫm về từ “vulnerability” này từ lâu và đã để ý tới từ tương đương trong tiếng Việt. Từ “mong manh” vẫn thấy nó thiêu thiếu.

Hôm nọ chợt bật ra một từ.

“Vỡ Lòng”

Thoạt đầu mới nghe thì “vỡ lòng” với cả “mong manh” không liên quan gì đến nhau. Nhưng từ từ nhé.
Từ “vỡ lòng” trong “bài học vỡ lòng” là những điều đầu tiên, đơn giản, và căn bản nhất.
Nhưng ngẫm thêm về trải nghiệm vỡ lòng mẹ mới nhận ra rằng, em bé trải qua một niềm đau thương lớn.
Tiếng khóc chào đời của em bé sơ sinh là tiếng kêu của một nỗi đau muôn thuở: “con chưa sẵn sàng”.
Con chưa sẵn sàng rời từ vùng sâu tối ấm áp trong bụng mẹ, nơi có dây rốn mẹ cho con ăn. Con chưa sẵn sàng rời xa nơi đã cưu mang mình để ra ngoài kia, để đối mặt với ánh sáng, để cho thế giới nhìn thấy sự nhăn nheo xấu xí của mình.
Con được sinh ra từ lòng mẹ nhưng con đang cảm thấy mình vừa chết đi. Con chưa bao giờ sẵn sàng.
Và người lớn cũng vậy: chúng ta chưa bao giờ thực sự sẵn sàng để rời một thế giới này để sang một thế giới khác, rời một mối quan hệ, một sự nghiệp, một nơi chôn rau cắt rốn, rời sự thoải mái của những điều đã biết để dạm bước đến những điều không thể dự đoán kiểm soát được.
Dù mình có né tránh hay đè nén thế nào,
nỗi đau từ việc phải rời xa chốn cũ luôn cận kề.

Và như em bé sơ sinh đó, mình vẫn nương vào nơi lòng vỡ ra để mình được chào đời.
Thật sự, nơi ta vỡ lòng cũng là nơi duy nhất ta có thể chào đời. Nơi ta chưa chắc chắn là nơi ta thực sự sống.

Mình vừa đọc một câu thơ của nhà thơ David Whyte:
“Remembering what strength it took
to turn that first impossible in-breath
into a cry
that can be heard
by the world”.

tạm dịch là
“Nhớ tới sức mạnh nào
để hơi thở vào đầu tiên
chuyển thành tiếng khóc
cho thế giới
có thể lắng nghe.”

Sức mạnh này mình đã và luôn có, và nó đến từ giây phút vỡ lòng.
Nếu mình là cha mẹ của em bé sơ sinh bên trong, điều mình sẽ nói là
“Con không cần phải đối đầu với thế giới, nhưng con phải gặp mặt tất cả. Con không thể che giấu chính mình: con chỉ có thể là mình khi con để cho thế giới nhìn thấy. Con sợ người ta sẽ chê trách sự nhăn nheo của con. Nhưng không, sẽ có những người hân hoan chào đón con ra đời.

Nơi con vỡ lòng cũng là nơi con thấy sức mạnh, là nơi con sẽ chạm và được thế giới này chạm đến, nơi con hé lộ nụ cười và những giọt nước mắt. Nơi con thực sự sống.

Con là một con người trọn vẹn mà không hề hoàn hảo. Vì người hoản hảo là người cố không để cho xung quanh chạm vào mình, người cố gắng thay đổi thế giới mà không chịu để thế giới thay đổi mình.”

Cảm giác vỡ lòng như vậy thường không hay ho dễ chịu một chút nào, nhưng nhớ rằng mình đã từng vỡ lòng để rời khỏi bụng mẹ sang một thế giới khác khi mình chưa thực sự sẵn sàng.

Ví dụ như chính bài viết này được rặn và đẻ ra trên mạng trước khi mình thấy nó đủ hay. Khi cho phép mình nương vào nơi lòng mình vỡ, mình không thể cố níu giữ một hình ảnh đẹp của bản thân. Thế nhưng khi mình nương vào nơi vỡ đó, mình sẽ thấy đâu đó, qua khe nứt của lòng mình, hé lộ những sự thật.

Đúng là có những lúc mình sẽ cần nỗ lực chứng tỏ bản thân, phấn đấu đạt được mục tiêu, cố gắng cho mình được cứng cáp. Đúng là mình phải có sự riêng biệt. Nhưng mình không chỉ là một cá nhân nhỏ nhoi phải chống chọi giữa dòng đời. Mình luôn, kể cả khi mình quên, kể cả khi mình căm phẫn hay tuyệt vọng, là một phần của dòng đời đấy.

Vỡ lòng là khi mình nhớ lại sự thật này.

Chuyện này thấy rõ nhất trong chuyện người với người. Ai cũng đã từng phải có những cuộc nói chuyện quan trọng, làm mình căng như dây đàn đến mức phải hít thở sâu thường xuyên, phải lắng nghe rồi chia sẻ như thế nào để mình vẫn thật với mình mà cũng hạn chế tổn thương cho người kia.

Không nói đâu xa, vừa rồi sinh nhật anh bạn, mình trêu ảnh hơi lố một chút gọi là “ông già và những người bạn”, ảnh buồn và bảo mình vậy. Mình xin lỗi. Cả hai người cần phải vỡ lòng mới nói được vậy.
Chia tay, chia tiền, chia buồn, thậm chí là chia vui, chia cái gì cũng cần vỡ lòng.

Không thể “giữ hình ảnh” vì có những thứ quan trọng hơn hình ảnh. Như ngọn lửa đã cháy âm ỉ bên trong, như sự sống đang đợi để tuôn ra qua những khe nhỏ nơi lòng mình vỡ.

Nhiều khe, nhiều kiểu vỡ lòng lắm.
Cho phép mình được thương người khác và được người khác thương.
Cho phép mình được bớt khổ. Nói với chính mình “mày khổ quá rồi, tao xin lỗi”.
Dám cho một ai đấy đến với mình. Để cho chính mình được nói lên sự thật. Để nghe thấy mình nói “em khổ quá, em cần thời gian” hay “em cần anh giúp”, “em làm anh buồn” hay “tôi thực sự muốn ___”,

Đối với cá nhân mình, vỡ lòng là việc không biết viết gì nhưng vẫn ngồi vào bàn hàng ngày để gõ tành tạch. Rồi nhảy vào lướt FB, xem Youtube bẵng cái hết hai tiếng, chán nản cảm ghét sự lười biếng của bản thân, rồi bắt đầu lại.

Mỗi người, mỗi hoàn cảnh lại vỡ lòng một cách khác nhau. Nhưng tất cả đều chung một bản chất: vỡ lòng là cho phép mình được chạm và được thế giới chạm vào mình.


Tâm Vỡ Lòng (Beginner’s Mind)

Đọc đến đây, có người sẽ hỏi: Cái này là như kiểu “mở lòng mình cho đời”, “trên đời này phải có một tấm lòng, để cho gió cuốn đi” đúng không?

Mình chọn từ “vỡ lòng” thay vì “mở lòng” vì từ “vỡ” nó thật, mạnh và đúng hơn với việc chính chúng ta trải qua. Lòng mình thường được cuốn trong bộ áo giáp mang tên “hình ảnh bản thân” cứng quá, nên để mở được thường sẽ phải vỡ trước. Và nó thường đau thương: thường là phải đau rồi mới biết thương. Nhưng không nhất thiết phải thế.

Hiểu được quá trình nương vào nơi lòng mình vỡ, mình cũng hiểu thêm về trạng thái vỡ lòng.
Trong tiếng Anh, “beginner’s mind”, tạm dịch là “tâm của người mới bắt đầu” ngụ ý tới trạng thái cởi mở nhìn điều gì cũng mới mẻ. Ở trạng thái này, những điều mình đã biết, về đời, về người, về chính mình, sẽ được quên đi trong từng khoảnh khắc để cho những khoảnh khắc sau đến với sự tươi mới.
Thường người ta phải đi du lịch đến một nơi mới, hay gặp một người mới thì mới thấy được sự mới mẻ đấy. Còn nếu luôn luôn gặp một người nào đấy thì dễ sinh nhàm chán.

(Lại nhớ hôm nọ nói chuyện với một chị bạn và mẹ chị ý. Thấy con hay bảo mình nói nhiều, bác ý hỏi “Mẹ cháu có nói nhiều không?”
Mình trả lời: “Dạ có. Nhưng mà nói nhiều không phải là vấn đề. Nói nhiều điều mới thì hay. Nói nhiều mà toàn lặp đi lặp lại mới mệt”)

Câu hỏi sẽ nảy ra là “Làm thế nào để luôn có trạng thái vỡ lòng này?” Thay vì đưa ra 5 cách khác nhau để có thể đạt tới cảnh giới này (rồi lập ra một cuộc thi xem ai giỏi hơn và ngộ đạo hơn), có một câu hỏi quan trọng hơn: điều gì làm cho mình quên đi cái trạng thái vỡ lòng vốn có này?

Vì thực sự nó vốn có rồi. Chỉ là những kiến thức, suy nghĩ và phương pháp trở thành những vòng lặp luẩn quẩn trong đầu làm mình nhầm tưởng là điều đó biến mất.

Sự vỡ lòng vốn sẵn của tự nhiên là sự sáng suốt trong veo của tâm trí.
Bạn không phải làm gì cả ngoài việc để ý là mọi thứ đang chạy. Việc suy nghĩ chạy là việc của suy nghĩ. Khi mình để ý và quan tâm đến chính mình – “quan sát bằng tâm”, rất nhiều điều hay ho sẽ hé lộ như con trai đang ngậm ngọc.


Khi mình bắt đầu để ý, mình cũng sẽ thấm hơn về tinh thần ngẫu hứng.
Viết ra cũng để đúc kết từ nhiều trải nghiệm và suy ngẫm, đặc biệt là từ bộ môn Chạm Ngẫu Hứng mình đã và đang thực hành và giảng dạy từ lâu nay. Nói chuyện triết lý tâm lý hay ho mà nó không thấm vào trong thân thể thì vẫn chưa đáng.

Càng đi vào sâu và thực hành mình càng nhận ra được nhiều điều. Kỹ thuật là một phần, nhưng phần tinh thần quan trọng quan trọng hơn rất nhiều. Phần này rất khó dạy, thậm chí là không thể.

Nhưng có thể gợi lên, vì bạn đã có sẵn nó rồi.
Mình chỉ gợi nó lên đủ lâu để những điều luẩn quẩn kia bắt đầu vơi dịu đi. Chúng ta sẽ sáng như thuở vỡ lòng.

Mọi người ai thấy bài viết chạm đến mình và muốn tiếp tục khám phá, chứng nghiệm và vui chơi có thể cân nhắc đi cùng với mình cuối tuần sau, mình sẽ dẫn một đoàn đi một khóa “Chơi & Học” ở An Lạc Trang, Củ Chi.

Mọi người đi đợt bảo đi về rất vui. Mình thì thấy về mọi người mở hơn rất nhiều.
Mà mở không phải lúc nào cũng vui sướng nhé. Cái vỡ lòng đấy sẽ mang tới những điều không tưởng, đôi khi là chuyện buồn. Mình không thể kiểm soát được nhưng mình có thể chấp nhận.

Vẫn còn một vài chỗ trống, thông tin ở dưới đây. Chạm Ngẫu Hững – Đánh Thức Điều Không Tưởng.

ps3: Hàng tuần mình viết một bức thư nhỏ bằng tiếng Anh gọi là Men Suy Ngẫm (tiếng Anh là Enzyme for Thought) cho những người đã phè phỡn thông tin fat food muốn một chút gì đấy giúp lòng mình tiêu hóa hơn. Mọi người đọc được tiếng Anh có thể đọc thêm ở đây. Enzyme for Thought

Hội Hè Toàn Thân 2020 – Sử Kí

(một phần của Đại Việt Ngẫu Hứng Toàn Thân, một cái tên hoàn toàn ngẫu hứng chế ra)

Ghi chú: bài viết chia sẻ trải nghiệm và góc nhìn của một người tổ chức Hội Hè Toàn Thân cho môn Chạm Ngẫu Hứng, 100% Made in Vietnam.Đây là trại đầu tiên trên thế giới sau COVID-19! (tung hoa tung hoa 💃💃💃)Mình viết với một vài ý định

  • Đúc kết kinh nghiệm, hi vọng tăng trí khôn bầy đàn lên.
  • Chia sẻ một góc nhìn sâu và về toàn cảnh, hi vọng mọi người trân trọng những điều đã xảy ra hơn.
  • Cho người mới: mình viết để cho người mới cũng có thể mường tượng được về mặt tư tưởng, hi vọng bạn đủ tò mò để đọc & thử 😀

Bài viết dài, mọi người rót ly trà, nhấm nháp từ từ, có chạm đến gì trong lòng thì xin hãy chia sẻ.


Chùm ảnh kí sự.

Ăn mừng

Lần đầu tiên làm một hội hè quy mô lớn như vậy và phản hồi rất tốt của mọi người, mình thấy rất may mắn. 

Những lần khác mình sẽ ngồi phân tích tới bến chuyện tốt xấu, lần sau cần cải thiện gì, xem học được điều gì. So với những lần đấy, lần này mình không nhìn lại quá nhiều. Chắc tại mình bớt nghiêm túc hơn rồi. Với lại, điều quan trọng hơn bây giờ không phải là mình đã làm gì mà là mình như thế nào khi mình làm chuyện đấy.

Cái đáng ăn mừng nhất đợt này là mình làm với rất nhiều tình yêu.
Lúc đầu mình viết “Thấy rất vui vì thấy tình yêu của mình đủ lớn dám làm những thứ hâm hâm như vậy”. Xong rồi mới thấy là ngược lại. Tình yêu nào phải “của mình”?
Có lẽ phải nói là “mình đủ lớn để chứa được nhiều tình yêu hơn và đủ nhẹ để được cuốn đi nhiều hơn.” Đúng là có vài lúc hơi nản hay khó chịu, nhưng đều được cuốn đi rất nhanh. 
Hi vọng là mình tiếp tục lớn hơn và nhẹ hơn nữa. Lúc nào không chứa nổi thì nhờ mọi người chứa hộ. Lúc nào nặng quá thì nhờ mọi người khênh hộ. 😀
Như ngọn sóng, chúng ta sẽ cùng lên và xuống, nhịp nhàng, bất tận.

Sóng lên sóng xuống 🤩

Ăn mừng xong rồi, bắt đầu kể chuyện thôi

Người lái đò và tình yêu

Anh lái đò và các chị thiên nga

Trong cuốn tiểu thuyết nhỏ của Hermann Hesse mình đọc lại hàng năm,nhân vật chính Siddhartha (cũng là tên tiểu thuyết) trên con đường đi tìm sự thật đã qua rất nhiều thăng trầm của cuộc đời. Một ngày nọ, lê bước đến bên bờ sông trong sự tuyệt vọng. Siddhartha gặp một người lái đò tên Vasudeva. Ông từ tốn đưa Siddhartha qua sông để bắt đầu một cuộc đời mới.

Mỗi khi mình dẫn mọi người đến An Lạc Trang, mình lại nhớ lại câu chuyện này. Chiều thứ bảy, mấy chị thiên nga lôi kéo mình bỏ việc chăm lo hậu cần để theo anh Tùng lái đò quanh cù lao ngắm cảnh. 
Giữa tiếng mọi người râm ran cười nói, một câu hỏi chợt đến trong đầu “Mình đang được đưa đi đâu? Mình đang đưa mọi người đi đâu?” 

Chưa cần biết đi đâu, nhưng mình biết là cách mình đang được đưa đi và được nuôi nấng ở đây rất nhiều tình yêu thật. Vừa được ăn ngon, vừa được lắng nghe quan tâm.

Được ăn ngon rồi phục vụ tận tình, sướng mờ mắt.

Lúc đấy mình chỉ nhớ có câu hỏi vọng lên như vậy thôi, nhưng rồi sau khi về nhà ngẫm lại, một câu trả lời đã chợt hiện ra:“Mình đưa nhau về nhà với chính mình rồi tiếp tục đi chơi quanh quanh.”
Ngẫm lại thấy cũng đúng. Đấy vừa là ước mơ vừa là việc của đời mình lúc này. 
Một trong những cách làm việc đó là viết. Để mình sẽ kể cho bạn một vài khoảnh khắc đáng nhớ khi mình được về nhà với chính mình và chơi quanh đây.

Sự Yên Lặng Ngọt Ngào

buổi sáng có nhiều góc rất đẹp

Sáng thứ 7,
Tia nắng mặt trời hé vào mắt đánh thức mình dậy. Phía xa có tiếng mọi người ở sảnh đường. Ngay đây có tiếng lặng yên ở bên trong.
Đột nhiên sự yên lặng ngọt ngào ấy trào lên trong lòng, làm mình không thốt được nên lời, cứ nằm đấy mà lắng nghe.
Nó không phải sự lo lắng vì không lo được những việc muốn lo, không phải sự khó chịu vì mất thời gian để làm việc khác. 
Cũng không phải sự thỏa mãn khi bao nhiêu công sức chuẩn bị đã thành hình thành tướng hay lòng kiểu hãnh vì đã có một chương trình thành công hoành tráng. Cũng không phải niềm vui hân hoan khi được làm điều trong lòng mách bảo, không phải sự ngỡ ngàng khi thấy một ước mơ đã trở thành hiện thực sớm hơn mình tưởng, không phải cảm động khi nhìn thấy vẻ đẹp của tình người (và cơ thể người nữa). 
Tất cả những trải nghiệm đấy đều đẹp, đều làm mình trọn vẹn hơn. 

Nhưng điều nhớ nhất là những giây phút “Đây là Đây” (“This is it”) thế này. Đây là Đây. Giờ là Đủ.
Cảm thấy được một sự hiện diện thật lớn, thật đẹp của một thứ không gọi được tên. Cảm thấy như mình đang nằm trong một cái bồn tắm vô tận, với tình yêu phủ đầy lên thời gian và không gian. Cảm giác được yêu, được có lòng này để mà yêu. Được quan tâm, được có cái tâm để mà quan tâm.

Sự yên lặng có thể chứa được muôn vàn những sắc âm này là điều có lẽ mình luôn hướng về mà lâu lâu mới được chạm vào.
Đôi khi thấy những giây phút này, mình rớt nước mắt vì quá đẹp và quá biết ơn. Cái cảm giác thân thuộc đấy như một nụ cười, một ánh mắt chào đón đứa con lưu lạc xa xứ được trở về nhà.
Mình giật mình hỏi “Đợi từ bao giờ đấy?” Tiếng lặng thinh.Không phải là không có câu trả lời. Sự yên lặng là câu trả lời. Luôn đợi.

Dù bạn có quên điều ấy, điều ấy không bao giờ quên bạn.
Trên đời có một thứ duy nhất yêu thương vô điều kiện, đó là thứ không diễn tả được. Có người gọi là Chúa, Ông Trời, Tình Yêu, Vũ Trụ. Mình tạm gọi là Sự Sống, hay còn gọi là Điều-Mà-Ai-Cũng-Biết-Nhưng-Giả-Vờ-Quên.
Mình không biết bạn như thế nào, chứ mỗi khi mình sực nhớ ra điều đấy mình vui mất mấy ngày. 😅
Lúc đấy, mình không lo chết đói, không sợ người khác đánh giá hay từ chối, không ham muốn chứng tỏ bản thân vì đã làm được một việc lớn, cũng chẳng khao khát khám phá phát triển hay thậm chí là sống cống hiến cho nó có ý nghĩa. Lúc đấy cứ sống là vui lắm rồi.

Được mấy hôm sau mèo loại hoàn mèo, ngựa quen đường cũ, lại lo lắng vớ vẩn rồi thèm thuồng đủ thứ (ví dụ như bỏng ngô). Theo hội tâm linh chẩn đoạn thì sẽ gọi là tỉnh được một tí rồi lại gà gật ngủ tiếp. 
Nhưng mà không sao. Cứ ngủ cho nó sướng, tội gì. Ngủ đẫy giấc tự khắc sẽ tỉnh. Nếu mà mình ngủ gật quá, đời sẽ có có chuông báo thức gọi dậy. Còn ngủ nữa thì sẽ người đến đánh thức mình (đôi khi bằng cách vả vào mặt 😅)
Có quên thì sực nhớ mới sướng, chứ cứ khăng khăng căng mắt ra không cho mình ngủ thì mệt quá. Mình chịu, không chơi trò chạy đua vũ trang tâm linh đấy đâu. Toàn thua. 😥

Bịt mắt bắt  mình 

Nhảy bịt mắt tối thứ 7

Một trải nghiệm đáng nhớ cho nhiều người, đặc biệt là người mới là buổi tối thứ bảy khi mọi người bịt mắt để nhảy chung.

Bạn tưởng tượng mình đang nhắm mắt đi loạng quạng chậm rãi cùng với nhiều người khác như vậy thì mình sẽ cảm thấy thế nào. Người thấy sợ, người thấy hào hứng, người thấy tò mò, người chả mặn mà lắm.

Mình đã tham gia nhiều buổi như vậy ở nước ngoài và thường rất thích. Đợt này mình bò vào giữa, để sóng người đẩy mình đi, lúc đầu cũng rối rắm nhưng rồi một lúc hơi mệt rồi mình ngồi yên lại, không bò đi nữa. Lúc đấy thích lắm. Sau rồi mới nhận ra “Ồ. Đây là cảm giác của sự lặng yên giữa muôn hình vạn trạng, tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

Nó như kiểu đang bật nhạc ồn ào thì tự dưng yên ắng lại, nhưng không phải là tắt nhạc mà là mình không nghe thấy gì nữa. Vì mình đang nghe ở một tầng sâu hơn, tĩnh mịch hơn. 

Cảm giác này chắc có thể gọi là viên mãn, Đây là Đây, Thế là Đủ.
Lần đầu tiên mình có cảm giác như vậy là khi đi một khóa thiền mùa đông. Nó sướng lắm, kiểu có thể ngồi đấy bao lâu cũng được. Nhớ lúc đấy có một suy nghĩ khởi lên “Ôi, sướng thế này sẽ chỉ được mấy giây phút thôi xong rồi lại hết”. Thế là nó hết thật. Đang cao trào thì hết phim. 😄

Mình đã từng đi tìm cảm giác đấy một thời gian. Càng sướng thì càng khó buông, càng muốn đi tìm. Dần dần mới biết để không níu kéo những khoảnh khắc đấy, biết rằng sẽ luôn có những lúc như thế này nữa. Không sợ hết hay sợ thiếu những giây phút ngọt ngào như vậy khi mình cho phép lòng được mở ra, để chạm và được chạm vào sự trọn vẹn của Sự Sống.
Điều đó luôn ở đây, dù mình có ý thức được không. Sẽ có lên có xuống, có buồn có vui, có kết nối và có tách rời.

Sau này mình nhận ra: nếu những khoảnh khắc đấy thực sự là cảm giác “trở về nhà với chính mình” như mấy cuốn sách tâm linh hay các thầy chùa hay dạy, thì tất cả những việc khác mình làm đều là đi chơi.

True Life With God » Turtle Shells
Giống hình ảnh con rùa, đội nhà đi theo mình, lúc nào sợ có thể chui vào, lúc nào tự tin hơn lại bò ra đi chơi tiếp. (ảnh minh họa, từ đây)

Có người đi chơi xa quá quên nhà, có người ở ru rú ở nhà lại quên đi chơi.

Thử hình dung là ở một khía cạnh nào đó, bạn không thể mắc sai lầm, không thể thất bại, không thể không có ý nghĩa, không thể lãng phí cuộc đời.
Nếu cuộc đời không phải là mê cung với các ngõ cụt và rất nhiều cạm bẫy, nếu bạn sẽ không bao giờ “lạc lối” thì sao?
Thay vào đó, nếu cuộc đời giống như một con đường dài với khúc quanh co, có lúc lên voi xuống chó, lúc dẫn mình đi sâu vào thế giới bên trong lúc đưa mình ra nơi xa xăm bên ngoài, nhưng luôn chỉ có một lối đi, luôn chỉ có một bước tiếp theo thì sao?
Nếu mình luôn tự đi, không cần ai nhắc, cũng chẳng cần lí do thì sao?

Mình cảm thấy bóc được thêm một lớp khỏi tấm màng để nhìn rõ hơn về cảm giác tự do. Tự do không chỉ là muốn làm gì cũng được. Tự do còn là thế nào mình cũng đón nhận được.

Người ta nhảy hơi mạnh bạo, mình có thể đón được. Người ta hơi nhẹ nhàng rụt rè quá, mình cũng có cách để thấy kết nối hơn. Người ta trượt xuống giữa chừng, mình có thể đứng hoặc trượt xuống cùng.

Mình có thể tự do để tham gia chuyện đời hơn. Từ chuyện đôi lứa, sự nghiệp, nhà cửa, tiền bạc, sứ mạng, tâm linh, mình muốn dấn thân vào những cuộc chơi lớn của đời như vậy và qua đó biết mình, biết mọi điều xung quanh hơn. 
Viết được ra như vậy thôi mà vẫn thấy điều này ghê lắm. Đã muốn nhập vai thì phải diễn sâu. Đã diễn sâu thì sẽ có những điều tưởng chừng ngớ ngẩn hay sai lầm.
Giống như việc nhảy chạm ngẫu hứng không thể sai không có nghĩa không có những chuyển động trông mượt hơn, cảm giác phê hơn hay đỡ đau tay đau chân hơn. Đời nhiều nghịch lý mà.

Nhắc đến chuyện này mới nhớ, tối hôm đấy sau khi có màn bịt mắt nhảy, mình nói chuyện với Phúc ở dưới bếp. Phúc có kể về trải nghiệm bịt mắt của mình: “Có những lúc mình thấy run lắm, không dám bước tiếp vì con đường tăm tối phía trước. Sợ đập đầu vào cột hay ra khỏi sàn. Nhưng mình lại nhớ tới việc có những thiên thần bảo vệ, và nhớ rằng mình có tay có chân có thể rà soát được xung quanh. Nên mình tiếp tục đi.”

Câu hỏi cho chúng ta tự ngẫm đây:
Nếu biết rằng bạn không bao giờ lạc và luôn có thể về nhà thì bạn có đi chơi không?
Nếu biết rằng bạn luôn có thể nhảy mà không sợ sai, không sợ ngốc, không sợ mọi người cười thì bạn có nhảy không?

Câu trả lời của một vài người…nhảy thôi.

Lý trí, cãi vã trong đầu và chủ nghĩa cơ hội

Có một chị chia sẻ sau workshop khám phá Giọng của Phổi một câu mình rất nhớ: “Khi cơ thể mình vui nó sẽ tự hát.” 
Đúng rồi. Và nó sẽ tự nhảy, tự nghỉ.
Là người thích suy ngẫm, đã từng theo học Tin Học & Triết Học và không quá ngốc về mặt logic, mình đã từng là người luôn phải tìm lí do.
Càng sau này mình càng nhận ra cái mình gọi là lí trí toàn là mấy tiếng cãi vã văng vẳng trong đầu. Trong đầu mình luôn có một giàn hợp xướng với các giọng ca khác nhau (ai xem phim hoạt hình Inside Out sẽ rõ). Đi chạm và nhảy nhiều, mình sẽ dần dần nhận ra là điều thực sự đưa mình đi, mình không bao giờ gọi tên được.

Đợt vừa rồi đọc được một câu thấy rất thấm thía trong cuốn Supercoach của bác Michael Neill cũng là một người có tính suy nghĩ quá nhiều:

“Số lí do để mình cần để làm một điều gì tỉ lệ nghịch với mức độ mình thực sự muốn làm nó”.

(“The number of reasons you have to do something is inversely proportional to how much you actually want to do it.”)

Mình càng phải bịa ra nhiều lí do để làm một việc gì đấy thì càng chứng tỏ mình không muốn làm việc đấy.
Điều ngược lại cũng đúng: đã muốn làm thì không phải hỏi tại sao. Ai hỏi, cứ đổ tại bạn “duyên”. 😅

Sướng thì nằm như mèo thôi. 😀 Trông giống Catwoman phết.

Hầu hết cái mình gọi là lí do thực ra chỉ là cớ.
Sống cho chính mình có thể không cần phải nhiều lí do, nhưng để có thể vui chơi hòa hợp với người khác thì phải biết cách kiếm cớ. Nói nôm na ra, cớ là một “mẩu chuyện ngắn” để lý trí (của người khác hay của mình) có thể vin vào cho đỡ sợ khi cái hứng đã muốn kéo mình đi.

Ví dụ 1: đi hội hè này, với nhiều người tập nhảy chỉ là cái cớ. Cái nhiều người muốn thật sự là ba ngày xa cách hẳn khỏi thành phố, cho đầu óc nhẹ bẫng đi. Nhưng mà chỉ đi chơi không thôi như vậy thì phí quá, thôi phải tìm cái cớ là “đi học nhảy”.

Ví dụ 2: Có người hỏi mình tổ chức cái hội hè này để làm gì? Mình có thể giải thích một đống lí do, kiểu “lần đầu tiên xuống An Lạc Trang năm ngoái mình đã có ý định đưa một đống người xuống đây, tạo ra cho họ một trải nghiệm đẹp như điều mình đã từng có.” Mình cũng phải nói như vậy cho cái phần lí trí của mình thấy xuôi tai. Lí do thực sự là thấy có đủ cớ: có hứng sáng tạo, có người giúp xuất hiện, có máu nhảy vào cơ hội, thiên thời địa lợi nhân hòa thì làm thôi. Chủ nghĩa cơ hội mà. 😄

Ví dụ 3: Mỗi người sau khi tham gia về cũng bắt đầu nhìn thấy những chuyển biến bên trong và ngoài cuộc sống. Việc mình đứng ra tổ chức cho mọi người đi trại hè cũng chỉ là cớ cho những chuyện đấy xảy ra. 😋
Bản thân mình sau khi tổ chức nhìn thấy ra bao nhiêu con đường mở ra cho chính mình về chuyện tổ chức, xây dựng cộng đồng hay dạy Contact Improv. Bạn biết suy nghĩ đầu tiên của mình là gì không? “Bó tay, biết thế làm từ trước”. Nhưng mà biết trước thì đã giàu 🤣 Nói đùa vậy thôi chứ thực ra trước đây không làm được đâu, bây giờ mới đủ duyên.

Áp dụng vào bộ môn chạm ngẫu hứng này: trong lúc này, bạn muốn nhảy với ai, nhảy thế nào, thậm chí có muốn đi hội hè không, tất cả những điều đấy đều rất khó giải thích bằng lời.

Nôm na là “thích thì nhích”, nhưng không đơn giản chỉ là mang tính chất bộc phát ham vui nhất thời không lo đến lợi ích sau này. Cái cảm giác thích của mình sẽ dần dần được tinh lọc theo thời gian, để cái gì mình thực sự thích thì cũng thực sự tốt cho tất cả. Đây thường là một quá trình dài, yêu cầu mình chậm lại để lắng nghe xem cái gì đúng, tốt hay thích. Không thể kì vọng ngày một ngày hai là thạo ngay được khả năng lắng nghe này, nhưng luôn có hi vọng là khả năng vốn có của chính mình rất nhiều.
Trong lúc chưa thạo thì mình vẫn phải kiếm cớ để nhảy. Chỉ cần nhớ là cớ chỉ là cớ, không hơn không kém.

Một trong những tác dụng phụ rất rất hay từ ngày thực hành Chạm Ngẫu Hứng (và các hình thức ngẫu hững khác) là học được cách đưa ra quyết định tốt. Đôi lúc cũng trăn trở mất thời gian tí, nhưng nói chung là nhạy bén hơn rất nhiều.

Có người gọi cái trực giác là một dạng năng lực tâm linh. Mình thì thấy kiểu trực giác này có nhiều cơ sở khoa học hơn. Mình kiểm chứng nhiều lần, thấy đúng nhiều hơn sai (đúng nghĩa là bên trong thấy thật sung sướng sau khi đưa quyết định) mình mới dám đi theo sự mách bảo không lời nhiều hơn. Chứ cứ hứng lên mà làm vô tội vạ, không học từ trải nghiệm của mình, càng làm càng thấy khổ thì ngỏm.

Mấy người hay lãng mạn hóa chuyện đi theo tiếng gọi từ bên trong như kiểu định mệnh tìm được ý trung nhân, từ bỏ công việc, chuyển sang thành phố mới v.v. Không có gì sai, nhưng tại sao phải đợi đến lúc có những quyết định then chốt, cần nghe mới giỏng tai lên nghe? Nếu giọng nói không lời đấy thực sự tốt thì tội gì không nghe nhiều hơn. 😀

Muốn lắng nghe được tốt thì phải tập lắng nghe hàng ngày (từ chuyên môn là “chánh niệm” nhưng mà nghe hơi xa xôi). Mình luôn có thể tiếp tục rèn trực giác. Trong tin học, cái này gọi là Machine Learning, vứt dữ liệu cho máy tự học & đúc kết kinh nghiệm và phán đoán. Bên ngoài thì gọi là Trường Đời dạy cho mình Khôn ra 😄.

Nói đến đây phải nói đến một ý quan trọng mà nhiều người hiểu nhầm. Không có lí do tức là không có suy nghĩ gì.
Ai bảo suy nghĩ không phải là một phần của Sự Sống?
Là người kiếm cơm bằng việc động não chính rồi mới động người (và hi vọng là đều bắt đầu từ động lòng), mình thấy suy nghĩ quá quan trọng luôn. Không có suy nghĩ thì lấy đâu ra bài viết này?
Cái quan trọng là mình để ý xem suy nghĩ của mình đang đưa mình tới đâu. Suy nghĩ đến rồi đi như những chuyến xe bus, và mình có thể nhảy lên và nhảy xuống lúc nào mình thấy phù hợp. Khi mình có thể nhảy lên nhảy xuống làn xe bus trong đầu một cách nhẹ nhàng hơn, mình sẽ bắt đầu thấy là mình làm việc mà không cần quá nhiều lí do như trước nữa.

Sự Sống luôn tiếp tục…

Nói xa xôi hơn tí, bất kể cá nhân mình có đưa ra lí do gì không, tốt hay xấu, nên hay không nên, Sự Sống vẫn tiếp tục.
Câu hỏi là mình cho phép mình bao nhiêu để đi theo hướng của Sự Sống?
Lúc đấy là khi mình được sống đã hơn. Lúc đấy mình cũng sẽ nhận ra rõ hơn mình là một phần thiết yếu của Sự Sống.
Nhiều người cũng giống mình có cảm giác nhiều Sự Sống trong và sau thời gian hội hè. Có lẽ nó đi từ bản năng rất sâu của con người. Khi mình vận động cơ thể, nhảy múa ca hát với người khác không có chủ đích gì, mình sẻ cảm thấy Sự Sống rõ hơn. Nếu bạn để ý, lúc mình thực sự để Sự Sống dẫn dắt cũng là lúc mình vui nhất. Trẻ con chưa lớn vui một kiểu, người đã lớn rồi vui như trẻ lại một kiểu khác.

.…nhưng không phải lúc nào cũng tràn trề

ảnh vui minh họa, chú tiểu ở giữa cười vỡ mặt 🤣

Đi theo Sự Sống không phải là lúc nào cũng tăng động dửng mỡ nhé. Sự Sống hiện diện kể cả lúc mệt không muốn làm gì chỉ muốn ngủ, lúc chán không quơ quào tay chân nữa chỉ muốn lặng yên, lúc thấy nói chuyện nhiều chỉ muốn nhìn nhau với một ánh mắt trân trọng,

Trong hội hè, có người hỏi mình về ngẫu hứng là “Đôi khi mất hứng phải làm thế nào?” Bật ra từ mình là một câu hỏi “Không biết hứng đến từ đâu?” Cái sự bật ra đấy là Sự Sống làm, không phải mình làm.

Giờ mình vẫn đang đi theo câu hỏi đấy để tìm cảm hứng. Càng để ý càng thấy cảm hứng không phụ thuộc nhiều vào môi trường bên ngoài bằng độ sạch của ngôi nhà bên trong.
Ví dụ là mình viết nhiều, mỗi khi bế tắc sẽ thường đi bộ, không phải đi tìm cảm hứng mà là đi để dọn nhà. “Nhà sạch thì mát”, các bạn còn nhớ không?

Đẹp trong đẹp ngoài

Cái môn Chạm Ngấu Hứng CI này thật là dị. Trong tất cả các môn nhảy múa nghệ thuật khác thì chắc môn này xếp hạng bét về ăn mặc đẹp. Đi nhảy mà như đi làm ruộng. 

Trước và sau… cái áo đã rách tả tơi đủ để cho vào bảo tàng (thay vì làm giẻ lau nhà). 

Quần dài áo có vai, trai gái thường như nhau tuốt. Thế nhưng cái vẻ đẹp chân chất đó đã chạm đến lòng mình.
Dù không phải là dân múa, mình cũng đã đi xem biểu diễn nhiều môn từ breakdance cho đến ballet, salsa hay đương đại v.v.. Rất nhiều vở biểu diễn làm mình thốt lên “đẹp quá”. Môn CI này là môn đầu tiên mình ngắm mọi người nhảy mà thốt lên “Hay thế, mình cũng muốn thử!”

Một phần vì CI trông có vẻ dễ (cũng đúng so với rất nhiều bộ môn khác).
Hai là nó dành cho những người thích tham gia nhiều hơn hưởng thụ. Cốt lõi của nó là ngẫu hứng thay vì biểu diễn, và thường là khi mình nhìn một cặp nhảy với nhau họ chẳng còn hơi đâu để để ý đến mình. Có một điều gì đó trong sự vô tư và thực tại đấy làm cho mình thích ngắm họ.

Mặc dù về mặt hình thức thì chẳng có gì quá hoa mỹ, nhưng những chuyển động rất đơn giản lại thường thấy rất cuốn hút.Nó luôn có điều gì đấy rất sống động (vì mỗi một khoảnh khắc lại dẫn tới khoảnh khắc sau, không dự đoán được), gần gũi (không phải gần nữa mà là chạm) và thật (vì ngẫu hứng thì không biết giả vờ thế nào).

Vì thế nên việc ngắm mọi người nhảy rất sướng mắt và làm mình ngứa nghề. Nhìn từng người nhảy mà mình có cảm giác mình biết rõ họ hơn.
Mình thấy đẹp vì không chỉ về mặt kĩ thuật hay động tác mà chủ yếu vì sự hiện diện thật của con người, với về tính cách và phẩm chất riêng của họ. 
Mình nhìn được vẻ đẹp vốn sẵn của họ đươc gợi ra khi họ không cố phải như thế này như thế nọ theo một hình tướng nhất định nữa. Người thật việc thật, dù không hoành tráng nhưng luôn có sự tươi mới. Nó đẹp như một bông hoa trên cành thay vì một bình hoa nghệ thuật. 

Nói chung tùy gu từng người. Trước đây mình thường thích khám phá vẻ đẹp sẵn có hơn là tự tạo ra một cái gì đấy. Giờ mình đang thử thích cả hai. 


Là người đã thực hành CI một chút, mình sau này để ý được rằng đôi khi có những đoạn nhảy trông ngoài chả có gì nhưng bên trong lại có rất rất nhiều sự thân mật ngọt ngào chỉ qua từng cử chỉ nhỏ (cái này dễ làm nổi cơn ghen).
Ngược lại, cũng có những đoạn nhảy kĩ thuật rất hoành tráng bay lượn ầm ầm nhưng cảm giác cứ thấy thiếu cá tính, thiếu hồn kiểu gì.
Kết luận là phải có cả hai.
Chỉ có hồn mà không có xác, ý tưởng mà không có hành động, khái niệm mà không có động tác, có kết nối mà không có kĩ thuật thì sẽ cảm thấy vô định hình, chưa kịp ngắm đã trôi dạt mất tiêu.
Chỉ có xác mà mất đi phần hồn, hành động mà quên đi cảm hứng, chuyển động mà không có sự sống thì cũng sẽ thấy nhàm rất nhanh.

Nói đến đây cũng muốn chia sẻ một trong những điều mình rất rất ưng về hội Chạm Ngẫu Hứng nhà mình. So với nhiều bên nước ngoài, hội nhà mình có vẻ sự chú trọng về mặt hình thức & ăn mặc. Có thể là do nó được bắt đầu du nhập qua hội chị em phụ nữ với độ quan tâm đến hình ảnh cao hơn chăng? Có khi nào hội lần sau chúng ta sẽ tổ chức cuộc thi thời trang CNH? 😆

Kết: bình thường hóa

Hôm tối thứ năm tổ chức workshop trước ngày đi, có một bài tập ngẫu hứng nhóm ngắn.
Mọi người đứng sang hai bên, rồi một người xung phong vào làm một động tác gì đấy lặp đi lặp lại. Xong rồi làm một lúc có thêm một người khác vào làm một cái gì đấy khác tương tác. Rồi từ từ cứ thế mà vào tiếp.

Có một người làm chuyện điên điên thì thấy nó điên, người khác nhảy vào thì thấy đỡ điên hơn, nhiều người vào nữa thì thấy nó cũng thường.

Có thể áp dụng điều này vào trại hè. Khái niệm “Trại hè cho người lớn nhảy múa” là một điều có vẻ không tưởng cho người bình thường ở nhà mình, thậm chí kể cả dân nghệ sĩ.
Có khi nào bạn dần dần nhìn ra là chuyện nhảy múa vô cớ mới là bình thường, còn nhiều chuyện trong cuộc sống đi làm mới gọi là không bình thường theo kiểu đi ngược với nguyện vọng chính đáng của bản thân? Lúc đấy bạn sẽ thấy được mở ra một thế giới Mới và Thân Quen (“a new and ancient story” bởi tác giả Charles Eisenstein).

Mình chỉ đợi mọi người đến một ngày cười vào mặt mình “THƯỜNG THÔI”. Cho đến khi đấy, mình sẽ vẫn tiếp tục làm chuyện bất thường. 😆

Đợi một ngày được xem cho lá bài Tarot “thường thôi” 😆

Tái bút: Đợi chuyến đò sau

Sau hội hè, mình có kể với anh Tùng là đợt này có nhiều người không đi được vì đã quá đông, mình cũng thấy hơi tiếc cho họ. Anh bảo “Có những lúc anh quan sát bản thân thấy mình cũng vướng vào cái ham muốn được giúp người khác. Nó cũng là một ham muốn. Nhưng mà không vội, luôn có chuyến đò sau. Không có đò của mình thì sẽ có đò của người khác.”

Mình mới ngộ ra là mình muốn giúp người khác, nhưng khi cả mình và người ta cùng chưa sẵn sàng, về tinh thần, về khả năng tổ chức, về tài chính v.v. thì thôi (càng lớn càng thấy tiền cũng chỉ là cái cớ. Bây giờ bảo bạn bỏ 3tr được gặp riêng bữa tối với một thần tượng bạn đã theo bấy lâu nay bạn có đi vay tiền để đi không?)
Không có chuyến đò này, thì sẽ có chuyến đò sau khi cả hai bên sẵn sàng.
Chúc bạn và mình cùng “không vội, và vẫn xí lấy cơ hội“.

Ai quan tâm đến những chuyến đò sau thì theo dõi trên Fb page Vietnam Contact Improv nhé.  Hẹn bạn đi về với chính mình rồi đi chơi loanh quanh.




Ăn gian đoạn kết: ăn mừng tập 2 

Vì đây là một ngày vui, để mình kể nốt chuyện Siddhartha đã mở đầu bài viết này.
Khi bạn Siddhartha đi từ rừng quay lại thị trấn, bạn lần đầu nhìn thấy chị Kamala, một chị kiều nữ xinh đẹp lung linh được rước kiệu qua đường. Bạn Siddhartha này thấy chị đẹp quá, đứng ra giữa đường đòi gặp. 
Chị này thấy bạn này đầu tóc bù xù ăn mặc rách rưới đuổi đi, nhưng bạn ấy cứng đầu vẫn đứng đấy nên chị bèn hỏi “Cậu kia, rách rưới hôi hám như vậy làm được gì?”
Siddhartha nghĩ một xíu đáp lại: “Tôi có thể nghĩ, tôi có thể đợi, tôi có thể nhịn”. (“I can think, I can wait, I can fast”)
Chị Kamala này ngạc nhiên vì câu trả lời có vẻ không liên quan lắm, nhưng cảm thấy một điều gì đấy đặc biệt từ anh chàng này nên cho người hầu đưa đi cắt tóc gội rửa và khi xong thì thấy bạn này cũng khá Bảnh.

Vào tình huống đấy, trước đây mình cũng có thể nói một câu sâu sắc hay ho như vậy. Giờ mình sẽ vẫn nói thế nhưng sau đấy sẽ bắt đầu nhảy múa.
“I can think, I can wait, I can fast”. I CAN ALSO DANCE! HALLELUJAH!!!

Bạn tự rút ra bài học rồi bảo lại mình nhé, mình tiếp tục múa người, múa lưỡi, múa bàn phím đây. 

sướng lè lưỡi…

Contact High & Vulnerability Hangover

On being too high and open from dancing

(tiếng Việt ở dưới)
Context: this is one short reflection after co-organizing and co-leading the first Vietnamese-based CI camp in July 2020. About half of people were new to CI. The overall experience was extremely positive, which was a blessing given it’s probably the first CI camp in the world post-COVID. (We did mention to the participants its significance!)

I’m writing both as a CI practitioner and an Art of Hosting facilitator, and I will draw some parallels between the two practices. Some of the connections may seem tenuous, so please bear with me by contributing your thoughts.

Closing dance on Sunday with lots of hugs and joyful tears.


What happens when you are open up to a group of new people in just three days in ways that would take other friends years? When you dance more than you imagine possible? When your body touches and is touched with an amount that you thought could fulfill your touchy need for weeks, even months? For some people at the camp, this was more touch than their entire life thus far.

You may experience what’s often known in the community as Contact High.
And then a kind of physical Vulnerability Hangover. First coined by Brene Brown, it’s “the feeling that sweeps over us after we feel the need to connect… and we share something deeply meaningful. Minutes, hours, or days later, we begin to feel regret sweep over us like a warm wave of nausea.”
In our case, it’s the sense than you want to hug everyone and touch everything to the point where people in your life look at you like you just got some love bugs.
Did I hug someone too tight? Danced too much? Shared too much of my joy of discovering each other?
Unlike the alcohol hangover which left us feeling numb, this kind of vulnerability hangover is actually a sign of us becoming more open to the world. It’s a good thing that many of us are not used to.


Why bother to practice being open and in contact with other bodies and with the body of the world?
One possible answer is that it’s a place of so much potential for fun, joy, love, all the juiciness that we long for but rarely dare to express.
The real answer is that there is no reason whatsoever. That is who we are and have always been.
When we were planning for the camp, one of our intended impacts is for everyone to “know more, see more and be okay with more”.
Indeed, as one of the organizers, my highest hope is to help create an experiential space for all of us to explore, to go high, far and deep and to remember more fully who we are as fleshy, embodied human.
For that, we first need to be able to invite the physical patterns and emotional imprints that are already there to reveal. Then we hold them in a loving, nurturing atmosphere.


Contact Improvisation can be a very powerful approach for self-discovery and inter-personal learning.
The owner of the dojo that we used for the camp, an Aikido and Kendo practitioner, commented that a Contact Improv camp like this is a powerful and rapid approach to facilitate people to open up physically and emotionally.
Indeed, we packed in these three days more experiences and human connection than many other intensive personal development programs.

It’s important to set that intention of opening up and making it known to everyone. It’s even more so to let people know that they can always choose not to and stay in their own me-space.

Reflecting from our camp, it was wonderful that the whole opening up process was held in an atmosphere of loving, maternal care, in beautiful nature and with incredibly healthful vegetarian food.
The upside is the incredible energy the camp has released – people already feel more free, connected and energized to make the next one happen.
The potential downside is that you may feel too free to the point of being disoriented at first.

When you are more open to a new world like this, you feel more, know more and see more. As such, you can get lost or confused.
Once you have an glimpse of what liberation from past personal physical patterns feels like, later on your own, you might find yourself experiencing something strange. Sometimes it’s unbridled joy, like you just begin smiling for no reason. Sometimes it’s deeper trauma, grief or other unprocessed emotions surfacing. It’s part of the releasing and lightening, like gunk coming out of a clogged pipe.

It may help to know that sometimes it can get uncontrollable and yucky. Then you won’t freak out too much. Even if you do, you will be mentally prepared that it is not uncommon.

It helps a lot to practice some loving-kindness like sending prayers or just smiling together as each individual and as a group before, during and after. As we lift each other up and out of our own habitual patterns, we may have to safeport them first, i.e to let people know what they are getting into.


The more open, the more you are in contact, the more chances you will get hurt. There is always risk. Yet it doesn’t always have to.

That’s why the first principle is “take care of yourself”. It applies after you are done dancing too.
In concrete terms, you may practice allowing yourselves to relax by conscious breathing, especially deepening the exhalation. This will help you lightening up. You also practice fall in love with the floors and learn – mostly by exploring – the many ways to come back to the literal floor beneath our feet and the metaphorical floor of your internal balance.


More tips on taking care of yourself after getting Contact High:
First, congratulate yourself. It’s an incredible experience that not everyone would have. It’s a privilege of many life times, and it’s definitely worth celebrating!

Practice gratitude: with anything and anyone. Expressing it in your own ways. Remember how grateful it is be able to breathe through all the overwhelming emotions, good or bad.
I personally remember my gratitude to be able to dance, host and more generally to be on this path of becoming more of myself – free, open, loving.

Do your favorite self-care: go for walk, meditate, eat good food, journal etc.. A friend of mine lives near a beach, so she goes there and cries.

Ask if other participants may have a similar experience: Here we put everyone in a big group chat, but if you are uncomfortable asking the group you can pick someone to ask “I am having some strange experience after the camp, I wonder if I could share with you?”


The second principle is “take care of others”. As we shared in the class on lifting, when you bring someone up, you can help them come down too. Not everyone can come down on their own, especially if they haven’t consented to being lifted up.
It’s common and normal for many, not just beginners, to be drawn to the sexy moves like lifts. Even though there would be as many opinions as there are many teachers about the topic of when to teach what, the principle here is that as the lifter, you can help. While you don’t technically have to (especially if your dance partner is supposed to be able to take care of himself), you may want to as caring for other people is simply a wonderful thing that will fill your heart.

You can help as you pay attention to the point of contact and where to leverage each body in the upward movement as well as how you bring them down in the downward movement
Here is a simple example. In the table pose, if you are under dancer, you can bring the over-dancer down easily by sitting back with your butts on your feet, i.e returning to the child pose.

Slowly, you may discover that the entire journey is wonderful in each phase, not only at the top. More importantly, as the pros know, the smooth and beautiful quality of the movement comes from paying attention to those small transitions. 😀

Lastly, let me offer a dedication: “May we learn whatever we need to learn to be who we really are. May the lessons be gentle, even pleasurable, to us and those around us”.
With that, I wish you a smooth dance and journey of discovery.

Say Chạm & Xỉn Hậu Mở Lòng

Về chuyện vui buồn lẫn lộn sau khi nhảy múa bung lụa

(cám ơn anh Đạo Nguyễn đã dịch)


Ghi chú:đây là một chiêm nghiệm ngắn sau khi đồng tổ chức và dẫn dắt Hội Hè Chạm Ngẫu Hứng đầu tiên cho người Việt vào tháng 7/2020. Một nửa trong số những người tham gia lần đầu tiên tiếp xúc với Chạm Ngẫu Hứng. Cảm nhận chung cực kỳ tích cực, như thể đó là một phước lành được ông trời ban cho Hội Hè Chạm Ngẫu Hứng có lẽ là đầu tiên sau COVID trên toàn thế giới. (Chúng mình cũng đã nói với những người tham gia về sự quan trọng này!)

Mình viết với tư cách vừa là một người thực hành CNH và một người tổ chức kiêm điều phối. Mình sẽ chỉ ra một vài mối liên hệ giữa hai mảng này, Một vài ý sẽ hơi mong manh, vì thế hãy giúp mình bằng cách chia sẻ những suy nghĩ của bạn nhé.


Điều gì sẽ xảy ra khi bạn mở lòng mình với một nhóm bạn mới gặp chỉ trong vòng 3 ngày, điều mà người khác phải mất nhiều năm để làm được? Khi bạn nhảy theo cách còn hơn cả trí tưởng tượng? Khi mà cơ thể bạn chạm và được chạm nhiều đến độ bạn đã nghĩ là quá đủ cho nhu cầu ấy trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng? Đối với một số người ở Hội Hè, thậm chí còn nhiều hơn cả những chạm họ có từ khi sinh ra tới bây giờ.
Bạn có thể trải nghiệm thứ mà thường được biết tới trong cộng động Chạm Ngẫu Hứng như là “Say Chạm”.  Và tiếp đó là “Xỉn Hậu Mở Lòng”, một thuật ngữ lần đầu tiên được gọi tên bởi Brene Brown: “cảm giác choáng ngợp sau khi chúng ta cảm nhận nhu cầu được kết nối…và chia sẻ điều gì đó ý nghĩa rất sâu. Hàng phút, hàng giờ, hoặc nhiều ngày sau, chúng ta bắt đầu cảm nhận được sự tiếc nuối xâm chiếm chúng ta như thể một cơn say nồng ấm.”

Với chúng mình, đó là xúc cảm khi bạn muốn ôm tất cả mọi người và chạm tất cả mọi thứ đến độ người khác tưởng bạn bị thần tình yêu nhập vào. Có phải mình đã ôm ai đó quá chặt? Đã nhảy quá nhiều? Đã chia sẻ niềm vui quá mức từ việc khám phá nhau?

Không giống như cơn say do rượu chè, say hậu cởi mở là dấu hiệu khi bạn đang trở nên cởi mở hơn với thế giới. Đây là một điều tốt, chỉ là mình chưa quen thôi. Nhiều khi sướng quá mình không chịu được.


Tại sao bạn lại nên thực hành mở lòng và kết nối với các cơ thể khác cũng như với thế giới?

Một câu trả lời là điều đó sẽ đem lại rất nhiều niềm vui, an lạc, tình yêu và tất cả những nhựa sống mà chúng ta hằng khao khát nhưng hiếm khi bộc lộ ra.

Thực sự cũng chẳng có lí do gì. Chạm/kết nối đã, đang và sẽ mãi là bản chất của chúng ta.

Khi đang lên kế hoạch cho Hội Hè, một trong những dự định của chúng mình là tạo ra hiệu ứng để tất cả mọi người “biết nhiều hơn, thấy nhiều hơn và okay với nhiều điều hơn”.

Thực tình với tư cách là một thành viên trong BTC, hy vọng lớn nhất của mình là góp phần tạo ra một không gian thể nghiệm cho tất cả để khám phá, để bay lên cao, đi thật xa và chìm xuống thật sâu, để nhớ lại rằng chúng ta đang sống như là những con người với cơ thể và xác thịt nóng hổi.

Để làm được việc đó, chúng ta đầu tiên cần phải mời gọi những khuôn mẫu và dấu ấn cảm xúc sẵn có bên trong được lộ diện ra bên ngoài. Sau đó, chúng ta sẽ chào đón và ôm ấp chúng trong bầu không khí đầy tình thương yêu và chăm sóc.


Chạm Ngẫu Hứng có thể là một cách tiếp cận rất mạnh mẽ trên con đường khám phá bản thể và học hỏi sự tương tác giữa mọi người với nhau.

Chủ nhân của võ đường nơi chúng tôi tổ chức hội hè là một người luyện tập Aikido và Kendo. Anh Tùng đã nói rằng Hội Hè Chạm Ngẫu Hứng như thế này là một cách đi khá nhanh và mạnh để giúp mọi người cởi mở hơn cả về mặt thể xác lẫn cảm xúc.

Quả thật vậy, chúng ta đã khép lại 3 ngày với những trải nghiệm và kết nối nhân văn nhiều hơn bất kỳ những chương trình phát triển bản thân nào.

Thật là tuyệt khi cả quá trình mở lòng được diễn ra trong bầu không khí của yêu thương, chăm sóc ân cần đầy tính nữ, và với những bữa ăn chay vô cùng lành mạnh nữa.

Mặt tích cực là một lượng đáng kể năng lượng đã được Hội Hè giải phóng – tất cả mọi người đều cảm thấy tự do hơn, kết nối và sạc đầy pin, sẵn sàng cho lần Hội Hè sau.

Còn mặt tiêu cực có lẽ là bạn sẽ cảm thấy quá tự do, đến mức hơi mất phương hướng một chút.

Khi bạn mở lòng hơn với một thế giới mới như vậy, bạn cảm thấy nhiều hơn, biết nhiều hơn và nhìn thấy nhiều hơn. Bạn có thể sẽ bị lạc và cảm thấy phân vân.

Một khi bạn đã cảm nhận được tia sáng của sự giải thoát từ ký ức của những khuôn mẫu kết nối cơ thể đầy tính cá nhân như này, bạn sẽ thấy mình trải nghiệm một điều gì đó khá lạ lẫm. Đôi khi có thể là sự hoan lạc không giới hạn, giống như khi bạn bỗng mỉm cười chẳng vì lý do nào cả.

Đôi khi lại là một vết thương lòng từ rất sâu, một nỗi buồn man mác hoặc một cảm xúc chưa được hiểu bỗng trồi lên. Đó là một phần của quá trình giải phóng và thanh tẩy, như việc thau rửa đường ống nước bị tắc.

Thậm chí đôi khi bạn sẽ cảm thấy mất kiểm soát hoặc kỳ quặc. Nếu biết trước như vậy thì bạn sẽ không hoảng hốt nữa. Và kể cả nếu bạn có hoảng hốt đi nữa thì bạn cũng đã chuẩn bị tâm lý trước rằng điều này cũng bình thường thôi.

Sẽ rất hữu ích nếu bạn thực hành lòng từ bi yêu thương ví như gửi tới lời cầu nguyện hoặc chỉ đơn giản là mỉm cười cùng với nhau trong và sau khi Hội Hè diễn ra. Để có thể nâng đỡ nhau vượt thoát khỏi những khuôn mẫu thói quen, chúng ta có lẽ phải đưa ra những chỉ dẫn an toàn trước đã, như cho mọi người biết là họ sẽ trải nghiệm những gì chẳng hạn.


Bạn cởi mở nhiều chừng nào thì sẽ kết nối nhiều chừng ấy, và dĩ nhiên là càng có nhiều khả năng bị tổn thương. Luôn luôn có rủi ro. Dĩ không phải lúc nào cũng cần như thế.

Chính vì thế mà nguyên tắc đầu tiên là “quan tâm đến mình trước”. Và nó được áp dụng ngay cả sau khi điệu nhảy kết thúc.

Nói nôm na rằng, bạn có thể thực hành điều đó bằng cách cho phép bản thân thư giãn bằng những hơi thở có ý thức, nhất là khi bạn muốn thư giãn sâu. Kỹ thuật này sẽ giúp ánh sáng bên trong bạn được tỏa ra nhiều hơn.

Bạn cũng có thể thực hành Chạm Ngẫu Hứng bằng cách yêu mặt sàn và học – chủ yếu là bằng cách khám phá – các cách khác nhau để quay trở về kết nối với mặt sàn dưới chân và một cách ẩn dụ, mặt phẳng thăng bằng bên trong bạn.


Một số gợi ý cụ thể giúp bạn quan tâm chăm sóc mình sau khi phê chạm:

Đầu tiên, chúc mừng bản thân. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời mà không phải ai cũng có. Thật đấy!

Hãy chiều chuộng mình: đi tản bộ, thiền, ăn món gì đó thật ngon, viết nhật ký…vân vân mây mây. Một cô bạn của mình sống gần biển nên cô ấy đã ra gặp biển và để cho nước mắt được tuôn.

Hỏi thăm những người khác xem họ có trải nghiệm giống mình không: Ở đây, chúng mình lập một group chat để mọi người cùng chia sẻ, nhưng nếu bạn cảm thấy không thoải mái bộc bạch trước nhóm thì có thể tâm sự vùng kín với nhau cũng được. Bạn có thể hỏi, “sau Hội Hè mình có những trải nghiệm như này, không biết là bạn có giống mình không?” Hỏi những người mình thấy có vẻ có kinh nghiệm mà chín chắn.

Thực hành lòng biết ơn: với bất kỳ ai và bất kỳ điều gì. Thể hiện nó theo cách của riêng bạn, hãy nhớ biết ơn là bạn đã vượt qua nhiều cảm xúc mạnh đến choáng ngợp, dẫu là tích cực hay tiêu cực.

Cá nhân mình thì luôn nhắc mình biết ơn đã có thể nhảy, có thể làm ban tổ chức, và nhất là mình đang đi đúng hướng trên con đường khám phá bản thân, để trở nên ngày một tự do, cởi mở và nhiều tình thương hơn.


Nguyên lý thứ hai là “quan tâm đến người khác”. Giống như khi chúng mình đã chia sẻ trên lớp, rằng nếu bạn có thể nâng ai lên thì bạn cũng có thể đỡ họ xuống. Không phải ai cũng có thể tự đi xuống, nhất là khi họ chưa đồng ý để bạn nâng lên. Cũng không có gì là lạ với nhiều người, nhất là những người mới, bị hấp dẫn bởi những chuyển động rất gợi cảm, như là được bế lên. Dù mỗi người hướng dẫn đều có ý kiến khác nhau về việc khi nào thì nên dạy điều này, nguyên lý ở đây vẫn luôn là vậy thôi, nâng lên được thì đỡ xuống được. Trong khi bạn không hẳn cần phải làm vậy (đặc biệt là khi bạn nhảy có thể tự chăm sóc được mình), bạn có thể muốn đỡ họ xuống đơn giản như là một cử chỉ chăm sóc để khiến tình thương tràn đầy trái tim mình.

Bạn có thể giúp họ bằng cách chú ý tới điểm chạm và tới điểm tựa cho mỗi cơ thể được nâng lên hay hạ xuống.

Đây là một ví dụ đơn giản: Ở tư thế cái bàn (bò trên đầu gối), nếu bạn ở phía dưới, bạn có thể nâng bạn nhảy lên dễ dàng chỉ bằng cách chuyển sang tư thế ngồi trên gót chân, rồi từ từ sang tư thế em bé như trong Yoga.

Dần dà, bạn có thể khám phá ra rằng từng chặng trong toàn bộ hành trình đều tuyệt vời, không chỉ với người được nâng. Quan trọng hơn, điều mà những tay chuyên nghiệp đều biết, là sự chú ý tới từng dịch chuyển nhỏ sẽ làm cho trải nghiệm êm ái và đẹp hơn.

Cuối cùng, mình muốn chúc mọi người  “mong chúng học được tất cả những gì chúng ta cần học, để là chính mình, và mong cho bài học này sẽ êm ái, thậm chí là đầy shung shướng, đối với chính mình và mọi người xung quanh”.

Chúc các bạn một hành trình khám phá và những điệu nhảy thật đẹp, và hi vọng được tiếp tục với bạn.

Khuyến