Ngả về phía Đời

NGẢ, ĐÚNG HƯỚNG

Hồi lâu rồi, nghe ở đâu đó một câu chuyện về Đức Phật, chẳng biết có thật không mà được cái hay và liên quan nên kể lại cho mọi người. Ai thấy chạm thì share hộ mình nhá.

Ngày xửa ngày xưa, có một ông phật tử nọ vốn ham chơi, lười nhác, vụng về, mà được cái thích nghe Phật dạy.
Mỗi lần đến nghe Phật giảng, ông ấy đều thấy hay lắm, sáng láng lắm, có động lực tinh tấn tu hành lắm. Xong rồi về nhà lại ngựa quen đường cũ, lại lười nhác, chểnh mảng, chơi bời, sa ngã vào thói quen.
Một ngày nọ diện kiến Phật, ông này liều mạng hỏi
“Đức Phật, ngài khí chất ngời ngời sáng lạng như vậy nên tu hành mới tốt. Tôi không được như vậy nên cứ chật vật vấp ngã thế này mãi. Ngài có lời khuyên gì cho tôi không?”
Bình thường Đức Phật không cho lời khuyên gì (vì mỗi người một cuộc hành trình tự ngộ mà), nhưng hôm đó Phật phá lệ.
“Có đấy. Ông có muốn nghe không?” Phật đáp.
Ông ấy sững lại. Hội chúng cũng sững lại, đợi xem Phật nói gì.
“Vấp ngã cũng được. Miễn là cứ ngả về đúng hướng”.


NGẢ THAY VÌ NGÃ
Một trong những điều lớn nhất mình học được từ Chạm Ngẫu Hứng là cách tiếp đất.
Lúc đầu ai chả sợ bị ngã. Cũng vì thế nên một bài tập căn bản trong Chạm là “ngả xuống sàn”. Thay vì bị ngã thì chủ động ngả, hai từ khác mỗi cái dấu mà cảm giác khác hoàn toàn!
Tự mỗi người tìm các cách để ngả xuống và về vứi mặt sàn. Làm như thế nào mà nhẹ nhất, sướng nhất, thuận nhất.

Mình dần học cách bước nhẹ, đáp nhẹ, rơi nhẹ, sống nhẹ.
Mà không phải là vì mình chỉ có sự nhẹ nhàng thướt tha nhé. Mình vốn là dân sồn sồn tăng động, thích bay nhảy.
Chính vì thế nên mới cần học cách tiếp đất, để rồi tha hồ mà bay nhảy huỳnh huỵch, vật lộn các kiểu.
Tính muốn chơi vui, nên cần luyện cách không làm đau mình hay đau ai khác.
Dần dần thấy việc ngã không còn ghê như trước, thậm chí là còn thấy hay.
Quan trọng hơn, mình dần thấy thoải mái hơn việc ngả về phía trước, nương vào không gian. Mình học cách yêu không gian trống hơn, thỉnh thoảng còn hát lên câu thần chú “YÊ, KHÔNG GIAN!” Rồi cho mình rơi tự do, dù chỉ trong tích tắc.
Và khi cơ thể này làm được, tâm trí cũng làm được.
Lúc đấy thì không chỉ là nói đạo lý nữa mà sống với nó hơn.

Nó cùng là điều mình đang hướng tới ở Nguyên Vẹn: không phải là không bao giờ vấp ngã, không phải là biết cách đứng dậy sau mỗi lần như thế, mà là học cách ngả & tận hưởng việc đó 🙂

(Clip minh họa việc ngả hồi 2018, mà ngả ở sàn gạch trong chùa luôn 😅)


NGẢ VỀ PHÍA ĐỜI

Đợt này dịch, chắc nhiều người cũng cảm thấy hơi chênh vênh.
Bản thân mình thấy cũng vấp ngã hơi nhiều, trong cuộc sống, công việc hay tình cảm.
Nhiều thứ không đi theo ý muốn của mình. Đặc biệt là bản thân mình cũng không làm theo lý trí của mình 😂 Cũng dẫm vào chân người khác nhiều lần, làm họ khó chịu.
Mình cũng hơi buồn, hơi chùn chân. Thấy mình hơi vụng.
Có người bảo là “sao mày thích kiểm soát thế? buông đi em ei”.
Vâng, em cũng đang buông đây, mà trước khi buông thì phải nhắm đúng theo hướng mình muốn tới đã.
Chứ không thì lại thành trôi vô định đội lốt “go with the flow / thuận theo dòng chảy” rồi trốn tránh trách nhiệm với cuộc đời.


Sáng đầu tuần lại nhớ tới câu chuyện ngả đúng hướng này, thấy một phần được an ủi, chấp nhận chuyện bản thân vấp ngã, dù là thất bại với dự định của mình hay làm người khác bị ảnh hưởng.

Một phần khác thấy được động viên: à, ít nhất là mình đang ngả về phía đời, gần với đời hơn sau mỗi cú ngả này.

Tự nhắn nhủ:

Nhắm đúng hướng rồi ngả tiếp.
Vừa ngả vừa học cách tiếp đất nhẹ nhàng.
Cứ thế mà ngả. Chả mấy chốc biết đi, biết chạy, thậm chí là biết bay!

Chúc mọi người thay vì vấp ngã thì ngả đúng hướng, ngả nhẹ, và cứ thể mà ngả.

(và hi vọng hết dịch sớm để còn được tập ngả về phía trước, ngả vào nhau trong Chạm!)

Ngả về phía đời nào…

Advertisement

Càng Khổ Càng Sướng

Phần 3 trong series, phần 1 Khổ có gì Sướng và phần 2 Sướng có gì Khổ.

“Em còn không biết là em cứng đơ như thế”.
Một bạn nam trong lớp Chạm Ngẫu Hứng cuối năm hôm nọ chia sẻ. Lớp nhỏ, có mỗi sáu người, nên mọi người cảm thấy thoải mái hơn.
Bạn này nhìn qua FB ads, tò mò đến làm mình rất vui, vì chả mấy khi gặp người dám đi theo sự tò mò của mình.
Làm một bài tập nhỏ để hai bạn một cặp, một người đứng yên thoải mái, còn bạn kia thì nâng tay bạn đứng yên lên để cảm nhận xem cái tay của người kia nặng nhẹ thế nào.

Được cặp với một bạn nữ xinh xắn, bạn trai này người cứng đơ, cứ nhìn mình xem phải làm thế nào. Thấy bạn ý căng như dây đàn, mình ra dấu cho bạn ấy hít một hơi thở vào người rồi nói nhỏ “Không cần nhìn, mất tập trung, để sự chú ý của mình vào lòng bàn tay của mình rồi tự mình xem.” Bạn ấy cũng rón rén nâng tự mình nâng được, nhìn vừa tội vừa dễ thương.

Chán chả muốn giúp người khác nữa

See the source image
Chán lắm rồi, những thứ trước đây vui nhất nhất bây giờ cũng nhạt

Dạy người mới, nhiều khi mình mất kiên nhẫn. Kiểu nản “ôi mấy cái căn bản này mà mất công giải thích”, hay phán xét “ôi, gặp bao nhiêu vấn đề như vậy không biết bao giờ mới khá lên” hoặc lo lắng về khả năng của chính mình “thấy nó cứ đơ đơ, chả hiểu có thấm được cái gì không”.

Nhìn thấy người ta như vậy, phản xạ đầu tiên của mình là nửa thương, nửa chán. Thương vì thấy người ta kẹt. Chán vì thấy con đường phát triển còn dài và nhiều trắc trở quá.

May mắn thay, người mới thì thấy sự thay đổi rõ rệt nhất. Mới tập gym thì tăng nhiều cơ bắp nhất. Mới thực hành chữa lành thì vỡ ra được nhiều chuyện nhất. Mới yêu cũng đê mê nhất.

Rõ ràng là trong những công tác giúp ích cho người khác thì một niềm vui lớn là thấy sự thay đổi của khách hàng, học sinh, bệnh nhân hay những người thân xung quanh. Thấy người ta sống sướng hơn, mình vui, lại có động lực để làm tiếp.

Nhưng lắm lúc chán thì phải làm sao?


Một bài học rất lớn mình đang ngấm dần đợt này là câu chuyện như thế nào là có ích với người khác. Có một câu hỏi nhiều người làm công tác giúp đỡ như tâm lý, điều phối, chữa lành, giảng viên hay coaching hỏi “Làm thế nào để không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi năng lượng của khách hàng”?

Làm việc với khách hàng, lắng nghe và cảm thông nỗi đau của người ta, ai cũng nghĩ đương nhiên mình cũng sẽ bị ảnh hưởng. Không buồn cho họ thì cũng buồn cho đời, buồn vì tại sao đời có người khổ như vậy, buồn vì cuộc sống ra sao mà lại để con người lâm vào hoàn cảnh như vậy…
Một cách vô thức, mình ôm nỗi sầu nhân tình thế thái vào lòng, để nó thành một nỗi buồn man mác.

Câu chuyện này nghe có quen quen? Thế thì phải làm sao?

Câu trả lời lý thuyết mọi người thường nghe là “đừng có dính vào”. Thực hành sự “xong là xong”. Như một cái chảo chống dính đó, lúc rán trứng thì rất nóng, rất nồng cháy, nhưng xong rồi thì hớt ra thôi.

Nhân tiện xuất khẩu thành thơ:

THƠ TÌNH CHỐNG DÍNH
“Tìm đâu ra được hỡi người yêu
Như chảo chống dính, chẳng cần nhiều.
Lúc mới chiên trứng thật nồng cháy.
Trứng chín thì hớt, không dính nhiêu.

Bonus: chống dính nhiều lần, không thì tiêu”

Khuyến

Nói lý thuyết dễ vậy thôi, nhưng đối với rất nhiều người rất khó. Tại sao?

Thực sự là rất nhiều người bắt đầu đến với công việc giúp đỡ đang làm là vì lòng trắc ẩn. Mình nhìn thấy người ta đang kẹt như vậy, trong lòng mình tình thương trỗi dậy, muốn giúp người ta. Không thể bảo là bỏ lòng trắc ẩn đi, đừng có quan tâm đến khách hàng nữa 😶

Thế nên câu hỏi sẽ là “Mình cần nuôi dưỡng thêm điều gì để bổ trợ cho tình thương?”

Câu trả lời có thể sẽ không như bạn dự đoán.

Mình buồn cho người khác vì mình vẫn đang buồn cho mình

See the source image
Khi chưa hồi lại sức mà đã phải đi làm giúp người khác

Để mình lấy ví dụ bản thân.
Mỗi lúc chán như vậy, mình cũng thấy khó chịu lắm. Rồi nhớ lại quá trình trưởng thành của chính mình.

Bản thân mình trước đây cũng khổ lắm. Lo lắng đủ thứ, dồn nén bao nhiêu cảm xúc khó chịu trong người, rồi mọi thứ bên trong bên ngoài cứ lung tung beng hết cả lên.

Từ ngày quan sát và thực hành nhiều thứ khác nhau và bắt đầu ngộ ra, thấy gỡ được bao nhiêu nút thắt. Thấy mình đỡ bị chi phối bởi những phản ứng khó chịu như lo lắng, phán xét hay căm phẫn chính mình và người khác. Thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều.

Chắc các bạn cũng có câu chuyện tương tự như vậy.

Khi chính mình nếm trái ngọt và sống sướng hơn, tự dưng đến một lúc mình sẽ muốn san sẻ cho người khác. Đó cũng là lí do bạn bắt đầu làm nghề này đúng không? Mặc dù không cần và không thể giải quyết hết vấn đề của mình nhưng ít nhất cũng giải quyết được phần nào thì mới có cái giúp người khác chứ?

Dành một vài phút để ngẫm lại quá trình trưởng thành của chính mình.
Rõ ràng từ khi bắt đầu quá trình này, bạn đã không ít thì nhiều bớt khổ và sống sướng hơn đúng không?
Nhìn lại chặng đường như vậy bạn thấy buồn hay vui?
Rất vui, rất tốt đúng không?

Thế lúc gặp người tìm đến mình cần giúp đỡ vì họ đang khổ, tại sao mình lại buồn thay vì vui cho tương lai tươi sáng đang chờ đón họ???

Dừng lại vài giây để hỏi chính mình câu hỏi này.

Lần đầu tiên nghe câu hỏi quá xoáy như vậy, mình đứng hình, suýt rụng tim. Ừ nhỉ, tại sao?
Tại sao mình hay quên nhìn thấy tiềm năng và tương lai tươi sáng cho người ta mà chỉ nhìn thấy nỗi đau hay vấn đề?

Câu trả lời mình ngộ ra khi nghe Dr Gabor Mate, một bác sĩ rất nổi tiếng về lĩnh vực sang chấn tâm lý và sự nghiện ngập, nói về trường hợp này ở cuối bài nói chuyện (phút 33).

Mình thấy khổ vì mình chưa thực sự ghi nhận và ăn mừng quá trình của chính mình.

Cũng giống như phải có ăng ten thì mới bắt được sóng, phải có khả năng đón nhận thì mới nhìn thấy điều đó của người khác. Khi mình nhìn thấy nỗi đau của người khác, nó sẽ gợi lên một nỗi đau trong mình. Đặc biệt là nếu mình đã từng trải qua một chuyện tương tự, mình càng cảm thông cho người ta hơn. Đây là một điều rất đẹp, rất giàu tình người.
Duy chỉ có một điều.
Khi mình chỉ nhìn thấy nỗi đau và quên mất đi tiềm năng vốn sẵn của chính mình, mình cũng sẽ bỏ qua tiềm năng của người khác.
Khi mình không còn nhìn thấy tương tai tươi sáng cho họ mà chỉ thấy những đau khổ, khi mình bị cuốn vào đến mức thấy mình phải gồng lên và vận sức để giúp người ta thì tức là mắt mình hơi bị mờ rồi.
Cần nghỉ một chút.
Mắt kém thì chỉ có nghỉ thôi chứ không cố nheo mắt làm liều được đâu, không là làm ơn mắc oán đấy.

Câu hỏi là luyện mắt như thế nào?

Nhìn đời lưỡng cực

Nhìn đời như nhìn mèo, ôm cả lưỡng cực..

Mình tự nhỏ đã bị luyện thành nếp nhìn trắng đối nghịch với đen, tốt đối nghịch với xấu rồi nên phải từ từ học cách bỏ cách nhìn cũ đi.
Ví dụ chung nhất, người ta hay nói là năm nay 2020 là một năm tệ bạc cho cả thế giới. Nhưng sự thật là cuộc sống này vẫn luôn tồn tại song song giữa những sự thảm khốc và những điều đẹp đẽ không tưởng. Từ thuở chí kim đến giờ đã có những người yêu nhau đến mức sẵn sàng hi sinh cho nhau và cũng có những người tàn sát lẫn nhau.

Đời về căn bản là vừa buồn vừa buồn cười. 😥😄 Nghịch lý đâu có dành cho ai hiểu.

Làm việc với con người cũng thế. Nếu làm đúng, có khi mình vừa khóc vừa cười. Buồn vì nhân tình thế thái, vì sao con người lại đâm ra nông nỗi này. Vui vì nhìn thấy được tiềm năng của họ, như nhìn quả trứng thấy được chú gà con bên trong.

Nói riêng tới công tác con người, lại nhớ một người thầy từng chia sẻ với mình: “coaching không phải là điều bạn làm mà là cách bạn sống”. (“Coaching is not something you do. It’s who you are. It’s a way of life”)

Thế thì cách sống đấy là gì? Giống như ngắm một bức tranh thì thấy được cả màu trắng và đen, nhìn thế nào để thấy được ngay trong khoảnh khắc này vừa là trở ngại khó khăn, vừa là tiềm năng vô hạn.

Làm sao để nhìn thấy và chấp nhận được cả hai thái cực, cả thực tại đau thương và tương lai tươi sáng?

Làm sao để vừa thương vừa yêu, khi thương vì thấy khổ còn yêu vì thấy những hạt giống ở bên trong họ sắp nhú ra đẹp quá?

Đặc biệt là cho những người làm công tác con người, từ bác sĩ, chữa lành, coaching cho tới quản lý và lãnh đao, càng phải luyện cách nhìn như vậy.

Nghe có vẻ sai sai, nhưng khi nào đạt đến cảnh giới là càng thấy nhiều nỗi khổ thì càng vui vì nhìn thấy nhiều tiềm năng để biến khổ thành vui thì chắc lúc đó đắc đạo. 😄 Thấy bản thân mình còn xa cảnh giới đó lắm, giờ thấy ai hơi khổ một tí là mình đã ne né ra rồi. Nhưng mà không sao, ít nhất là còn biết đích đến để hướng tới.

Luyện cách nhìn và cách sống như vậy sẽ giúp ích rất nhiều cho việc mình làm.
Cách để ý và sự hiện diện của chính bản thân mình sẽ thay đổi.

Khả năng chấp nhận rộng hơn, không phải bảo người ta cố gắng vui lên nhưng cũng không cần phải buồn cùng với họ.
Nói đến đây thì cũng nhắc tới luôn ba phẩm chất để tiếp tục rèn luyện cho những người làm công tác giúp người khác thay đổi này.

Cảm Thông: Khi một người khác tìm đến mình, người ta muốn mình hiểu được nỗi khổ của họ. Điều đó cần sự cảm thông và lòng trắc ẩn. Đây là ý mọi người hay nói “nhiều khi họ chỉ cần một người có thể lắng nghe”, thay vì vội vàng đưa ra giải pháp. Tôi mà không cảm thấy anh đang nghe tôi thì tôi cũng chả thèm nói chuyện tiếp với anh.

Không Dính: Lắng nghe thôi chưa đủ. Mình cũng không để bị dính mắc vào câu chuyện đó quá nhiều. Rõ ràng người ta cần mình giúp gỡ rối mà chính mình cũng rối thì lấy gì ra mà giúp?

Nhìn Sâu vào Hạt Giống: Không bị dính vào vẫn chưa đủ. Mình cần nhìn thấy tiềm năng của người ta và gợi nó ra. Đôi khi mình cần tin vào những hạt giống tốt đẹp trong người ta nhiều hơn người ta tin vào chính họ…

Và đấy là bộ ba tinh thần rất cần thiết trong công tác coaching. NÓI THÌ DỄ, LÀM MỚI KHÓ. Nhưng ít nhất nói ra được, lỡ tuyên bố với chính mình và với người khác thì khả năng làm được sẽ cao hơn.

Đọc đến đây, có thể bạn sẽ thắc mắc: “Nói thế thì đấy là cách sống đẹp rồi chứ gọi gì là coaching nữa?”
Thì cũng đúng. Sau này người ta mới gọi tên là coaching rồi phát triển ra các kĩ thuật đấy chứ về mặt bản chất thì nó vẫn vậy. Vẫn là sống tốt.
Có câu “Không có gì mới mẻ dưới mặt trời, tất cả đều mới mẻ dưới mặt trời” là vậy đó.

Câu hỏi chiêm nghiệm:
Trong bộ ba trên, bạn mạnh về phần nào nhất? Bạn muốn tiếp tục phát triển phần nào nhất?
Thực hành:
Ăn mừng cuộc đời và quá trình thoát khổ của chính mình. Nếu trước đây khổ mười, giờ khổ chín là đáng ăn mừng rồi. Tự vỗ tay, tự cười, tự rót cho mình một ly, cho mình 10 phút nghỉ ngơi, nói chung làm gì thấy ấm lòng nhất là được.
Nghe rất ngớ ngẩn, nhưng hãy thử và xem kết quả trên chính mình và người khác ra sao. Khi mình có thể tự ăn mừng, chắc chắn mình sẽ ăn mừng cho người khác tốt hơn.

Vỡ Lòng Và Sống

Ngẫm về từ “vulnerability”

Ông bà hay dạy “đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy vào”. Chả ai hơi đâu mà “vạch áo cho người xem lưng”.
Không cần nói nhiều việc chúng ta chung sống trên khu hàng xóm ảo mang tên mạng xã hội nữa. Mình cũng chẳng hoàn hảo gì, cũng câu Like, Love với Care như bao người khác thôi. 😆 Có những người trông hoàn hảo quá, mà hoàn hảo thì khó tin, khó đồng cảm và quan trọng nhất là mệt.

No photo description available.
Chưa từng trải hay từng trải đều đúng.

Dạo này mình để ý chuyện ngược lại. Có vài người hay khoe sẹo của mình như huy chương thành tích, ví dụ kiểu đã bao lần bị bồ đá, bị sa thải hay thất bại. Nói một cách tự hào kiểu “mày thấy tao từng trải chưa?”

Nó làm mình nghĩ tới từ “vulnerability”. Gần đây, từ này đang trở thành một từ khóa quan trọng trong nhân thức của nhiều người về cách sống. Cô Brene Brown có cái TED Talk “The Power Of Vulnerability” vài triệu lượt xem, rất khuyến khích mọi người có khả năng tiếng Anh nên xem.

Có một workshop gần đây của Compassion.vn dịch đó là “Mong Manh Là Sức Mạnh”. Dịch rất hay, ai đấy dịch xin cho một tràng pháo tay.
Sự mong manh không có nghĩa là mềm yếu, nhạy cảm. Nó là trạng thái luôn có của con người, mình chỉ không để ý hay cố tình che giấu.

Mình đã ngẫm về từ “vulnerability” này từ lâu và đã để ý tới từ tương đương trong tiếng Việt. Từ “mong manh” vẫn thấy nó thiêu thiếu.

Hôm nọ chợt bật ra một từ.

“Vỡ Lòng”

Thoạt đầu mới nghe thì “vỡ lòng” với cả “mong manh” không liên quan gì đến nhau. Nhưng từ từ nhé.
Từ “vỡ lòng” trong “bài học vỡ lòng” là những điều đầu tiên, đơn giản, và căn bản nhất.
Nhưng ngẫm thêm về trải nghiệm vỡ lòng mẹ mới nhận ra rằng, em bé trải qua một niềm đau thương lớn.
Tiếng khóc chào đời của em bé sơ sinh là tiếng kêu của một nỗi đau muôn thuở: “con chưa sẵn sàng”.
Con chưa sẵn sàng rời từ vùng sâu tối ấm áp trong bụng mẹ, nơi có dây rốn mẹ cho con ăn. Con chưa sẵn sàng rời xa nơi đã cưu mang mình để ra ngoài kia, để đối mặt với ánh sáng, để cho thế giới nhìn thấy sự nhăn nheo xấu xí của mình.
Con được sinh ra từ lòng mẹ nhưng con đang cảm thấy mình vừa chết đi. Con chưa bao giờ sẵn sàng.
Và người lớn cũng vậy: chúng ta chưa bao giờ thực sự sẵn sàng để rời một thế giới này để sang một thế giới khác, rời một mối quan hệ, một sự nghiệp, một nơi chôn rau cắt rốn, rời sự thoải mái của những điều đã biết để dạm bước đến những điều không thể dự đoán kiểm soát được.
Dù mình có né tránh hay đè nén thế nào,
nỗi đau từ việc phải rời xa chốn cũ luôn cận kề.

Và như em bé sơ sinh đó, mình vẫn nương vào nơi lòng vỡ ra để mình được chào đời.
Thật sự, nơi ta vỡ lòng cũng là nơi duy nhất ta có thể chào đời. Nơi ta chưa chắc chắn là nơi ta thực sự sống.

Mình vừa đọc một câu thơ của nhà thơ David Whyte:
“Remembering what strength it took
to turn that first impossible in-breath
into a cry
that can be heard
by the world”.

tạm dịch là
“Nhớ tới sức mạnh nào
để hơi thở vào đầu tiên
chuyển thành tiếng khóc
cho thế giới
có thể lắng nghe.”

Sức mạnh này mình đã và luôn có, và nó đến từ giây phút vỡ lòng.
Nếu mình là cha mẹ của em bé sơ sinh bên trong, điều mình sẽ nói là
“Con không cần phải đối đầu với thế giới, nhưng con phải gặp mặt tất cả. Con không thể che giấu chính mình: con chỉ có thể là mình khi con để cho thế giới nhìn thấy. Con sợ người ta sẽ chê trách sự nhăn nheo của con. Nhưng không, sẽ có những người hân hoan chào đón con ra đời.

Nơi con vỡ lòng cũng là nơi con thấy sức mạnh, là nơi con sẽ chạm và được thế giới này chạm đến, nơi con hé lộ nụ cười và những giọt nước mắt. Nơi con thực sự sống.

Con là một con người trọn vẹn mà không hề hoàn hảo. Vì người hoản hảo là người cố không để cho xung quanh chạm vào mình, người cố gắng thay đổi thế giới mà không chịu để thế giới thay đổi mình.”

Cảm giác vỡ lòng như vậy thường không hay ho dễ chịu một chút nào, nhưng nhớ rằng mình đã từng vỡ lòng để rời khỏi bụng mẹ sang một thế giới khác khi mình chưa thực sự sẵn sàng.

Ví dụ như chính bài viết này được rặn và đẻ ra trên mạng trước khi mình thấy nó đủ hay. Khi cho phép mình nương vào nơi lòng mình vỡ, mình không thể cố níu giữ một hình ảnh đẹp của bản thân. Thế nhưng khi mình nương vào nơi vỡ đó, mình sẽ thấy đâu đó, qua khe nứt của lòng mình, hé lộ những sự thật.

Đúng là có những lúc mình sẽ cần nỗ lực chứng tỏ bản thân, phấn đấu đạt được mục tiêu, cố gắng cho mình được cứng cáp. Đúng là mình phải có sự riêng biệt. Nhưng mình không chỉ là một cá nhân nhỏ nhoi phải chống chọi giữa dòng đời. Mình luôn, kể cả khi mình quên, kể cả khi mình căm phẫn hay tuyệt vọng, là một phần của dòng đời đấy.

Vỡ lòng là khi mình nhớ lại sự thật này.

Chuyện này thấy rõ nhất trong chuyện người với người. Ai cũng đã từng phải có những cuộc nói chuyện quan trọng, làm mình căng như dây đàn đến mức phải hít thở sâu thường xuyên, phải lắng nghe rồi chia sẻ như thế nào để mình vẫn thật với mình mà cũng hạn chế tổn thương cho người kia.

Không nói đâu xa, vừa rồi sinh nhật anh bạn, mình trêu ảnh hơi lố một chút gọi là “ông già và những người bạn”, ảnh buồn và bảo mình vậy. Mình xin lỗi. Cả hai người cần phải vỡ lòng mới nói được vậy.
Chia tay, chia tiền, chia buồn, thậm chí là chia vui, chia cái gì cũng cần vỡ lòng.

Không thể “giữ hình ảnh” vì có những thứ quan trọng hơn hình ảnh. Như ngọn lửa đã cháy âm ỉ bên trong, như sự sống đang đợi để tuôn ra qua những khe nhỏ nơi lòng mình vỡ.

Nhiều khe, nhiều kiểu vỡ lòng lắm.
Cho phép mình được thương người khác và được người khác thương.
Cho phép mình được bớt khổ. Nói với chính mình “mày khổ quá rồi, tao xin lỗi”.
Dám cho một ai đấy đến với mình. Để cho chính mình được nói lên sự thật. Để nghe thấy mình nói “em khổ quá, em cần thời gian” hay “em cần anh giúp”, “em làm anh buồn” hay “tôi thực sự muốn ___”,

Đối với cá nhân mình, vỡ lòng là việc không biết viết gì nhưng vẫn ngồi vào bàn hàng ngày để gõ tành tạch. Rồi nhảy vào lướt FB, xem Youtube bẵng cái hết hai tiếng, chán nản cảm ghét sự lười biếng của bản thân, rồi bắt đầu lại.

Mỗi người, mỗi hoàn cảnh lại vỡ lòng một cách khác nhau. Nhưng tất cả đều chung một bản chất: vỡ lòng là cho phép mình được chạm và được thế giới chạm vào mình.


Tâm Vỡ Lòng (Beginner’s Mind)

Đọc đến đây, có người sẽ hỏi: Cái này là như kiểu “mở lòng mình cho đời”, “trên đời này phải có một tấm lòng, để cho gió cuốn đi” đúng không?

Mình chọn từ “vỡ lòng” thay vì “mở lòng” vì từ “vỡ” nó thật, mạnh và đúng hơn với việc chính chúng ta trải qua. Lòng mình thường được cuốn trong bộ áo giáp mang tên “hình ảnh bản thân” cứng quá, nên để mở được thường sẽ phải vỡ trước. Và nó thường đau thương: thường là phải đau rồi mới biết thương. Nhưng không nhất thiết phải thế.

Hiểu được quá trình nương vào nơi lòng mình vỡ, mình cũng hiểu thêm về trạng thái vỡ lòng.
Trong tiếng Anh, “beginner’s mind”, tạm dịch là “tâm của người mới bắt đầu” ngụ ý tới trạng thái cởi mở nhìn điều gì cũng mới mẻ. Ở trạng thái này, những điều mình đã biết, về đời, về người, về chính mình, sẽ được quên đi trong từng khoảnh khắc để cho những khoảnh khắc sau đến với sự tươi mới.
Thường người ta phải đi du lịch đến một nơi mới, hay gặp một người mới thì mới thấy được sự mới mẻ đấy. Còn nếu luôn luôn gặp một người nào đấy thì dễ sinh nhàm chán.

(Lại nhớ hôm nọ nói chuyện với một chị bạn và mẹ chị ý. Thấy con hay bảo mình nói nhiều, bác ý hỏi “Mẹ cháu có nói nhiều không?”
Mình trả lời: “Dạ có. Nhưng mà nói nhiều không phải là vấn đề. Nói nhiều điều mới thì hay. Nói nhiều mà toàn lặp đi lặp lại mới mệt”)

Câu hỏi sẽ nảy ra là “Làm thế nào để luôn có trạng thái vỡ lòng này?” Thay vì đưa ra 5 cách khác nhau để có thể đạt tới cảnh giới này (rồi lập ra một cuộc thi xem ai giỏi hơn và ngộ đạo hơn), có một câu hỏi quan trọng hơn: điều gì làm cho mình quên đi cái trạng thái vỡ lòng vốn có này?

Vì thực sự nó vốn có rồi. Chỉ là những kiến thức, suy nghĩ và phương pháp trở thành những vòng lặp luẩn quẩn trong đầu làm mình nhầm tưởng là điều đó biến mất.

Sự vỡ lòng vốn sẵn của tự nhiên là sự sáng suốt trong veo của tâm trí.
Bạn không phải làm gì cả ngoài việc để ý là mọi thứ đang chạy. Việc suy nghĩ chạy là việc của suy nghĩ. Khi mình để ý và quan tâm đến chính mình – “quan sát bằng tâm”, rất nhiều điều hay ho sẽ hé lộ như con trai đang ngậm ngọc.


Khi mình bắt đầu để ý, mình cũng sẽ thấm hơn về tinh thần ngẫu hứng.
Viết ra cũng để đúc kết từ nhiều trải nghiệm và suy ngẫm, đặc biệt là từ bộ môn Chạm Ngẫu Hứng mình đã và đang thực hành và giảng dạy từ lâu nay. Nói chuyện triết lý tâm lý hay ho mà nó không thấm vào trong thân thể thì vẫn chưa đáng.

Càng đi vào sâu và thực hành mình càng nhận ra được nhiều điều. Kỹ thuật là một phần, nhưng phần tinh thần quan trọng quan trọng hơn rất nhiều. Phần này rất khó dạy, thậm chí là không thể.

Nhưng có thể gợi lên, vì bạn đã có sẵn nó rồi.
Mình chỉ gợi nó lên đủ lâu để những điều luẩn quẩn kia bắt đầu vơi dịu đi. Chúng ta sẽ sáng như thuở vỡ lòng.

Mọi người ai thấy bài viết chạm đến mình và muốn tiếp tục khám phá, chứng nghiệm và vui chơi có thể cân nhắc đi cùng với mình cuối tuần sau, mình sẽ dẫn một đoàn đi một khóa “Chơi & Học” ở An Lạc Trang, Củ Chi.

Mọi người đi đợt bảo đi về rất vui. Mình thì thấy về mọi người mở hơn rất nhiều.
Mà mở không phải lúc nào cũng vui sướng nhé. Cái vỡ lòng đấy sẽ mang tới những điều không tưởng, đôi khi là chuyện buồn. Mình không thể kiểm soát được nhưng mình có thể chấp nhận.

Vẫn còn một vài chỗ trống, thông tin ở dưới đây. Chạm Ngẫu Hững – Đánh Thức Điều Không Tưởng.

ps3: Hàng tuần mình viết một bức thư nhỏ bằng tiếng Anh gọi là Men Suy Ngẫm (tiếng Anh là Enzyme for Thought) cho những người đã phè phỡn thông tin fat food muốn một chút gì đấy giúp lòng mình tiêu hóa hơn. Mọi người đọc được tiếng Anh có thể đọc thêm ở đây. Enzyme for Thought

Hội Hè Toàn Thân 2020 – Sử Kí

(một phần của Đại Việt Ngẫu Hứng Toàn Thân, một cái tên hoàn toàn ngẫu hứng chế ra)

Ghi chú: bài viết chia sẻ trải nghiệm và góc nhìn của một người tổ chức Hội Hè Toàn Thân cho môn Chạm Ngẫu Hứng, 100% Made in Vietnam.Đây là trại đầu tiên trên thế giới sau COVID-19! (tung hoa tung hoa 💃💃💃)Mình viết với một vài ý định

  • Đúc kết kinh nghiệm, hi vọng tăng trí khôn bầy đàn lên.
  • Chia sẻ một góc nhìn sâu và về toàn cảnh, hi vọng mọi người trân trọng những điều đã xảy ra hơn.
  • Cho người mới: mình viết để cho người mới cũng có thể mường tượng được về mặt tư tưởng, hi vọng bạn đủ tò mò để đọc & thử 😀

Bài viết dài, mọi người rót ly trà, nhấm nháp từ từ, có chạm đến gì trong lòng thì xin hãy chia sẻ.


Chùm ảnh kí sự.

Ăn mừng

Lần đầu tiên làm một hội hè quy mô lớn như vậy và phản hồi rất tốt của mọi người, mình thấy rất may mắn. 

Những lần khác mình sẽ ngồi phân tích tới bến chuyện tốt xấu, lần sau cần cải thiện gì, xem học được điều gì. So với những lần đấy, lần này mình không nhìn lại quá nhiều. Chắc tại mình bớt nghiêm túc hơn rồi. Với lại, điều quan trọng hơn bây giờ không phải là mình đã làm gì mà là mình như thế nào khi mình làm chuyện đấy.

Cái đáng ăn mừng nhất đợt này là mình làm với rất nhiều tình yêu.
Lúc đầu mình viết “Thấy rất vui vì thấy tình yêu của mình đủ lớn dám làm những thứ hâm hâm như vậy”. Xong rồi mới thấy là ngược lại. Tình yêu nào phải “của mình”?
Có lẽ phải nói là “mình đủ lớn để chứa được nhiều tình yêu hơn và đủ nhẹ để được cuốn đi nhiều hơn.” Đúng là có vài lúc hơi nản hay khó chịu, nhưng đều được cuốn đi rất nhanh. 
Hi vọng là mình tiếp tục lớn hơn và nhẹ hơn nữa. Lúc nào không chứa nổi thì nhờ mọi người chứa hộ. Lúc nào nặng quá thì nhờ mọi người khênh hộ. 😀
Như ngọn sóng, chúng ta sẽ cùng lên và xuống, nhịp nhàng, bất tận.

Sóng lên sóng xuống 🤩

Ăn mừng xong rồi, bắt đầu kể chuyện thôi

Người lái đò và tình yêu

Anh lái đò và các chị thiên nga

Trong cuốn tiểu thuyết nhỏ của Hermann Hesse mình đọc lại hàng năm,nhân vật chính Siddhartha (cũng là tên tiểu thuyết) trên con đường đi tìm sự thật đã qua rất nhiều thăng trầm của cuộc đời. Một ngày nọ, lê bước đến bên bờ sông trong sự tuyệt vọng. Siddhartha gặp một người lái đò tên Vasudeva. Ông từ tốn đưa Siddhartha qua sông để bắt đầu một cuộc đời mới.

Mỗi khi mình dẫn mọi người đến An Lạc Trang, mình lại nhớ lại câu chuyện này. Chiều thứ bảy, mấy chị thiên nga lôi kéo mình bỏ việc chăm lo hậu cần để theo anh Tùng lái đò quanh cù lao ngắm cảnh. 
Giữa tiếng mọi người râm ran cười nói, một câu hỏi chợt đến trong đầu “Mình đang được đưa đi đâu? Mình đang đưa mọi người đi đâu?” 

Chưa cần biết đi đâu, nhưng mình biết là cách mình đang được đưa đi và được nuôi nấng ở đây rất nhiều tình yêu thật. Vừa được ăn ngon, vừa được lắng nghe quan tâm.

Được ăn ngon rồi phục vụ tận tình, sướng mờ mắt.

Lúc đấy mình chỉ nhớ có câu hỏi vọng lên như vậy thôi, nhưng rồi sau khi về nhà ngẫm lại, một câu trả lời đã chợt hiện ra:“Mình đưa nhau về nhà với chính mình rồi tiếp tục đi chơi quanh quanh.”
Ngẫm lại thấy cũng đúng. Đấy vừa là ước mơ vừa là việc của đời mình lúc này. 
Một trong những cách làm việc đó là viết. Để mình sẽ kể cho bạn một vài khoảnh khắc đáng nhớ khi mình được về nhà với chính mình và chơi quanh đây.

Sự Yên Lặng Ngọt Ngào

buổi sáng có nhiều góc rất đẹp

Sáng thứ 7,
Tia nắng mặt trời hé vào mắt đánh thức mình dậy. Phía xa có tiếng mọi người ở sảnh đường. Ngay đây có tiếng lặng yên ở bên trong.
Đột nhiên sự yên lặng ngọt ngào ấy trào lên trong lòng, làm mình không thốt được nên lời, cứ nằm đấy mà lắng nghe.
Nó không phải sự lo lắng vì không lo được những việc muốn lo, không phải sự khó chịu vì mất thời gian để làm việc khác. 
Cũng không phải sự thỏa mãn khi bao nhiêu công sức chuẩn bị đã thành hình thành tướng hay lòng kiểu hãnh vì đã có một chương trình thành công hoành tráng. Cũng không phải niềm vui hân hoan khi được làm điều trong lòng mách bảo, không phải sự ngỡ ngàng khi thấy một ước mơ đã trở thành hiện thực sớm hơn mình tưởng, không phải cảm động khi nhìn thấy vẻ đẹp của tình người (và cơ thể người nữa). 
Tất cả những trải nghiệm đấy đều đẹp, đều làm mình trọn vẹn hơn. 

Nhưng điều nhớ nhất là những giây phút “Đây là Đây” (“This is it”) thế này. Đây là Đây. Giờ là Đủ.
Cảm thấy được một sự hiện diện thật lớn, thật đẹp của một thứ không gọi được tên. Cảm thấy như mình đang nằm trong một cái bồn tắm vô tận, với tình yêu phủ đầy lên thời gian và không gian. Cảm giác được yêu, được có lòng này để mà yêu. Được quan tâm, được có cái tâm để mà quan tâm.

Sự yên lặng có thể chứa được muôn vàn những sắc âm này là điều có lẽ mình luôn hướng về mà lâu lâu mới được chạm vào.
Đôi khi thấy những giây phút này, mình rớt nước mắt vì quá đẹp và quá biết ơn. Cái cảm giác thân thuộc đấy như một nụ cười, một ánh mắt chào đón đứa con lưu lạc xa xứ được trở về nhà.
Mình giật mình hỏi “Đợi từ bao giờ đấy?” Tiếng lặng thinh.Không phải là không có câu trả lời. Sự yên lặng là câu trả lời. Luôn đợi.

Dù bạn có quên điều ấy, điều ấy không bao giờ quên bạn.
Trên đời có một thứ duy nhất yêu thương vô điều kiện, đó là thứ không diễn tả được. Có người gọi là Chúa, Ông Trời, Tình Yêu, Vũ Trụ. Mình tạm gọi là Sự Sống, hay còn gọi là Điều-Mà-Ai-Cũng-Biết-Nhưng-Giả-Vờ-Quên.
Mình không biết bạn như thế nào, chứ mỗi khi mình sực nhớ ra điều đấy mình vui mất mấy ngày. 😅
Lúc đấy, mình không lo chết đói, không sợ người khác đánh giá hay từ chối, không ham muốn chứng tỏ bản thân vì đã làm được một việc lớn, cũng chẳng khao khát khám phá phát triển hay thậm chí là sống cống hiến cho nó có ý nghĩa. Lúc đấy cứ sống là vui lắm rồi.

Được mấy hôm sau mèo loại hoàn mèo, ngựa quen đường cũ, lại lo lắng vớ vẩn rồi thèm thuồng đủ thứ (ví dụ như bỏng ngô). Theo hội tâm linh chẩn đoạn thì sẽ gọi là tỉnh được một tí rồi lại gà gật ngủ tiếp. 
Nhưng mà không sao. Cứ ngủ cho nó sướng, tội gì. Ngủ đẫy giấc tự khắc sẽ tỉnh. Nếu mà mình ngủ gật quá, đời sẽ có có chuông báo thức gọi dậy. Còn ngủ nữa thì sẽ người đến đánh thức mình (đôi khi bằng cách vả vào mặt 😅)
Có quên thì sực nhớ mới sướng, chứ cứ khăng khăng căng mắt ra không cho mình ngủ thì mệt quá. Mình chịu, không chơi trò chạy đua vũ trang tâm linh đấy đâu. Toàn thua. 😥

Bịt mắt bắt  mình 

Nhảy bịt mắt tối thứ 7

Một trải nghiệm đáng nhớ cho nhiều người, đặc biệt là người mới là buổi tối thứ bảy khi mọi người bịt mắt để nhảy chung.

Bạn tưởng tượng mình đang nhắm mắt đi loạng quạng chậm rãi cùng với nhiều người khác như vậy thì mình sẽ cảm thấy thế nào. Người thấy sợ, người thấy hào hứng, người thấy tò mò, người chả mặn mà lắm.

Mình đã tham gia nhiều buổi như vậy ở nước ngoài và thường rất thích. Đợt này mình bò vào giữa, để sóng người đẩy mình đi, lúc đầu cũng rối rắm nhưng rồi một lúc hơi mệt rồi mình ngồi yên lại, không bò đi nữa. Lúc đấy thích lắm. Sau rồi mới nhận ra “Ồ. Đây là cảm giác của sự lặng yên giữa muôn hình vạn trạng, tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.

Nó như kiểu đang bật nhạc ồn ào thì tự dưng yên ắng lại, nhưng không phải là tắt nhạc mà là mình không nghe thấy gì nữa. Vì mình đang nghe ở một tầng sâu hơn, tĩnh mịch hơn. 

Cảm giác này chắc có thể gọi là viên mãn, Đây là Đây, Thế là Đủ.
Lần đầu tiên mình có cảm giác như vậy là khi đi một khóa thiền mùa đông. Nó sướng lắm, kiểu có thể ngồi đấy bao lâu cũng được. Nhớ lúc đấy có một suy nghĩ khởi lên “Ôi, sướng thế này sẽ chỉ được mấy giây phút thôi xong rồi lại hết”. Thế là nó hết thật. Đang cao trào thì hết phim. 😄

Mình đã từng đi tìm cảm giác đấy một thời gian. Càng sướng thì càng khó buông, càng muốn đi tìm. Dần dần mới biết để không níu kéo những khoảnh khắc đấy, biết rằng sẽ luôn có những lúc như thế này nữa. Không sợ hết hay sợ thiếu những giây phút ngọt ngào như vậy khi mình cho phép lòng được mở ra, để chạm và được chạm vào sự trọn vẹn của Sự Sống.
Điều đó luôn ở đây, dù mình có ý thức được không. Sẽ có lên có xuống, có buồn có vui, có kết nối và có tách rời.

Sau này mình nhận ra: nếu những khoảnh khắc đấy thực sự là cảm giác “trở về nhà với chính mình” như mấy cuốn sách tâm linh hay các thầy chùa hay dạy, thì tất cả những việc khác mình làm đều là đi chơi.

True Life With God » Turtle Shells
Giống hình ảnh con rùa, đội nhà đi theo mình, lúc nào sợ có thể chui vào, lúc nào tự tin hơn lại bò ra đi chơi tiếp. (ảnh minh họa, từ đây)

Có người đi chơi xa quá quên nhà, có người ở ru rú ở nhà lại quên đi chơi.

Thử hình dung là ở một khía cạnh nào đó, bạn không thể mắc sai lầm, không thể thất bại, không thể không có ý nghĩa, không thể lãng phí cuộc đời.
Nếu cuộc đời không phải là mê cung với các ngõ cụt và rất nhiều cạm bẫy, nếu bạn sẽ không bao giờ “lạc lối” thì sao?
Thay vào đó, nếu cuộc đời giống như một con đường dài với khúc quanh co, có lúc lên voi xuống chó, lúc dẫn mình đi sâu vào thế giới bên trong lúc đưa mình ra nơi xa xăm bên ngoài, nhưng luôn chỉ có một lối đi, luôn chỉ có một bước tiếp theo thì sao?
Nếu mình luôn tự đi, không cần ai nhắc, cũng chẳng cần lí do thì sao?

Mình cảm thấy bóc được thêm một lớp khỏi tấm màng để nhìn rõ hơn về cảm giác tự do. Tự do không chỉ là muốn làm gì cũng được. Tự do còn là thế nào mình cũng đón nhận được.

Người ta nhảy hơi mạnh bạo, mình có thể đón được. Người ta hơi nhẹ nhàng rụt rè quá, mình cũng có cách để thấy kết nối hơn. Người ta trượt xuống giữa chừng, mình có thể đứng hoặc trượt xuống cùng.

Mình có thể tự do để tham gia chuyện đời hơn. Từ chuyện đôi lứa, sự nghiệp, nhà cửa, tiền bạc, sứ mạng, tâm linh, mình muốn dấn thân vào những cuộc chơi lớn của đời như vậy và qua đó biết mình, biết mọi điều xung quanh hơn. 
Viết được ra như vậy thôi mà vẫn thấy điều này ghê lắm. Đã muốn nhập vai thì phải diễn sâu. Đã diễn sâu thì sẽ có những điều tưởng chừng ngớ ngẩn hay sai lầm.
Giống như việc nhảy chạm ngẫu hứng không thể sai không có nghĩa không có những chuyển động trông mượt hơn, cảm giác phê hơn hay đỡ đau tay đau chân hơn. Đời nhiều nghịch lý mà.

Nhắc đến chuyện này mới nhớ, tối hôm đấy sau khi có màn bịt mắt nhảy, mình nói chuyện với Phúc ở dưới bếp. Phúc có kể về trải nghiệm bịt mắt của mình: “Có những lúc mình thấy run lắm, không dám bước tiếp vì con đường tăm tối phía trước. Sợ đập đầu vào cột hay ra khỏi sàn. Nhưng mình lại nhớ tới việc có những thiên thần bảo vệ, và nhớ rằng mình có tay có chân có thể rà soát được xung quanh. Nên mình tiếp tục đi.”

Câu hỏi cho chúng ta tự ngẫm đây:
Nếu biết rằng bạn không bao giờ lạc và luôn có thể về nhà thì bạn có đi chơi không?
Nếu biết rằng bạn luôn có thể nhảy mà không sợ sai, không sợ ngốc, không sợ mọi người cười thì bạn có nhảy không?

Câu trả lời của một vài người…nhảy thôi.

Lý trí, cãi vã trong đầu và chủ nghĩa cơ hội

Có một chị chia sẻ sau workshop khám phá Giọng của Phổi một câu mình rất nhớ: “Khi cơ thể mình vui nó sẽ tự hát.” 
Đúng rồi. Và nó sẽ tự nhảy, tự nghỉ.
Là người thích suy ngẫm, đã từng theo học Tin Học & Triết Học và không quá ngốc về mặt logic, mình đã từng là người luôn phải tìm lí do.
Càng sau này mình càng nhận ra cái mình gọi là lí trí toàn là mấy tiếng cãi vã văng vẳng trong đầu. Trong đầu mình luôn có một giàn hợp xướng với các giọng ca khác nhau (ai xem phim hoạt hình Inside Out sẽ rõ). Đi chạm và nhảy nhiều, mình sẽ dần dần nhận ra là điều thực sự đưa mình đi, mình không bao giờ gọi tên được.

Đợt vừa rồi đọc được một câu thấy rất thấm thía trong cuốn Supercoach của bác Michael Neill cũng là một người có tính suy nghĩ quá nhiều:

“Số lí do để mình cần để làm một điều gì tỉ lệ nghịch với mức độ mình thực sự muốn làm nó”.

(“The number of reasons you have to do something is inversely proportional to how much you actually want to do it.”)

Mình càng phải bịa ra nhiều lí do để làm một việc gì đấy thì càng chứng tỏ mình không muốn làm việc đấy.
Điều ngược lại cũng đúng: đã muốn làm thì không phải hỏi tại sao. Ai hỏi, cứ đổ tại bạn “duyên”. 😅

Sướng thì nằm như mèo thôi. 😀 Trông giống Catwoman phết.

Hầu hết cái mình gọi là lí do thực ra chỉ là cớ.
Sống cho chính mình có thể không cần phải nhiều lí do, nhưng để có thể vui chơi hòa hợp với người khác thì phải biết cách kiếm cớ. Nói nôm na ra, cớ là một “mẩu chuyện ngắn” để lý trí (của người khác hay của mình) có thể vin vào cho đỡ sợ khi cái hứng đã muốn kéo mình đi.

Ví dụ 1: đi hội hè này, với nhiều người tập nhảy chỉ là cái cớ. Cái nhiều người muốn thật sự là ba ngày xa cách hẳn khỏi thành phố, cho đầu óc nhẹ bẫng đi. Nhưng mà chỉ đi chơi không thôi như vậy thì phí quá, thôi phải tìm cái cớ là “đi học nhảy”.

Ví dụ 2: Có người hỏi mình tổ chức cái hội hè này để làm gì? Mình có thể giải thích một đống lí do, kiểu “lần đầu tiên xuống An Lạc Trang năm ngoái mình đã có ý định đưa một đống người xuống đây, tạo ra cho họ một trải nghiệm đẹp như điều mình đã từng có.” Mình cũng phải nói như vậy cho cái phần lí trí của mình thấy xuôi tai. Lí do thực sự là thấy có đủ cớ: có hứng sáng tạo, có người giúp xuất hiện, có máu nhảy vào cơ hội, thiên thời địa lợi nhân hòa thì làm thôi. Chủ nghĩa cơ hội mà. 😄

Ví dụ 3: Mỗi người sau khi tham gia về cũng bắt đầu nhìn thấy những chuyển biến bên trong và ngoài cuộc sống. Việc mình đứng ra tổ chức cho mọi người đi trại hè cũng chỉ là cớ cho những chuyện đấy xảy ra. 😋
Bản thân mình sau khi tổ chức nhìn thấy ra bao nhiêu con đường mở ra cho chính mình về chuyện tổ chức, xây dựng cộng đồng hay dạy Contact Improv. Bạn biết suy nghĩ đầu tiên của mình là gì không? “Bó tay, biết thế làm từ trước”. Nhưng mà biết trước thì đã giàu 🤣 Nói đùa vậy thôi chứ thực ra trước đây không làm được đâu, bây giờ mới đủ duyên.

Áp dụng vào bộ môn chạm ngẫu hứng này: trong lúc này, bạn muốn nhảy với ai, nhảy thế nào, thậm chí có muốn đi hội hè không, tất cả những điều đấy đều rất khó giải thích bằng lời.

Nôm na là “thích thì nhích”, nhưng không đơn giản chỉ là mang tính chất bộc phát ham vui nhất thời không lo đến lợi ích sau này. Cái cảm giác thích của mình sẽ dần dần được tinh lọc theo thời gian, để cái gì mình thực sự thích thì cũng thực sự tốt cho tất cả. Đây thường là một quá trình dài, yêu cầu mình chậm lại để lắng nghe xem cái gì đúng, tốt hay thích. Không thể kì vọng ngày một ngày hai là thạo ngay được khả năng lắng nghe này, nhưng luôn có hi vọng là khả năng vốn có của chính mình rất nhiều.
Trong lúc chưa thạo thì mình vẫn phải kiếm cớ để nhảy. Chỉ cần nhớ là cớ chỉ là cớ, không hơn không kém.

Một trong những tác dụng phụ rất rất hay từ ngày thực hành Chạm Ngẫu Hứng (và các hình thức ngẫu hững khác) là học được cách đưa ra quyết định tốt. Đôi lúc cũng trăn trở mất thời gian tí, nhưng nói chung là nhạy bén hơn rất nhiều.

Có người gọi cái trực giác là một dạng năng lực tâm linh. Mình thì thấy kiểu trực giác này có nhiều cơ sở khoa học hơn. Mình kiểm chứng nhiều lần, thấy đúng nhiều hơn sai (đúng nghĩa là bên trong thấy thật sung sướng sau khi đưa quyết định) mình mới dám đi theo sự mách bảo không lời nhiều hơn. Chứ cứ hứng lên mà làm vô tội vạ, không học từ trải nghiệm của mình, càng làm càng thấy khổ thì ngỏm.

Mấy người hay lãng mạn hóa chuyện đi theo tiếng gọi từ bên trong như kiểu định mệnh tìm được ý trung nhân, từ bỏ công việc, chuyển sang thành phố mới v.v. Không có gì sai, nhưng tại sao phải đợi đến lúc có những quyết định then chốt, cần nghe mới giỏng tai lên nghe? Nếu giọng nói không lời đấy thực sự tốt thì tội gì không nghe nhiều hơn. 😀

Muốn lắng nghe được tốt thì phải tập lắng nghe hàng ngày (từ chuyên môn là “chánh niệm” nhưng mà nghe hơi xa xôi). Mình luôn có thể tiếp tục rèn trực giác. Trong tin học, cái này gọi là Machine Learning, vứt dữ liệu cho máy tự học & đúc kết kinh nghiệm và phán đoán. Bên ngoài thì gọi là Trường Đời dạy cho mình Khôn ra 😄.

Nói đến đây phải nói đến một ý quan trọng mà nhiều người hiểu nhầm. Không có lí do tức là không có suy nghĩ gì.
Ai bảo suy nghĩ không phải là một phần của Sự Sống?
Là người kiếm cơm bằng việc động não chính rồi mới động người (và hi vọng là đều bắt đầu từ động lòng), mình thấy suy nghĩ quá quan trọng luôn. Không có suy nghĩ thì lấy đâu ra bài viết này?
Cái quan trọng là mình để ý xem suy nghĩ của mình đang đưa mình tới đâu. Suy nghĩ đến rồi đi như những chuyến xe bus, và mình có thể nhảy lên và nhảy xuống lúc nào mình thấy phù hợp. Khi mình có thể nhảy lên nhảy xuống làn xe bus trong đầu một cách nhẹ nhàng hơn, mình sẽ bắt đầu thấy là mình làm việc mà không cần quá nhiều lí do như trước nữa.

Sự Sống luôn tiếp tục…

Nói xa xôi hơn tí, bất kể cá nhân mình có đưa ra lí do gì không, tốt hay xấu, nên hay không nên, Sự Sống vẫn tiếp tục.
Câu hỏi là mình cho phép mình bao nhiêu để đi theo hướng của Sự Sống?
Lúc đấy là khi mình được sống đã hơn. Lúc đấy mình cũng sẽ nhận ra rõ hơn mình là một phần thiết yếu của Sự Sống.
Nhiều người cũng giống mình có cảm giác nhiều Sự Sống trong và sau thời gian hội hè. Có lẽ nó đi từ bản năng rất sâu của con người. Khi mình vận động cơ thể, nhảy múa ca hát với người khác không có chủ đích gì, mình sẻ cảm thấy Sự Sống rõ hơn. Nếu bạn để ý, lúc mình thực sự để Sự Sống dẫn dắt cũng là lúc mình vui nhất. Trẻ con chưa lớn vui một kiểu, người đã lớn rồi vui như trẻ lại một kiểu khác.

.…nhưng không phải lúc nào cũng tràn trề

ảnh vui minh họa, chú tiểu ở giữa cười vỡ mặt 🤣

Đi theo Sự Sống không phải là lúc nào cũng tăng động dửng mỡ nhé. Sự Sống hiện diện kể cả lúc mệt không muốn làm gì chỉ muốn ngủ, lúc chán không quơ quào tay chân nữa chỉ muốn lặng yên, lúc thấy nói chuyện nhiều chỉ muốn nhìn nhau với một ánh mắt trân trọng,

Trong hội hè, có người hỏi mình về ngẫu hứng là “Đôi khi mất hứng phải làm thế nào?” Bật ra từ mình là một câu hỏi “Không biết hứng đến từ đâu?” Cái sự bật ra đấy là Sự Sống làm, không phải mình làm.

Giờ mình vẫn đang đi theo câu hỏi đấy để tìm cảm hứng. Càng để ý càng thấy cảm hứng không phụ thuộc nhiều vào môi trường bên ngoài bằng độ sạch của ngôi nhà bên trong.
Ví dụ là mình viết nhiều, mỗi khi bế tắc sẽ thường đi bộ, không phải đi tìm cảm hứng mà là đi để dọn nhà. “Nhà sạch thì mát”, các bạn còn nhớ không?

Đẹp trong đẹp ngoài

Cái môn Chạm Ngấu Hứng CI này thật là dị. Trong tất cả các môn nhảy múa nghệ thuật khác thì chắc môn này xếp hạng bét về ăn mặc đẹp. Đi nhảy mà như đi làm ruộng. 

Trước và sau… cái áo đã rách tả tơi đủ để cho vào bảo tàng (thay vì làm giẻ lau nhà). 

Quần dài áo có vai, trai gái thường như nhau tuốt. Thế nhưng cái vẻ đẹp chân chất đó đã chạm đến lòng mình.
Dù không phải là dân múa, mình cũng đã đi xem biểu diễn nhiều môn từ breakdance cho đến ballet, salsa hay đương đại v.v.. Rất nhiều vở biểu diễn làm mình thốt lên “đẹp quá”. Môn CI này là môn đầu tiên mình ngắm mọi người nhảy mà thốt lên “Hay thế, mình cũng muốn thử!”

Một phần vì CI trông có vẻ dễ (cũng đúng so với rất nhiều bộ môn khác).
Hai là nó dành cho những người thích tham gia nhiều hơn hưởng thụ. Cốt lõi của nó là ngẫu hứng thay vì biểu diễn, và thường là khi mình nhìn một cặp nhảy với nhau họ chẳng còn hơi đâu để để ý đến mình. Có một điều gì đó trong sự vô tư và thực tại đấy làm cho mình thích ngắm họ.

Mặc dù về mặt hình thức thì chẳng có gì quá hoa mỹ, nhưng những chuyển động rất đơn giản lại thường thấy rất cuốn hút.Nó luôn có điều gì đấy rất sống động (vì mỗi một khoảnh khắc lại dẫn tới khoảnh khắc sau, không dự đoán được), gần gũi (không phải gần nữa mà là chạm) và thật (vì ngẫu hứng thì không biết giả vờ thế nào).

Vì thế nên việc ngắm mọi người nhảy rất sướng mắt và làm mình ngứa nghề. Nhìn từng người nhảy mà mình có cảm giác mình biết rõ họ hơn.
Mình thấy đẹp vì không chỉ về mặt kĩ thuật hay động tác mà chủ yếu vì sự hiện diện thật của con người, với về tính cách và phẩm chất riêng của họ. 
Mình nhìn được vẻ đẹp vốn sẵn của họ đươc gợi ra khi họ không cố phải như thế này như thế nọ theo một hình tướng nhất định nữa. Người thật việc thật, dù không hoành tráng nhưng luôn có sự tươi mới. Nó đẹp như một bông hoa trên cành thay vì một bình hoa nghệ thuật. 

Nói chung tùy gu từng người. Trước đây mình thường thích khám phá vẻ đẹp sẵn có hơn là tự tạo ra một cái gì đấy. Giờ mình đang thử thích cả hai. 


Là người đã thực hành CI một chút, mình sau này để ý được rằng đôi khi có những đoạn nhảy trông ngoài chả có gì nhưng bên trong lại có rất rất nhiều sự thân mật ngọt ngào chỉ qua từng cử chỉ nhỏ (cái này dễ làm nổi cơn ghen).
Ngược lại, cũng có những đoạn nhảy kĩ thuật rất hoành tráng bay lượn ầm ầm nhưng cảm giác cứ thấy thiếu cá tính, thiếu hồn kiểu gì.
Kết luận là phải có cả hai.
Chỉ có hồn mà không có xác, ý tưởng mà không có hành động, khái niệm mà không có động tác, có kết nối mà không có kĩ thuật thì sẽ cảm thấy vô định hình, chưa kịp ngắm đã trôi dạt mất tiêu.
Chỉ có xác mà mất đi phần hồn, hành động mà quên đi cảm hứng, chuyển động mà không có sự sống thì cũng sẽ thấy nhàm rất nhanh.

Nói đến đây cũng muốn chia sẻ một trong những điều mình rất rất ưng về hội Chạm Ngẫu Hứng nhà mình. So với nhiều bên nước ngoài, hội nhà mình có vẻ sự chú trọng về mặt hình thức & ăn mặc. Có thể là do nó được bắt đầu du nhập qua hội chị em phụ nữ với độ quan tâm đến hình ảnh cao hơn chăng? Có khi nào hội lần sau chúng ta sẽ tổ chức cuộc thi thời trang CNH? 😆

Kết: bình thường hóa

Hôm tối thứ năm tổ chức workshop trước ngày đi, có một bài tập ngẫu hứng nhóm ngắn.
Mọi người đứng sang hai bên, rồi một người xung phong vào làm một động tác gì đấy lặp đi lặp lại. Xong rồi làm một lúc có thêm một người khác vào làm một cái gì đấy khác tương tác. Rồi từ từ cứ thế mà vào tiếp.

Có một người làm chuyện điên điên thì thấy nó điên, người khác nhảy vào thì thấy đỡ điên hơn, nhiều người vào nữa thì thấy nó cũng thường.

Có thể áp dụng điều này vào trại hè. Khái niệm “Trại hè cho người lớn nhảy múa” là một điều có vẻ không tưởng cho người bình thường ở nhà mình, thậm chí kể cả dân nghệ sĩ.
Có khi nào bạn dần dần nhìn ra là chuyện nhảy múa vô cớ mới là bình thường, còn nhiều chuyện trong cuộc sống đi làm mới gọi là không bình thường theo kiểu đi ngược với nguyện vọng chính đáng của bản thân? Lúc đấy bạn sẽ thấy được mở ra một thế giới Mới và Thân Quen (“a new and ancient story” bởi tác giả Charles Eisenstein).

Mình chỉ đợi mọi người đến một ngày cười vào mặt mình “THƯỜNG THÔI”. Cho đến khi đấy, mình sẽ vẫn tiếp tục làm chuyện bất thường. 😆

Đợi một ngày được xem cho lá bài Tarot “thường thôi” 😆

Tái bút: Đợi chuyến đò sau

Sau hội hè, mình có kể với anh Tùng là đợt này có nhiều người không đi được vì đã quá đông, mình cũng thấy hơi tiếc cho họ. Anh bảo “Có những lúc anh quan sát bản thân thấy mình cũng vướng vào cái ham muốn được giúp người khác. Nó cũng là một ham muốn. Nhưng mà không vội, luôn có chuyến đò sau. Không có đò của mình thì sẽ có đò của người khác.”

Mình mới ngộ ra là mình muốn giúp người khác, nhưng khi cả mình và người ta cùng chưa sẵn sàng, về tinh thần, về khả năng tổ chức, về tài chính v.v. thì thôi (càng lớn càng thấy tiền cũng chỉ là cái cớ. Bây giờ bảo bạn bỏ 3tr được gặp riêng bữa tối với một thần tượng bạn đã theo bấy lâu nay bạn có đi vay tiền để đi không?)
Không có chuyến đò này, thì sẽ có chuyến đò sau khi cả hai bên sẵn sàng.
Chúc bạn và mình cùng “không vội, và vẫn xí lấy cơ hội“.

Ai quan tâm đến những chuyến đò sau thì theo dõi trên Fb page Vietnam Contact Improv nhé.  Hẹn bạn đi về với chính mình rồi đi chơi loanh quanh.




Ăn gian đoạn kết: ăn mừng tập 2 

Vì đây là một ngày vui, để mình kể nốt chuyện Siddhartha đã mở đầu bài viết này.
Khi bạn Siddhartha đi từ rừng quay lại thị trấn, bạn lần đầu nhìn thấy chị Kamala, một chị kiều nữ xinh đẹp lung linh được rước kiệu qua đường. Bạn Siddhartha này thấy chị đẹp quá, đứng ra giữa đường đòi gặp. 
Chị này thấy bạn này đầu tóc bù xù ăn mặc rách rưới đuổi đi, nhưng bạn ấy cứng đầu vẫn đứng đấy nên chị bèn hỏi “Cậu kia, rách rưới hôi hám như vậy làm được gì?”
Siddhartha nghĩ một xíu đáp lại: “Tôi có thể nghĩ, tôi có thể đợi, tôi có thể nhịn”. (“I can think, I can wait, I can fast”)
Chị Kamala này ngạc nhiên vì câu trả lời có vẻ không liên quan lắm, nhưng cảm thấy một điều gì đấy đặc biệt từ anh chàng này nên cho người hầu đưa đi cắt tóc gội rửa và khi xong thì thấy bạn này cũng khá Bảnh.

Vào tình huống đấy, trước đây mình cũng có thể nói một câu sâu sắc hay ho như vậy. Giờ mình sẽ vẫn nói thế nhưng sau đấy sẽ bắt đầu nhảy múa.
“I can think, I can wait, I can fast”. I CAN ALSO DANCE! HALLELUJAH!!!

Bạn tự rút ra bài học rồi bảo lại mình nhé, mình tiếp tục múa người, múa lưỡi, múa bàn phím đây. 

sướng lè lưỡi…

Not Knowing

tufts-read-daily-commencement

Tufts graduates reading the Tufts Daily – by Matthew Healy

Context: I wrote this as a letter to the graduating seniors and myself next year. It was published as an Op-ed article for Commencement issue in Tufts here http://tuftsdaily.com/opinion/2016/05/22/not-knowing/

On this Commencement day, I am surrounded by lovely, strange creatures called “seniors” who are exhausted by going from one event to another. It must feel like freshman orientation again, being unsure of the schedule, frantically texting friends to coordinate where to meet while trying to answer parents’ 101 questions. Today, I am falling in love with their smiles and tears and hugs. I also see a lot of uncertainty behind these passionate expressions, and I have some thoughts for you to prepare for your own graduation.

Learning to be comfortable with uncertainty is one of the most important life skills that you can learn; yet the structure of the school may not help you much with that. Don’t blame the school though — it was never intended for that goal in the first place. You have to learn it on your own. Graduation is aptly just the beginning of your learning journey.

You aren’t sure if you want to go to this graduate school or to take this job or to move to this city. You aren’t sure if you should continue or start or end a relationship. Being independent in the world is a scary thing. It leaves us feeling insecure, and when we feel insecure, we often ask ourselves, “am I right?”

Please have the courage to ask a different question. When you have a decision about something as fuzzy as your life, in a world that is as unpredictable as today, remember that you don’t make the right choice. You make the choice right. A better question to ask, and I mean really asking it so that the question will do its own magic in the back of your mind, is “what do I truly desire?”

When you first ask this question, you will first be confronted with this daunting feeling of not knowing.” Why is this so hard to stay in the not knowing” zone? One reason may be how it is linked to your identity: it may mean you are not smart enough or not trying hard enough to find out the answers. As students, we were rewarded by our correct answers, but you should know well by now that your performance in classes is nowhere as important as the quality of your questions and how well you have engaged with them. So ask the good ones anyway, and stay with them.

The second and more important reason is that this feeling of not knowing is simplyhard. Asking you to stay with this feeling instead of putting it aside and getting busy again is as hard as asking you to not scratch at a mosquito bite. You may yell “what the hell is this person thinking?” or “what on earth am I doing with my life?” In those moments, remember that life is teaching you patience again. There is often a tendency to fight through this discomfort of not knowing. Don’t think of it as a fight because life is too busy to conspire against you. Instead of fighting an uphill battle, why not choose to roll downhill? I’m not asking you to be lazy, but whenever you sense resistance within yourself, be gentle and curious. “What else is going on here? What are you whispering to me, my dear self?”

Please embrace this not knowing feeling because as Rilke once wrote, “the point is to live everything. Live the questions now. Perhaps then, someday far in the future, you will gradually, without even noticing it, live your way into the answer.” Giving yourself the permission to not know is the most empowering gesture you can have because then you can listen to the answer, perhaps from the universe or from a deity of your own. The more not knowing you can embrace, the larger you become, the even more you can embrace again. Hold this virtuous cycle for other people too, so that we can all live everything.

Independence ceases to be scary when you realize you are not alone, not only in the solidarity sense that other people are going through the same thing but also in the real sense of the phrase, that you truly are not alone in this world of seven billion people and countless other living beings. Independence doesn’t mean doing everything on your own. Rather, it means realizing what you can and cannot do alone and take responsibility to reach out for help. Ask and you will receive.

I won’t tell you what specific course of actions to take because I too am embracing not knowing myself, but I can tell you to do. You may likely be doing cost-benefit analyses on your decisions till things go wild. That’s great, and I’m asking you to supplement this love of overthinking with a bias towards action, so that you can learn faster what you want. Remember what Pierre Omidyar, the founder of eBay and one of Tufts most illustrious alumni, shared about how he went about his life and work? “Ready, Fire, Aim.” Yes, Fire before Aiming. Bring that spirit of “not 100 percent ready, do anyway, recalibrate right after” into life. That is not knowing in action and that will be how you step into future — by creating it.

Boldly yours,

Junior self

 

23 – a reflection

Today is a good time to take stock of where I am, to share some learning and to celebrate. Life is so good it has to be shared.

Where am I?

I’m entering the blossoming phase of my life: so much excitement, so many opportunities, abundance of energy, lovely people. College has been quite a journey, and I am loving every moment of it. Classes, involvement, people, personal time, sleep, books, adventures. I don’t see life as much as a juggle but rather a process of alignment: when everything is aligned, life moves smoothly.

This is also a good time to check in with my theme of 2016 – Integration It is fascinating how useful the act of crystallizing a theme can be. Even when I’m not conscious of it, different parts of my life are somehow coming together: mind and body, technical and social, fields of study, relationships.

Being somewhat older than my peers, hanging out with older people and reading books of dead authors gave me a bit of thought-fulness. At the same time I am also feeling a sense of personal renewal, as if I’m becoming more and more youthful as I mature. Being youthful has little to do with what young people “should” do – it’s very much a spirit of openness, wonderment and innocence. To quote David Whyte, “innocence is not a state of naivety. It is, in a way, the ability to be found by the world.” Somehow that innocence is often lost as we grow up, and I don’t want that to happen.

I am feeling more engaged with Tufts as well as the greater world. Someone recently asked me “What does it feel like to be alive?” and I came up with two words “engagement” and “ease”. I was surprised by my own answer, so much that I made into my own definition of success: to engage in what needs to be done with greater ease.

What I am learning

I like to keep track of my development through the lessons I am learning. Here they are:

  • On impact: I’m starting to have a better sense of the impact I have on other people. While actions may indeed speak louder than words, the latter can be quite powerful. Sometimes the best thing I say or write is completely spontaneous, but in general words deserve to be deliberate. The energy each of us bring into an interaction can have a strong impact too. Something I learned recently from Ben Zander is that glowing eyes matter. Nothing delights us more than the glowing eyes of someone else, and it is totally a worthy cause to make eyes glow more often! On that note, a recent feedback from a friend: my eyes glow when I feel connected – mental, emotional, physical. Really good to know!
  • On reframing life: In the past, I adopted the radical acceptance motto of “I suck, you suck, we all suck”, which has been very helpful to cope with stuff. However, I put on a quote on my door recently ”I’m a gift. You are a gift. Life is a gift.” Operating this new requires a fundamental shift of mind, and as far as I can tell, this newer motto works like charm. Life is indeed full of gifts – even when shit happens, I have a blog post Indeed, my attention, energy, vibe, questions, thoughts, resources, relationships, youthfulness, thoughtfulness, rashness, spontaneity – all these are gifts. We all have a lot to give and receive from each other and from the world; we just need to figure out how best to do it.
  • On being: As I get older, there is a gentler, more graceful sense of being. Perhaps this is the way to live: as we age, we keep getting lighter and lighter until the day we are gone and the world wouldn’t feel sad about us leaving. A friend recently gave me a beautiful imagery: we live like a helium balloon; the lighter we are, the more we can rise above, but we don’t just fly out of the atmosphere into space. Instead, we look back. We see the world in its entirety, and we become even more we become engaged in it. Such an “uplifting” image – literally and metaphorically.

    This imagery well captures two paradoxes: first, being light doesn’t mean being disengaged, leaving everything behind and going into the forest like some monks. (not all though – look at this guy) The better question is “How can we remain gentle while being deeply engaged in the world?” The second paradox is that people who have that quality of lightness to their being, those who don’t seem to care as much about the outcomes of what happens, are the ones who will make the most impact in our lives. In lightness, there is power. There is so much we can add to the world just by being.

  • On enjoying myself: Over the years, I learn the importance of developing a genuine sense of appreciation and respect for myself, not more, not less than other people. Do I treat myself every moment with attention and care and acceptance and curiosity? The quality of my relationship with myself has got so much better; sometimes I even have this thought “Oh wow, Khuyen, you are daydreaming about this person or that scenario – isn’t it interesting?” One benefit of attaining a distance from myself is that I can be genuinely surprised by what I do in the moment, which is a lot of fun. Paradoxically, not taking myself seriously also means to accept who I currently am and to know that it will change anyway. We are all work-in-progress mistaking we are finished, to paraphase Daniel Gilbert.
  • Focusing on contribution: a few years ago I used to geek out a lot on self-improvement – how to do certain things better, how to improve the way I operate. I still do, but am a lot more relaxed now. We work hard on ourselves because the work is meaningful, but not too hard to the point it becomes a burden. We are all growing all the time, and sometimes too much focus on growth itself may not be the most sustainable thing. The better question is “What am I contributing? What do I need to know, to learn and to do to make it happen?” If you want to motivate me, paint me a rich picture of how I can help!
    Peter Drucker once said “people grow according to the demands they make on themselves, according to what they consider to be achievement and attainment.” The words “dream”, “achievement” or “ambition” somehow don’t jive with me too much; “aspiration”, “contribution” and “responsibility” do. Keep that in mind when we work together next time 😉
  • On learning: from the last part of this interview of Edgar Schein in Google: “whenever you are in an experience, stop and ask yourself: what else is going on? In this place? Among us? Inside me? This is where the real learning occurs” One big influence of mindfulness practice on me is this awareness of the fertile negative space. A related and deeper point is that everything needs a container – music needs silence, painting needs canvas, texts needs screen, people need relationships. That means if we can create the right container, the right thing can happen. The farmer spends lots of time cultivating the soil for a good reason!

    Two guiding questions for myself these days are: How can I be more connected to this whole evolving world, and how can I co-create the conditions for flourishing? I don’t take myself too seriously, but I do take these questions seriously 😉

Some reminders for the future

  • Choose where I pay attention to:
    the real power lies in our ability to ask this question: Is what I am paying attention to energizing, liberating, fulfilling? On a related note, I love this quote by Mother Teresa: “There is no great thing. There’s only thing done with great love.”

    Whenever I feel stuck in my small self that is anxious, calculative, wanting to get ahead, getting caught up in being “great”, it is a good reminder that I can be larger Self that is loving and free. It sounds easy in theory, but really hard in practice. It gets easier with time though.

  • Never do it alone
    Recently the thought that I’m almost one-third into my twenty dawned upon me. If anything, that thought made me feel a greater sense of responsibility not so much as a growing up independent person but rather an interdependent being in the world. As I am writing this reflection in my room, I realized that I am not alone at all. Because we never are. I also realized that what I’m looking first and foremost in any kind of relationships is togetherness – then comes tenderness and intimacy. Quite a piece of self-knowledge.
  • Ready, Fire, Aim (notice the order)
    A motto by Pierre Omidyar for his work as well as his life: it’s important to be ever ready enough, yet never 100% ready. Fire first, then aim, then fire and aim again. Preparing is good only to a certain point, and in general it’s better to have a bias towards action – take reasonable action, learn as much as possible from feedback, recaliberate, do again.

Gratitude

If you have read this far, please take a moment to celebrate our shared joy of being alive. Not only that, we have good eye sights, a device to read this post, enough English ability to understand and a willing heart to celebrate together. If these aren’t worth being grateful for, what is?

Thank you for being with my journey,
Khuyen

[Letter] Last summer work

It is no accident that some of my better writing are letters to people – they have more contexts and therefore meaning. When we do something with a sense of meaning, we do it better. I share because I think they are worth sharing, even though you may not understand most of it. It also gives you, my reader, a better sense of who I am.

Context: From my from my internship over the summer when I received feedback about my work and my reflection on it. You can read more of the original story here – Getting punched, kind of. This letter is another reflection 6 months after. You see, I do dwell on the past 😉


Hi [my boss],

I hope this finds you well. I am writing to say thank you for the summer and the pieces of feedback you gave me.

I’ve been thinking about it more recently. The more I think about it, the more I am so grateful that you gave me so much feedback. It wasn’t the most ideal situation, but I’m so thankful that you decided to trust me that I could take it. (I wonder if you would have given feedback to another person that way, because some may have PTSD instead of post traumatic growth. Of course it wasn’t anything too traumatic compared to near-death experiences or losing of a loved ones, but it was hard nonetheless) I think I recover well from setbacks, have a pretty healthy self-esteem and don’t dwell too much on past mistakes, but there was so much to learn from that experience I can’t waste it.

I grew up a lot as a person from the incident, and I am happily surprised at how I took it. Now reading the emails again, I thought about how defensive I still seemed then. I remember when I was writing and preparing to meet you in the morning, I tried to be as open as possible. I think I was, but I could have been a lot more.

I was lazy too; I definitely took the intellectually easy way out. I told myself that we had different ways to learn; you might enjoy reading papers while I prefer browsing through more accessible books. Now reflecting on that, I was just giving myself excuses. I was simply lazy. I did read a lot, and I chose to read what I think was useful but perhaps they were just more interesting to me, and that’s laziness.

I’m saying this as a matter of fact, not feeling bad or guilty at all. Laziness is just as real as entropy – the physical law that the universe is tending towards disorder. And yet there is evolution – when a living being or a species adapts and become more and more organized and complex. These two forces don’t seem to go together, yet we seem to be evolving rather than regressing. Does that mean evolutionary force is stronger? I don’t know. Speculation aside, I have to keep working. I can’t be lazy if I want to love, because love takes work. A lot of it.

I wonder why I was so bad. I think part of it was that I didn’t know how much effort should I put into the work – was it a 9-5 job or was it just get as much done as I can? When should I leave work? How much is expected of me? I didn’t expect much for myself, and in hindsight that wasn’t a good move. One grows from the expectation one makes on oneself, and I wasn’t really consumed by it and therefore didn’t grow as much. Good lesson learned. There are positive too though. I’m getting a lot better in being with people and communicating. That’s one of my strengths. I don’t enjoy being technical at all – I guess I will have to be somehow in the near future, but so far from my experiences I enjoy and am also more effective with people.

This summer was a weird time for me; I was in a limbo zone, not knowing what I wanted to do, not sure how I should use my time in the Bay Area effectively, fantasizing that I could have had a more formal internship in a tech firm. I did notice that last thought often, and I told myself “Khuyen, be in the moment. You have committed to one thing, you have to put everything into it.” Still, having that thought perhaps made me less willing to work, at least at the subconscious level.

Keep me updated on your adventure and learning lessons. Life is too short to learn from one’s own journey – must learn from other’s experiences too!

Reflection on 2015: Experiment & Synthesis

End of the year is time for connecting and reconnecting time with friends, family and also myself. Looking back, this year has been the more successful year by external measures. If I can tell people about the places that I got to visit, the people I met, the opportunities which have opened up in front of me, then the year is a good one.

I want to share the journey inside though, the one that is often not told and almost infinitely more relatable. I entered 2015 feeling burned out from school, perhaps as the result of a notorious 30 hour/week Computer Science class. I wrote about it more in my 22 note, but to sum up, I felt like wandering around college and life, not growing as fast and not having a clear purpose. In other words, I was suffering from a mini existential crisis, the infamous sophomore slump. Some may say “What the heck Khuyen, you are only 22. Many people twice and even three times your age haven’t even figured it out”. I don’t think anyone has figured out, but I’ve met some people who just seem to be full of life – isn’t it such a good goal to strive for? I believe we may not know exactly what we want, but when we quiet down enough we can always hear a hunch of what it is and know when we are close. There is such a feeling called “getting there”, whatever that means. Before I found something, I need to search for it.

This year taught me about the nature of growth: once in a while there will be a major breakthrough, a defining moment, yet often times change is barely perceptible. It is like trying to lift oneself out of thickened mud – pushing one’s legs into it so hard without seeing any visible result. Hardly does he know that all these efforts count in softening the mud, for one day he lifted his leg lightly and the whole mud collapsed. Someday feel like nothing happening while someday everything seems to align. It is also one of the lessons I learned the hard way from my boss this summer – consistently give your all into whatever you do. The immediate result may not be favorable, but we will never know what it will lead to down the road.
(Funny enough, looking back now I can recall a dozen “breakthrough” moments where I delighted myself, like “Wow, I actually said a beautiful line / wrote a good post / did something meaningful” or felt like I was becoming a different person. It is really hard to predict progress! I remember these moments well because they often yield insights into who I am, what I can do and how I can play on these strengths)

The whole existential limbo of this year was a great learning journey, punctuated by little polarizing moments of mini-crisis / self-doubt vs excitement / awe. I was bored, lack of purpose, insecure about the uncertain future, worrying of not making the most out of my time etc… The struggle was real! Yet the more setback, the more potent the learning. These so-called negativity cut so deeply that now I felt like I’ve learned a good deal from it. Here are some general lessons learned.
On progress: Going through limbo such as this may feel like killing oneself with a dull knife… I wish there could be more huge heartbreaking events that forced me to re-evaluate my life (I did have a few major screwing up this year though). In real life, incremental changes are more common and can snowball in both positive and negative directions. Take unhealthy eating for example: we eat badly one day here one day there and suddenly the doctor says we have diabetes. Or that cliched mid life crisis (quarter life in my case) where everything we have been striving for just seems quite meaningless (it has always been so; only now that we realize.) Anyway, having crisis at 22 seems much better than 44. I think of this experience as paying the small price first before the compound interest takes over. I shall always be in searching mode and trying to live with a clear sense of purpose.
– It’s hard to get feedback for bigger projects like WhatToDoWithLife, because experience comes in bigger chunks. It takes a spirit of trust – if I am earnestly searching then I will find it – to overcome the frustration of not seeing progress. (Or it takes constant distraction, which may seem useful momentarily but not in the long run. The greatest challenge to a goal consists of many paths to less worthy ones)  I don’t know a better way to practice trust but to act anyway despite uncertainty. I recalled a moment during the summer when I felt a burning sense that I got to do something because I can, and because I cannot let myself stuck in limbo forever. Introspection can only go so far. Also, waiting for an inspirational moment isn’t a reliable strategy. To paraphase my drama teacher: “It’s much easier to act into a feeling than to feel into an action”. Remember to act anyway. Life is too short to be disengaged.
On confusion: Confusion and clarity are two sides of the same coins: as I learn more about the world and who I am, confusion will inevitably arise simply because more information requires more time and processing power. I’ve learned to celebrate confusion as a sign of gaining more data about life; they just haven’t made sense yet. The good thing about getting older is that there are enough data to observe patterns – the way I operate, the mistakes I keep repeating, the phases I go through – which allow me to understand the deeper causes. On that note, I’ve come to see life as a continual process of optimization and recaliberation. Optimization is to ask “What is the best thing to do given what I know?” and recaliberation is to ask “How can I know even more, and how will that change what I am doing?” In other words,
while (alive) {
plan, do, reflect, synthesize;
}

  • Overcoming self-judgment. If I were to describe my internal transformation for the past two years, it will be a shift from “What is wrong with me?” to “Is this normal?” to “This happened. Probably not what I want. Time to try something else”. It sounds easy, but when it comes to personal matters it can be quite hard to be neutral, let alone compassionate with oneself. On this note, mindfulness meditation has been hugely helpful in additional to my journaling habit. It opens the door to a kind of mental freedom from the overthinking tendency. The mind is a weird place; it never shuts off. It is like getting stuck in a stuffy room with nothing but a lousy TV that jumps to random channels all the time, mostly with boring advertisements or terrible news (I guess Facebook feed is quite the same for many people). Now you can imagine what freedom tastes like. I actually enjoy being in that room more and more; the TV jumps less often, the channels are more interesting and once in a while I can get out of the room for some fresh air.
  • One role of meditation is as a training in disidentifying with thoughts. My consciousness is the TV screen, not the stuff it shows. With that understanding and practice, I become a lot more chill. Another practice I am doing is to be overly polite and curious with my thoughts, which is to say that whenever I hear an internal judgment saying something like “You should / shouldn’t do xyz”, I would automatically respond “Thank you for sharing” and then “Isn’t it interesting that I am bored? Anxious? Impatient? Having sexual fantasies? Feeling insecure about the future? Thinking? Writing these lines for no good reason but for the sake of writing?”. Not that I stop experiencing these mental and emotional phenomena, it is to recognize those as a thing and then let them go. The practice is so powerful that I almost forgot what my mind was like before…

More specific self-knowledge and advice for myself
Potential downfalls: all my major screwing ups this year have come from hoping to be clever and failing to pay attention to details: cutting short preparation thinking that I will be on time (hopelessly optimistic), playing with the system betting on the facts that not many will find out etc… Good reminder to myself again: consistency trumps cleverness.
+ Being more strategic: Lesson from public speaking class: telling the truth is only one component, saying it at due time with good delivery can make the whole difference. While people value my authenticity, I need to work on timing and delivery.
+ Experimental semester: Perhaps the biggest experiment this year is to take a very light course load this Fall semester, none of which is my Comp Science or Philosophy major. I wanted to see if I truly miss them, and if I do then which part of them do I miss? (absence makes the loving hearts grow fonder huh?) It is a risky bet, given that I only have 3 semesters left. What has this revealed? First, I miss the idea and thinking of technology and a space to muse philosophically. I wanted to learn to think and design in systems. On hindsight I wish I took an elective Comp Science class to keep sharpening the skill, but frankly I don’t miss programming as much. I had this “Fear of Not Doing Anything Technical” simply because of this belief that “technical = employable”. Another fear to overcome soon.
+ A second revelation is that I definitely don’t enjoy chilling that much, in the normal sense of the word – TV series, loitering around. I have plenty of time on my own to read and write and explore other stuff, which wasn’t bad at all, but I really thrive in doing purposeful work (including hanging out with friends and watching educational Youtube videos) It sounds terrible and hopelessly pragmatic, but it is pretty much how I operate. Good lesson relearned: I want to do stuff with people for people! Given my overthinking tendency, it’s easier to err on the side of doing too much and then scale back.
– I did one thing right: when I am not sure about what I want to do, it’s better to not commit to too many things and keep space for serendipity. Most if not all the cool projects, prizes and groups I’ve encountered comes from having time to do random thing that seems intriguing.
– However, remember that with the privilege of having diverse interests comes the responsibility to make all of those things relevant, for myself and for other people. Relevance creates values. As much as I learned to be present, planning for the future is still important: because I will not only have to feed myself but also bring my whole Self into it. Otherwise I will fall into this limbo experience again, killing myself with a dull knife.
– I have pretty good clues for what good work seems like to me now: that I am understanding and being understood, giving and receiving frequent and thoughtful feedback and being curious. People really bring the best out of me – an imagined reader for my writing, a real audience for speaking or a group who disagrees without being disagreeable.

Celebration

2015 is a year of much internal growth (surprisingly also with some external achievements). I looked at my journal – at least 100000 words since last year. It reminds me of how much work each of us has to do internally all the time. It helps to check in with myself often – I am the only one who will stay with me until the end, so it is always good to make sure we are on the same page. Once in a while there will be moments of self-doubt, insecurity or boredom. Feel them slowly and fully, let them reveal what my innermost is asking my day-to-day self to pay attention to. So much of the learning this year comes from accepting paradoxes. I am enough, and I can be more. The future is uncertain, yet we can shape it. Planning is crucial in order to be spontaneous. I need to take myself both more seriously and unseriously. That the wisdom of others is helpful, but I still have to blaze my own path.

I’ve become a lot wiser, more loving, bold, knowledgeable, charming, useful and fun to be with (depending on what “fun” means). I actually like what I see in the mirror! My relationships with people are blossoming too: it is a joy to be wide open with others (having crushes too often is a great dilemma). The journey has been rough at times when I get tested in difficult situations, when my ego took over me (aka moments of fear or stupidity under the disguise of “being clever”) Fortunately I am surrounded by kind people who make it safe for me to reflect and self-correct.

I have grown quite organically (certified by friends ^_^). 2016 for me will be giving and taking even more from the world. Knowing my reflective nature, the only way forward is more engagement. I have a hunch that a Force is reawakening inside. If it is truly so, may I respond to the Call!

 

Exploring regret

Yesterday I was going out for dinner with a group of good friends and afterwards everyone wanted to go to karaoke. I wasn’t in the mood for it, and I guessed from past karaoke experiences that I wouldn’t enjoy it anyway. Pressure was high, so I caved in to say Yes, but at last I didn’t go. Instead, I went back, had a good chat with a friend, slept early and woke up fresh.

I made the right decision; I wouldn’t want to trade my sleep for something I didn’t quite enjoy. Yet surprisingly, a part of me still thought of not going for that karaoke. Was that regret? If so, why should I regret something I didn’t want to do and feel like doing?

“Don’t sweat the small stuff”, you say. There’s no point to regret, right? What happened already happened.

There is a point to regret actually. It is a thing I can explore. You know, every person is a curious thing – including myself. In the past, I would dig into myself with these kinds of introspective questions. Now I’ve got a better tool to dig – meditating directly on my sensations – and I wanted to play with what I found. Plus, given that in the future I will make a lot more important decisions I may as well get used to that feeling of “Darn, what a dumb move”.
Regret is like my uncle who doesn’t visit me often, so I want to hang out with him more when he comes. What is regret really like?

In reality, I don’t think my friends cared that much about me not going – they are good friends after all. Bear with me though for the sake of this exploration.

As I closed my eyes, sometimes regretful thoughts would pop up. My face would cringe; my lips would tighten. I must have looked from outside like I was in pain. Interestingly, this state was very similar to the state of intense focus. I did not have too many self-loathing thoughts like “Omg you stupid freaking anti-social hermit” but rather critical questions: What would have happened if I were there? What did I miss? Who were upset by me?

I was mostly calm throughout. However, specific thoughts triggered these intense sensations. These thoughts went like this: “I wasted a chance to be with the group of people I enjoyed being with but would rarely have the chance to see them again. I also wasted a chance to see myself and other people shining (or being silly, at least for me) in singing. More importantly, it was an opportunity to practice finding something fun in what I don’t usually enjoy, for the greater sake of being with people I want to be with. Basically, I was being stupid. I might have hurt my own image in my friends’ eyes. Worse, I might have hurt my friendships.”

I had no valid excuses not to go; I had all the time in the world. Even my friends who would have exams and work the next day decided to go, what excuses did I have? None. Because it is the nature of excuse; it is something we used to mask the only reason – the real reason – we do anything. I did not go because I didn’t feel like going. I knew I should have gone, but I couldn’t help it. Would it have been fun? Most likely. Then why the hell did I not go? Because I didn’t feel like it.

I learned quite a few things from this short meditation. I realized my deeper fear is no longer the fear of regret but rather is the fear of being stupid, of not doing what the situation is best for, and lastly of upsetting other people. Another interesting observation is how hard it was to hate myself. I did tell myself “You were dumb, Khuyen” but not as a fuming boss but rather a half-joking friend. I also faced the fear of upsetting other people, something many of us shared. This experience is a good preparation for the future where I will have to make difficult decisions that affect even more people. I will have to say No to a lot of temptations and less important stuff. I will have to stick to my guns. Every decision divides, and I have to accept it.

I used to hate my over-musing tendency. I hated the inner chattering in my head – why couldn’t he shut up? Now I accepted that he would always be there anyway, so I’d rather understand and be a better friend with that guy. Some times he can do a lot of good thing.

22 – A reflection

Why

I’m writing this note for two reasons. One is for me: to take stock of my life, celebrate what I’ve got so far and think about the near future. But if it is only for that reason then this note may never appear in presentable proses like this.

The second reason is that it is for others.

One thing that struck me from meeting more people is how each of us can learn the same few lessons from seemingly different experiences.  I’m a very practical guy, so I want to use my birthday for good. Last year for my birthday, I and a group of friends came together to share our reflection on the first year at Tufts, and I felt very fulfilled for facilitating that conversation. (making use of the extra attention I have). I thus want to write about what I’ve learned with the hope that you can resonate with some of it. If you can reflect, learn and share about your own life then I’ve have done my job well. Thank you for your time, attention and thoughts.

Intro

I want to start this note with my reflection on one of the most important tool I learned – this very thing you are reading – words.
Given the amount of journal I write for myself, I’m always curious about people who do not journal – how do they get in touch with themselves? I have never gone for a few days without writing my thoughts and feelings down somewhere. My pen, my notebook and text editor are the dear extensions of myself. I started having my diary as a kid because I was afraid I would forget my own life. Over time, I realized writing not only helped me remember but also analyze and synthesize my thoughts. The final step – the synthesis – is definitely the coolest part because it is where I become more. I started sharing my thoughts a few years back in my blog because I personally experience how important the process of reflecting and sharing is to everyone’s learning. It is a way that I make a dent in the world, and I want to keep doing it.

Celebration

Since it is my birthday, I’d like to celebrate a bit. Here are what I have made a lot of progress on:
Presence: It’s very nice to hear from people that I am developing a presence. People notice I am there. Presence inspires attention, and attention then strengthens presence. Mindful meditation helped a lot, but more importantly I think it is the practice of a rule I set for myself: when I am there, I am there. It’s really cool 😀
Self-respect: I don’t mean it in a totally egocentric way. A tree has to be well taken care of before it can bear fruits for people, right? Coming from a culture where I was not used to talk about myself, it is easy to sell myself short and then pity myself as “Oh I’m not that good”, or “someone else deserves it better than me”. If it is true, why should I try for anything in the first place? I try to be a good parent of myself: I know he has a lot of potential, but he is also very stupid some times. He needs freedom to grow but also discipline for character and direction for focus. He is scared of repeating mistakes, of hurting people, of doing the suboptimal thing. I try to steer him away from those, but boy sometime you have to let shit happen. Parenting is hard…
Community: I’m surrounded by good people, and I like them a lot. I learned that I am way more fulfilled when I don’t try to make people like me and instead try to find out how the people I am with are special in their own ways. You know, curiosity is my thing. Once I know how my friends are special, I try to make them even more special because if they keep getting cooler I can boast about them and get more ego boost :”) Joking aside, relationships get better as we become more honest and loving. And good community starts with one relationship at a time.

What have I learned about myself as I turn 22

This semester has been a strange one with the snow. I sort of hit the infamous sophomore slump for a while, losing a bit of enthusiasm with classes – they are interesting but I’m not too excited. I focus more on relationships, on community; I care much less about classes and grades. Compare to the Fall when I met my partners everyday for our computer science projects, this semester I do a lot of individual work, which means I spend more time alone. It feels positive but a different kind of positivity. I didn’t feel super excited or stressed like last Spring. Sometimes I feel a bit out of place for being not stressed out (how ironic). Sometimes I feel alone when I see people walking by. I know each has a cool story to tell but I’m afraid he maybe too busy for a random conversation. Plus, it is hard to have a good conversation with a stranger in only 5 minutes anyway, so I tell myself that I’d rather not do in the first place.

If you know me, you know I often ask Whys. When I meet with friends, I tell myself beforehand that I’m meeting because I want to catch up or know them better or discuss some ideas. With an intention I can be more focused and get more out of an experience. One real big lesson I learned this year is that sometimes I don’t need a particular reason to do anything. The real purpose of doing anything is that I just want to do it. I remember a few late nights where I devoured Alan Watts talks – a master spiritual teacher who explains the most abstract ideas with blazing clarity. I experienced a kind of spiritual enlightenment, an elevated sense of liberation that I can do and be whatever I want. It gave me a perpetual high, the kind of high-ness that people who do drugs talk about. I became much less self-judgmental, realizing that whatever I do does not really matter. That newfound sense of freedom was strange at first though; it’s like money: we don’t know how we really feel about it until we have it. A problem with being so free is that for a while I felt a bit aimless. I didn’t feel the pull of a vision, of a goal I had for myself. I experienced boredom, and I panicked! I have always been the curious and eager child in every situation, and I knew I loved Tufts so much. Why and how could I even feel bored here? It was like discovering puberty for the first time and feeling weird about it. I thought I had a problem, and being a typical me, I sought out for help.

You know what the best thing that can happen when you think you have a problem? To hear someone you trust explaining why it is not really a problem. I talked to my mentor about the experience. To my surprise, he laughed very gently “You have to suffer for it my friend. You have to experience boredom before you find a sense of a purpose”. I realize I was in a sense having a withdrawal symptom; I was missing the “good” time and wanted it to come back. That moment was when I learned again the second big lesson of the year: One simply does not skip straight to the good part of an experience I can’t expect to be a high all the time because then what does “high” even mean? Every experience is a new experience that I haven’t had before, and this time I learned deeply, not just intellectually, that “there is nothing either good or bad – only thinking makes it so”.

I thought I had a problem because internally I knew that I was not growing that much, comparing to how much I’ve grown last summer (an amazing and traumatizing project, an exciting and exhausting experience living on my own in another city) and last semester (an intense computer science class). This semester seems too relaxed for me relatively. I partly worried that I am not taking up enough challenges and becoming lazy instead.

But I am still growing. My mentor told me a nice analogy: just like a young tree has different grow spurts, I too cannot expect to grow fast all the time. I need to appreciate the stage I am at right now. The young tree is more fragile but also more resilient; its branches are not as strong but they can heal quickly. As the tree gets older, it may not be as resilient, but it is firmer and it can be a place of support for others 🙂 And you know what happens when a tree is almost done with growing? It starts bearing fruits. My tree is not just growing; it is bearing fruits for the world too. I am making a good impact on whatever or whoever I interact with. These are all good reasons to celebrate, and I do celebrate my life everyday when I wake up.

I often tell my friends that I am the happiest guy on campus because I really am. I can be the momentary ecstatic type and also the generally quiet, contented type. I can smile and tell people that I am super tired. I can be anyone if I want to. I am becoming more coherent within myself, between what I feel like doing and what I think I must do. That coherence gives me a lot of energy. You know the feeling when everything just clicks and you feel invincible? I just hit that spot. It is literally unlocking a source of superpower, and better yet I learning how to renew it (hint: sleep is the way). There is still a nagging sense that I am not growing as fast, that I am wasting some of my potential and that I am getting too comfortable — even overconfident. Perhaps I am. What I need is a clearer challenge to tackle now. And I know what it is: to figure out what the world needs and where I can channel my superpower to where it matters the most. Then I will achieve total coherence and become the Master of the Universe! I can play the Hero role in my life, the Supporter and Mentor or even Badass Villain role in someone else life – who knows? Let the stories unfold.

Other musing about life

  • One of the most profound experiences I had this semester was torturing myself with two application essays (one of them here). It was so hard to write it with honesty and compassion for myself. I almost got into a mini depression for a week, cringed and cried writing some lines, sacrificing some classwork. The application was not accepted (not me), but do I feel disappointed? Very slightly. I started writing the essay with the purpose of understanding myself, and the very struggle I had during that process brought me to the next level. I truly learned the lesson of self-acceptance, so much that I still joke with people “I wish I could hate myself”. Love blossoms with understanding. I am a very good friend of myself now, and I will make sure our friendship gets better. We go on date on paper, through food, by singing and dancing.
  • On praises and self-esteem Over time, I learn to see praises as one form of feedback. It’s nice to hear praises like I’m (insert-a-positive-adjective-here), but it’s less about the ego-stroking effect. Rather, I learn to see it as a feedback for what I am good at so I can focus on being even better. If you want to make me happy, offer me your feedback & observation (it doesn’t hurt to cushion it with some kind words too – my ego can be fragile ^^) It’s the best thing you can do for my growth.

  • The cycles of life. As I have more experiences, I started to notice larger patterns in my life. There are times where I am bored or on fire, mellow or passionate, stressed out or relaxed. One of the most beautiful thing I got from meditation is understanding the idea that what goes up must come down, and what goes down must come up. Literally, I cannot neither breathe in nor breathe out forever. I have to let nature take its course first – trying to do otherwise is a recipe for downfall. But it doesn’t mean I cannot do anything about it. As a human, I have the capability to reflect on my experiences. Analyzing the past can yield helpful insights about the future. I can find out what I like and try to do it again, and do it even better.

  • Dealing with boredom I can get bored with classes, but I never get bored with my own project of self-education. What can I learn from you and about you? How can I help? What can I contribute? What can we do together? What does life have in store for me today? I am on fire whenever I hear or ask a good question – the first ingredient to an education.

What is ahead?

I don’t know. I can tell you my plan for next 3 months (will be in the Bay Area till end of July, back in Saigon for August and then Hanoi for a week) but I don’t want to plan too much further. I have a few guidelines for myself though

  • When certain, be kind. When in doubt, be kind. But never settle for less; if I can get more without hurting others, do it. Don’t be stupid.
  • If I don’t know what I want AND I don’t ask for it, I will never get it.
  • Stay connected, engaged and curious.
  • Work, relationship and a greater purpose are what make life meaningful.

Gratitude

As a tradition I had since I turned twenty, whenever my birthday approaches I think about death. I pondered with that question last night in bed, and came up with the conclusion that if I were to die tomorrow, I would probably call a few people to say thanks, write a note and then relax. I don’t need a statue for myself after I die. I don’t want people to ask “Why is there a statue of this guy?” I’d rather them ask “Why isn’t there one”?

I’m contented and grateful for life and for all of you who have been part of it. I’m doing well. I have food (sometimes they are free!) and a safe place to stay; I feel belonged at Tufts; I know I am loved by at least 4 people; I have reasonable self-esteem and I continuing to have more cool transforming experiences. I am also trying to do more of what I really like to do, namely learning and helping others learn. I love seeing myself and others growing (and flowers too, as spring has finally come). It is fulfilling to see that I am making a positive and tangible impact on someone’s life.

Growing up is interesting. A lot of new experiences. Fun and meaningful and fulfilling, and I’m loving every moment of it. I hope I share a bit of that joy to you too. Thanks for reading.