Nỗi niềm của một cậu gia sư tiếng Anh – A private English tutor’s dilemma

Nếu đã quyết tâm vào đại học thì cố gắng vào bằng cách xứng đáng nhất nhé!

The English version can be found below. I put the Vietnamese version in front because it is more relevant, but no matter where you are from, your thoughts are always welcome here 😀

—–

Mình không biết mình có được gọi là “gia sư tiếng Anh” không nữa, vì thực sự việc làm thêm của mình chỉ là dạy học sinh làm thế nào để thi qua mấy kì thi tiếng Anh – một điều chắc chắn không phải là tất cả mục đích của hai chữ cao quý “gia sư” (“sư” đã có nghĩa là thầy rồi). Đây là việc làm thêm dễ kiếm tiền nhất ở Việt Nam cho một đứa mới học xong cấp 3 như mình nên cũng không ngạc nhiên khi có nhiều đứa bạn ganh tị với mình:  “Kiếm tiền dễ thế còn đòi hỏi gì nữa”. Công nhận là mình rất may vì qua cái việc này mình mới thấu hiểu nỗi niềm của người “gõ đầu trẻ” (vì trước giờ và kể ra sau này nữa thì mình vẫn là học sinh mà). Được trải nghiệm với cái dằn vặt này bây giờ cũng tốt vì đây là những cái kiểu gì sau này đi làm mình sẽ phải trải qua.

Hôm trước mình có nói với 2 em học sinh (sinh đôi nhé) lớp 12. Học được mấy buổi, cho làm bài thi thử thì mình thấy 2 em dễ dàng được 8 cho môn Anh. Để đỗ vào trường 2 em chọn cần 16 điểm tức là Toán Văn phải được trên 5, chuyện nhỏ như con thỏ với sức học của 2 em ấy. Đây là sự thật, biết mình biết ta qua các bài thi thử chứ không phải là tự kiêu gì. Lạ quá mình mới hỏi “Trường lấy có 16 điểm, tiếng Anh em ok thế này học với anh làm gì nữa?”. Hai đứa bảo tôi là tại mẹ em lo quá mức, rồi còn xin tôi bảo mẹ cho 2 em ấy thỉnh thoảng xem ti vi tí.

Tôi không quá ngạc nhiên nhưng vẫn hơi buồn.

Công nhận là mẹ hai em có lý: chẳng ai muốn con mình tự  kiêu rồi chủ quan trước kì thi to thế này (mặc dù to hay không tùy vào cách người ta nghĩ thôi). Hơn nữa, nếu không đi học thêm thì bố mẹ sợ con lại ngồi nhà chơi. Hiểu là thế nhưng mình vẫn thấy không ổn kiểu gì ấy. Qua một thời cấp 3 học xa nhà mình mới hiểu thêm 1 điều về việc dạy con: hầu hết bố mẹ đều muốn cái tốt nhất cho con mình, nhưng không phải ai cũng biết cái tốt nhất đấy là gì.

Đây là công thức để trưởng thành của mình: Trưởng thành = Điều kiện kích thích (khó khăn gian khổ) + Khả năng học hỏi (từ những khó khăn đấy). Đành rằng cho con em theo học ở những nơi tốt nhất sẽ tạo điều kiện tốt nhất: giáo viên giỏi, môi trường chất lượng thì mới thử thách các em được. Tuy nhiên, cái vế sau thường hay bị bỏ qua: liệu bố mẹ có biết con mình thực sự học được nhiều điều từ những “cơ hội” mà các em bị bắt phải chộp lấy như thế? Nếu không thì các em chỉ bị vô cớ ném vào cuộc đua học gạo để thi đỗ. Mà chuyện này thì chắc mọi người cũng rõ rồi, chưa kể bây giờ các em chết mệt mà sau này nhìn lại chỉ thấy vừa ghét vừa lãng phí cả quãng đời học trò.

Mình hỏi tiếp 2 em: “Cứ đủ điểm là đỗ, cao thấp bao nhiêu không quan trọng đúng không”.  Gật đầu. “Thế ai sẽ vui nếu hai em được điểm cao như vậy? Trừ phi em đỗ thủ khoa 30/30 may ra mẹ em còn đi khoe với bạn bè được (mà anh nghĩ chả có đứa nào thích chuyện khoe con này). Sau này nghĩ lại điểm có để làm gì đâu? Thế thì cày thi làm gì nữa? Thi xong mà cần học Ai eo Tóp phờ thì nhờ anh còn có lý.” Hai đứa khẽ lắc đầu nhưng vẫn có vẻ chưa tự tin lắm. Có thể hai em chưa quen với việc tự mình quyết định những thứ như thế này.

Mình quyết định giãi bày với hai đứa nỗi niềm của gia sư như mình.

“Hai em là kiểu học sinh mà gia sư dạy thêm như anh thích nhất, chăm chỉ, hiền lành, dễ bảo. Anh có thể cho em một xập đề đại học mà anh lấy trên mạng hay mượn của mấy đứa bạn đã từng đi học lò rồi bảo em về làm hôm sau anh chữa như mấy lò luyện thi khác. Bọn em còn lạ gì mấy lò đấy, một buổi có khi cả 500 người, kiếm bẵm lắm. Thay vào đó, anh chỉ cho em trang nào kiếm tài liệu, sách nào rồi list từ vựng nào để học, rồi kinh nghiệm thi cử, làm bài thi thử xong gặp câu sai thì tra và học từ đấy thế nào.

Anh hoàn toàn có thể chọn cách đầu tiên để kiếm tiền, vừa dễ vừa nhàn, rất hợp với thằng lười như anh. Nhưng mà anh thấy nó không phải với bọn em hay với tiền anh nhận. Hai em phải hỏi anh trước hết  bằng cách nghĩ là việc quái gì mình phải tiêu tiền của mẹ cho cái anh này dạy mình cái mà mình có thể tự học được nhỉ? Suy cho cùng thuê gia sư là để cho em tự tin hỏi vì ở lò đông người khó hỏi mà. Anh bảo em những cái này là anh đang tự mình hại mình vì anh đang vứt tiền đi đấy, nhưng mà thà thế anh còn thấy đỡ hơn”.

Công nhận là vì điều kiện các gia đình khác nhau nên nhiều bạn học sinh không có động lực “vì tiết kiệm tiền cho bố mẹ” hoặc “nóng thế này đi học thêm chết ngốt à” (lý do yêu thích của mình hehe). Có những bạn đi học thêm vì phải có người bắt học mới chịu học được, nhưng đối với sĩ tử lớp 12 thi đến nơi kiểu này có lẽ vẫn đề chính là các bạn tự học như thế nào. Đó là cái mà mình có thể giúp khi mình đi gia sư. Mục đích thật sự của người gia sư là để cho học sinh không cần gia sư nữa.

Khi đang viết những dòng này mình thấy mình có thể khá là đạo đức giả. Ai chả cần tiền (đặc biệt là sinh viên đi làm thêm), nhưng mà mình cũng cần phải cảm thấy đúng với chính mình chứ. Có lẽ cách tốt nhất để mình bớt cái đạo đức giả là bảo mọi người về nó… Mình bảo mấy em học sinh khác về tự hỏi chính các em và bố mẹ là liệu anh gia sư có đáng đồng tiền không. Mình có thể bị tổn thương nhưng ít nhất còn đỡ phải dằn vặt thế này.

—–

I doubt if I’m entitled to be “a private English tutor” because what  I am working as now is essentially to teach students how to crack the various English exams they are undertaking very soon, which in my opinion is definitely not the whole purpose of the noble job of “tutor”. It’s the easiest, most bang-for-the-buck part time job in Vietnam for a recent high school graduate like me. Not surprisingly, this “easy money” is enviable by almost every local college student. I’m grateful, for this job gives me a lot of insights about the teaching profession (since I’ve been a student for most of my life, and perhaps for years to come). More importantly, the job exposes me to a very real life dilemma that I  certainly will have to face when I finally join the fully fledged world of  adulthood.

To begin with, I had a conversation with two of my students (they are twins) yesterday who will be taking the university entrance exam in 2 months. After a few lessons and a mock exam, I predict that they could easily get 8/10 for the real one. To get into their chosen university, they only need 16/30 for 3 subjects, Maths, Literature and English, and I’m sure getting 5/10 for both Maths and Lit for them is a breeze. Confused, I asked them “If your target is so low then why do you even need me?” To my dismay, they said their mom worried too much. They even begged me to tell her to let them watch TV sometimes.

I wasn’t too shocked, but saddened a bit nonetheless.

Their mom surely has a point. No parents wants their kids to be complacent, especially before such a big exam (although it’s only big if they make it so). Plus, if their kids are not going to extra lessons they may be slacking off at home. Understandable concern, but somehow still discomforting to me. Plowing through high school away from home taught me one thing about parenting: almost all parents want the best for their kids, but  not many know what that best thing is.

Here is my equation for growth: Growth = Stimulus + Recovery. Admittedly, sending children to the best classes provides good stimulus: exciting environment, quality teachers and so on. Yet, very often the second part is neglected: recovery in this context requires parents to check frequently if their children are progressing from all these “opportunities” they are forced to take up. Otherwise, children may just be inadvertently thrown into the rat race, which likely results in burning out and/or a sense of intense hatred and waste upon looking back.

I probed the twins further: “Would high grade or low grade matter as long as you get beyond the entry grade (16 in this case)”. They nodded. “Then who would be happier if you score higher? Unless you score 30/30 then maybe your mom can brag to her colleagues (something that few of us as children like). In retrospect these scores make no difference anyway. Is drilling the college exam paper over and over again worth pursuing? After the exam, if you want to study for IELTS/TOEFL then I maybe more useful there.” They shook their heads, but still looked somehow held back. Perhaps they weren’t used to make this kind of decision.

I decided to tell them all about my dilemma.

“You are the ideal type of students for a part time private tutor like me: hardworking, meek and unquestioning. I can just give you tons of exam papers which I easily download from Internet, ask you to do and then I will correct when we meet just like any ultra profitable tuition centers, some up to 500 student per class here. Instead, I taught you where you can find materials online, what books and word lists to learn from and how to perform mock timed exams and learn from the mistaken ones.

It’s tempting to choose the path of least resistance to earn that easy money. But I can’t. It just feels wrong, for you and for your mother’s money. You have to question me by thinking to yourselves “What the heck? My mom is paying for this guy and he’s teaching me something that I can easily learn on my own?” After all, isn’t the whole point of private tuition to give students some autonomy like that? In telling you all these, I’m shooting myself in the foot in the sense that I’m simply throwing away easy money. But it gives me peace of mind.”

Admittedly, due to different backgrounds, many students are not much motivated by the save-money-for-parents argument. Or the oh-my-god-it’s-so-hot-outside-why-must-I-go one (my favorite by the way) Some go for extra classes because they can’t find enough self-discipline to study, but for the case of grade 12 students preparing for exam in 2 months like this it’s more likely that they don’t know how to self-study. That’s where I think I can be most helpful. The real purpose of a tutor is to free his students from himself.

At the moment of typing this, I feel like a freaking hypocrite. Everyone needs money. But we need to feel good about ourselves too by living up to our own purposes. The most effective (and also painful) way to combat against my hypocrisy is to let others know about it. I told my other students to ask themselves and their parents honestly whether my tuition is worth their money. I maybe hurt for a while, but at least I will be free from this dilemma.

Advertisement