Tựa: bài viết này là bài số 2 trong series 3 bài những ngẫm nghĩ về cuộc sống từ sự kiện Hội Đông Toàn Thân. HI vọng nó sẽ gợi cho mọi người nhiều điều suy ngẫm.
Có hôm thứ 7 được lên Chạm Ngẫu Hứng giữa đồi thông, lên đến đỉnh đồi thấy một cây thông với một cái chạc to và thấp, mình nối hứng không chỉ muốn chạm vào cây mà còn muốn trèo lên.
Trước khi trèo, mình có dành ra vài giây để xin phép đàng hoàng.
Mới hiểu là trân trọng người khác không chỉ có kiểu nhẹ nhàng nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa. Còn có thể trân trọng qua cách hết mình.
Lúc mới trèo lên chạc cây thấp tầm ngang người và ngồi ở đó ngắm xung quanh, mình đã thấy vui vẻ mãn nguyện lắm rồi. Ở đó một lúc xong định xuống, mình lỡ mắt ngước nhìn lên trên.
Cây thông này như sinh ra để mời mình leo lên vậy. Giữa cả một khoảng thân cây dài hơn năm mét chỉ có một vài mấu cây nhỏ vừa đủ để leo. Vừa leo chân lên từng bước, vừa thò tay tìm thêm mấu tiếp theo.
Cứ leo lên leo lên mãi, nốt thêm một chạc cây nữa cho tới khi lên tới đỉnh.
Lâu lắm rồi trong lòng mới hân hoan như vậy.
Khi leo cây rồi bạn mới hiểu nó yêu cầu sự tin tưởng tối mực thế nào.
Tin vào bản năng của chính mình, tin vào cây để dám dựa vào đó, tin là cây sẽ đỡ được mình, tin là cây thực sự muốn mời mình lên.
Trong đời có mấy khi thực sự tin tưởng một người khác như vậy??
Là một người vốn cẩn trọng với thời gian công sức của (“bệnh quá tỉnh táo”), mình được một giây phút đê mê hết mình quên đi gần như tất cả. Thế này không phải là yêu thì là gì?
(Giờ mới thực sự hiểu cảm giác được CHO LEO CÂY sướng đến mức nào 😄 Lần sau ai cho leo cây mình leo ngay)
Nghịch lý của nỗi cô đơn
Lên đến ngọn cây rồi mình mới ngẫm lại. Câu chuyện lớn hơn là chuyện thấy mình cô đơn, lạc lõng trong một nhóm người xa lạ.
Còn đau hơn nữa là cảm thấy như vậy với những người mà đáng ra mình phải thấy kết nối.
Buổi sáng mùng 2 có một bạn can đảm chia sẻ. Tối hôm trước, khi mọi người đang nhảy múa, bạn ấy cảm thấy không kết nối được với ai và rất tủi thân nên tự đi lên đồi thông một mình để được an ủi.
Khi bạn ấy đã thấy nguôi ngoai và có thể kể với mọi người về trải nghiệm khó khăn đó, mình nhớ tới một cảnh trong phim Mùa Cỏ Úa khi Nhạc sĩ Trần Tiến ngẫm lại về đời người: “Con người không trưởng thành trong bão tố hay chiến tranh. Con người chỉ trưởng thành trong nỗi cô đơn.” Bác trầm ngâm rồi nói tiếp “nếu không tuyệt vọng”.
Có một điều rất đẹp và rất kì lạ là khi con người ta dám bộc lộ nỗi cô đơn của mình để người khác có thể lắng nghe thì lại thấy bớt cô đơn đi phần nào. Cô đơn cùng nhau thì nguôi ngoai hơn!
Quan trọng hơn và kì lạ hơn là muốn trưởng thành cùng nhau thì phải trân trọng nỗi cô đơn của nhau. Phải chấp nhận là dù có thân nhau đến mấy tri kỉ tâm đầu ý hợp đến mấy thì cũng sẽ có lúc thấy nhau như người lạ, ở cạnh nhau mà không thấy nhau, càng ở gần hơn càng cảm thấy cô đơn hơn.
Đó là nghịch lý của nỗi cô đơn.
Trên đời liệu có ai sẵn sàng cho điều đó? Sống vỡ lòng là sống với những nghịch lý như thế đấy.
Đây là điều tất cả cặp đôi dù có tri kỉ mấy cũng dần đần vỡ mộng và ngộ ra: tại sao tôi chọn anh vì nghĩ rằng anh sẽ giúp tôi bớt cô đơn mà rồi vẫn có lúc tôi thấy càng cô đơn tợn??
(đang hình dung ngỏ lời cầu hôn bằng cách sửa lời bài hát quen thuộc thành “Anh muốn cô đơn với em trọn đời” 😂)
Điều này dẫn tới một câu hỏi quan trọng khác.
Khi bạn cô đơn, bạn cần người khác ở bên làm gì?
Bình thường khi người ta cô đơn thì sẽ tìm bầu bạn.
Một phần người đó sẽ giúp bạn khuây khỏa. Nhưng một phần nào đó bạn cũng sẽ dần nhận ra rằng, giống như cực Bắc không bao giờ mất đi, nỗi cô đơn cũng không bao giờ mất đi vậy.
Món quá vô giá từ một người khác là thấy bạn, thấy nỗi cô đơn và trăn trở của bạn và trân trọng nó. Cho đến khi bạn có thể trân trọng nỗi cô đơn của chính mình.
Nỗi cô đơn không muốn bị coi khinh. Cô đơn không cần thiết phải là căn bệnh cần phải kê thuốc hay một vấn đề cần phải giải quyết.
Cô đơn có thể là liều thuốc ngọt khi ta biết nếm nó từ từ.
Nếu giải pháp cho nỗi cô đơn chỉ đơn giản là có thêm người ở xung quanh thì tại sao vẫn có cảm giác lạc lõng khi xung quanh có bao nhiêu người?? Rõ ràng con người ta đang hướng tới một sự kết nối sâu hơn thế.
Có một giây phút mình cảm nhận được điều này thật rõ rệt, một nỗi cô đơn thấm vào trong tận xương tủy: chúng ta đều cô đơn trong giây phút cuối. Dù xung quanh giường nơi mình trút hơi thở cuối cùng đó có bao nhiêu người thân yêu đi chăng nữa thì chỉ có mình là người sẽ được đưa qua cánh cửa đó tới một thế giới khác.
Đó cũng là lí do tại sao thiên nhiên (hay còn gọi là thế giới hơn-cả-người từ cây cỏ động vật gió đồi và không nhất thiết là siêu phàm thần tiên gì) có thể cho ta cảm giác được an ủi.
Không biết bạn như thế nào, nhưng khi mình ở trên đỉnh ngọn cây đó và ngẫm về nỗi cô đơn, điều mà tán cây và cơn gió giữa ngọn đồi bao la nói với mình không phải là một lời động viên “Mày không cô đơn đâu” mà là một sự công nhận “Tao biết. Tao biết. Tao biết mày cô đơn”.
Và điều đó làm cho phần mong manh nhất bên trong mình cảm thấy được lắng nghe. Đó là phần hiểu được sự thật khó chấp nhận nhất trên đời: “chúng ta đều cô đơn trong giây phút cuối”.
Điều này thì liên quan gì đến cuộc sống hằng ngày?
Thứ nhất, khi mình thực sự chọn con đường sống đúng và thật thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với sự thật khó nghe này.
Thứ hai, khi mình hiểu được điều này thì mình có thể ở bên cạnh người khác, chưa kể là dẫn dắt, lãnh đạo họ.
Có một chị bạn bảo mình chiêm nghiệm về việc mình làm trưởng dự án đợt này “Làm lãnh đạo thì xác định là cô đơn em ạ”.
Mình trả lời “Em biết em cô đơn, vì thế em mới làm lãnh đạo”.
Đôi lúc lại thốt lên một câu sực mùi sự thật như thế.
Cô đơn là động lực, không nhất thiết phải là hệ quả.
CỐ QUÁ LÀ QUÁ CỐ
Một câu chuyện hay xảy ra trên sàn nhảy cũng như cuộc đời là chuyện làm sao để kết nối với người khác.
Có một bạn khác trong Hội Đông cảm thấy rất bế tắc, vì dù đã cố gắng hết mình nhưng kiểu gì cũng không kết nối được với những người xung quanh.
Lại một nghịch lý khác: con người muốn kết nối và cần kết nối. Nhưng càng cố kết nối thì càng lại gậy ông đập lưng ông.
Điều này lúc nhảy Chạm với nhau thấy rõ nhất. Có những lúc cố gắng nhảy hết mình với một người khác mà thấy cứ có cái gì lệnh lệch sai sai.
Càng cố kết nối thì càng mất kết nối! Trong khi có những lúc hai ánh mắt mới bắt được nhau thôi mà đã cảm thấy có luồng điện chạy qua rần rần. Thế là như nào?
Cái tôi-thích-phấn-đấu của chúng ta hay nhầm rằng “Tôi phải đi kết nối”. Đúng là cần cái ý định đấy đầu tiên, ví dụ như chủ động nhắn tin rủ người khác đi chơi. Tuy nhiên kết nối thật sự thì nỗ lực thôi chưa đủ mà cần có nhận thức. Bạn chắc hẳn nhớ một lần nào đó đang đi trên đường nhìn thấy một người đi qua mỉm cười với bạn một cái đủ để làm mình ấm lòng cả ngày? Lúc đấy là khoảnh khắc mình nhận ra rằng kết nối không chỉ là một việc mình làm mà là bản chất của mình.
Cứ cố gắng nghĩ tới việc “làm thế nào để kết nối với bạn nhảy của mình” thì càng dùng lý trí để làm một việc rất tự nhiên của con người.
Nó giống như dùng búa để tưới nước, NHẦM CÔNG CỤ!
Thế phải “làm” sao? Thở ra, để người mình thoải mái, để sự chú ý tới không gian này, tới người mình, tới người kia, tới điểm kết nối… Nó dễ hơn mình nghĩ.
Cụ thể như thế nào, lần sau sẽ viết tiếp…
Phần 3: Tại sao Sống Với Nhau Lại Khó Thế?
Cô đơn – một khái niệm với mình cũng còn nhiều mông lung, lâu lâu vẫn hay tự hỏi mình. Bài viết của bạn khiến mình phần nào cảm nhận lại về nỗi cô đơn và suy ngẫm về nó. Cảm ơn bạn 😊
Công nhận là leo những cái cây mời gọi rất là thỏa mãn nhưng lên cao rồi sợ vì có 1 mình có chuyện gì thì ko ai đỡ được. Nhưng cũng chỉ có mình mới có thể giúp mình vượt qua nỗi sợ đó thôi nên chấp nhận cô đơn vì sinh ra chúng ta được sinh ta 1 mình và chết đi cũng thế mà.
Mà chị thấy nếu càng tri kỉ mà càng xa nhau thì là do nhận thức, tâm thức chuyển hóa và người đó đến lúc nào đó 2 ng ko đi cùng nhau nữa thì rẻ qua đường lại gặp người tri kỉ. Và chị cảm nhận tri kỉ là tri kỉ dường như ko phân biệt là cá nhân, cá thể nào, mà dường như mình cùng đi với chính mình, “tri kỉ” đó sẽ có thể là những ng khác nhau nhưng là “tri kỉ” đồng hành với mình trong thời điểm khác nhau trong cuộc đời, “tri kỉ” đó cũng là bản thân mình. Đây là điều chị nghiệm ra khi có cảm giác “tri kỉ” với một ai, ko có khái niệm thời gian ngắn dài hay chỉ thoáng qua.
Cầu hôn mà muốn cô đơn trọn đời bên em nghe buồn lắm lun á vì chẳng khác nào bên em mà vẫn cô đơn. Sẽ khó hiểu theo nghĩa tôn trọng sự cô đơn của nhau. Hãy để cả hai có thời gian cô đơn khi ở bên để có một hôn nhân lành mạnh hơn
Bài viết hay quá ạ. Cũng giống như việc cô đơn đôi khi là động lực, ko nhất thiết phải là hệ quả. Người ta hay nói về cô đơn như một sự tiêu cực, nhưng rõ ràng cô đơn cũng có 2 loại: Cô đơn bị động thì vật vã, đau thương. Cô đơn chủ động thì an yên, thanh thản.
Pingback: Ngầu hay là Yêu (mình)? | Khuyen